Tiếc nuối cây nhãn đường phèn ở Hưng Yên
Nhiều năm trở lại đây, không ít người Hưng Yên cảm thấy tiếc nuối khi “bói” mãi không ra một cây nhãn đường phèn, loại nhãn ngon nhất từng mang danh “tiến vua” chính hiệu của vùng đất Phố Hiến xưa. Loại nhãn này giờ đã vắng bóng, thay vào đó là hàng vạn cây nhãn giống mới.
Sản vật quý
Đất Hưng Yên có nhiều giống nhãn truyền thống khác nhau. Dựa vào màu sắc, hương vị của quả nhãn mà người dân đặt tên các loại như: nhãn thóc, nhãn cùi, nhãn nước, nhãn đường phèn… Trong số đó chỉ có nhãn đường phèn là ngon nhất. Loại quả này “kiêu hãnh” xếp ngôi đầu bảng về chất lượng bởi cùi giòn, vị ngọt sắc, hương thơm khó quên. Hạt nhãn nhỏ và dóc, sắc đen ánh nâu đỏ. Nâng chùm nhãn đường phèn quả nhỏ nhắn mà bóc vỏ, lộ lớp cùi dày ráo nước nổi ánh vàng, vân múi căng mọng lồng vào nhau ở đáy quả, đưa lên miệng thấy mềm mà giòn, ngọt mà thanh, thơm đậm đà, chỉ muốn giữ nguyên ở lưỡi! Đúng như cái tên, nhãn có vị ngọt và mùi thơm đặc biệt, khó quên.
Ảnh minh họa
Vì thế, nhãn đường phèn là sản vật được chọn bởi những người kén ăn, những người đã từng được thưởng thức mà vương vấn mãi hương vị thơm ngon ấy, mỗi năm đến mùa lại nhớ để tìm. Người Phố Hiến gọi đây là “chúa” của nhãn Hưng Yên, ăn một lần sẽ nhớ mãi và trở thành “Quả ngon nhớ lâu” đối với ai đã từng về đất nhãn mùa quả chín.
Trong một lần hội thảo về bảo tồn giống nhãn lồng đặc sản tại thành phố Hưng Yên, ông Caclo – một chuyên gia người Italy đã phân tích: Giống bản địa như nhãn lồng Hưng Yên là vô cùng quý giá, cần được lưu giữ và coi là vấn đề quan trọng vì nó không chỉ mang tính địa phương truyền thống, thể hiện bản sắc dân tộc mà còn mang tính toàn cầu. Hơn nữa, những giống cây này còn có thế mạnh là khả năng thích ứng với ngoại cảnh, thổ nhưỡng, không nhiễm sâu bệnh nên là loại thực phẩm sạch trong khi các giống mới thường phải dùng thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh mới có khả năng cho năng suất, chất lượng cao. Đây là loại cây quý có giá trị đến muôn đời sau cần được bảo tồn.
Video đang HOT
Tuy nhiên, loại quả dù ngon và quý này lại nhỏ, mẫu mã không đẹp, năng suất không cao. Với vóc hình trời sinh “khiêm tốn” như vậy, so với các loại nhãn khác đang được trồng phổ biến ở Hưng Yên, nhãn đường phèn không có lợi thế mẫu mã, nhìn đi nhìn lại chẳng hề bắt mắt cả về dáng chùm lẫn sắc quả. Bà Đoàn Thị Chải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Nếu đem ra chợ bán, so với các giống nhãn hiện nay thì nhãn đường phèn lép vế hoàn hoàn vì mẫu mã ấy!
Mất dần chỗ đứng
Cũng chính vì “lép vế” về mẫu mã nên nhãn đường phèn đang dần biến mất. Về Hưng Yên mùa nhãn, muốn tìm nhãn đường phèn không dễ. Nhiều người sành nhãn lồng Hưng Yên vì yêu quý giống nhãn đường phèn, mỗi mùa nhãn về phải mất công tìm kiếm, dù giá mua lúc nào cũng đắt hơn nhãn thông thường 3 – 4 lần. Loại nhãn “tiến vua” trứ danh này của Phố Hiến xưa đã quý nay lại càng hiếm… Chị Mai, một người dân thành phố Hưng Yên tiếc nuối: Năm ngoái mất công tìm mãi mới được cây nhãn đường phèn hái được 50 kg quả, năm nay đến thăm lại, chủ vườn cho biết đã đào gốc chặt bỏ vì cây vừa cao, lại ít quả nên đã thay cây mới.
Ông Nguyễn Văn Lâm và nhiều bà con trồng nhãn ở xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) cho hay: Những năm qua, do xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều vườn đã chặt phá hết những cây nhãn cũ, tuy chất lượng thơm ngon hàng đầu nhưng vì năng suất thấp. Vậy nên nhãn đường phèn ngày càng hiếm. Tại các vườn nhãn ở xã Hồng Nam, Phương Chiểu, Quảng Châu (thành phố Hưng Yên), Thiện Phiến, Thủ Sỹ (Tiên Lữ), chỉ còn lác đác vài hộ vì tâm huyết, luyến tiếc cây giống cha ông để lại mà không chặt bỏ, để lại một vài cây để “chào hàng” cho giới sành nhãn thưởng thức. Còn giá bán mỗi ki lô gam nhãn đường phèn luôn cao gấp hơn 3 lần.
Hiện nay, Hưng Yên có khoảng hơn 3.000 ha nhãn đang cho thu hoạch, nhưng tại các vùng trọng điểm như thành phố Hưng Yên và các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ giờ chủ yếu là trồng giống nhãn chiết Hương Chi, nhãn ghép, nhãn muộn Miền Thiết… Đây là những giống nhãn cho quả to tròn, vỏ dày, cùi dày, mềm xốp, ướt nước, cho năng suất cao, mỗi héc ta cho thu khoảng hơn 300 triệu đồng/năm. Những giống nhãn này những năm gần đây đã hấp dẫn người làm vườn vì đem lại giá trị kinh tế cao, nhưng chất lượng vẫn không thể sánh với hương vị thơm ngon đặc trưng của giống nhãn đường phèn.
Theo điều tra, khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, diện tích trồng các giống nhãn quý, trong đó gồm nhãn đường phèn chỉ chiếm chưa đến 1% diện tích nhãn của tỉnh. Lý giải điều này, bà Đoàn Thị Chải cho biết: Cây nhãn đường phèn khó trồng, khó chăm sóc, năng suất thấp, quả nhỏ, cho giá trị hàng hóa ở hiện tại không cao nên không được người dân quan tâm phát triển.
Hiện một số nhà vườn thấy nhu cầu khách tìm mua nhãn đường phèn cũng đã bắt đầu quan tâm tìm cách nhân giống, nhưng ngay cả những thợ vườn giàu kinh nghiệm vẫn “bó tay” khi can thiệp cho nhãn đường phèn đậu quả, bởi nó rất khó tính, thường cho quả thất thường “năm ăn quả, năm trả cành”. Việc ứng dụng các kỹ thuật tiến bộ nhằm tăng khả năng phân hóa mầm hoa, kích thích đậu quả được ứng dụng thành công trên nhiều giống nhãn phổ biến hiện nay, lại không mấy hiệu quả đối với cây nhãn đường phèn. Cũng ở trên đất nhãn, không phải nơi nào cũng có thể trồng được cây nhãn đường phèn cho quả ngon.
Để lưu giữ nguồn giống nhãn lồng đặc sản, hơn 10 năm trở lại đây tỉnh Hưng Yên đã coi trọng việc bình tuyển cây nhãn đầu dòng. Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên đã xây dựng được vườn ươm, chọn lọc được gần 400 cây nhãn giống đã qua bình tuyển, với các tiêu chuẩn: độ đường từ 19 – 23%, cùi dày và giòn, trọng lượng đạt từ 50 – 80 quả/kg, năng suất cao ổn định, tạo tiền đề để nhân rộng giống nhãn chất lượng cao, nhằm phát huy vốn quí của địa phương.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên cũng đã triển khai dự án “Bảo tồn giống nhãn đặc sản và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm vùng chuyên canh nhãn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2012 – 2015″. Đến nay, đã có hơn 20 cây nhãn đầu dòng ở 3 trà qua cuộc bình tuyển nhãn năm 2013 được bảo tồn. Nhưng đáng tiếc, trong vườn ươm của Sở Khoa học và Công nghệ cũng như trong số nhãn bình tuyển của ngành nông nghiệp, không có cây nào thuộc giống nhãn đường phèn.
Ngay giữa Phố Hiến cổ kính, cây nhãn tổ hơn 300 năm tọa lạc ở chùa Hiến là giống đường phèn chính hiệu. Nhìn cây lơ thơ vài chùm quả nhỏ, nhiều bà con Phố Hiến nuối tiếc “bao giờ cho đến ngày xưa”.
