Thủy thủ Trung Quốc ‘như được tái sinh’
Nở nụ cười trên gương mặt hằn sương gió, ngư dân Zhang Leilei nói anh như được tái sinh khi đặt chân đến Bắc Kinh chiều qua, sau 19 tháng không biết sẽ sống hay chết trong tay hải tặc.
Ngư dân Trung Quốc trên tàu đánh cá Đài Loan FV Shiu Fu No1 chiều qua đến Bắc Kinh sau khi được hải tặc Somalia thả hôm 17/7. Ảnh: ChinaDaily
Zhang là một trong số các thuyền viên Trung Quốc đại lục, cùng 12 bạn nghề Việt Nam và một người Đài Loan trên tàu đánh cá FV Shiu Fu 1. Con tàu bị hải tặc Somalia cướp cuối tháng 12/2010 ngoài khơi bờ biển Madagascar và sau đó bị đưa tới Somalia.
Các ngư phủ phải duy trì sự sống bằng khẩu phần ăn nghèo nàn, có khi chỉ được một bữa mỗi ngày, trong suốt 19 tháng bị giam giữ. Cuối cùng, họ cũng được đưa ra khỏi tay hải tặc và trở về quê hương chiều qua.
Zhang biết chắc anh sẽ làm gì khi về được đến nhà. “Tôi sẽ quỳ xuống trước mặt cha mẹ mà tỏ lòng thành kính. Tôi không gặp cha mẹ gần 5 năm rồi”, anh nói.
Zhang ký hợp đồng với một công ty địa phương để làm thủ thủ cho một tàu Đài Loan, đi làm từ tháng 7/2007 để kiếm tiền nuôi gia đình ở quê.
Bà Zhang Qian, 56 tuổi, mẹ của Zhang, từ quê nhà ở tỉnh Hà Nam cho China Daily biết bà cảm thấy “trời đất sập xuống” khi nghe tin con trai bị hải tặc bắt cóc gần hai năm trước. Trong suốt ngần ấy ngày trời, bà Zhang chỉ nhận được hai cuộc điện thoại từ con mình.
“Tay cầm điện thoại, tôi ngất xỉu khi nghe tin móng tay con trai tôi bị hải tặc rút ra”, bà cho biết và nói thêm rằng mỗi lần điện thoại đổ chuông, bà lại thấy căng thẳng, sợ tin xấu đang đến.
Sau khi được giải thoát, các ngư dân được đưa lên một trong các tàu hải quân của Trung Quốc thường tuần tra ngoài khơi Somalia. Sau đó họ tới cảng Dar es Salaam ở Tazania để quá cảnh hôm 21/7.
Họ cho biết được kiểm tra sức khỏe hàng ngày và một đội y tế khẩn cấp 24 giờ luôn ở trạng thái thường trực. “Hiện các thủy thủ trong tình trạng sức khỏe tốt, tuy còn hơi yếu”, Wang Teng, phó giám đốc Trung tâm Bảo vệ và Hỗ trợ Lãnh sự, thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết.
Các ngư dân Việt Nam được đưa đến đại sứ quán tại Tanzania, còn thủy thủ người Đài Loan cũng được trở về thành phố Cao Hùng.
Nói về tương lai, ngư dân Liu Renxiong, 33 tuổi, cho biết anh không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục đi biển do hoàn cảnh kinh tế khó khăn. “Gia đình của chúng tôi đã tốn kém rất nhiều tiền trong hai năm qua, và điều kiện tài chính của chúng tôi không tốt”, Liu nói. Anh cũng thể hiện sự biết ơn đối với chính phủ và chủ tàu vì đã không bỏ rơi thủy thủ.
Cuộc chiến chống hải tặc
Tàu FV Shiu Fu 1 chỉ là một trong rất nhiều tàu bị hải tặc Somalia bắt giữ. Trong năm 2008, khoảng 20% số tàu thương mại Trung Quốc đi qua khu vực vịnh Aden trên Ấn Độ dương bị hải tặc tấn công. Một lượng dầu mỏ nhập khẩu lớn của Trung Quốc phải đi qua khu vực này.
