Thuyết âm mưu thú vị đằng sau những tác phẩm điện ảnh Việt đình đám trong năm 2018
Bạn có tin rằng các bộ phim Việt đáng chú ý nhất năm nay như “Nhắm mắt thấy mùa hè”, “Ống kính sát nhân”, “ Chàng vợ của em”… đều kết nối chặt chẽ với nhau không? Câu chuyện sau đây sẽ khiến bạn bất ngờ.
Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung của nhiều phim, độc giả cần cân nhắc trước khi đọc
Mặc dù năm 2018 vẫn chưa khép lại, làng điện ảnh Việt đã chứng kiến màn ra mắt của hàng loạt tác phẩm chất lượng, đa dạng từ thể loại cho tới nội dung. Nếu Nhắm mắt thấy mùa hè là cột mốc đáng nhớ đối với dòng phim độc lập, Ống kính sát nhân là pha thử sức táo bạo cùng chất liệu trinh thám, thì Chàng vợ của em đánh dấu sự “tái xuất giang hồ” của cựu vương phòng vé Thái Hòa sau thời gian dài quy ẩn. Tuy mỗi người mỗi vẻ, nhưng thú vị ở chỗ, tất cả đều có mối liên hệ chặt chẽ mà không phải ai cũng đủ sức nhìn thấu. Vì vậy, hãy chuẩn bị tinh thần để theo dõi thuyết âm mưu hấp dẫn dưới đây.
Chắc hẳn, nhiều bạn đã từng nghe nói đến “ vũ trụ điện ảnh Phương Anh Đào”. Bao gồm ba bộ phim Nhắm mắt thấy mùa hè, Em gái Mưa và Chàng vợ của em, nó xoay quanh chuyến hành trình tìm kiếm lương duyên lận đận của nàng thơ này. Vừa “cảm nắng” trai Nhật Akira (Takafumi Akustu) chưa được bao lâu, cô bất ngờ hay tin anh đã lìa đời bởi căn bệnh lâu năm mà giấu.
Thất thểu trở về quê hương Đà Lạt, Đào càng choáng váng hơn khi phát hiện thầy giáo Vũ ( Mai Tài Phến), người mình đang yêu bị nữ sinh tên Vy (Thùy Linh) công khai cưa cẩm. Mất hết niềm tin vào cuộc đời, Đào thay đổi danh tính thành Mai rồi chuyển sang làm nhân viên cho tập đoàn bất động sản IAG danh tiếng. Quá mệt mỏi do áp lực nặng nề nơi công sở, cô đành bỏ tiền thuê người giúp việc và gặp gỡ “chàng vợ” Hùng (Thái Hòa).
Thế nhưng, sự thật lại chẳng hề đơn giản như vậy. Những ai từng thưởng thức Nhắm mắt thấy mùa hè sẽ thấy rằng quá trình Phương Anh Đào đi tìm người cha thất lạc được khắc họa khá mờ nhạt, hoàn toàn bị lép vế trước mối tình thầm lặng giữa cô với Akira. Tất nhiên, mọi chuyện đều có nguyên nhân chính đáng của nó. Vì mức độ nhạy cảm, mảnh ghép này đã không thể xuất hiện trên màn ảnh rộng: nhờ âm thầm điều tra, Đào biết được cha mình (Công Ninh) vốn là hậu duệ của tên giết người hàng loạt X (Khương Ngọc), kẻ đã làm rúng động tỉnh lị Đà Lạt yên bình vào cuối thập niên 60 bằng chiếc máy ảnh đáng sợ.
Lo sợ đứa con gái độc nhất sẽ lao theo vết xe đổ giống ông, cha Đào đành rời khỏi Đà Lạt, sang Nhật Bản định cư nhằm gầy dựng hội nhóm sát thủ riêng. Tại đây, ông bắt gặp Akira đang hận đời do vừa thất tình và quyết định nhận anh chàng làm đệ tử ruột. Từ đấy, Akira luôn ưa thích việc chụp các bức ảnh trắng đen, khơi gợi bầu không khí hoài niệm xưa cũ. Thông qua bản parody trailer u tối mang tên Nhắm mắt thấy… tối hù, ekip Nhắm mắt thấy mùa hè đã khéo léo “gợi ý” chi tiết gai góc trên cho người xem, thấy ghê chưa?
