Tia cực tím ở ngưỡng gây hại, chuyên gia chỉ cách chống nắng hiệu quả
Hà Nội được dự báo trưa nay nắng nóng đến 40 độ. Còn tại TP Hồ Chí Minh những ngày qua chỉ số tia cực tím luôn ở mức gây hại, có thể gây bỏng da trong khoảng thời gian 25 phút. Ngoài ra tiếp xúc với tia cực tím UV có nguy cơ sạm da, nám da, ung thư da. Giám đốc BV Da liễu Trung ương chỉ cách để chị em đối phó với tia cực tím gây hại.
Những ngày qua, chỉ số tia UV tại TP Hồ Chí Minh luôn dao động từ mức 8 – 10.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mức UV 8-10, thời gian gây bỏng cho da là 25 phút. Đặc biệt, ánh nắng mặt trời mạnh và có hại nhất vào lúc 10-16h. Chỉ số tia UV từ 3 là bắt đầu gây tổn thương da. Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BV Da liễu Trung ương khuyên mọi người nên thực hiện các biện pháp dưới đây vừa chống nắng nóng, chống tia UV để bảo vệ làn da.
Ưu tiên áo chống nắng, mũ rộng vành
PGS Thường cho biết, đây là biện pháp chống nắng cơ học hiệu quả, rẻ tiền mà ai cũng làm được. Theo đó, khi đi ra ngoài trời nắng, hãy mặc áo dài tay, đeo khẩu trang, đội mũ rộng vành, đeo kính râm. Điều này sẽ góp phần ngăn cản sự tác động của tia cực tím UV tới làn da.
Dùng kem chống nắng đúng cách
Theo PGS Thường, hiện nay các loại kem chống nắng được dùng rất phổ biến. Nhưng phần lớn mọi người dùng sai cách nên việc dùng kem chống nắng chỉ mang lại cảm giác… yên tâm, còn chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Nhiều bệnh nhân tới viện khám trong tình trạng tổn thương da, chia sẻ với bác sĩ sáng nào trước khi ra khỏi nhà cũng bôi kem chống nắng. Nhưng họ chỉ bôi một lần duy nhất đó dùng cho cả ngày.
Video đang HOT
Theo lý thuyết, 1 SPF bảo vệ da khỏi tia cực tím trong trong 10 phút. Sử dụng kem có SPF 15 sẽ bảo vệ được da trong 150 phút (2, 5 giờ đồng hồ), SPF 50 là 500 phút.
Tuy nhiên điều này chỉ để ước tính cơ bản nhất, mà thời gian bảo vệ còn phụ thuộc loại da, cường độ ánh sáng mặt trời, lượng kem sử dụng vậy nên nó ít có ý nghĩa để giúp bạn xác định thời gian tiếp xúc ánh sáng. Vì thế, hãy nhớ, lời khuyên của chuyên gia da liễu, cứ 2 – 3 tiếng bạn cần bôi lại kem chống nắng một lần dù bạn đang dùng loại có chỉ số chống nắng cao.
Bên cạnh đó, hãy bôi kem chống nắng đủ liều. Mọi người thường bôi lớp quá mỏng nên tác dụng giảm đi rất nhiều. Nguyên tắc dùng kem chống nắng, bạn phải dùng đủ liều, đúng với tuýp da.
Nếu bôi kem chống nắng không đủ lượng cần thiết thì tác dụng chống nắng giảm đi rất nhiều. Ví dụ nếu chỉ dùng được lượng cần thiết của kem chống nắng SPF 30 thì SPF giảm tới 5 – 6 lần.
Vì vậy, để chống nắng hiệu quả, bôi đủ lượng kem là vô cùng quan trọng để đạt được tác dụng tối ưu. Lượng kem chống nắng đủ theo FDA khuyến cáo là: 2mg/cm2.
Và hãy nhớ, cần bôi kem chống nắng 30 phút trước khi đi ra ngoài. Đừng đợi đến sát giờ ra ngoài mới bôi kem chống nắng.
“Bôi kem chống nắng cần thực hiện hàng ngày, như một thói quen. Kể cả trời nhiều mây, tia UV vẫn làm hại da bạn. Vì thế, hãy dùng kem chống nắng hàng ngày, chứ không chỉ dành riêng cho ngày nắng để bảo vệ làn da”, PGS Thường khuyến cáo.
Tránh đi ra đường giờ tia cực tím mạnh nhất
Thời gian từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều là thời điểm nắng cao điểm nhất, ánh nắng mặt trời chứa rất nhiều tia cực tím.
