Thuyền viên làm việc nhiều nhất 14 giờ một ngày
Công ước Lao động Hàng hải của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa chính thức có hiệu lực, bảo vệ quyền lợi cho khoảng 1,5 triệu thuyền viên trên toàn thế giới.
Ngày 20/8, Công ước Lao động Hàng hải ( MLC 2006) chính thức có hiệu lực và trở thành luật quốc tế. Công ước này ra đời nhằm thúc đẩy việc tạo điều kiện sống và làm việc đảm bảo, bền vững cho thuyền viên, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các chủ tàu đạt chuẩn. Để có hiệu lực, Công ước cần sự tham gia của ít nhất 30 nước thành viên ILO, Việt Nam là nước thứ 37 phê duyệt Công ước, trong tổng số 45 nước đã tham gia.
Các thuyền viên Việt Nam bị cướp biển Somalia bắt cóc trở về đến sân bay Nội Bài một năm trước. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Tổng Giám đốc ILO, ông Guy Ryder, cho biết, công ước này là một mốc quan trọng trong lịch sử hàng hải, mở ra một kỷ nguyên mới, đảm bảo việc làm bền vững cho thuyền viên.
Theo công ước, thuyền viên dưới 16 tuổi không được làm việc trên tàu. Thuyền viên dưới 18 tuổi không được làm việc ban đêm và làm những công việc nặng nhọc, độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em. Các thuyền viên phải được đối xử công bằng về cơ hội việc làm, không bị phân biệt đối xử, được miễn phí khi tuyển dụng, điều động. Bên cạnh đó, họ được hồi hương miễn phí và được bồi thường hợp đồng lao động nếu người sử dụng không bảo đảm đúng cam kết hợp đồng. Gia đình thuyền viên cũng phải được cung cấp thông tin về họ kịp thời và miễn phí.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, hiện nay có khoảng 32.000 sỹ quan, thuyền viên được cấp chứng chỉ, trong đó có khoảng 27.000 người đang làm việc trên đội tàu trong nước và các tàu nước ngoài. Đội tàu 1.700 chiếc của Việt Nam đáp ứng được khoảng một phần mười lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam và gần một nửa số hàng hóa vận chuyển trong nước.
MLC quy định giờ làm việc bình thường của thuyền viên là 8 giờ một ngày. Mỗi tuần được nghỉ một ngày và được nghỉ các ngày lễ, tết theo luật định. Số giờ làm việc vượt ngoài số giờ quy định làm việc bình thường và làm việc vào những ngày nghỉ, lễ tết, được tính là thời gian làm việc ngoài giờ.
Video đang HOT
Số giờ làm việc nhiều nhất trong một ngày không được vượt quá 14 giờ. Số giờ làm việc nhiều nhất trong một tuần, không được vượt quá 72 giờ. Lương cơ bản trả theo nguyên tắc ngày làm tối đa 8 giờ và 48 giờ một tuần. Tiền lương tối thiểu làm ngoài giờ phải bằng 1,25 tiền lương cơ bản tính theo giờ.
Số giờ nghỉ ngơi ít nhất trong một ngày không ít hơn 10 giờ. Số giờ nghỉ ngơi ít nhất trong một tuần không ít hơn 77 giờ. Trường hợp đặc biệt, số giờ nghỉ trong ngày có thể bị gián đoạn nhưng không được chia quá 2 phần. Phần đầu tối thiểu là 6 giờ. Thời gian gián đoạn giữa 2 lần nghỉ liên tục không được vượt quá 14 giờ.
Thời gian nghỉ ngơi của thuyền viên cũng được quy định chặt chẽ. Họ phải được nghỉ bù thời gian gián đoạn do sự cố của tàu. Lịch qui định thời gian làm việc tối đa và nghỉ ngơi tối thiểu của mỗi thuyền viên phải được dán ở nơi công cộng. Khi làm việc, nếu xảy ra sự cố, thuyền viên phải được chăm sóc y tế tại chỗ, kịp thời và miễn phí, được quyền khám bác sĩ, nha khoa khi tàu trong cảng hay ở những nơi có thể. Tủ thuốc, trang bị y tế, ấn phẩm y tế phải được duy trì trên tàu và kiểm tra định kỳ theo qui định quốc gia.
