Tiêm chủng chậm chạp, người già Italy một lần nữa phải trả giá
Tỷ lệ tử vong do COVID-19 của Italy vẫn không thay đổi, thậm chí một lần nữa tăng lên do nạn nhân chủ yếu vẫn là người cao tuổi.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Papa Giovanni XIII ở Bergamo, Italy, ngày 18/3/2021. Ảnh: AP
Một năm trước, Bệnh viện Giáo hoàng John XXIII hiện đại nhất vùng Bergamo sắp “sụp đổ” khi các bác sĩ phải vật lộn để chữa trị cho 600 bệnh nhân, trong đó có 100 bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt. Những chiếc xe tải quân sự liên tục chở người chết từ lò hoả táng quá tải của thành phố đã trở thành những hình ảnh đau thương khắc sâu vào ký ức người dân.
Bức tranh hiện tại đã được cải thiện nhiều: Bệnh viện Giáo hoàng John đang điều trị cho không quá 200 bệnh nhân COVID-19, và chỉ 1/4 trong số đó cần được chăm sóc đặc biệt.
Nhưng có một thứ vẫn không thay đổi, đó là khi tỷ lệ tử vong ở Italy tăng lên một lần nữa, thì nạn nhân vẫn chủ yếu là người già.
“Không, trời ơi, tôi đã không thể bảo vệ được người già, không thể nói rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ người già”, Tiến sĩ Luca Lorini, trưởng khoa chăm sóc đặc biệt của bệnh viện đặt theo tên vị Giáo hoàng sinh ra ở Bergamo, kêu lên đau xót. “Nếu tôi có 10 bệnh nhân trên 80 tuổi và họ bị COVID, thì ở độ tuổi của họ, cứ 10 người có đến 8 người chết”.
Điều đó đúng trong đợt sóng dịch kinh hoàng đầu tiên và vẫn “hoàn toàn giống như vậy” trong các đợt sóng đột biến tiếp theo, Tiến sĩ Lorini cho biết.
Tiến sĩ Luca Lorini, Trưởng khoa Chăm sóc đặc biệt Bệnh viện Giáo hoàng John XXIII trả lời phỏng vấn AP ngày 18/3/2021. Ảnh: AP
Video đang HOT
Những cam kết tới cuối tháng 3 này sẽ tiêm chủng cho toàn bộ người dân Italy trên 80 tuổi đã thất bại, trong bối cảnh nguồn cung cấp vaccine bị gián đoạn và thiếu hụt.
Chỉ 1/3 trong số 7,3 triệu liều vaccine COVID của Italy đã được sử dụng cho đến nay là dành cho nhóm tuổi đó. Hơn một nửa số người mang ký ức về Chiến tranh Thế giới thứ 2 vẫn đang chờ mũi tiêm đầu tiên.
“Chúng tôi lẽ ra đã phải làm xong chuyện này”, ông Lorini nói với hãng tin AP.
Trong chuyến thăm Bergamo vào ngày 18/3, tân Thủ tướng Italy, Mario Draghi, đã cam kết sẽ đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine. Lời hứa được đưa ra khi ông Draghi dự khánh thành một công viên tưởng nhớ 104.000 người Italy đã tử vong. Tính đến đầu tháng Ba này, 2/3 số người chết là những người trên 80 tuổi.
“Chúng tôi có mặt ở đây để hứa với những người cao tuổi của chúng ta rằng sẽ không bao giờ lặp lại chuyện những người yếu đuối sẽ không được giúp đỡ và bảo vệ đầy đủ nữa. Chỉ có như vậy, chúng ta mới tôn trọng những người đã ra đi”, Thủ tướng Draghi phát biểu trong ngày tưởng niệm đoàn xe quân sự đầu tiên chở bệnh nhân COVID-19 tử vong đi từ Bergamo.
Nước Ý có thể hy vọng nhìn thấy tương lai sáng sủa hơn bằng cách hướng mắt sang Anh, quốc gia đầu tiên ở châu Âu cấp phép tiêm chủng đại trà. Trên 38% dân số Anh đã được tiêm phòng COVID kể từ đầu tháng 12/2020, bắt đầu từ những người trên 70 tuổi, nhân viên y tế và nhân viên nhà dưỡng lão.
Từ một quốc gia dẫn đầu châu Âu về ca tử vong do COVID, nước Anh đang chứng kiến tỷ lệ tử vong ở những người trên 75 tuổi giảm từ 75% trong tổng số ca tử vong lúc trước tiêm chủng, xuống còn 64% trong tuần kết thúc vào 5/3.
Bệnh nhân COVID-19 được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Papa Giovanni XIII ngày 18/3/2021. Ảnh: AP
Số ca tử vong trên khắp nước Anh cũng giảm mạnh xuống mức trung bình 128 ca/ngày trong tuần qua, so với mức 1.248 ca/ngày trong tuần kết thúc vào 20/1.
Bên cạnh các nhân viên y tế, Tây Ban Nha, Pháp và Italy ưu tiêm tiêm vaccine cho cư dân các viện dưỡng lão – cho đến nay vẫn là nhóm dân số bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Họ chiếm 1/3 số người tử vong trong đợt dịch đầu tiên ở Italy và 1/3 số người chết trong đại dịch ở Pháp.
Tại Pháp, các ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tại các nhà dưỡng lão đang có xu hướng giảm dần khi số người được tiêm phòng tăng lên. Hiện 85% cư dân nhà dưỡng lão đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Bức tranh sáng sủa hơn cho cư dân viện dưỡng lão xuất hiện bất chấp đợt bùng phát tại Pháp đang tệ hơn.
Bệnh nhân COVID-19 tại Khoa chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Papa Giovanni XIII. Ảnh: AP
Tây Ban Nha cũng chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về số ca nhiễm và tử vong tại các viện dưỡng lão, sau giai đoạn đầu tiên của chương trình tiêm chủng, với số ca tử vong đã giảm đáng kể.
Tại Italy, nơi việc tiêm phòng cho cư dân viện dưỡng lão bắt đầu từ tháng 1/2021, tỉ lệ lây nhiễm thấp hơn ở nước này đã được tuyên bố là “một thành công ban đầu”. Nhưng Tiến sĩ Giovanni Rezza, Giám đốc phụ trách các bệnh truyền nhiễm tại Bộ Y tế Italy gần đây thừa nhận: “Chúng ta không thể coi đó là một chiến thắng của chiến lược vaccine”.
Ông Rezza cho biết hôm 19/3 rằng họ đặt mục tiêu tăng gấp đôi lượng 200.000 mũi tiêm / ngày hiện tại khi vaccine AstraZeneca được sử dụng trở lại.
Với việc tỷ lệ lây nhiễm của Italy tăng trong tuần thứ bảy liên tiếp, được cho là do biến thể lây lan nhanh B.117 (xuất hiện lần đầu ở Anh), hơn 2,5 triệu người trên 80 tuổi vẫn đang chờ đợi được tiêm.
Chính phủ Italy thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá 32 tỷ euro
Ngày 19/3, Chính phủ Italy đã thông qua gói cứu trợ trị giá 32 tỷ euro (38 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca cho người dân tại Milan, Italy ngày 9/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại cuộc họp báo, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết gói cứu trợ trên bao gồm 11 tỷ euro cấp cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất vào cuối tháng 4 tới. Ngoài ra, 8 tỷ euro chi cho an sinh xã hội, bao gồm trợ cấp cho lao động thất nghiệp, và khoảng 5 tỷ euro cho chương trình tiêm vaccine và ngành y tế.
Theo Thủ tướng Draghi, gói cứu trợ này chỉ hỗ trợ phần nào cho những doanh nghiệp đang chật vật vì đại dịch, song là điều tốt nhất mà chính phủ có thể thực hiện do ngân sách hạn hẹp.
Chính phủ Italy cũng quyết định gia hạn đến tháng 6 tới đối với việc đình chỉ sa thải lao động, dự kiến hết hiệu lực vào cuối tháng 3; một số lĩnh vực được gia hạn đến cuối tháng 10. Các lao động thời vụ, nhân viên rạp hát và rạp chiếu phim cũng như ngành du lịch trượt tuyết cũng được nhận hỗ trợ. Thủ tướng Draghi cho hay chính phủ sẽ vay thêm tiền trong năm nay để cấp tài chính cho nhiều biện pháp kích thích kinh tế khác.
Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên bùng phát dịch COVID-19 cách đây hơn 1 năm. Hiện nước này rơi vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới II. Năm 2020, GDP của Italy giảm 8,9%, khoảng 450.000 người bị mất việc, trong đó phần lớn là phụ nữ, người trẻ tuổi.
Thủ tướng Draghi hy vọng việc tăng tốc chương trình tiêm chủng sẽ phần nào giảm ảnh hưởng của dịch bệnh và chính phủ đang soạn thảo kế hoạch phục hồi kinh tế bằng các khoản tài trợ và khoản vay của Liên minh châu Âu (EU). Italy đủ điều kiện nhận khoản hỗ trợ 200 tỷ euro từ EU, song đổi lại nước này phải cam kết thực hiện cải cách sâu rộng được sự chấp thuận của lãnh đạo EU.
Tranh cãi chủ siêu xe 1,9 triệu USD bị giữ ở biên giới Mỹ Đơn kiện được đệ trình lên tòa để phán quyết ai là chủ siêu xe Ferrari 1,9 triệu USD bị tịch thu tại biên giới Mỹ - Canada năm 2019. Văn phòng Công tố viên quận Tây New York tuần này đệ đơn dân sự lên tòa án để xác định chủ sở hữu chiếc Ferrari F50 được sản xuất năm 1996 với...