Thủy thủ Liên Xô một mình ép 2.000 lính phát xít Nhật đầu hàng
Khi cả đơn vị sắp bị bắt làm tù binh, Viktor Leonov đã có hành động liều lĩnh, khiến quân Nhật khiếp sợ tới mức xin đầu hàng.
Viktor Leonov (phải) trong đơn vị trinh sát đặc biệt của hải quân. Ảnh: WATM.
Viktor Leonov là một trong những anh hùng có nhiều giai thoại nhất lịch sử quân đội Liên Xô. Ông từng nhận hai danh hiệu Anh hùng Liên Xô, Huân chương Lenin và hai Huân chương Cờ đỏ vì lòng dũng cảm đặc biệt, cũng như Huân chương Sao vàng nhờ thành tích một mình buộc 2.200 lính phát xít Nhật đầu hàng, theo WATM.
Leonov gia nhập Hồng quân Liên Xô năm 1937 và trở thành thuỷ thủ tàu ngầm. Khi Đức xâm lược Liên Xô năm 1941, ông tình nguyện gia nhập lực lượng trinh sát đặc biệt của hải quân. Chỉ với quân số 70 người, đơn vị này nhận nhiệm vụ trinh sát và phá hoại, đôi khi hoạt động trên cả vùng bờ biển Phần Lan và Na Uy.
Trong 4 năm hoạt động, Leonov cùng đồng đội thực hiện hàng trăm nhiệm vụ đột nhập lớn nhỏ, tấn công và phá huỷ nhiều vị trí, bắt sống hàng trăm binh sĩ đối phương. Tới năm 1945, khi chiến tranh tại châu Âu kết thúc, Liên Xô dồn binh lực về phía đông để đối đầu phát xít Nhật. Lực lượng trinh sát đặc biệt của hải quân lại tiếp tục chuyển sang hoạt động tại mặt trận này.
Một trong những nhiệm vụ của họ là đánh chiếm sân bay gần cảng Wosan, Triều Tiên. Leonov cùng với 140 binh sĩ đổ bộ lên bãi biển và bắt đầu tấn công quân Nhật đồn trú tại đây. Thông tin tình báo cho biết lực lượng đồn trú của Nhật ở Wosan rất mỏng, nhưng trên thực tế, đơn vị của Leonov phải đối mặt với 3.500 lính đóng quân tại sân bay.
Bị áp đảo về quân số và hỏa lực, chỉ huy của Leonov quyết định sẽ đầu hàng, yêu cầu được gặp sĩ quan chỉ huy phía Nhật để ra điều kiện hạ vũ khí. Khi hai bên đang thương lượng, Leonov xen ngang chỉ huy và nói: “Chúng tôi đã trải qua cả cuộc chiến tại mặt trận phía Tây và có đủ kinh nghiệm để đánh giá tình hình hiện tại. Vì thế, chúng tôi sẽ không chịu làm tù binh. Các người sẽ chết như những con chuột, một khi chúng tôi thoát ra khỏi nơi này”.
Nói xong, Leonov rút ra một quả lựu đạn, doạ sẽ giết chết tất cả mọi người xung quanh, kể cả đồng đội của ông. Hoảng sợ trước sự liều lĩnh này của Leonov, chỉ huy quân Nhật ngay lập tức đầu hàng. Từ tình thế sắp bị bắt làm tù binh, đội trinh sát Liên Xô đã chiếm được sân bay, bắt sống 2.200 lính Nhật cùng ba khẩu đội pháo, 5 máy bay và nhiều vũ khí đạn dược.
Video đang HOT
Viktor Leonov và các huân huy chương sau khi chiến tranh kết thúc. Ảnh: WATM.
Với thành tích xuất sắc này, Viktor Leonov được tặng thưởng Huân chương Sao vàng lần thứ hai. Trong cả cuộc chiến ở mặt trận phía Đông, chỉ có 9 người dưới quyền Leonov thiệt mạng.
Sau chiến tranh, ông tham gia lực lượng dự bị hải quân và nghỉ hưu với quân hàm thượng uý. Để vinh danh ông, tàu trinh sát lớp Vishnya mang số hiệu SSV-175 được đặt tên Viktor Leonov vào năm 1988.
Lã Linh
Theo VNE
Chó chống tăng - vũ khí đáng sợ trong Thế chiến II
Những con chó mang theo khối bộc phá nặng 9 kg là vũ khí gây kinh hoàng với cả xe tăng Đức lẫn các huấn luyện viên Liên Xô.
Con chó gắn thuốc nổ được huấn luyện với xe tăng T-34. Ảnh: History.
Trong Thế chiến II, những chú chó gắn thuốc nổ là thứ vũ khí đáng sợ được Hồng Quân Liên Xô sử dụng phổ biến để chống lại những chiếc xe tăng của phát xít Đức, theo War History Online.
Trong Thế chiến I, chó có nhiệm vụ chủ yếu là tìm kiếm, cứu nạn và cảnh báo binh sĩ về các cuộc tấn công bằng khí độc hoặc pháo binh sắp diễn ra. Đến thập niên 1920, Liên Xô ngày càng coi trọng việc sử dụng chó trong công tác liên lạc, tìm kiếm cứu hộ. Vì thế nước này đã tuyển mộ nhiều huấn luyện viên và xây dựng các trại huấn luyện quân khuyển đặc biệt.
