Thụy Sĩ gia tăng các biện pháp trừng phạt Iran
Chính phủ Thụy Sĩ ngày 18/4 đã công bố quyết định gia tăng các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Iran.
Theo đó, các biện pháp trừng phạt tài chính sẽ được áp đặt đối với 8 công ty và ba cá nhân khác của Iran. Tiền cùng nhiều tài sản khác thuộc sở hữu của những công ty và cá nhân này sẽ bị phong tỏa.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ngoài ra, trong các biện pháp trừng phạt mới này, Thụy Sĩ cũng áp đặt lệnh cấm cung cấp tiền hay các tài sản khác cho 8 công ty và 3 cá nhân nói trên dù dưới hình thức trực tiếp hay gián tiếp. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Iran là trường hợp ngoại lệ, vẫn chưa bị Thụy Sĩ áp đặt trừng phạt vì tầm quan trọng đối với nền kinh tế Iran.
Theo một tuyên bố của Chính phủ Thụy Sĩ, động thái này “phù hợp với các biện pháp trừng phạt được Liên minh châu Âu (EU) thông qua ngày 23/1 vừa qua”. Một số nguồn tin cho biết các biện pháp trừng phạt mới này đã có hiệu lực từ ngày 17/4.
Trong diễn biến khác liên quan, Giám đốc phụ trách đối ngoại của Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran Mohsen Qamsari cho biết Tehran vẫn chưa ngừng xuất khẩu dầu lửa sang Hy Lạp và Tây Ban Nha. Hãng thông tấn bán chính thức ISNA dẫn phát biểu của ông Qamsari bên lề triển lãm dầu lửa quốc tế ở Tehran khẳng định: “Tới thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ chỉ đạo nào về việc ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang Hy Lạp và Tây Ban Nha”. Ông cho biết thêm đến nay, Bộ Dầu mỏ Iran mới chỉ ngừng bán dầu sang Anh và Pháp.
Trước đó, ngày 11/4, truyền thông Iran đưa tin nước này đã ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang Đức, một ngày sau khi ngừng bán dầu mỏ sang Tây Ban Nha trong một động thái trả đũa các biện pháp trừng phạt đối với nước này mà EU đưa ra trước đó. Tuần trước, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Rostam Qasemi cũng thông báo Iran đã ngừng xuất khẩu dầu sang Hy Lạp.
Tháng 2 vừa qua, Tehran thông báo đã ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang Anh và Pháp, đồng thời đe dọa tiếp tục cắt nguồn cung này tới 6 nước EU khác là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Italy, Đức và Hà Lan. Iran cho rằng lệnh cấm vận dầu mỏ gần đây của EU nhằm vào Iran “không ảnh hưởng nhiều” tới việc bán dầu mỏ ra nước ngoài, đồng thời khẳng định các lệnh cấm vận của EU không thể làm tổn hại tới sự phát triển của ngành dầu mỏ Iran, đồng thời cho rằng dầu mỏ của Iran có giá trị kinh tế cao và thị trường dầu mỏ quốc tế không thể từ bỏ nguồn cung này./.
Theo TTXVN
Dầu mỏ Iran trong vòng cấm vận của phương Tây
Iran hiện là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ năm thế giới và là nước sản xuất lớn thứ hai trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Sản xuất dầu mỏ ở Iran. (Nguồn: dantri)
Vì vậy việc Tehran dọa đóng cửa eo biển Hormuz (tuyến đường vận chuyển dầu thô huyết mạch từ Vùng Vịnh ra thế giới) để trả đũa những biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây nhằm vào quốc gia Hồi giáo này đã tác động không nhỏ tới thị trường dầu mỏ.
Sự "vắng mặt" của dầu mỏ Iran đẩy giá dầu lên cao tới mức thổi bùng những lo ngại rằng tiến trình phục hồi còn mong manh của kinh tế toàn cầu có nguy cơ gặp nguy hiểm.
Siết chặt trừng phạt
Theo sau việc Mỹ và Liên minh châu Âu thắt chặt các chế tài kinh tế đối với Ngân hàng trung ương (CBI) và ngành dầu mỏ Iran, gọng kìm tài chính càng siết chặt hơn khi vào giữa tháng Ba, Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên Ngân hàng Toàn Thế giới (SWIFT) đã đưa ra một quyết định chưa từng có là cấm 30 ngân hàng của Iran sử dụng dịch vụ của SWIFT - hệ thống thanh toán điện tử lớn nhất thế giới. Động thái này chắc chắn làm tổn hại ngành công nghiệp dầu mỏ tối quan trọng của Iran và cản trở người dân nước này nhận kiều hối từ nước ngoài.
Bằng việc buộc SWIFT không cho Iran sử dụng dịch vụ, các nước phương Tây đang tìm cách gây thêm khó khăn cho Iran trong việc bán dầu cho ngay cả những khách hàng "thiện chí" nhất.
Thông thường, một chiếc tàu chở dầu có thể chuyên chở lượng dầu trị giá tới 100 triệu USD, chính vì vậy việc thanh toán qua ngân hàng điện tử là rất quan trọng.
Nhưng các chuyên gia dầu mỏ cho rằng Iran vẫn có thể bán dầu theo nhiều cách mà không cần phải sử dụng dịch vụ của SWIFT, như trực tiếp đổi dầu lấy tiền mặt, vàng hoặc các tài sản khác. Ngoài ra, các ngân hàng Iran không bị EU trừng phạt vẫn có thể bán dầu.
