Tia UV ở mức gây hại cao, nhiều người dùng kem chống nắng không đúng cách bị phản tác dụng
Theo bác sĩ da liễu, nhiều người cứ nghĩ bôi kem chống nắng là phòng được tia UV, tuy nhiên khi thực hiện lại sai cách khiến phản tác dụng bảo vệ cơ thể.
Chỉ số tia UV ở Hà Nội, TP HCM ở mức 10 có nguy cơ gây hại cao
Những ngày vừa qua, cả nước đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt đỉnh điểm. Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM nhiệt độ lúc cao điểm được dự báo trên 40 độ. Với thời tiết như vậy, việc ảnh hưởng đến sức khỏe là không tránh khỏi.
Theo dự báo của Weather (Anh) trong 2 ngày tới chỉ số tia cực tím (UV) tại Hà Nội và TP HCM dao động ở mức 10. Với mức tia UV như vậy, cùng với nhiệt độ ngoài trời tăng cao sẽ là nguy cơ gây hại đối với cơ thể con người.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mức UV 8-10, thời gian gây bỏng cho da là 25 phút. Đặc biệt, ánh nắng mặt trời mạnh và có hại nhất vào lúc 10h-16h. Đặc biệt, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tia UV còn là tác nhân gây ung thư da.
ThS. BS Vũ Nguyệt Minh – Phó Trưởng Khoa Nghiên cứu & Ứng dụng Công nghệ Tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, trong ánh nắng mặt trời có tia cực tím A và B (UVA và UVB) có thể gây tổn thương đến ADN của tế bào da. Vì thế, khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng có hai tia này da sẽ bị bỏng, khô, sạm, mất sự đàn hồi và làm nhanh quá trình lão hóa, nguy hiểm nhất là gây ung thư da.
Bác sĩ Nguyệt Minh cảnh báo tia UV nhẹ thì bỏng da, sạm da, nặng có thể gây ung thư da.
Những sai lầm cần tránh khi dùng kem chống nắng bảo vệ da
Để phòng tránh những tác hại do tia UV gây ra, ThS.BS Trịnh Minh Trang – Khoa Laser và Săn sóc da (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, biện pháp đầu tiên cần được nhắc tới là không nên ra ngoài vào giờ nắng nóng cao điểm (từ 10h đến 16h).
Trong trường hợp bắt buộc phải ra ngoài vì công việc thì cần phải dùng các biện pháp bảo vệ đó là dùng kem chống nắng, dùng các đồ bảo hộ như mũ rộng vành, áo dài tay, găng tay, tất chân, khẩu trang, kính măt…Tuy nhiên, việc sử dụng các biện pháp chống nắng cũng cần phải đúng cách mới có tác dụng bảo vệ.
Bác sĩ Trang cho rằng, hiện rất nhiều người dùng kem chống nắng và chống tia UV. Tuy nhiên, không ít người đang sử dụng sai như bôi kem chống nắng quá ít, chọn chỉ số chống nắng chưa phù hợp, phối hợp kem chống nắng với các sản phẩm khác không đúng quy trình…
“Về nguyên tắc, kem chống nắng phải dùng “đủ thời gian ban ngày”, tức từ khi có ánh sáng ban ngày đến lúc trời tối. Lý do, kể cả ban ngày chưa có nắng vẫn có tia UV A (có 2 loại tia UV là tia UV A và tia UV B), làn da vẫn bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, mỗi ngày bôi kem chống nắng ít nhất hai lần, nếu được thì 3-4 lần. Số lần thoa nhiều hay ít có thể linh hoạt theo tình huống, tuy nhiên đảm bảo trên mặt luôn có một lớp kem chống nắng. Nếu mặt giữ được lớp kem chống nắng lâu thì có thể giảm tần suất bôi. Trường hợp ra mồ hôi nhiều, sau mỗi hai giờ phải thoa kem lại. Làm sạch mặt (tẩy trang, rửa) trước khi bôi lại kem.