Video đang HOT
Hải tặc Somalia có thể lưu lại trên biển trong thời gian dài, dùng tàu thương mại bị bắt giữ làm tàu mẹ, và sử dụng đảo Socotra của Yemen làm trạm tiếp nhiên liệu.
Những tàu đánh cá nhỏ với đường đi không cố định thường rất khó theo dấu, và những người bị bắt đến từ các vùng và quốc gia khác nhau cũng có thể làm chậm lại những nỗ lực thương lượng, Zhou Qing”an, một chuyên gia về ngoại giao công tại đại học Thanh Hoa, Trung Quốc cho biết.
“Các tàu có thể giảm thiểu nguy cơ bị cướp biển tấn công bằng cách nâng cấp hệ thống an ninh. Họ cũng nên đi đánh cá theo nhóm thay vì làm việc một mình”, ông Zhou nói.
Ông Wang Teng cũng khuyên các tàu tránh những vùng nước nguy hiểm.
Các tàu hải quân Trung Quốc tiến hành chiến dịch chống hải tặc ngoài khơi Somalia kể từ cuối năm 2008, và đã tháp tùng 4.700 lượt tàu từ các nước trên thế giới. Đầu năm 2010, Bắc Kinh cũng đồng ý tham gia vào nỗ lực đa quốc gia nhằm bảo vệ tàu thuyền qua lại ở vịnh Aden và các tuyến đường thủy gần đó.
Theo VNExpress
Cướp biển Somali: Nỗi ám ảnh của Ấn Độ Dương
Cho đến nay, Somali đã nổi tiếng trên khắp thế giới vì hoạt động cướp biển diễn ra phức tạp trên vùng biển nước này. Nhưng dù cho hoạt động này có nguy hiểm ra sao, đối với những tên cướp Somali, đây là hoạt động làm ăn siêu lợi nhuận.
Cướp biển Somali là nỗi kinh hoàng đối với các tàu chở hàng đi qua vịnh Aden.
Cướp biển đã có lịch sử hàng nghìn năm, từ thời kỳ cướp bóc của người Vikings cho đến thế kỷ 17 khi những tên cướp biển cướp phá những chiếc thuyền buồm lớn của người Tây Ban Nha và cho đến ngày nay, khi một loạt các vụ cướp biển diễn ra ngoài khơi vùng Sừng châu Phi.
Tại Somali, quốc gia chìm trong nghèo đói và bất ổn, nền kinh tế cướp biển đang nở rộ.
Theo tờ thời báo New York, kể từ khi chính phủ Somali sụp đổ năm 1991, hoạt động cướp biển xuất hiện và là một hình thức mở rộng của tham nhũng trong bối cảnh bạo lực vô chính phủ phát triển tại quốc gia châu Phi nghèo đói này. Cướp biển đã khiến vùng biển quanh nước này trở thành tuyến đường hàng hải nguy hiểm nhất trên thế giới.
Chính quyền chuyển tiếp liên bang Somali là chính quyền được thế giới công nhận nhưng hầu như bất lực trong quản lý và có rất ít ảnh hưởng đối với lực lượng cướp biển nước này.Không có nhóm chiến binh truyền thống nào ở Somali có đủ vũ khí và quân số để thiết lập trật tự tại nước này trong khi đó các nhóm cướp biển do có nguồn tài chính dồi dào nên được vũ trang tốt.
Trong vài năm vừa qua, cướp biển Somali đã cướp được hàng trăm tàu các loại, từ chiếc thuyền buồm do hai vợ chồng người Anh nghỉ hưu điều khiển hay các con tàu đánh bắt cá cũ nát cho tới những chiếc tàu chở dầu cực lớn dài tới 300m của chính phủ Ả rập Xê út.
Những tên cướp biển đã thủ được hàng trăm triệu đô la từ hoạt động cướp tàu và số tiền này thường được chúng dùng để mua vũ khí và tuyển dụng thêm nhân lực. Chúng thậm chí còn cướp tàu tại khu vực Sri Lanka, cách Somali tới 3.000km.
