Thụy Sĩ hủy đơn gia nhập EU: Cú hích cho người Anh
Thượng viện Thụy Sĩ chính thức hủy đơn xin gia nhập Liên minh EU từ hồi 1992, sẽ là một cú hích lớn cho những người chần chừ giữa Brexit ở Anh.
Ngày 15/6,Thượng viện Thụy Sĩ đã bỏ phiếu hủy đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu từ năm 1992 của nước này, ủng hộ quyết định trước đó của Hạ Viện.
27 thành viên Thượng viện, Hội đồng Nhà nước Thụy Sĩ đã bỏ phiếu tán thành quyết định hủy bỏ đơn xin gia nhập EU kéo dài tới 24 năm của nước này so với 13 thượng nghị sĩ phản đối, 2 phiếu trống.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, Didier Burkhalter cho biết sau khi bỏ phiếu, nước này sẽ chính thức gửi thông báo lên EU để liên minh này cân nhắc việc rút đơn.
Đề nghị này đã nhận được sự ủng hộ từ các nhà lập pháp Hạ viện hồi tháng 3 với 123 phiếu đồng thuận và 46 phiếu phản đối.
Thomas Minder, người đứng đầu bang Schaffhausen và là người cổ vũ tích cực cho mô hình “toàn Thụy Sĩ”, cho biết ông luôn sẵn sàng “đóng chủ đề này lại một cách nhanh chóng và không gây tổn thất” vì bây giờ chỉ có một vài “kẻ mất trí” mới muốn gia nhập EU.
Chính khách Thụy Sĩ Thomas Minder.
Đơn xin gia nhập EU từ lâu của Thụy Sĩ không có mấy tác động đến nền chính trị của quốc gia này hơn 20 năm qua khi các cuộc đàm phán bị treo từ năm 1992 do kết quả các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy người dân Thụy Sĩ không muốn có quan hệ “thân thiết” hơn với khu vực kinh tế chung châu Âu.
Thụy Sĩ chưa bao giờ là thành viên EU nhưng đã chấp nhận tự do thương mại với EU từ năm 1970, cũng như chấp nhận sự đi lại tự do của người dân như một thành viên của khu vực Schengen.
Cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện Thụy Sĩ diễn ra chỉ một tuần trước khi Anh quyết định có ở lại EU hay không.
Video đang HOT
Ngày 23/6 tới, Anh cũng sẽ tiến hành trưng cầu dân ý để quyết định việc đi hay ở lại EU.
Kết quả khảo sát do Công ty nghiên cứu thị trường Opinium tiến hành cho báo “Người giám sát” công bố ngày 11/6 cho thấy, tỷ lệ người Anh ủng hộ nước này ở lại Liên minh châu Âu là 44%, trong khi số người ủng hộ nước Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit, là 42%. Khoảng 13% số người được hỏi chưa đưa ra quyết định.
Cuộc thăm dò mới nhất của Công ty YouGov cho báo The Sunday Times (Anh) cho thấy tỉ lệ ủng hộ Brexit là 43%, nhiều hơn 1% so với tỉ lệ phản đối.
ORB tiến hành cho báo “Độc lập” công bố trước đó 1 ngày lại cho kết quả trái ngược hoàn toàn, số người ủng hộ Brexit là 55%, trong khi chỉ 45% số người được hỏi muốn Anh ở lại Liên minh châu Âu.
Người Anh hiện không chỉ đặt cược về Euro mà còn cá cược với nhau về Brexit.
Một bảng tỉ lệ cá cược Brexit ở Anh.
Các nhà cái cá cược ở Anh cho biết tỷ lệ đặt cược khả năng nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) đã giảm xuống còn 62%, so với tỷ lệ 72% trong tuần trước.
“Tuần trước, thị trường cá cược về cuộc trưng cầu dân ý ở EU đã thực sự bùng nổ với trung bình 1 triệu bảng Anh được giao dịch mỗi ngày.
Trong 24 giờ qua số lượng cược “ra đi” tăng mạnh nhưng cược “ở lại” vẫn chiếm ưu thế,” Naomi Totten của sàn cá cược trực tuyến lớn nhất thế giới Betfair, người đặt 60% khả năng Anh sẽ ở lại EU, cho biết.
Nhiều nhà cái cho rằng khả năng Brexit xảy ra vẫn cao là vì điều bất ngờ vẫn có thể xảy ra vào thời điểm cuối, khi nhiều cử tri đang lưỡng lự lúc đó mới đưa ra quyết định cuối cùng.
Báo chí Anh những ngày gần tới thời điểm quyết định bỏ phiếu đã gia tăng hỏi ý kiến từ các chính trị gia, nhà phân tích.
Tờ The Guardian dẫn phân tích của các chuyên gia và những công ty tư vấn tài chính cho rằng nếu Anh rời khỏi EU, những tác động tiêu cực lên nền kinh tế sẽ thấy được ngay lập tức. Tăng trưởng GDP sẽ xuống thấp nhất kể từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009 và sẽ mất cả thập kỷ để có thể phục hồi. Mọi lĩnh vực từ tài chính, bán lẻ đến công nghiệp ô tô, y tế, năng lượng, thông tin đều sẽ bị ảnh hưởng.
Hãng tin Reuters phân tích, về mặt chính trị, ngay trong chính nội bộ Đảng cầm quyền của Anh, mọi thứ đang chia rẽ. Điều này nói lên rằng nếu kịch bản Anh rời EU xảy ra, Chính phủ Anh cũng không thể hoạt động bình thường.