Đối với chỉ số chống nắng càng cao thì thời gian da được bảo vệ càng lâu. Khi ra ngoài trời, tiếp xúc ánh nắng cường độ cao, nên chọn kem chống nắng có chỉ số SPF cao. Ví dụ, đi biển mùa hè dùng kem chống nắng chỉ số SPF 50 , làm việc trong môi trường không bị nắng chiếu trực tiếp cần SPF thấp hơn”, bác sĩ Trang khuyến cáo.
Bác sĩ Trang cho rằng dùng kem chống nắng phải đúng cách mới mang lại hiệu quả.
Ngoài ra, bác sĩ Trang cũng cho rằng việc bôi kem chống nắng kết hợp các sản phẩm khác như dưỡng da, dưỡng ẩm, kem nền… không đúng quy trình sẽ giảm tác dụng.
“Hai tác dụng của kem chống nắng là chống nắng cơ chế vật lý, giống như một lớp vật liệu che phủ da; và cơ chế hóa học, tức tạo ra tương tác hóa học để thay đổi sự hấp thu, chuyển hóa các tia bức xạ đến da. Bôi kem chống nắng ngay sau khi dùng các sản phẩm chăm sóc da khác sẽ làm loãng kem hoặc thay đổi tính chất vật lý, hóa học, do đó giảm tác dụng”, bác sĩ Trang phân tích.
Theo bác sĩ Trang, mọi người nên bôi trực tiếp kem chống nắng lên da mặt. Nếu trước đó bôi dưỡng ẩm, phải để kem dưỡng ẩm có thời gian hấp thu vào trong da mới bôi kem chống nắng lên. Thông thường thời gian bôi các sản phẩm dưỡng da cách nhau ít nhất 15 -20 phút.
Nên lựa chọn loại kem phù hợp vùng da, loại da (da nhờn, da khô, da nhạy cảm…). Bôi trước khi ra nắng ít nhất 20 phút. Mọi vùng da đều cần được bảo vệ, nhất là vùng tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Da mặt thường được ưu tiên chăm sóc nhất. Nếu có điều kiện, bôi kem chống nắng cho cả vùng tay chân, thân mình.
Trong trường hợp đi nắng bị cháy, bóc trong lớp da ngoài…bác sĩ Trang khuyến cáo người dân nên đến các bệnh viện chuyên khoa khám để được tư vấn, điều trị kịp thời tránh để lại hậu quả không đáng có.
Đi bơi giải nhiệt mùa nắng nóng, cần lưu ý gì để bảo vệ sức khỏe?
Chất lượng nước và thời tiết cực đoan là 2 yếu tố chính làm phát sinh các vấn đề về da, khi "giải nhiệt" tại các hồ bơi, bãi biển trong dịp hè.
Đi bơi giải nhiệt mùa nắng nóng, cần lưu ý gì để bảo vệ sức khỏe?
Vào mùa hè, các bãi biển, hồ bơi trở thành nơi giải nhiệt kết hợp vận động, thư giãn lý tưởng của nhiều người. Tuy nhiên, kiểu thời tiết cực đoan, cùng với những vấn đề đặc trưng của mùa cao điểm lại khiến hoạt động này tiềm ẩn những rủi ro về sức khỏe.
Những lưu ý để bảo vệ sức khỏe khi tắm biển vào mùa hè
Một trong những vấn đề cần lưu ý hàng đầu khi đi tắm biển, vào đợt cao điểm nắng nóng, chính là nguy cơ bị cháy nắng, bỏng nắng.
Theo BS Đặng Thị Bích Diệp, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Da liễu Trung ương, tại các vùng biển, mặt nước bức xạ ánh sáng mặt trời khiến chỉ số UV sẽ cao hơn nhiều so với các khu vực khác, điều này đồng nghĩa với việc mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là làn da cũng tăng lên. Vì vậy, khi đi tắm biển, các biện pháp bảo vệ cần phải được chú ý hơn.
BS Đặng Bích Diệp, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Da liễu Trung ương
BS Diệp lưu ý: "Ngoài việc mang áo dài tay, đội mũ rộng vành, đeo kính râm, thì sử dụng kem chống nắng khi đi biển vào mùa hè là rất cần thiết, bởi các phương pháp vật lý không thể bảo vệ tuyệt đối cho làn da, trước sự tấn công của tia UV trong ánh nắng mặt trời".