Qui trình cướp tàu chung của chúng là dùng một loạt xuồng nhỏ để bao vây một con tàu, trên các xuồng đều có những tên cướp biển được trang bị vũ khí. Chúng sẽ kiểm soát con tàu, đưa con tàu đó về căn cứ của mình và sau đó đòi tiền chuộc từ chủ tàu, gia đình của thủy thủ đoàn hoặc cả hai.
Thông thường những tên cướp biển sẽ đòi trả tiền chuộc bằng cách thả tiền từ trên không xuống. Người trả tiền chuộc sẽ phải bọc tiền vào bao sao cho tiền không bị chìm, buộc bao tiền vào một chiếc dù rồi ném từ trên máy bay xuống nơi bọn cướp đang chờ sẵn.
Vào tháng 5, 2012, Liên minh châu Âu với quyết tâm trấn áp cướp biển Somali mạnh tay hơn đã tấn công vào tận sào huyệt trên đất liền của bọn cướp biển, phá hủy những chiếc xuồng trên bờ biển của bọn chúng.
Các quan chức Somali tán thành cuộc đột kích trên và tuyên bố họ đã chấp thuận cho người châu Âu thực hiện bất kỳ biện pháp nào cần thiết để đẩy lùi lực lượng cướp biển.
Các lực lượng của châu Âu đã tấn công bằng máy bay trực thăng chiến đấu và chỉ tấn công từ trên không mà chưa bao giờ hạ cánh xuống đất Somali. Các quan chức châu Âu tuyên bố có khả năng trong tương lai, lực lượng của họ sẽ còn tiến hành thêm các cuộc tấn công tương tự.
Vào tháng 3, 2012, Liên minh châu Âu đã tăng cường các biện pháp chống cướp biển bằng cách cho phép các lực lượng của mình tuần tra tại Ấn Độ Dương và tấn công vào các căn cứ trên đất liền của bọn cướp biển Somali. Trước đó, các lực lượng này chỉ được phép đuổi đánh cướp biển trên mặt biển.
Mặc dù cướp biển Somali vẫn đang giữ hơn 10 con tàu và hàng trăm thuyền viên nhưng số lượng đã giảm đi rất nhiều so với vài năm trước đây, thời kỳ mà cướp biển bắt giữ hàng chục tàu và gần 1.000 thuyền viên.
Sự phối hợp giữa việc tăng cường tuần tra trên biển, tăng các vụ xét xử cướp biển và giúp chính quyền Somali ổn định có vẻ như đã làm giảm đáng kể năng lực hoạt động của cướp biển.
Về tổn thất kinh tế do cướp biển, các nghiên cứu gần đây cho thấy với chi phí bảo hiểm hàng hóa gia tăng cộng với chi phí cho các biện pháp bảo vệ, hoạt động cướp biển Somali làm thế giới mất hơn 5 tỷ đô la mỗi năm.
Vào tháng 2 năm 2011, cướp biển đã giết hại 4 con tin người Mỹ khi những người này đang dong thuyền buồm trên biển. Các lực lượng hải quân Mỹ đã lùng theo dấu vết của con thuyền bị cướp trong vài ngày và phát hiện có 2 tên cướp trên thuyền. Ngay khi nhìn thấy có tiếng súng phát ra từ con thuyền, lực lượng đặc nhiệm Navy Seal đã đổ bộ lên thuyền, bắn vào một tên cướp biển và đâm vào tên còn lại.
Tháng 1, 2012, lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã đột kích vào Somali, giải cứu hai nhân viên cứu trợ, một phụ nữ Mỹ và một phụ nữ Đan Mạch sau khi những người này bị giam giữ trong nhiều tháng. Navy Seal, lực lượng đặc nhiệm đã từng tiến hành cuộc đột kích bắt trùm khủng bố Bin Laden, đã đổ bộ và tiêu diệt 9 tên cướp biển và sau đó giải cứu các con tin an toàn.
Các quan chức Somali cho biết cướp biển ở nước này bắt đầu hoạt động từ 15 đến 20 năm trước để đối phó với các hoạt động đánh bắt cá trái phép. Ngay sau khi chính phủ Somali sụp đổ vào năm 1991, các tàu đánh cá thương mại đã cướp bóc nguồn cá ngừ giàu có tại vùng biển của nước này. Sau đó, các ngư dân Somali đã biến mình thành dân quân có vũ trang, đối đầu với các tàu đánh cá và đòi họ trả tiền thuế.