Ông Nguyễn Đức Tiến, Cục phó Cục Hàng Hải Việt Nam cho biết, Cục đang triển khai sửa đổi văn bản, chính sách để phù hợp với quy định của Công ước Lao động Hàng hải. Khi công ước có hiệu lực, các nước tham gia phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho người lao động hàng hải và điều tra làm rõ sự việc khi có tranh chấp xảy ra.
“Như trường hợp thuyền viên nhảy khỏi tàu cá Đài Loan, thực hiện theo công ước thì chính quyền nước liên quan phải ủy quyền cho các hội, tổ chức điều tra trách nhiệm của chủ tàu, nguyên nhân xảy ra vụ việc để bảo vệ quyền lợi cho người lao động”, ông Tiến nói.
Trước đó, 4 thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu Hiệp Đại (Đài Loan) nhảy xuống biển bỏ trốn ngày 8/8 khi tàu ở gần đảo Tahiti, cách bờ biển khoảng 800m. Thuyền viên Trần Văn Dũng cho biết, lúc mới nhập tàu họ làm việc 12 tiếng một ngày. Nhưng chỉ hơn 2 tháng sau, họ phải làm việc từ 16 đến 18 h mỗi ngày, có rất ít thời gian để nghỉ ngơi. Khi không hài lòng việc gì đó, chủ tàu liền đánh đập họ.
Ngày 16/8, bốn thuyền viên Đào Ngọc Trung (27 tuổi), Trần Văn Dương (31 tuổi), Hồ Thanh Tùng (30), Lê Văn Chính (20 tuổi, cùng ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) nhảy xuống kênh đào Panama bỏ trốn khỏi tàu cá nơi họ làm việc. Các thuyền viên cho biết ngày nào cũng làm việc 18 giờ, nếu không thì chủ tàu dọa không chấm công.
Theo Hoàng Thùy
'Làm việc 18 tiếng, ăn uống khổ cực nên nhảy xuống biển'
Lao động vất vả, ăn uống kham khổ với thực phẩm chủ yếu là cá mồi đã thối, xin về nhà không được, thuyền viên Việt Nam lên kế hoạch nhảy xuống biển để trốn.
Sáng nay, 4 thuyền viên Đào Ngọc Trung (27 tuổi), Trần Văn Dương (31 tuổi), Hồ Thanh Tùng (30), Lê Văn Chính (20 tuổi, cùng ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã có mặt quê sau những tháng ngày mệt mỏi nơi xứ người.
Anh Trung kể, ngày 16/6/2012 cùng với anh Dương lên tàu Cheng Cheng Shipping của ông chủ người Đài Loan. 7 tháng sau, anh Chính và Tùng tiếp tục lên con tàu này cùng một số thuyền viên nước khác. Trên tàu có tất cả 25 người, trong đó 16 người Philippines, 4 người Trung Quốc, 4 người Việt Nam, một người Indonesia.
Tàu bắt đầu ra khơi đánh cá ngừ. Anh Trung làm đầu bếp còn 3 thuyền viên người Việt khác làm mồi, kéo câu trên tàu. Theo 4 thuyền viên, công việc của họ bị quá tải, chủ tàu quản lý rất chặt chẽ. "Hầu như ngày nào cũng làm việc 18 giờ một ngày. Nếu không làm việc đúng giờ thì chủ tàu dọa không chấm công", anh Trung kể.
Các thuyền viên kể lại hành trình trở về. Ảnh: Hải Bình.
Làm việc quá sức, nhiều thuyền viên sút cân, chán nản nhưng vẫn phải cố gắng. "Nhiều hôm em làm việc đến kiệt sức, xin nghỉ nhưng chủ tàu không đồng ý nên vẫn phải cố gắng hoàn thành", anh Dương kể.