Quan điểm của một tác giả đăng tải trên Tạp chí Business Insider lại cho rằng, mặc dù toàn bộ những cuộc tranh luận trên TV, vận động của các phía và ý kiến chuyên gia đều muốn nói lên là Anh đi khỏi EU sẽ có tác động xấu cả về chính trị lẫn kinh tế nhưng suy nghĩ theo hướng Anh đang bị kìm hãm vì ở trong một khối 28 thành viên, hoạt động theo một thị trường duy nhất, chung luật lệ, chính sách, không có bất kỳ một lợi thế cạnh tranh nào, rời khỏi EU là một ý tưởng không tồi. Ngoài ra, còn hàng loạt trách nhiệm khác Anh phải cùng gánh như nợ của khu vực, vấn đề di cư hay chủ quyền quốc gia. Vì vậy, vấn đề Anh đi hay ở lại EU cần phải được cân nhắc lại.
Đi hay ở lại EU ảnh hưởng mọi mặt tới Anh.
Thủ tướng Anh David Cameron cảnh báo nếu Anh rời EU, các phúc lợi xã hội dành cho người lớn tuổi – như khoản tăng lương hưu hằng năm, giấy phép xem truyền hình miễn phí hoặc thẻ đi xe buýt miễn phí – có nguy cơ bị cắt giảm để bù đắp cho những tổn thất có thể gặp phải.
Nhân dịp này, thủ tướng Anh nhắc lại cảnh báo của Viện Nghiên cứu Tài chính (Anh), theo đó ngân sách đất nước sẽ bị hao hụt 20-40 tỉ bảng nếu cử tri bỏ phiếu ủng hộ Brexit.
Huy Vũ (Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Các ngân hàng lớn chán ghét cảnh EU không có nước Anh
Nhiều nhà băng thế giới không thể chịu được ý tưởng một Liên minh châu Âu (EU) không có nước Anh. Tính đến hiện tại, giới phân tích ở các ngân hàng lớn đang cố gắng thoát khỏi kịch bản "Brexit" đáng sợ này.
Ảnh: Reuters
Theo CNN, ngân hàng đa quốc gia Goldman Sachs của Mỹ cho hay chuyện nước Anh rời khỏi EU, hay "Brexit", có thể khiến đồng bảng Anh lao dốc đến 20%. Ngân hàng này đã đổ hàng trăm ngàn bảng Anh cho chiến dịch kêu gọi nước Anh ở lại Liên minh châu Âu.
Nhà băng Nhật Bản Nomura thì cảnh báo việc "Brexit" thậm chí có thể đẩy nước Anh vào suy thoái 2% so với mức đỉnh điểm. Ngân hàng Thụy Sĩ UBS ước tính Anh quốc sẽ thiệt hại khoảng 0,6% đến 2,8% GDP nếu rời khỏi EU.
Nhiều nhà băng đang lo lắng về "Brexit" vì họ xem nước Anh là bàn đạp cho chuyện kinh doanh trên toàn châu Âu. Việc Anh "ra đi" có thể phá vỡ mối liên kết trên.
Thủ tướng Anh David Cameron đã hứa với người dân Anh rằng sẽ thực hiện cuộc bỏ phiếu về việc đi hay ở vào năm 2017. Ông Cameron cho hay ông sẽ vận động để nước Anh ở lại EU, kêu gọi các doanh nghiệp quay lưng với việc "Brexit".
Trong khi người dân Anh đang chia rẽ sâu sắc về vấn đề trên, các ngân hàng thế giới đã thể hiện rất rõ quan điểm của họ. Deutsche Bank cho hay nhà băng này có thể di chuyển hoạt động kinh doanh của họ ra khỏi Anh nếu nước này quyết định rời khỏi EU.
Trong khi ngân hàng HSBC hôm 15.2 cho biết họ vẫn sẽ giữ trụ sở chính tại London (Anh), các sếp nhà băng vẫn ám chỉ khả năng đưa "công ăn việc làm và các hoạt động" đến thủ đô Paris (Pháp) nếu "Brexit" thực sự xảy ra.
JPMorgan Chase thì cảnh báo rằng ngân hàng này và các hãng tài chính khác cũng có thể rời đi, dẫn đến việc "chuyển công ăn việc làm ra khỏi nước Anh". Citibank còn đi xa hơn khi cho rằng kịch bản "Brexit" sẽ khến Anh mất 75.000 việc làm tính đến năm 2030.
Chuyện các nhà băng lớn nhận định thế nào về vấn đề "Brexit" là quan trọng, vì lĩnh vực tài chính là chìa khóa cho nền kinh tế Anh quốc, chiếm 8% GDP nước này và 3,4% toàn bộ việc làm trên đất Anh.
Thủ đô London có vị trí số một thế giới cho các giao dịch ngoại hối, với hơn 40% giao dịch toàn cầu thực hiện ở thành phố này. Nước Anh có lĩnh vực ngân hàng lớn thứ tư và lĩnh vực bảo hiểm lớn thứ ba toàn cầu.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Một thế giới du lịch Vài năm gần đây, vào mỗi dịp lễ lớn như Giáng sinh, Tết Tây, Tết Nguyên đán..., việc hẹn hò bạn bè đến chung vui quanh bàn tiệc tại gia bỗng trở nên bất khả thi. Lý do là vì gia đình bạn này đi du lịch Paris qua Tết Tây mới về, gia đình bạn kia bay đi Dubai... Nhưng đâu chỉ...