Do đó, bạn nên hoặc hạn chế làm việc, đi lại ngoài trời trong khoảng thời gian này. Trong trường hợp bắt buộc phải đi ra ngoài, hay làm việc ngoài trời trong thời gian này hãy nhớ bôi kem chống nắng, mặc áo dài tay, mũ rộng vành, kính râm để ngăn ngừa tác hại của tia UV.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Các dấu hiệu cảnh báo, cách phòng bệnh ung thư da
Ung thư da là một dạng ung thư phổ biến nhất hiện nay, là nguyên nhân gây tử vong cho hàng chục nghìn người trên thế giới mỗi năm.
Ảnh minh họa.
Hiện nay số người bị ung thư da ngày một tăng lên, đặc biệt những người sống tại các vùng nhiều ánh nắng mặt trời, thường xuyên tiếp xúc với tia cực tím (UV) có nguy cơ cao nhất.
Các dấu hiệu cảnh báo
Thường ung thư da xuất hiện trên những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời như: da đầu, mặt, môi, tai, cổ, ngực, cánh tay, bàn tay và cẳng chân ở phụ nữ... Tuy nhiên, ung thư da vẫn có thể xuất hiện ở những vùng da còn lại, như lòng bàn tay, vùng gian ngón chân hoặc da vùng cơ quan sinh dục.
Ba loại ung thư da thường gặp là ung thư tế bào đáy, tế bào sừng và tế bào hắc tố; trong đó, phổ biến nhất là ung thư tế bào đáy và tế bào sừng. Cả hai loại này đều ở bề mặt, tốc độ phát triển chậm và khả năng chữa lành cao, nhất là khi được phát hiện sớm. Loại ung thư tế bào hắc tố nặng hơn, ảnh hưởng đến các lớp sâu hơn của da và có nguy cơ di căn đến các mô khác cao nhất.
Hầu hết các ung thư da đều gây ra những biến đổi trên một vùng da khu trú. Do vậy, nếu chú ý, bạn có thể tự phát hiện sớm được những biến đổi đáng nghi ngờ và nên đến khám ở bác sĩ càng sớm càng tốt, không nên chủ quan hoặc để lâu vì nếu không được điều trị sớm, ung thư da ngày một phát triển, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tính mạng.
Ung thư da có thể phòng được
Hầu hết các loại ung thư da đều có thể phòng ngừa được. Bạn nên thực hiện theo một số biện pháp sau để duy trì sự khỏe mạnh của làn da:
Ít nhất 3 tháng 1 lần nên kiểm tra da để phát hiện sớm những vùng da phát triển bất thường. Ảnh minh họa.
Giảm thời gian phơi nắng: Tránh làm việc và tiếp xúc ánh nắng mặt trời quá lâu, gây bỏng nắng, sạm nắng,... Tránh phơi nắng nhiều trên bãi biển, hồ bơi,... đều phản xạ ánh nắng mặt trời. Tia cực tím thường mạnh nhất vào khoảng từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều mỗi ngày. Các đám mây chỉ hấp thụ và che chắn một phần nhỏ các tia nguy hại này.
Nên dùng kem chống nắng: Trước khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, nên dùng kem chống nắng cho tất cả những vùng phơi sáng, kể cả môi, 30 phút trước khi ra nắng, rồi thoa lại sau vài giờ (nên thoa nhiều lần hơn nếu bạn đi bơi, tắm biển,...). Nếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá lâu thì kem chống nắng cũng không bảo vệ được da.
Kiểm tra sức khỏe da thường xuyên: Ít nhất 3 tháng 1 lần nên kiểm tra da để phát hiện sớm những vùng da phát triển bất thường, các nốt ruồi thay đổi kích thước, tính chất,...
Nếu trong gia đình từng có người bị ung thư tế bào hắc tố, đồng thời bạn đang có nhiều nốt ruồi trên người, đặc biệt là ở cổ, bạn cần khám ở các chuyên gia da liễu theo định kỳ như sau: Nếu từ 20 - 39 tuổi: kiểm tra 3 năm 1 lần. Nếu từ 40 tuổi trở lên kiểm tra hàng năm.
Theo Lao động
Trẻ nhập viện dồn dập vì nắng nóng, bệnh viện nhi ở Sài Gòn đông nghẹt Tại TP.HCM, những ngày gần đây, số lượng trẻ em đến khám và nhập viện do các bệnh mùa nắng nóng tiếp tục tăng mạnh khiến bệnh viện luôn trong trạng thái đông nghẹt. Thời tiết tại Sài Gòn đang bước vào giai đoạn nắng nóng cao điểm, trung bình từ 35-37 độ C, chỉ số tia cực tím dao động mức nguy...