Tiếc vì Thượng tá Đoàn về hưu, đời công bằng lắm
Chỉ là một người công chức đến tuổi về hưu, rời nhiệm sở, nhưng tại sao khi Thượng tá CSGT Lê Đức Đoàn về hưu, người ta lại thấy rưng rưng?
Thượng tá Đoàn đang khuyên nhủ bạn trẻ có ý định tự tử trên cầu Chương Dương.
Mấy ngày qua, báo chí và mạng xã hội có một “sự lạ”, đó là có rất nhiều bài viết liên quan đến chuyện về hưu của Thượng tá CSGT Lê Đức Đoàn, một chiến sĩ thuộc lực lượng CSGT Hà Nội, người gắn bó với chốt trực trên cầu Chương Dương nhiều năm nay. Thậm chí có báo còn cử phóng viên làm phóng sự ảnh về ngày cuối cùng tại nhiệm sở của vị CSGT này.
Vì sao lại thế? Ông Đoàn không phải người nổi tiếng, không phải VIP (nhân vật rất quan trọng), chẳng đóng góp số tiền phạt vi phạm luật giao thông khổng lồ cho ngân sách, tại sao lại được mến yêu đến vậy?
Thứ quý giá nhất mà ông Đoàn đã cho đi trong suốt cuộc đời làm công chức của mình, chính là lòng tốt. Báo chí thống kê, trong suốt hơn 35 năm công tác, Thượng tá Đoàn đã giải cứu thành công hơn 30 vụ người dân có ý định lên cầu nhảy xuống sông Hồng tự tử.
Năm 2005, Thượng tá Đoàn cũng chính là người một mình xông vào toán cướp 10 tên có có hung khí để giúp người dân bị cướp trên đường trên địa bàn Sóc Sơn, Hà Nội. Nhưng để lập chiến công này, Thượng tá Đoàn đã bị thương đến bất tỉnh. Để ghi nhận sự dũng cảm của ông trong khi làm nhiệm vụ, cuối năm 2005 ông Đoàn đã được nhà nước công nhận là thương binh hạng.
Thượng tá Đoàn trong một ngày làm việc bình thường.
Những người dân hay qua cầu Chương Dương kể lại, gặp ông Đoàn vui lắm, ngày nào đi qua cũng chào, cánh lái xe đi qua thỉnh thoảng hạ kính dúi cho bác một bao thuốc lá, bọn trẻ con đạp xe đi học qua nhoẻn miệng cười. Ai vừa đi xe vừa nghe điện thoại, thay vì tuýt lại ghi vé phạt, Thượng tá Đoàn nhắc nhở, có cậu thanh niên chưa gài quai mũ bảo hiểm, phóng nhanh, bác bắt đứng lại, đội mũ nghiêm chỉnh, rồi bảo: “Đi đứng thế này thì chết con ơi”.
Có người còn bảo thẳng, làm việc như ông Đoàn thì Nhà nước thất thu tiền phạt. Tưởng ông Đoàn làm được việc gì to tát, hóa ra toàn chuyện lặt nhặt, thế mà báo chí cũng um xùm.
Một đồng nghiệp của tôi cảm thán: “Thông qua câu chuyện của bác Đoàn mới thấy xã hội này đang khát thèm sự tử tế biết bao nhiêu”.
Đúng thế đấy. Chúng ta khát thèm sự tử tế, lòng tốt và tình người. Chúng ta ước ao những người CSGT tử tế không lấy dùi cui vô tình va vào mặt dân, không vác xe đuổi theo dân dồn ép họ như kẻ phạm tội hình sự, không vạch ví dân lấy “tờ rơi quảng cáo”, không lợi dụng sự sơ hở của dân khi tham gia giao thông để “làm luật” kiếm lời và một gương mặt tươi cười, thái độ hòa nhã, lối cư xử đầy tình người.
Đọc đến đây chắc thể nào cũng có bạn đọc mắng tôi: Bị thần kinh hoang tưởng à, thời nay lấy đâu ra chiến sĩ CSGT tốt thế.
Video đang HOT
Kể cũng phải thôi, đầu tháng 11 này, Thượng tá CSGT Lê Đức Đoàn về hưu rồi, lấy đâu ra người thứ 2 như thế?
Ngẫm mới thấy đời công bằng lắm, không ai che mắt được thế gian bao giờ. Nếu bạn là người tử tế, sống có trách nhiệm, một công chức tận tụy với công việc, hết lòng vì dân, dân sẽ mến yêu. Còn ngược lại, dù có hô hào và nói thánh nói tướng đến đâu, dân cũng khinh như cỏ rác.
Không biết các lãnh đạo ngành công an có rút ra kinh nghiệm gì từ trường hợp của Thượng tá Đoàn mà giáo dục các chiến sĩ trong lực lượng của mình hay không? “Trung với Đảng, hiếu với dân”, lời dạy của Bác Hồ với lực lượng CAND vẫn còn nguyên đó, nhưng các chiến sĩ CSGT đã ứng xử với dân thế nào để cho cảm tình của dân với lực lượng này lại có vẻ bị giảm sút nhiều như vậy? Đó là điều rất đáng suy nghĩ.
Một xã hội khát thèm sự tử tế, đến mức một chiến sĩ CSGT tốt bụng về hưu cũng là một sự kiện nóng thì đủ biết chúng ta đang thiếu thốn nó đến mức độ nào. Tại sao điều tốt lại trở thành sự lạ? Tại sao người tốt lại hiếm hoi và dị biệt đến như vậy? Chúng ta- thế hệ những người trưởng thành thật có lỗi khi để cho con cháu mình lớn lên trong một xã hội mà cái tốt bình thường lại trở thành khác thường như thế.
Vì sao xã hội đối xử với nhau thiếu tình người, ai là người có lỗi? Một người bạn nước ngoài đã hỏi tôi, tại sao người Viêt Nam lại đối xử với nhau như vậy? Ông kể, tôi sang Việt Nam và đã bị sốc khi đi trên phố, một người đàn ông chở hàng hóa cồng kềnh ngã lăn trên đường, nhưng mọi người hờ hững đi qua, không một ai dừng lại giúp ông ấy gom hàng hóa, dựng lại xe?
Tôi thực sự đắng lòng trước câu hỏi này. Tôi đã trả lời ông: Vì chúng tôi đã đánh mất niềm tin vào sự tử tế, chúng tôi không còn tin rằng người tốt, việc tốt sẽ được đền đáp, trân trọng. Chúng tôi buộc phải tin rằng chỉ có đồng tiền mới là thứ vạn năng, có thể sai khiên tất cả, đổi trắng thay đen.
Ông Đoàn về hưu rồi. Lực lượng CSGT bớt đi một người tốt hiếm hoi, nhưng may mắn thay ông không biến mất, ông lại về trong dân để sống nốt cuộc đời tử tế của mình.
Xã hội này vẫn luôn khát thèm cái tốt, đó là bản tính hướng thiện tốt đẹp của con người. Chúng ta buồn vì ông Đoàn về hưu, chúng ta thấy bơ vơ vì xã hội quá thiếu người tử tế, nhưng đừng chỉ buồn không, đừng chỉ than trách chửi bới không.
Chúng ta sẽ còn thiếu những công chức tử tế như bác Đoàn nếu mỗi người chúng ta không cố gắng trở thành một bác Đoàn. Một xã hội không thể tốt đẹp nếu mỗi thành viên trong đó không thể cố gắng sống đẹp và làm những điều tốt đẹp.
Và như thế, cái tốt không bao giờ về hưu, không bao giờ chấm hết.
Theo Đất Việt
Thượng tá Lê Đức Đoàn kể lần 'khắc chế thần chết' đáng nhớ nhất
Người cảnh sát giao thông thủ đô ưu tú kể về kỷ niệm cứu người tự tử trên cầu Chương Dương sau 20 năm công tác.
Nhắc tới Thượng tá Lê Đức Đoàn - cán bộ Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội), mỗi người dân thủ đô luôn nhớ về những điều "đặc biệt" khiến người dân an tâm khi lưu thông qua cầu Chương Dương.
20 năm nở nụ cười trên cầu Chương Dương
Một người CSGT luôn vẫy tay chào, nở nụ cười thân thiện với người đi đường. Và đặc biệt hơn, Thượng tá Đoàn là người đã ngăn hàng chục người có ý định tự tử trên cầu Chương Dương.
Chia sẻ với PV, Thượng tá Đoàn nói: "Ngày làm việc cuối cùng trong lực lượng CSGT Hà Nội, bản thân tôi cảm thấy vô cùng xúc động. Nuối tiếc cũng có, rồi sẽ phải làm quen với cuộc sống khi không còn công tác trên những con đường của thủ đô nữa".
Thượng tá Đoàn đã có 20 năm gắn bó với chốt giao thông phía Nam cầu Chương Dương. Hình ảnh một CSGT chân chất, luôn nở nụ cười với người tham gia giao thông, luôn tận tình hướng dẫn cho người dân về luật giao thông, về ý thức tham gia giao thông.
Thượng tá Lê Đức Đoàn luôn nở nụ cười thân thiện khi làm nhiệm vụ trên cầu Chương Dương
Với Thượng tá Đoàn, cầu Chương Dương là một địa điểm rất đặc biệt, gắn bó cả quá trình công tác đối với ông.