Kết hợp với vụ cha mình lập gia đình riêng, cơn tức giận nơi Đào mới bùng phát dữ dội. Sau khi cô tha thứ cho Akira vì anh dám che giấu cô nhiều bí mật động trời, đường dây câu chuyện tiếp tục quay lại quỹ đạo quen thuộc như chúng ta đã biết. Đến Chàng vợ của em, Đào gia nhập tập đoàn IAG rồi trở thành cánh tay đắc lực dưới trướng Mạnh ( Hứa Vĩ Văn), gã trưởng phòng kinh doanh điển trai, tham vọng. Thế nhưng, cuộc đời nào có dễ đoán. Cô cũng chẳng thể ngờ rằng, Mạnh sở hữu xuất thân không hề tầm thường. Anh ta tiếp cận và dò xét Đào là hoàn toàn có chủ đích hẳn hoi.
Dẫu tiêu diệt thành công thủ phạm X ở Ống kính sát nhân, thám tử K cũng phải đánh đổi cái giá quá đắt: chấp nhận ngồi tù vì tự tiện giết chết nghi can. Trước phút lâm chung, ông kịp thời dặn dò hậu duệ của mình cần theo dõi sát sao bất kì cá nhân nào có dính dáng đến gia đình nhà X. Và Mạnh chính là người gánh vác trách nhiệm cao cả này. Phát hiện Đào dự định chuyển sang Nhật để làm việc dài hạn, anh lo sợ “đối tượng” sẽ vụt khỏi tầm kiểm soát nên cố gắng ngăn chặn bằng mọi cách nhưng đều bị thất bại thảm hại.
Còn với Hùng, “chàng vợ” đảm đang khiến Đào tan chảy con tim băng giá cũng ẩn giấu quá khứ chẳng mấy hạnh phúc. Ngoài những gì mà anh tiết lộ trong Chàng vợ của em, rất ít người biết thêm thông tin về thời trai trẻ của nhân vật thú vị này. Thật ra, trước đây, Hùng từng đem lòng yêu một nàng thơ khác là Khánh Linh (Ngọc Diệp). Để có thể kề cận bên nàng, anh tự nguyện cải trang thành nhà tạo mẫu nữ Bích Trâm. Dẫu vận dụng tất cả mọi chiêu trò, nhưng Hùng vẫn không thể cùng Linh đi tới cuối con đường hạnh phúc. Mối tình đơn phương ấy đã được đạo diễn Charlie Nguyễn đưa lên màn ảnh rộng thông qua tác phẩm Cưới ngay kẻo lỡ (2012).
Sau lần đấy, Hùng quyết định an phận ở nhà, đảm đương hết thảy công việc nội trợ và chăm sóc cho Ngọc (Thanh Trúc), em gái anh. Đến một ngày nọ, anh bất ngờ nhận được lời cầu cứu từ cô. Vì lỡ dại ký hợp đồng mà chưa tìm hiểu kỹ công việc, Ngọc phải nhờ ông anh thay mình dọn dẹp căn hộ bừa bộn của khách hàng Mai (Đào). Khép lại bằng hình ảnh Hùng chạm môi Đào, Chàng vợ của emhứa hẹn cái kết tươi sáng hơn đối với quý cô lận đận.
Đáng thương thay, trong chuyến công tác định mệnh tiếp theo tại Nhật, Đào đã bị Mạnh mưu hại và mất tích cực kì bí ẩn. Chờ đợi mãi nhưng chẳng thấy Ngọc trở về, Hùng đành lập gia mới rồi sinh con đẻ cái. Vậy là chúng ta có thêm Hồn Papa da Con Gái, tác phẩm điện ảnh dự kiến công chiếu vào dịp Giáng Sinh năm nay.
Đó là toàn bộ thuyết âm mưu lý thú do người viết nghĩ ra sau khi theo dõi 5 bộ phim Việt thuộc top đáng chú ý nhất năm nay. Bài viết chỉ mang tính chất giải trí, không hề có ý động chạm tới bất kì tổ chức hoặc cá nhân nào. Hy vọng bạn vẫn còn giữ được bình tĩnh đến lúc đọc hết dòng này.
Theo Trí Thức Trẻ
Điểm danh 5 phim Việt hay nhất nửa đầu năm 2018
Điện ảnh Việt đã đi qua nửa chặng đường của năm 2018 với 20 bộ phim ra rạp. Trong khi thành công về thương mại đã có doanh thu phòng vé đo đếm, thì về chất lượng chưa có một phương tiện nào có thể đo đạt trọn vẹn.