Bên cạnh các phương pháp bảo vệ thì tránh phơi nắng vào khung giờ cao điểm cũng là một lưu ý để đảm bảo an toàn. "Thời điểm chính giữa buổi trưa 10h-14h thì chỉ số UV sẽ đạt đỉnh. Tuy nhiên, vì hiệu ứng bức xạ ánh nắng của nước biển như đã đề cập, tốt nhất chúng ta nên hạn chế tối đa dạo biển hay đi tắm trong khung giờ từ 9h-16h. Buổi sáng sớm hay chiều muộn là thời điểm an toàn nhất cho những hoạt động này" - BS Diệp phân tích.
Một sai lầm mà mọi người thường mắc phải là nghĩ rằng, khi đi tắm thì nguy cơ cháy nắng sẽ không còn, bởi da được làn nước làm mát. Dưới góc độ của một chuyên gia da liễu, BS Bích Diệp lý giải: "Khi tắm biển dưới ánh nắng gắt, nguy cơ vùng da nổi trên mặt nước bị cháy nắng vẫn là rất cao, khi chịu tác động kép từ ánh nắng mặt trời chiếu xuống và bức xạ do nước biển hắt lên. Ngoài ra, khi xuống nước, kem chống nắng sẽ bị trôi bớt nên làn da của chúng ta lại càng dễ chịu tác động bởi tia UV".
Những vấn đề về da có thể gặp phải tại hồ bơi và cách giải quyết
Ngoài các vấn đề liên quan đến cháy nắng, bỏng nắng như khi đi tắm biển (đối với bể bơi ngoài trời), nếu lựa chọn bể bơi làm nơi giải nhiệt mùa hè, chúng ta cũng cần lưu ý đến đến chất lượng nước của bồ bơi, nhất là vào giai đoạn các hồ bơi trở nên đông đúc như hiện nay.
Theo BS Bích Diệp, nếu công tác khử khuẩn, giữ vệ sinh không được đảm bảo, làn da sẽ là một trong những nơi đầu tiên chịu tác động, phổ biến nhất là tình trạng viêm nang lông, biểu hiện là các sần đỏ, mụn mủ, ngứa, đau ở quanh nang lông.
"Viêm nang lông thời kì đầu nhìn giống như nốt đỏ hay mụn, khi tiến triển nặng hơn sẽ lan rộng ra các vùng khác của cơ thể. Mặc dù đây không phải là căn bệnh nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng đến thẩm mỹ đồng thời gây cảm giác khó chịu như ngứa ngáy, đau nhức" - BS Diệp cho biết.
Viêm nang lông thời kì đầu nhìn giống như nốt đỏ hay mụn
Ngược lại, trong trường hợp bể bơi dùng chất Clo khử khuẩn chất lượng thấp, sử dụng quá đậm đặc thì có thể gây kích ứng da với các triệu chứng như: mẩn đỏ, ngứa rát, khó chịu. Khả năng, mức độ kích ứng sẽ phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người.
Tổng kết lại, BS Diệp khuyến cáo, nếu sau khi tắm tại hồ bơi gặp phải các hiện tượng kể trên, mọi người nên đến thăm khám tại bác sĩ da liễu để chẩn đoán, điều trị bệnh. Trong trường hợp nguyên nhân hướng đến chất lượng nước của hồ bơi thì nên lựa chọn các hồ bơi khác đảm bảo hơn.
WHO đưa ra chỉ dẫn chống nắng hiệu quả Tránh ánh nắng mặt trời lúc giữa trưa, theo dõi tia UV, dùng bóng râm lớn,... là những chỉ dẫn chống nắng hiệu quả được WHO đưa ra. Ảnh minh họa Tránh ánh nắng mặt trời lúc giữa trưa Các tia UV mạnh nhất trong khoảng thời gian 10h-16h. WHO khuyến cáo nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong...