Tích tụ đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ở xã Xuân Trường
Nằm bên phía hữu ngạn sông Chu, xã Xuân Trường (Thọ Xuân) có thế mạnh phát triển nông nghiệp với đất đai màu mỡ.
Từ những năm 2015-2016, cán bộ xã Xuân Trường khi ấy đã có tư tưởng đổi mới, kêu gọi người dân địa phương tự dồn đổi ruộng đất để phát triển các mô hình sản xuất quy mô lớn. Đi đầu và triển khai hiệu quả, Xuân Trường còn được coi là địa phương cấp xã điển hình của tỉnh trong tích tụ đất đai giai đoạn 2015-2020.
Mô hình trồng cây ăn quả kết hợp nuôi gia cầm dưới tán cây của gia đình anh Đỗ Xuân Sơn tại khu đồng Nảy Tài, xã Xuân Trường cho thu nhập cao và ổn định.
Từ những diện tích manh mún trước đây, giai đoạn 2015-2020, xã đã vận động tích tụ và chuyển đổi được 43 ha đất nông nghiệp để thành lập các mô hình sản xuất quy mô lớn. Trong số đó, 19 ha cây trồng kém hiệu quả được chuyển đổi thành vùng trồng cây ăn quả, 24 ha đồng sâu trũng được quy hoạch thành khu trang trại tổng hợp xa dân cư. Từ sự tập trung đất đai này, đến nay, ngoài 13 gia trại tổng hợp đang cho hiệu quả kinh tế cao, Xuân Trường còn có 4 trang trại lớn đạt tiêu chuẩn theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó có 1 trang trại nuôi lợn gia công cho Công ty cổ phần CP Việt Nam, 1 trang trại tổng hợp và 2 trang trại trồng trọt quy mô lớn. Đến nay, tổng đàn vật nuôi của xã luôn duy trì khoảng 66.000 con, trong đó hơn 200 trâu và bò, 62.000 gia cầm, gần 3.800 lợn các loại.
Riêng lĩnh vực trồng trọt, xã Xuân Trường có tổng diện tích gieo trồng hàng năm gần 695 ha, trong đó gần 420 ha lúa, 130 ha chuyên canh ngô, 30 ha trồng bí đỏ, còn lại là diện tích thâm canh các loại rau màu. Khi đã có những vùng đất đai rộng lớn, từ nhiều năm qua, xã đã xây dựng thành 4 vùng sản xuất tập trung, trong đó vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao 100 ha; vùng trồng cam và bưởi 25 ha tại cánh đồng Nảy Tài và Bãi Thờ; vùng chuyển đổi đất kém hiệu quả 10 ha được dành riêng cho các cây trồng giá trị kinh tế cao như ớt xuất khẩu, dưa leo, quất cảnh…
Video đang HOT
Sau khi hình thành các vùng trồng trọt quy mô lớn, nhu cầu liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cũng như đưa cơ giới hóa và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất tăng cao. Từ đó, xã đã phát huy vai trò của 2 HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn là Thanh Minh và Xuân Trường, đồng thời khuyến khích người dân mua máy nông nghiệp làm dịch vụ. Thời điểm đầu năm 2022 này, toàn xã có 35 máy làm đất hãng Kubota (Nhật Bản) công suất lớn, đáp ứng nhu cầu giải phóng đất đúng khung thời vụ. Trong khâu gieo cấy, 4 máy cấy với công suất 35 mã lực của HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Trường cũng đang đáp ứng khâu dịch vụ cấy máy cho toàn bộ diện tích trồng lúa trong xã và một số xã trong vùng. Ngoài ra, một số nông dân địa phương còn mua sắm máy cấy dập tay để chủ động sản xuất. Với 8 máy gặt Kubota công suất lớn, hơn 100 máy tách hạt ngô và lạc, hiện khâu thu hoạch của xã có thể hoàn toàn được thực hiện bằng máy. Thống kê từ UBND xã Xuân Trường, đến nay tỷ lệ sản xuất nông nghiệp được áp dụng cơ giới hóa trong làm đất đạt 100% diện tích, khâu gieo trồng đạt gần 82% diện tích, khâu chăm sóc hơn 90% diện tích, khâu thu hoạch hơn 94% diện tích. Vai trò của các HTX còn thể hiện rõ trong việc đấu mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân địa phương, điển hình là các hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu lúa thương phẩm cho 100 ha lúa với Công ty TNHH Giống cây trồng Trường Thành.
Thăm khu đồng Nảy Tài của xã mới thấy hết hiệu quả của việc tích tụ, tập trung đất đai ở đây. Một vùng trồng cây ăn quả hàng chục héc – ta đã phủ xanh những thửa đất cằn năm xưa. Anh Đỗ Xuân Sơn, người đầu tiên hưởng ứng phong trào tích tụ, tập trung đất đai của xã để đầu tư cải tạo khu đồng hoang này, chia sẻ: Từ những năm 2010, cánh đồng Nảy Tài này vốn là khu xa xôi của xã, trồng lúa nhưng năng suất không cao. Nhiều hộ dân thấy canh tác kém hiệu quả kinh tế, còn bỏ ruộng cho cỏ mọc khiến toàn khu đồng càng trở nên hoang vắng, xác xơ. Lúc ấy, chính quyền xã đã dồn đổi, kêu gọi người dân đấu thầu để làm trang trại nhằm khơi dậy tiềm năng của đất. Tuy nhiên, không ai “dám” mạnh dạn đầu tư tiền của ra vùng đất vốn lắm nắng nhiều gió ấy. Đến năm 2012, gia đình tôi bàn bạc quyết định đấu thầu, cải tạo trồng cây ăn quả, đầu tư vào “canh bạc” làm giàu. Lúc đó, hai bên nội ngoại, rồi hàng xóm, bạn bè phản đối ghê lắm, bởi họ cho rằng khả năng thất bại cao hơn thành công”. Với đa dạng các giống cam, bưởi trồng theo hướng hữu cơ, những năm gần đây, trang trại trồng trọt kết hợp nuôi gia cầm dưới tán cây này có thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm, trong đó lợi nhuận khoảng 50%, giải quyết việc làm cho 5 đến 7 lao động địa phương với thu nhập 200 nghìn đồng mỗi ngày công.