Dưới đây là Top 5 phim điện ảnh hay nhất nửa đầu năm theo đánh giá của SAOstar.
1. Nhắm mắt thấy mùa hè (Cao Thuý Nhi)
Nhắm mắt thấy mùa hè có thể nói là phim nghệ thuật duy nhất trong số phim ra rạp nửa đầu năm. Đã có ai đó đánh đồng phim này vào thể loại phim "về tình yêu giới trẻ", chung một "rọ" với những phim tình cảm khác. Song nói nó là phim tình cảm không sai, nhưng nếu không mở ngoặc thêm thì không đúng.
Phim tình cảm có Không ngủ ở Seattle, Notting Hill hay Me before you... nhưng cũng có cả Casablanca, Cuốn theo chiều gió hay Những cây cầu ở quận Madison... Chúng ở 2 đẳng cấp khác nhau.
Dù là phim tình cảm, Nhắm mắt thấy mùa hè trên tầm hầu hết những tác phẩm cùng thể loại ra mắt trong suốt thập niên qua như Thần tượng (Nguyễn Quang Huy), 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy và 100 ngày bên em (Vũ Ngọc Phượng), Cô gái đến từ hôm qua (Phan Gia Nhật Linh), Cho em gần anh thêm chút nữa (Văn Công Viễn)...
Nó xếp ngang hàng với những tác phẩm sâu sắc khác ở thể loại này của điện ảnh Việt, như Hải Nguyệt (Trần Mỹ Hà), Rừng đen (Vương Đức), Chạm (Nguyễn Đức Minh)... trên cả một phim vốn rất nổi tiếng và được đánh giá cao hơn so với giá trị thực là Vị đắng tình yêu (Lê Xuân Hoàng).
Như những tác phẩm chất lượng khác cùng thể loại, ngoài một chuyện tình giàu cảm xúc, Nhắm mắt thấy mùa hè còn là những câu chuyện đáng xem về cuộc sống, về con người, về văn hoá... Quan trọng hơn, nội dung vốn hay ấy được truyền tải bằng nghệ thuật kể chuyện có nghề.
Là phim đầu tay của một ekip trẻ nhưng Nhắm mắt thấy mùa hè chuyên nghiệp ở hầu hết mọi khâu. Biên kịch am hiểu, thiết kế tinh tế, quay phim xuất sắc, âm nhạc phù hợp và diễn xuất có hồn. Đây là ứng viên hàng đầu cho giải Phim hay nhấtnăm nay.
2. Tháng năm rực rỡ (Nguyễn Quang Dũng)
Trong bộ tứ đạo diễn nổi bật của điện ảnh thương mại suốt một thập niên qua của Việt Nam (Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng, Charlie Nguyễn và Victor Vũ), "Dũng khùng" thường bị đánh giá thấp hơn 3 người còn lại.
Đúng là trước đây, Nguyễn Quang Dũng chưa có tác phẩm nào thực sự xuất sắc, nhưng cũng nên nhìn nhận, ngoài việc luôn đạt doanh thu rất tốt, thì Nụ hôn Thần Chết (16 tỷ năm 2008), Giải cứu Thần Chết (20 tỷ năm 2008), Những nụ hôn rực rỡ (20 tỷ năm 2010), Mỹ nhân kế (52 tỷ năm 2013) đều được đánh giá tốt trong thể loại giải trí của nó.
Sau 2 thất bại liên tiếp, cả về chất lượng lẫn doanh thu, của Siêu nhân X và Dạ cổ hoài lang, Nguyễn Quang Dũng đã có màn trở lại không thể tích cực hơn với Tháng năm rực rỡ.
Là phim remake từ Sunny của Hàn Quốc, với cá nhân người viết, Tháng năm rực rỡ của "Dũng khùng" hay hơn bản gốc. Kịch bản Việt hoá tinh chỉnh khéo léo (cắt bớt nhân vật thừa, thay đổi hợp lý profile một số nhân vật, lồng ghép câu chuyện vào đời sống xã hội Việt Nam một cách thông minh), lấy bối cảnh đặc sắc thu hút hơn hẳn bối cảnh tầm thường ở bản gốc, diễn viên xinh trai đẹp gái có diễn xuất nhỉnh hơn diễn viên Hàn, quay phim có nhiều sáng tạo (đoạn cầm ô hát dưới mưa tribute Singing in the rain, đoạn chuyển cảnh Hiểu Phương bé và Hiểu Phương lớn giữa trời mưa Đà Lạt, đoạn dàn cảnh trận hỗn chiến của 2 nhóm nữ quái giữa trận đàn áp biểu tình trước 75)... là những điểm cộng góp phần làm nên thành công của bộ phim.