"Cầu Chương Dương là một chốt giao thông rất nhạy cảm, đồng thời là tuyến cầu huyết mạch nối giữa ngoại thành và nội thành, giữa nội thành với các vùng lân cận của Hà Nội. Không những thế, nơi này còn là chỗ thường xuyên xảy ra các vụ tự tử", thượng tá Đoàn nói.
Niềm vui lớn nhất với Thượng tá Đoàn là sự cởi mở, thân thiện mà những người tham gia giao thông dành cho ông, cùng với đó là sự kính mến, nể phục về hình ảnh một người cảnh sát giao thông ưu tú.
Thượng tá Đoàn chia sẻ, hàng ngày, đều có người dân đi qua cầu, dừng xe lại hỏi thăm hay chúc sức khỏe ông. Đặc biệt, dịp sinh nhật hay ngày thương binh liệt sĩ 27/7, nhiều người dân ghé vào chốt giao thông để thăm hỏi, chúc mừng.
"Điều hạnh phúc và may mắn nhất đối với người cảnh sát giao thông là được người dân tin yêu, tôi còn bất ngờ vì nhiều người biết ngày sinh nhật tôi", Thượng tá Đoàn cười nói.
Hình ảnh người CSGT được rất nhiều người dân yêu quý
Ngày cuối cùng trước khi được nghỉ hưu theo chế độ, Thượng tá Lê Đức Đoàn vẫn không ngừng nghỉ. Ông làm việc nhiệt tình, trách nhiệm đến giờ phút cuối cùng.
Khắc tinh "thần chết"
Gần 20 năm làm công tác đảm bảo trật tự trên cầu Chương Dương, Thượng tá Đoàn đã ra tay cứu giúp gần 40 người có ý định tự tử. Hôm nay, khi không còn công tác trên cây cầu Chương Dương nữa, Thượng tá Đoàn vẫn luôn mong muốn sẽ không có ai dại dột tìm đến cây cầu này để quyên sinh nữa.
"Mỗi người dân được tôi cứu trên cầu Chương Dương, tôi đều nhớ rất kĩ về họ. Nhưng ấn tượng nhất thì có lẽ là trường hợp của một cô gái rất trẻ đẹp quê ở Nam Định.
Cô ấy lấy chồng ở Long Biên nhưng sau đó hai vợ chồng mâu thuẫn trong cuộc sống khiến cô gái rơi vào tình trạng bế tắc, muốn tìm đến cái chết để giải thoát cho bản thân", Thượng tá Đoàn nhớ lại.
Thượng tá Đoàn làm nhiệm vụ trong ngày cuối cùng trước khi nghỉ hưu
Theo Thượng tá Đoàn, thời điểm mùa đông năm 2012, ông đang làm nhiệm vụ điều tiết giao thông ở đầu cầu thì nhận được tin báo của người dân về việc có một cô gái đang có ý định nhảy cầu tự tử.
Đến nơi, Thượng tá Đoàn khuyên can, động viên cô gái đừng làm điều dại dột, nhưng cô gái vẫn một mực muốn tìm đến cái chết.
"Tôi chạy nhanh vào vị trí cô gái đang đứng, đúng lúc cô gái buông tay thì tôi bám chặt và giữ được cô ấy, đưa cô ấy lên cầu an toàn. Biết mình còn sống, cô ấy ôm chặt lấy tôi khóc nức nở", Thượng tá Đoàn kể.
Điều đặc biệt, khi đến khuyên can những người trẻ có ý định tự tử, "người công dân ưu tú của thủ đô" đều xưng hô với họ bằng cái tên thân mật "bố - con". Chính nhờ sự tình cảm, khéo léo và cách xưng hô thân mật ấy mà họ đã từ bỏ ý định dại dột của mình.
Năm 2012, Thượng tá Đoàn được Đảng bộ chính quyền nhân dân thủ đô tặng danh hiệu Công dân thủ đô ưu tú.
Năm 2013, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Năm 2014, được Chủ tịch nước tặng Huân chương chiến công.
Cho đến giờ phút cuối cùng của ngày làm việc khi nghỉ chờ nghỉ hưu theo quy định của ngành, Thượng tá Lê Đức Đoàn - Công dân Thủ đô ưu tú vẫn tận tâm, tận lực, trách nhiệm, hiệu quả với công việc. Nụ cười của người cảnh sát giao thông sẽ còn được người dân nhớ mãi trên cầu Chương Dương.
Theo VTC
Hành động nghĩa hiệp của cảnh sát 'công dân ưu tú' Thấy một trung niên dắt xe máy hết xăng đi trên cầu giữa trưa nắng, ông Đoàn liền lấy xe máy của mình đi mua xăng giúp để người này kịp đến bệnh viện thăm người thân. Chiều 31/10, sau khi bàn giao ca trực cho thượng sĩ Hoàng Thị Ngọc Lan, thượng tá Lê Đức Đoàn (55 tuổi, Đội CSGT số 1...