Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo, hối thúc khai báo y tế điện tử
Tại các khu cách ly, đang tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo cần phải được ngăn chặn kịp thời. Còn nhiều bệnh viện chưa hoàn tất quy trình khai báo y tế điện tử gây khó khăn cho kiểm soát dịch.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố đã cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn luôn thường trực. Một trong các nguy cơ thành phố luôn quan tâm là việc lây nhiễm trong khu cách ly. Dù các khu cách ly tập trung hiện nay đang được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố kiểm tra thường xuyên nhưng nguy cơ lây nhiễm chéo luôn tiềm ẩn, nếu không thực hiện nghiêm ngặt các quy định ở những khâu nhỏ nhất.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Hưng (áo xanh) đi kiểm tra thực tế tại các khu cách ly tập trung (ảnh: HCDC)
Rút kinh nghiệm từ thực tế lây nhiễm chéo từng xảy ra trong khu cách ly của hãng hàng không Vietnam Airlines, Sở Y tế thành phố đang tổ chức kiểm tra hoạt động cách ly y tế tại khách sạn, cơ sở cách ly tập trung của quận huyện trên địa bàn thành phố. Những giám sát của ngành y tế nhằm quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy trình kiểm soát lây nhiễm, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
BS Nguyễn Hữu Hưng yêu cầu các đơn vị đang tổ chức cách ly tập trung rà soát lại các quy trình vận hành, chú ý việc sắp xếp người được cách ly vào các phòng cách ly theo nguyên tắc những người có cùng đặc điểm dịch tễ, cùng ngày tiếp nhận ở cùng phòng hoặc cùng một khu vực. Bên cạnh đó, các khu cách ly đặc biệt lưu ý việc đảm bảo số lượng camera cần thiết để có thể giám sát hoạt động phòng chống lây nhiễm trong khu cách ly nhất là việc tuân thủ quy định cách ly của người cách ly. Người đang cách ly cần tự giác tuân thủ các quy định của khu cách ly, thường xuyên đeo khẩu trang, không được tiếp xúc với người khác trong thời gian cách ly…
Thành phố đang chủ động ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm chéo tại các khu cách ly tập trung (ảnh: Phạm Nguyễn)
Video đang HOT
Về hoạt động giám sát nguy cơ tại các bệnh viện, sau 10 ngày chuyển đổi từ khai báo y tế viết tay sang khai báo y tế điện tử, đến nay toàn thành phố đã có 127 bệnh viện công lập và tư nhân thực hiện khai báo y tế điện tử của Sở Y tế. Dữ liệu khai báo được thu thập từ tất cả những người đến bệnh viện bao gồm nhân viên y tế, người bệnh, thân nhân người bệnh, người lao động, sinh viên, học viên… Dữ liệu được liên thông với hệ thống khai báo y tế quốc gia do Bộ Y tế thực hiện.
Thông qua hệ thống dữ liệu, ngành y tế đã cập nhật liên tục thông tin theo nội dung khai báo của tất cả các đối tượng trong thời gian sớm nhất, đáp ứng yêu cầu tình hình dịch tễ, truy vết tiếp xúc F1; F2. Tiện ích của khai báo y tế trong hoạt động dự phòng trong đợt dịch vừa qua đã giúp thành phố nhanh chóng kiểm soát được nguy cơ, phát hiện các nhóm bệnh nhân trong đối tượng cần được phân luồng, khám tầm soát, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện.
Một số bệnh viện đang thực hiện song song cả khai báo y tế điện tử và khai báo viết tay gây khó khăn cho việc kiểm soát nguy cơ
Tuy nhiên, Sở Y tế cho biết đến nay vẫn còn nhiều bệnh viện chưa chuyển đổi hoàn toàn khai báo y tế mà còn thực hiện song hành cả khai báo viết tay và khai báo điện tử, điều đó dẫn tới nguy cơ chậm trễ trong việc rà soát các nhóm nguy cơ. Mặt khác, một số bệnh viện đang sử dụng hệ thống khai báo y tế riêng lẻ của các đơn vị không đồng bộ với hệ thống chung nên khó khăn trong việc cập nhật dữ liệu.
Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện khẩn trương chuyển đối số hoàn toàn trong hoạt động khai báo y tế tại đơn vị theo phần mềm của Sở Y tế thay thế cho khai báo y tế thủ công và các phần mềm riêng lẻ, cập nhật thường xuyên yếu tố dịch tễ, phân bổ nguồn lực phân luồng, sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm người bệnh có nguy cơ đồng thời ngăn chặn các hành vi khai báo y tế không trung thực hoặc né tránh khai báo y tế về nguy cơ bệnh truyền nhiễm của các cá nhân khi vào bệnh viện.
Bộ trưởng Y tế: "Dịch chưa thể kết thúc trong năm 2021"
"Dịch Covid-19 không thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm nay được, thậm chí kể cả năm 2021. Do đó, các địa phương cần tăng cường công tác chống dịch, chuẩn bị kịch bản cho mọi tình huống dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan lơ là"...
Bộ Y tế họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng chống dịch sáng 19/2. Ảnh - N.Dương.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng chống dịch Covid-19 sáng 19/2.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trong quý 1/2021 phải tiếp tục coi chống dịch không chỉ là nhiêm vụ trọng tâm, ưu tiên cấp bách trước mắt mà phải cả về lâu dài.
"Dịch Covid-19 không thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm nay được, thậm chí kể cả năm 2021. Do đó, chúng tôi yêu cầu các địa phương tăng cường công tác chống dịch, chuẩn bị kịch bản cho mọi tình huống dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan lơ là, đặc biệt sử dụng triệt để phương châm 4 tại chỗ khi có dịch", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua chúng ta đã có một cái Tết an lành đối với toàn bộ người dân, song một vài địa phương vẫn phải căng mình chống dịch. Bộ trưởng đánh giá, đợt dịch lần này tương đối phức tạp, chủng lây bệnh là chủng virus biến đổi của Anh, tốc độ lây nhiễm cao hơn 70% so với các chủng trước đó, vì vậy chỉ trong thời gian ngắn đã phát hiện nhiều ca nhiễm.
Đặc biệt, dịch lần này được phát hiện trong khu công nghiệp, lại xảy ra ngay trong dịp trước và trong Tết Nguyên đán khiến mức độ phức tạp càng cao hơn. Đến nay, riêng ổ dịch Hải Dương đã phát hiện 575 trường hợp, vượt số ca nhiễm ở Đà Nẵng trước đó là 389 trường hợp. Số ca mắc trung bình trong ngày tại Hải Dương cũng cao hơn do chủng lần này tốc độ lây lan mạnh hơn.
Bộ trưởng Y tế đánh giá, nhờ đồng bộ quyết liệt triển khai các biện pháp chống dịch, đến nay 12/13 tỉnh, thành về cơ bản kiểm soát được dịch, riêng Hải Dương dù đã phong tỏa Tp Chí Linh ngay từ đầu nhưng trước tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, tỉnh cần tăng cường giám sát hơn nữa, Bộ Y tế sẽ liên tục bổ sung lực lượng hỗ trợ cho Hải Dương.
Với các địa phương khác, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý không được chủ quan lơ là, đặc biệt không được nghĩ rằng dịch sẽ không xảy ra trên địa bàn tỉnh mình. "Thực tế dịch có thể xảy ra ở bất cứ đâu, trường hợp của tỉnh Gia Lai là ví dụ, tưởng như không có ca nhiễm nào nhưng cuối cùng vẫn xảy ra lây nhiễm, tương tự các tỉnh khác cũng thế. Có như vậy, chúng ta mới không bị luống cuống đối phó khi dịch bệnh xảy ra", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tiếp tục nhắc lại việc các địa phương luôn phải chuẩn bị kịch bản khi dịch xảy ra, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, trước hết là phải chuẩn bị phương án cho việc cách ly, giãn cách xã hội trên diện rộng, cách ly F1, F2 ra sao, đặc biệt trong trường phải cách ly đột ngột...tất cả các tình huống này đều phải được chuẩn bị sẵn cơ sở nếu không khi bùng phát dịch sẽ rất khó khăn.
"Trong đợt dịch ở Hải Dương, số lượng F1 phải cách ly đã vượt xa so với Đà Nẵng do xảy ra ở khu công nghiệp với số lượng công nhân lớn. Do đó, khi dịch xảy ra ở khu công nghiệp, trường học, thì các địa phương đều phải có kịch bản, quan điểm là tất cả F1 phải cách ly, sớm đưa mầm bệnh ra khỏi cộng đồng, chỉ có như vậy mới ngăn chặn được dịch", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Bộ trưởng Y tế cũng đề nghị các địa phương cần kiểm tra ngay trên địa bàn toàn tỉnh những địa điểm có thể sử dụng làm nơi cách ly, lên kịch bản giám sát điều hành, cung cấp nhu yếu phẩm, đưa ra phương án cách ly với số lượng lớn.
Đặc biệt, phải phối hợp với lực lượng quân đội để điều hành khu cách ly. Thực tế, ở Hải Dương vừa qua, một số điểm cách ly ở khu vực dân sự chưa thực hiện nghiêm nên đã xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đánh giá, việc thực hiện giãn cách xã hội ở Hải Dương dù tốt nhưng vẫn phải quyết liệt và nghiêm chỉnh hơn nữa, tuyệt đối không để các gia đình giao lưu với nhau.
Người đứng đầu ngành Y tế cũng đề nghị các địa phương cần chuẩn bị kịch bản xét nghiệm trên diện rộng, nhất là trong trường hợp dịch lây lan thì phải nâng công suất lên trong thời gian ngắn.
Trường hợp của Hải Dương, Bộ Y tế đã phải cử rất nhiều lực lượng hỗ trợ tỉnh trong vấn đề lấy mẫu xét nghiệm, tuy nhiên nếu một hai địa phương thì Bộ có thể hỗ trợ, nhưng nếu dịch bùng phát diện rộng thì Bộ sẽ không thể đáp ứng được.
"Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị các địa phương quan tâm đặc biệt cho công tác xét nghiệm, tất cả các cán bộ y tế phải được tập huấn lấy mẫu. Vai trò của xét nghiệm cũng là một trong những mấu chốt trong công tác phòng chống dịch, giúp chặn được tất cả nguồn lây.
Nếu xét nghiệm chậm là chúng ta đang đuổi theo dịch chứ không phải chặn dịch, trong khi chủng lần này lây nhiễm rất nhanh, nếu càng đuổi theo chúng ta sẽ càng bị đuối", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Quân khu 3 hỗ trợ Hải Dương quản lý cách ly, tránh lây nhiễm chéo Covid-19 Bộ Tư lệnh Quân khu 3 sẽ cử cán bộ xuống làm việc trực tiếp với tỉnh để hỗ trợ nơi cách ly và việc quản lý cách ly tránh lây nhiễm chéo Covid-19. Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến của thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành về công tác chống Covid-19 chiều 15/2 (mùng 4 Tết), Chủ tịch UBND...