Dù vẫn mang tính thương mại nhất định, nhưng Tháng năm rực rỡ thuộc diện nghiêm túc và chất lượng. Với sự chuyên nghiệp trong các yếu tố nghề, cùng với nội dung chạm đến cảm xúc của nhiều người, đây là một trong những phim tốt nhất năm nay.
3. Ống kính sát nhân (Nguyễn Hữu Hoàng)
Ống kính sát nhân là phim đầu tay của đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Hoàng. Yếu tố "trẻ" và "đầu tay" này khiến anh nhận được nhiều bình luận dạng xoa đầu, sau khi phân tích khen - chê, giống với nhận xét của nhiều người review hay cả giới làm nghề khi nói về Nhắm mắt thấy mùa hè của Cao Thuý Nhi và các cộng sự của cô.
Nói một cách bình đẳng, 2 bộ phim này không hề cần những cái nhìn ưu ái vẫn có giá trị đáng kể (độc lập với yếu tố tuổi tác). Nhắm mắt thấy mùa hè như đã nói, nó trưởng thành và hoàn thiện hơn nhiều tác phẩm của những người lớn tuổi hay kinh nghiệm hơn.
Ống kính sát nhân dù chưa phải hoàn hảo, nhưng những yếu tố chưa được thực ra không mấy liên quan đến việc trẻ người, non nghề, hay cụ thể chẳng phải là hệ quả của sự thiếu vốn sống thực tế hay thiếu kinh nghiệm trong nghề.
Thậm chí, nếu bàn về mặt nghề nghiệp, nó già dặn hơn hầu hết các tác phẩm điện ảnh Việt không quá nổi bật. Khai phá dòng phim trinh thám, ly kỳ, Ống kính sát nhân mang đến một màu sắc mới mẻ cho thị trường điện ảnh Việt ít sáng tạo.
Kịch bản là yếu tố bị chê nhiều nhất ở Ống kính sát nhân, với những nhận xét như vay mượn, ảnh hưởng, dễ đoán, lỗ hổng... hay thậm chí có lời phàn nàn không đúng thực tế xã hội.
Bỏ qua tất cả những mổ xẻ có phần khắt khe ấy, tôi cho rằng để tư duy một kịch bản như Ống kính sát nhân đòi hỏi phải có gì đó sâu hơn tư duy làm ra kịch bản kiểu 100 ngày bên em, dù kịch bản này tròn trịa khó chê. Cũng như thế, để làm ra một phim có không khí và lối kể điểm tĩnh như Ống kính sát nhân đòi hỏi một góc nhìn "chất" hơn góc nhìn đã làm ra những phim kiểu Cô gái đến từ hôm qua, dù phim này thu hút đông đảo khán giả và được báo giới nhiệt tình "bravo".
Tóm lại, Ống kính sát nhân thuộc phim cửa trên trong điện ảnh Việt.
4. 100 ngày bên em (Vũ Ngọc Phượng)
Vũ Ngọc Phượng là một đạo diễn được phát hiện từ thời phim ngắn Yxineff - liên hoan phim ngắn trực tuyến khá nổi, hoạt động trong giai đoạn 2010 - 2014. Anh được biết đến ngay từ năm thi đầu tiên với bộ phim L.O.V.E được giải Trái tim hồng do khán giả bình chọn.
Trong những người có thành tựu trong cuộc thi này, anh thuộc số tôi không đánh giá cao lắm, vì phim thường nông nhạt, so với những tác phẩm chất hơn của Nghiêm Quỳnh Trang, Leon Quang Lê, Trần Dũng Thanh Huy, Lê Bảo hay kể cả Nguyễn Quang Huy...
Nhưng có hề gì, anh là đạo diễn đầu tiên của lứa nhà làm phim trẻ trưởng thành từ cộng đồng ấy có phim truyện dài chiếu rạp. Bộ phim 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy của anh thậm chí đã được Ban Giám khảo Cánh diều 2017 trao cho giải Cánh diều Bạc, Đạo diễn xuất sắc, Nữ chính (Jun Vũ) và Nữ phụ (Quỳnh Chi).