Vào năm 2008 cướp biển đã tiến hành hơn 128 vụ tấn công trên vịnh Aden, lớn hơn nhiều so với các năm trước đó. Các chuyên gia cho biết cướp biển Somali đã thu được hơn 100 triệu đô la, một lượng tiền khổng lồ đối với một quốc gia bị tàn phá vì chiến tranh và có nền kinh tế yếu ớt.
Vào tháng 9 năm 2008, cướp biển Somali thu hút sự chú ý của toàn thế giới khi chúng bắt giữ một tàu chở hàng Ukraina có chở xe tăng, súng chống máy bay và các vũ khí hạng nặng khác. Sau 4 tháng giằng co, 3,2 triệu đô la tiền mặt đã được thả xuống biển và bọn cướp thả tự do cho con tàu trên vào tháng 2 năm 2009.
Do có sự hiện diện của các tàu chiến của Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Ấn Độ cũng như các quốc gia khác, các cuộc tấn công tàu chở hàng và du thuyền trên vịnh Aden đã giảm bớt.
Tuy nhiên, bọn cướp biển đã chuyển địa điểm hoạt động của chúng tập trung xuống bờ biển phía nam và phía đông Somali nơi gần như không có tàu chiến nào tuần tra. Sử dụng các thiết bị điện tử tinh vi, vũ khí hạng nặng và tàu đi biển loại lớn cộng với tàu tấn công tốc độ cao, những tên cướp biển có thể hoạt động xa đất liền tới hàng tuần lễ.
Vào đầu năm 2010, các phiến quân Hồi giáo cực đoan đã chiếm giữ vịnh Xarardheere ở giữa vùng biển Somali, một trong những địa điểm cướp biển diễn ra phực tạp nhất. Dư luận đặt câu hỏi liệu lực lượng phiến quân có liên hệ với tổ chức khủng bố Al Qaeda có tham gia vào con đường cướp biển có nguồn thu hàng chục triệu đô la và đe dọa nền kinh tế toàn cầu hay không.
Vào tháng 11 năm 2010, một nhóm cướp biển đã cướp một tàu chở dầu Hàn Quốc và đòi khoản tiền chuộc kỉ lục - khoảng 10 triệu đô la.
Số tiền chuộc sau đó đã được hàng chục tên cướp biển chia chác với mỗi tên được chia khoảng 150.000 đô la. Nhưng một tên cướp biển cho biết, nhiều tên không bao giờ được nhìn thấy số tiền khổng lồ đó do các cấp trên của chúng "hớt tay trên" và chúng phải trả cho các chi phí cho hoạt động của mình.
Một số tên cướp biển Somali ở cấp chỉ huy thậm chí đã lập lực lượng quân đội mini nhờ số tiền chuộc chúng có được.
Một số thông tin về tình hình cướp biển năm 2012 được cung cấp bởi Trung tâm báo cáo tình hình cướp biển thuộc Cơ quan hàng hải quốc tế (IMB)
Các vụ cướp biển diễn ra trên toàn thế giới cập nhật đến ngày 16/7/2012.
- Tổng số vụ tấn công trên toàn thế giới: 180 vụ
- Tổng số vụ cướp tàu trên toàn thế giới: 20 vụ
- Các vụ việc liên quan đến cướp biển Somali.
- Tổng số vụ tấn công: 69 vụ
- Tổng số tàu bị cướp: 12 tàu
- Tổng số con tin: 212
- Số tàu và con tin hiện đang bị cướp biển Somali bắt giữ: 11 tàu và 174 con tin
Theo Infonet
Hạn hán kinh hoàng, trại tị nạn châu Phi quá tải Đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng hơn một nửa thế kỷ qua ở châu Phi như Somalia, Ethiopia, Kenya đang khiến ngày càng nhiều người lâm vào cảnh đói khát. Hạn hán đang ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 10 triệu người dân ở các nước Tây Phi. Ước tính 37% người dân ở phía đông bắc Kenya đang bị...