Ý tưởng ban đầu là dùng một quả bom buộc vào thân chó, sau đó để chúng chạy thẳng về phía xe tăng địch. "Quả bom sống" này sẽ được kích hoạt bằng thiết bị hẹn giờ hoặc kích nổ từ xa khi con chó tiếp cận mục tiêu. Tuy nhiên trong thực tế, quá trình này rất phức tạp và bị coi là một nỗ lực không thành công.
Liên Xô đã thử nghiệm phương thức này trong vòng 6 tháng mà không thu được kết quả như mong muốn bởi chiến binh chó chỉ có thể tấn công được một xe tăng. Nếu trên chiến trường xuất hiện cùng lúc nhiều xe tăng, lũ chó sẽ trở nên bối rối, không biết tấn công chiếc nào, cuối cùng chạy trở về chỗ huấn luyện viên cùng quả bom chưa phát nổ. Điều này có thể khiến cả chó lẫn huấn luyện viên thiệt mạng.
Quân đội Liên Xô tiếp tục thúc đẩy ý tưởng này bằng cách biến chó thành chiến binh tự sát. Những con chó được gắn một quả bom gắn ngòi nổ ở bên trên. Khi chú chó chui vào gầm xe tăng, ngòi nổ sẽ quệt vào thân xe và kích hoạt khối thuốc nổ nặng 9 kg, đủ sức phá hủy xe tăng cũng như tiêu diệt tổ lái bên trong.
Để làm điều này, huấn luyện viên Liên Xô sử dụng thức ăn để dụ chó. Chúng bị bỏ đói, rồi huấn luyện viên đặt thức ăn dưới gầm xe tăng để chúng tìm đến. Các chiến binh chó còn được huấn luyện để làm quen với tiếng nổ trên chiến trường.
Mô hình chó diệt tăng với khối nổ trên lưng. Ảnh: Prime Portal.
Khi Thế chiến II bùng nổ, Hồng quân Liên Xô đã đưa ra chiến trường hơn 40.000 con chó chống tăng, chủ yếu là từ năm 1941. Tuy nhiên, đây không phải là một chiến thuật hiệu quả bởi những con chó thường tỏ ra sợ hãi trên chiến trường thực sự, làm hỏng kế hoạch.
Lý do là trong quá trình huấn luyện, Liên Xô đã cố gắng mô phỏng điều kiện chiến trường sát với thực tế nhưng không thành công. Những con chó được huấn luyện với xe tăng T-34 sử dụng động cơ dầu diesel, trong khi xe tăng Đức lại dùng động cơ xăng. Sự khác biệt rõ rệt giữa mùi và âm thanh của hai loại xe này khiến những con chó không thể phân biệt được mục tiêu để tấn công.
Trong 30 chiến binh chó đầu tiên tham chiến, chỉ có 4 con kích nổ bom gần xe tăng. Những con chó không được làm quen với mọi tình huống trên chiến trường, chúng không chạy vào gầm xe địch như dự kiến. Thay vào đó, chúng chạy dọc xe tăng và bị bắn chết, hoặc bị tiêu diệt trước khi đến gần xe.
Đôi khi chúng còn quay trở lại vị trí của huấn luyện viên khi bom hẹn giờ sắp phát nổ, khiến cả hai cùng thiệt mạng. 6 trong số 30 con chó đầu tiên đã phát nổ khi quay trở về chiến hào. Chúng gây ra nỗi kinh hoàng đến mức các huấn luyện viên không còn cách nào khác buộc phải bắn chết những con chó chạy trở về trước khi chúng đến gần.
Việc sử dụng chó làm vũ khí chống tăng giảm dần sau một năm. Chúng vẫn được dùng trong chiến đấu nhưng không được chú trọng như trước. Ước tính có hơn 300 xe tăng của phát xít Đức bị phá hủy bởi các chiến binh chó. Vào giai đoạn cuối chiến tranh, chó được huấn luyện cho nhiệm vụ hậu cần thay vì diệt tăng.
Phát xít Đức được cho là huấn luyện khoảng 25.000 con chó để tham chiến, bao gồm cả mục đích chống tăng.
Liên Xô và Nga sau này tiếp tục huấn luyện chó diệt tăng đến tận năm 1996. Trên chiến trường Iraq, phe nổi dậy cũng dùng chó mang khối nổ điều khiển từ xa trong 10 năm qua. Tuy nhiên, nỗ lực này thường thất bại, buộc họ chuyển sang huấn luyện chiến binh khỉ đánh bom tự sát.
Duy Sơn
Theo VNE
59 ngày tử thủ của trung đội Hồng quân Liên Xô ở Stalingrad Trung đội Hồng quân giữ vững tòa nhà chiến lược giữa hai chiến tuyến trong gần 2 tháng, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của phát xít Đức. "Nhà của Pavlov" ngay sau trận đánh. Ảnh: Wikipedia. Mùa đông năm 1942, thành phố Stalingrad trở thành tâm điểm giao tranh ác liệt giữa Hồng quân Liên Xô và phát xít Đức xâm lược....