Đây là sự ghi nhận quá ưu ái cho một tác phẩm thuần giải trí, nội dung nhạt, ít giá trị. Nó không đáng trách bởi trong thập niên này, đã nhiều lần các tác phẩm nghệ thuật sâu sắc, có tầm nội dung và giá trị xã hội hơn hẳn phải nhường bước trước những tác phẩm giải trí. Không chỉ trong các lễ trao giải kém chuyên môn kia mà trong cả đánh giá của báo chí và dư luận.
Nghe như có vẻ chê Vũ Ngọc Phượng hơi nhiều. Thực ra, đấy là không kỳ vọng bằng các đạo diễn có chất hơn thôi, chứ anh là một đạo diễn tài năng, cần thiết cho nền điện ảnh thương mại của Việt Nam.
Điều ấy thấy rõ hơn qua bộ phim thứ 2 của anh - 100 ngày bên em. Một phim ngôn tình nhưng cũng có ý tứ, duyên dáng, văn minh và có công xoá đi mác "hotgirl đóng phim" cho gương mặt tiềm năng của thế hệ diễn viên mới trong thời điểm hiện tại - Khả Ngân. Xét mặt bằng phim từ đầu năm đến giờ, thì phim này vẫn thuộc Top đầu.
5. Lật mặt: Ba chàng khuyết (Lý Hải)
Tôi có định kiến với Lý Hải, cũng nằm trong mối định kiến với những phim mình chẳng thấy hay gì mà thành công, kiểu như Em chưa 18 (đại thắng doanh thu và giành hết Sen Vàng lẫn Diều Bạc, Đạo diễn với Nữ chính xuất sắc và bao khen ngợi của báo giới).
Tôi càng đánh giá series này thấp hơn khi cuối năm 2016, anh khoe với báo giới việc được giải Đạo diễn xuất sắc nhất châu Á tại đêm trao giải Korean Culture and Global Entertainment Awards với bộ phim Lật mặt 2. Nhưng định kiến đấy bay sạch khi tôi xem Lật mặt: Ba chàng khuyết.
Quan điểm chung của nhiều người (cả khen lẫn chê) đều khẳng định phim bình dân. Đồng ý là phim cũng chẳng cao sâu g,ì nhưng xét về độ đơn giản, bề mặt, nó cũng chỉ tương đương với những phim (ngược lại không hiểu sao) được khen rất nhiều như Em chưa 18 hay Cô gái đến từ hôm qua.
Có thể nói Lật mặt: Ba chàng khuyết có kịch bản khá lớp lang, cài cắm nhiều lần twist rất hợp lý, bất ngờ và thú vị (đặc biệt là so với twist trong phim Việt đều thường ngớ ngẩn, vô lý, tuỳ tiện như kiểu Lôi Báo của Victor Vũ hay Ở đây có nắng của Việt Linh). Riêng việc nghĩ ra một câu chuyện về một bộ ba khuyết tật: câm điếc - mù loà - bại liệt cũng là sự mới mẻ trong đa phần các câu chuyện kể chẳng mấy đặc sắc của điện ảnh Việt.
Phim giải trí tốt (dù có thể có người không thích các mảng miếng hài trong phim), diễn xuất ổn (trừ em gái Thái Lan), nói chung là thuộc diện phim đáng xem nhất nửa đầu năm. Với ba phim đều đại thắng doanh thu: 72 tỷ - 52 tỷ và 85,5 tỷ, vừa viết kịch bản vừa đạo diễn vừa sản xuất, kể Lý Hải cũng không vừa.
Theo Saostar
Hậu thanh tra ngủ gật, Hứa Vĩ Văn trở lại làm soái ca lịch lãm trong "Chàng Vợ Của Em" "Chàng Vợ Của Em" vừa tung loạt hình ảnh của nhân vật Mạnh (Hứa Vĩ Văn) cho thấy đây là một người đàn ông vừa hấp dẫn, nhưng theo anh là ẩn chứa không ít bất ngờ. Ống Kính Sát Nhân có thể coi là một giai đoạn "tạm thời thoát xác" của Hứa Vĩ Vănvì hình tượng của anh trong phim là...