Không chỉ làm việc nhiều giờ, các thuyền viên cho hay, còn phải ăn uống kham khổ. Buổi sáng chủ yếu là ăn cháo, buổi trưa và tối hầu như ăn cơm với cá mồi câu đã bị tanh ươn. Nhiều con cá làm mồi câu đã hôi thối nhưng chủ tàu vẫn ra lệnh nấu lên để ăn. Lâu lâu họ mới được ăn vài cọng rau, miếng thịt gà. Hoặc hôm nào câu được nhiều cá thì chủ tàu cho đổi bữa.
Làm việc mệt nhọc, ăn uống khổ cực khiến nhiều thuyền viên chán nản. Các thuyền viên nước ngoài xin nghỉ việc để về nước thì được tàu đồng ý, riêng đề nghị của các thuyền viên Việt Nam lại không được chủ chấp thuận. Bốn người tâm sự với nhau rằng, nếu duy trì tình trạng này thì "đến khi hết hợp đồng không biết có còn xác để trở về nữa hay không". Và họ lên kế hoạch chạy trốn.
Anh Trung cho biết, ý tưởng nhảy xuống biển trốn đã được cả 4 người bàn bạc từ trước lúc tàu vào kênh Panama. Họ ngồi chú ý tới các tàu thuyền qua lại quanh con tàu mình ở để căn khoảng thời gian nhảy xuống sẽ được cứu. 0h đêm 14/8, khi thấy con tàu tiến đến gần cột báo hiệu trên biển, 4 người mặc áo phao, cầm can nhựa nhảy xuống biển.
Anh Đào Ngọc Trung hạnh phúc bên vợ con. Ảnh: Việt Hùng.
"6 giờ lênh đênh trên biển, có lúc chân tay lạnh cóng, tôi nghĩ mình sẽ chết. Nhưng nghĩ đến con nhỏ chưa đầy 1 tuổi và vợ ở quê nên tôi gắng hết sức. Khi được tàu cảnh sát Panama cứu tôi mới biết mình sẽ có cơ hội gặp vợ con", anh Trung ôm con trai vào lòng và kể lại.
Được cứu lên bờ, cả 4 người bày tỏ nguyện vọng được trở về nước. Ngày 17/8, 4 người lên máy bay và chiều 19/8 đã về tới sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Trước thông tin các lao động này nhảy khỏi tàu để đi làm việc nơi khác, cả 4 người đều cho rằng, nhảy xuống biển rất nguy hiểm nên không thể đánh liều với tính mạng của mình. Hơn nữa, họ đang bị công ty nợ lương.
Cụ thể, anh Trung bị nợ 2 tháng cùng 5 triệu tiền cọc phá vỡ hợp đồng. Lương thực của anh Trung là 500 USD nhưng gia đình nhận được 400 USD. Anh Trần Văn Dương bị nợ 4 tháng lương (mỗi tháng gia đình nhận 6 triệu đồng). Anh Tùng còn 3 tháng lương (mỗi tháng 7 triệu đồng). Số tiền họ nộp cho công ty xuất khẩu lao động là 11-17 triệu đồng mỗi người.
Ít tuổi nhất trong số 4 thuyền viên, Trần Văn Dương giọng buồn rầu: "Đây là lần đầu em mang mộng làm giàu để đi xuất khẩu. Nhưng có lẽ đây cũng là lần cuối vì không ngờ lại cực như thế. Bây giờ trước mắt có lẽ em chỉ ở nhà đi biển với anh em người thân ở quê, được con tép thì ăn tép, được tôm thì ăn tôm chứ không dám nghĩ tới xuất khẩu lần nữa đâu", Dương nói và mong muốn được công ty thanh toán hết tiền lương để anh trả nợ và trang trải cuộc sống.
Hải Bình - Việt Hùng
Thuyền viên nhảy xuống biển Panama đã về Việt Nam Chiều 19/8, bốn thuyền viên nhảy khỏi tàu cá Đài Loan khi đi qua kênh đào Panama đã nhập cảnh về Việt Nam. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Công ty Servico Hà Nội, đại diện công ty ra sân bay đón thuyền viên nhưng không gặp. Đại sứ quán Việt Nam tại Panama cho biết, bốn thuyền viên nhảy khỏi tàu cá Đài...