Tỉ lệ chữa bỏng thành công ngày càng cao
Tại Bệnh viện Bỏng quốc gia tỉ lệ chữa bỏng chung 70% diện tích cơ thể, 40% bỏng sâu ngày càng cao hơn. Đặc biệt, có những ca bệnh bỏng nặng đến 90% diện tích cơ thể, bỏng sâu đến 70% đã được cứu sống.
Ngày 28/8, tại buổi lễ đổi tên Viện Bỏng Lê Hữu Trác thành Bệnh viện Bỏng quốc gia và lập thêm Trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ, Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Gia Tiến, Giám đốc Bệnh viện Bỏng quốc gia cho biết, nhờ ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, hiện đại trong điều trị bỏng nặng và sẹo di chứng sau bỏng, tỉ lệ chữa bỏng thành công ngày càng cao.
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Bỏng quốc gia.
Từ chỗ ít khi cứu sống được bệnh nhân bỏng chung đến 40% diện tích cơ thể (DTCT) và bỏng sâu đến 30% DTCT, thì đến nay bệnh nhân bỏng chung đến 70% DTCT và bỏng sâu đến 40% DTCT đã được cứu sống. Đặc biệt đã cấp cứu, cứu chữa thành công một số ca bỏng nặng đến 90% DTCT, bỏng sâu đến 70% DTCT; điều trị thành công nhiều bệnh nhân bỏng hô hấp, bỏng tiêu hóa trong các vụ bỏng hàng loạt do cháy nổ, bỏng do thảm họa.
Video đang HOT
Tỉ lệ tử vong của bệnh nhân bỏng điều trị tại Viện đã giảm từ hơn 10% những năm trước đây, xuống còn từ 1,5 đến 2% những năm gần đây. Viện đã được Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế công nhận là Bệnh viện Hạng I; được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là đơn vị đầu ngành, chỉ đạo tuyến toàn quốc về chuyên ngành bỏng. Cơ chế hoạt động của Viện đã chuyển từ Viện có giường bệnh trở thành Bệnh viện chuyên khoa hoàn chỉnh ở tuyến cao nhất về bỏng, phẫu thuật tạo hình và liền vết thương.
Thiếu tướng Nguyễn Gia Tiến cũng công bố quyết định đổi tên từ Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác thành Bệnh viện Bỏng Quốc gia, quyết định thành lập và ra mắt Bộ môn – Trung tâm PTTH – TM & TT trực thuộc Bệnh viện.
Thiếu tướng Tiến cũng đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của Khoa Phẫu thuật tạo hình – thẩm mỹ Viện Bỏng Lê Hữu Trác. Đây là đơn vị đặc biệt đã tiến hành phẫu thuật thành công nhiều loại phẫu thuật cho bệnh nhân di chứng bỏng phức tạp vùng chi thể, đầu mặt cổ, tái tạo vú, thực quản sau điều trị ung thư, chuyển ngón chân thay thế ngón tay cho bệnh nhân tai nạn cắt cụt ngón, tạo hình các biến dạng phức tạp vùng mặt, trong đó phải kể đến kỹ thuật vi phẫu đã được thực hiện thường xuyên có chất lượng cao…
Đến nay, trung bình mỗi năm khoa Phẫu thuật thẩm mỹ thu dung điều trị trên dưới 1.500 bệnh nhân tạo hình và thẩm mỹ các loại.
Phẫu thuật tạo hình-thẩm mỹ là một chuyên ngành quan trọng của ngoại khoa, giải quyết các cấp cứu chấn thương, vết thương cũng như các bệnh lý khối u, nhiễm trùng, dị tật bẩm sinh và tái tạo các bộ phận bị mất của cơ thể do tai nạn và bệnh lý cũng như nhu cầu làm đẹp của người dân. Bộ môn – Trung tâm PTTH – Thẩm mỹ &tái tạo sẽ tập trung sửa chữa các tổn khuyết, sẹo di chứng bỏng và chấn thương; Tạo hình sau di chứng của phẫu thuật ung thư như: Ung thư vú, tổn khuyết hàm mặt, mất đoạn thực quản; Sửa chữa các dị tật bẩm sinh; Vi phẫu thuật: nối chi đứt rời, chuyển vạt tự do, nối mạch trong ghép tạng; làm đẹp cho người bệnh có nhu cầu…
Hồng Hải
Theo Dân trí
Bỏng nặng do nướng cá mực bằng cồn
Khoa Điều trị bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tiếp nhận anh Nguyễn V. (17 tuổi), ở quận Hoàng Mai, Hà Nội bị bỏng mặt, lưng ngực, 2 tay diện tích 40% cơ thể, bỏng độ 2-3.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân theo bệnh nhân kể lại là đã cùng 3 người bạn nướng mực bằng cồn. Do ngọn lửa có màu xanh trong, bệnh nhân tưởng đã tắt lửa, hết cồn đã đổ tiếp cồn vào khay khiến ngọn lửa bùng lên gây bỏng nặng và được đưa vào Khoa Cấp cứu. Ngày 24-6 các vết bỏng vẫn còn sâu rộng, có dấu hiệu hoại tử, băng thấm dịch.
Trước đó, vào các ngày 1-6, 17-6 và 19-6 bệnh viện đều tiếp nhận các bệnh nhân bị bỏng lửa do nướng mực. Những bệnh nhân này bị bỏng lửa do cồn khiến thời gian điều trị lâu, tùy theo mức độ, diện tích bỏng khi khỏi thường để lại sẹo co rúm trên da.
Để không còn tai nạn bỏng do cồn, cách tốt nhất là khi nướng mực, mọi người hãy cẩn thận, quan sát thật kỹ ngọn lửa. Nếu không thấy ngọn lửa (hết cồn) mới đổ tiếp cồn vào khay nướng rồi bật lửa mới không xảy ra cháy gây bỏng.
Trần Trí Lễ
Theo An ninh thủ đô
Chườm lá ngải cứu rang nóng, bệnh nhân bị bỏng nặng Bị tê bì tay chân, ông Chu Văn T. (60 tuổi, Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc) được vợ dùng lá ngải cứu, lá lốt và rượu gừng trộn lại, rang nóng lên và đắp vào chân mỗi ngày. Vợ bệnh nhân cho biết, đây là bài thuốc dân gian được mọi người "mách" để chữa chứng tê bì tay, chân của chồng. Ông...