Ông Jim Ritterbusch, một nhà kinh doanh dầu mỏ nhiều kinh nghiệm, đồng thời cũng là một chuyên gia phân tích, chỉ rõ: "Lịch sử kinh doanh dầu mỏ cho thấy người ta luôn tìm được cách này hay cách khác để "né" các lệnh cấm vận thương mại."
Những cảnh báo
Ngày 20/3, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Largade cảnh báo kinh tế toàn cầu sẽ gánh hậu quả nghiêm trọng, nếu nguồn cung dầu mỏ từ Iran bị gián đoạn.
Theo bà, Iran là nguồn cung dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, vì vậy giá dầu thô Brent biển Bắc sẽ tăng thêm 30% so với mức giá 125 USD/thùng hiện nay nếu hoạt động xuất khẩu dầu mỏ ở đây bị phong tỏa. Bà khẳng định đây sẽ là một "cú sốc lớn" đối với nền kinh tế đang ốm yếu của thế giới.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) lo ngại chi phí nhập khẩu dầu của các nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ tăng lên 1.500 tỷ USD trong năm nay, nếu giá dầu đứng ở mức hiện nay - con số đủ lớn để đẩy kinh tế thế giới rơi trở lại suy thoái. Liên minh châu Âu (EU) đặc biệt dễ bị tổn thương, với giá dầu cao như hiện nay đang trở thành vấn đề lớn nhất, chứ không phải cuộc khủng hoảng nợ công.
Giá dầu cao cũng đang nổi lên như là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với triển vọng tái đắc cử của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Chính ông Obama thừa nhận trước Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Mỹ rằng căng thẳng với Iran và "bất ổn" trong khu vực này sẽ khiến giá dầu tăng thêm 20-30 USD/thùng, đẩy giá xăng tại Mỹ tăng vọt.
Ông Obama nói: "Nguyên nhân chính đẩy giá xăng tăng vọt thực tế là các thị trường dầu trên thế giới và bất ổn về những gì đang diễn ra tại Iran và Trung Đông và điều này sẽ khiến giá dầu tăng thêm 20 hay 30 USD."
Hayat Alvi, phó giáo sư nghiên cứu về khu vực Trung Đông tại Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ, nói: "Các biện pháp trừng phạt thực sự là một tình huống "tiến thoái lưỡng nan". Các nền kinh tế trên thế giới ít nhiều đều có liên quan tới nhau, nhiều nền kinh tế vốn "mong manh" và những thành tựu phục hồi kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và điều đó đang bắt đầu diễn ra."
"Vàng đen" lại nóng
Trong khi người dân Iran bắt đầu phải hứng chịu gánh nặng của các lệnh trừng phạt kinh tế, thì ảnh hưởng của việc giá dầu tăng cũng đã bắt đầu lan rộng khắp thế giới, gây ra lạm phát lương thực và giá cả. Bên cạnh những đồn đoán và đe dọa ngày càng nhiều xung quanh khả năng Israel tấn công quân sự vào Iran, ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt đã đẩy giá dầu tăng thêm 15%.
Các quốc gia châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ phản đối việc các biện pháp trừng phạt ngày càng được thắt chặt hơn nữa, mặc dù các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng như vậy vẫn chưa đủ. Trong khi đó, bất chấp những cam kết từ phía Arập Xêút - đối thủ kinh doanh dầu mỏ của Iran, rằng họ sẽ đảm bảo nguồn cung để bù đắp vào số dầu mỏ Iran bị thiếu hụt, dư luận vẫn hoài nghi về lượng dầu dự phòng thực sự của nước này.
Mặc dù giá dầu trên thế giới tăng đồng nghĩa lợi nhuận thu được từ mỗi thùng dầu của Tehran sẽ tăng, song sản lượng giảm sẽ khiến nguồn thu trên cũng "không đáng là bao." Trong khi đó, các doanh nghiệp mua dầu nước ngoài đang "lợi dụng" các biện pháp trừng phạt trên bàn đàm phán để được mua dầu của Iran với giá rẻ hơn. Bên cạnh đó, do không có đầu tư nước ngoài vào ngành dầu mỏ Iran, nên sản lượng dầu mỏ được dự đoán là sẽ giảm mạnh trong những năm tới.
Các nguồn tin trong ngành dầu mỏ cho biết, xuất khẩu của Iran đã giảm mạnh trong tháng Ba, do một số khách hàng ngừng hoặc giảm mua để tuân thủ các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Tehran.
Theo tính toán của công ty tư vấn Petrologistics và một doanh nghiệp dầu lớn ở châu Âu, lượng dầu Iran xuất khẩu trong tháng Ba dường như đã giảm khoảng 300.000 thùng/ngày, tương đương 14%. Đây là mức sụt giảm đáng kể đầu tiên kể từ khi EU hồi tháng Một công bố kế hoạch cấm nhập khẩu dầu của Iran từ tháng Bảy và Mỹ cùng EU trừng phạt CBI.
Theo IEA, nếu các đối tác lớn (mua dầu mỏ của Iran) tại châu Á tham gia "tẩy chay" dầu mỏ của quốc gia Hồi giáo này thì vào cuối năm 2012, xuất khẩu của Iran sẽ giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày./.
Theo TTXVN