Từ thành công của gia đình anh Sơn, sau đó đã có thêm 6 gia đình khác ra khu đồng xa này đầu tư, hiện đang cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, chủ trương tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất quy mô lớn ở xã Xuân Trường đã khẳng định được sự đúng đắn, phù hợp với phát triển xu thế nông nghiệp hiện đại.
Đẩy nhanh triển khai cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm nông nghiệp
An Giang là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và hướng tới xuất khẩu nông sản, tỉnh An Giang đang đẩy mạnh triển khai cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm nông nghiệp, qua đó, tạo điều kiện cho nhiều loại nông sản mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tỉnh An Giang sẽ hình thành các vùng chuyên canh, chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua, đơn vị phối hợp với Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã thực hiện việc cấp mã số vùng trồng rất bài bản.
Tính đến nay, tỉnh An Giang đã được cấp 180 mã số vùng trồng (gồm 139 mã số xoài, 7 mã số chuối, 4 mã số mít, 30 mã lúa) và 21 mã số cơ sở đóng gói. Đặc biệt, mã số vùng trồng cấp cho cây xoài chiếm nhiều nhất với diện tích trên 6.734 ha, tương đương 37% tổng diện tích cây ăn quả của toàn tỉnh.
Cụ thể, mã số vùng trồng trong tỉnh đăng ký xuất khẩu sang các thị trường khó tính (ngoài thị trường Trung Quốc) đến nay, có 104 mã số; trong đó, có 66 mã số công ty/doanh nghiệp đứng đại diện, 38 mã số của hợp tác xã, tổ hợp tác đứng đại diện, với tổng diện tích trên 1.973 ha.
Mã số vùng trồng trong tỉnh đăng ký xuất khẩu sang thị trường EU có 2 mã số, với diện tích 21,8 ha của Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit trên xoài keo tại An Phú; và 1 mã số vùng trồng xoài đăng ký xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.
Riêng, thị trường Trung Quốc, toàn tỉnh đã có 30 mã số vùng trồng cho xoài với diện tích 7.195ha, 7 mã số vùng trồng cho chuối với diện tích 386 ha chủ yếu ở huyện Tri Tôn, 4 mã số vùng trồng cho mít với diện tích 86 ha (tập trung tại thành phố Châu Đốc, huyện Chợ Mới và thị xã Tân Châu), cùng 19 mã số được cấp cho các cơ sở đóng gói, chủ yếu tại các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Chợ Mới, An Phú.
Bên cạnh đó, An Giang hiện có 30 mã số vùng trồng trên lúa, nếp với diện tích 1.980 ha với các giống lúa OM 5451, OM 18, Đài thơm 8, nếp với các giống IR 4625, CK 2003 đã được cấp cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời phân bố các huyện Thoại Sơn, Phú Tân, Tri Tôn, Châu Thành của tỉnh An Giang. Các mã số vùng trồng lúa và nếp này để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản (364 ha), Châu Âu (336 ha), còn lại tiêu thụ trong nước.
Ngoài ra, tỉnh An Giang cũng đã chứng nhận vùng và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho 2 doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản với diện tích 254,63 ha (vùng ương giống tập trung Công ty Cổ phần cá Tra Việt Úc có diện tích 104,63 ha và vùng ương giống tập trung Công ty TNHH MTV nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú có diện tích 150 ha); góp phần đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu quy mô lớn, hướng đến xuất khẩu bền vững.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, tính đến cuối năm 2021, tổng diện tích sản xuất lúa và rau màu, cây ăn trái toàn tỉnh là trên 260.000 ha; trong đó, có 229.791 ha trồng lúa, hơn 18.000 ha rau màu và trên 17.421 ha cây ăn quả (chủ yếu là xoài là 11.896ha, chuối 872 ha, nhãn 481 ha, cây có múi 1.516ha, mít 948 ha,...)
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng, việc cấp mã số, kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng có ý nghĩa quan trọng đối với xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh An Giang, qua đó khuyến khích người dân sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, thuận lợi trong việc liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Để từng bước cao chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu, thời gian tới, ngành nông nghiệp An Giang sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Cục Bảo vệ Thực (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp mã số đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như: lúa, rau màu, cây ăn trái....
Phấn đấu trong năm 2022, An Giang sẽ có 860 mã số vùng trồng được cấp cho các cây trồng chủ lực của tỉnh như lúa, xoài, cây có múi, nhãn, mít, sầu riêng và rau màu các loại. Trong đó, với lúa cấp 543 mã trên 38.010 ha, rau màu cấp 185 mã trên 925 ha và cây ăn trái cấp 131 mã trên 2.620 ha.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) Cùng với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, những năm gần đây, kinh tế nông nghiệp ở huyện Thạch Thất có nhiều khởi sắc nhờ thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn của TP Hà Nội. Nhờ chủ trương đó, không chỉ bộ mặt nông thôn mới (NTM)...