Sự vắng bóng của cây nhãn đường phèn khiến người Hưng Yên nhớ tới giống gà Đông Tảo, gắn với câu ca “Nhãn lồng bổ ngập dao phay, gà to Đông Tảo ba ngày một cân!”. Cùng hai sản vật “tiến vua” nức tiếng của đất Hưng Yên, trong khi gà Đông Tảo sau thời gian dài tưởng như đã mất giống nay đang hồi sinh mạnh mẽ, còn số phận cây nhãn đường phèn thì vẫn ẩn dật, lẩn khuất và mòn mỏi chờ đợi những nhà vườn đang mày mò, xoay xở để “trả lại chỗ cho em”, âu cũng là để hoài niệm về quá khứ, để gìn giữ lấy sản vật quý, mang đậm bản sắc quê hương truyền lại cho mai sau.
Theo Mai Ngoan (Báo tin tức)
Thông tin thất thiệt làm xấu hình ảnh nông sản Việt
Trao đổi với Dân Việt về việc, thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện các thông tin không chính xác về việc các loại nông sản như nhãn, sầu riêng... bị tẩm hóa chất, ông Hoàng Trung- Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NNPTNT khẳng định, những thông tin này đang làm xấu hình ảnh về nông sản Việt.
Ông Trung cho biết: "Hiện nay Cục BVTV vẫn chưa nhận được thông tin phản ánh từ các Chi cục BVTV ở địa phương về vụ nhãn Hưng Yên được xông lưu huỳnh để xoá đi các vết thâm nám, sạch vỏ và vụ sầu riêng nhúng phân bón lá ở Di Linh, Lâm Đồng. Có thông tin, chúng tôi sẽ có phản hồi để người sản xuất và người tiêu dùng an tâm".
Ông Hoàng Trung- Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Bộ NNPTNT
Tuy nhiên, theo ông Trung, những thông tin trên báo chí phải đảm bảo tính chính xác, căn cứ đúng tình hình thực tế. Nếu không sẽ gây hậu quả khôn lường, chẳng hạn như vụ xoài được bọc túi ở Đồng Tháp vừa rồi, người nông dân một nắng hai sương mới thu hoạch thì dính phải tin đồn, điêu đứng vì không tiêu thụ được.
"Qua nhiều vụ việc, hầu như năm nào cũng có, báo chí khi đưa tin liên quan đến nông sản phải cực kì cẩn trọng. Phải có kiểm chứng cụ thể, hoá chất đó có nằm trong danh mục được cho phép không. Đưa những thông tin thất thiệt như vậy sẽ làm ảnh hưởng tới hình ảnh của nông sản Việt Nam"- ông Trung nói.
Theo ông Trung, chúng ta phải thực hiện rất nhiều thủ tục phức tạp, thời gian kéo dài có thể từ 5 - 10 năm, thậm chí 12 năm mới có được một loại nông sản, đặc biệt là trái cây được nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Nhật ... Cánh cửa xuất khẩu vừa khơi thông cho người nông dân sẽ bị đóng lại một cách oan uổng khi bị chính thông tin của báo chí nước nhà đưa ra thiếu căn cứ.
Nói về bảo quản nông sản, đặc biệt là trái cây, ông Trung khẳng định: Từ xưa, người sản xuất đã có rất nhiều cách thức bảo quản mà không dùng thuốc hoá học. Đối với sản phẩm nông sản, đặc biệt là trái cây, người sản xuất có xu hướng xuất xanh, không đặt nặng vấn đề bảo quản mà chỉ thực hiện các biện pháp để kéo dài thời gian tiêu thụ. Chẳng hạn như vùng vải Thanh Hà ở Hải Dương hiện nay, bà con nông dân đã áp dụng khoa học kĩ thuật rải vụ.
"Trước đây chỉ thu hoạch một tháng là xong, nay họ trồng rải vụ, vải có thể thu hoạch luân phiên trong nhiều tháng, mang lại hiệu quả cao. Chỉ những kẻ trục lợi, ngâm tẩm các hoá chất để kéo dài thời gian phân phối mới làm những hành động như vậy"- ông Trung chia sẻ.
Theo Danviet
Điêu đứng vì thông tin nhãn bị "xông hơi" bằng lưu huỳnh Mới đây, một tờ báo mạng có tiếng đã đăng bài "Sự thật loại nhãn khổng lồ, vỏ vàng bóng..." nêu nghi vấn về việc người trồng nhãn ở Hưng Yên dùng lưu huỳnh (SO2) để "xông hơi" cho nhãn. Ngay sau thông tin này, Hội Nông dân huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đã có công văn bác thông tin này. Để làm...