Thủy sản Trung Quốc ngập chợ
Không chỉ nhập lậu gia cầm, các loài thủy sản như cá tầm, cá trê, cá lóc, ếch của Trung Quốc cũng đang gây nhiễu loạn thị trường nước ta.
Lực lượng chức năng từ các tỉnh biên giới Quảng Ninh, Lạng Sơn… đến thủ đô Hà Nội thời gian gần đây liên tục phát hiện, bắt quả tang các vụ nhập lậu thủy sản tươi sống từ Trung Quốc.
Cá tầm được chào bán ở chợ Nghĩa Tân – Cầu Giấy chiều 5-5 với giá 165.000 đồng/kg
Cá Trung Quốc “dán tem” Việt Nam
Theo khảo sát của phóng viên, cá tầm, cá lóc, ếch Trung Quốc hiện được bày bán rất nhiều trong các chợ ở Hà Nội. Tại chợ đầu mối Yên Sở, quận Hoàng Mai, cá lóc, ếch Trung Quốc có giá từ 70.000 – 75.000 đồng/kg. Sau khi phân phối về các chợ nhỏ, ếch và cá lóc nhập lậu được “dán tem” Việt Nam và đội giá lên từ 100.000 – 120.000 đồng/kg.
Ở chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, vài cửa hàng kinh doanh cá tầm với giá bán khoảng 170.000 đồng/kg. Chúng tôi ghé vào một hàng cá, chị chủ hàng đon đả: “Mua cá tầm đi anh! Cá nuôi ở Sa Pa đấy, chỉ 165.000 đồng/kg”. “ Cá tầm Trung Quốc sao lại đắt thế?” – tôi hỏi. “Làm gì có cá tầm Trung Quốc, ở đây chỉ bán cá của Sa Pa. Mấy hôm trước lễ 30-4, giá rẻ còn 140.000 đồng/kg nhưng giờ khan hàng nên giá lên rồi” – chủ hàng tỏ vẻ bực bội.
Chị Dung (ngụ phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) sau một hồi mặc cả đã quyết định mua con cá tầm 2,5 kg với giá 400.000 đồng. “Cũng có nghe về cá tầm Trung Quốc nhưng chẳng biết phân biệt thế nào, còn mua ở siêu thị thì đắt lắm. Ăn thì cứ ăn thôi!” – chị Dung nói.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Trọng Cử, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại đầu tư Việt Đức (chuyên sản xuất, kinh doanh cá tầm thương phẩm tại huyện Tam Đảo – Vĩnh Phúc), cho biết: Mỗi ngày có khoảng 13 tấn cá tầm Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam. Các chợ đầu mối tại Hà Nội hiện bán cá tầm giá từ 120.000 – 140.000 đồng/kg; còn các chợ nhỏ giá từ 155.000 – 170.000 đồng/kg.
“Chúng tôi bán buôn tại trang trại đã trên 170.000 đồng/kg rồi. Vì vậy, tôi khẳng định các chợ bán cá tầm với giá đó đều là cá tầm Trung Quốc… Cá tầm được chở bằng xe tải đông lạnh từ Móng Cái (Quảng Ninh) về Hà Nội; thậm chí ở một số khu vực, người Trung Quốc sang tận bên ta để giao cá một cách lộ liễu. Vậy cơ quan kiểm dịch và cơ quan chức năng ở đâu mà không ngăn chặn?” – ông Cử bức xúc.
Tiềm ẩn mầm bệnh
Chiều 6/5, ông Dương Tiến Thể, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho biết với các loài thủy sản như: cá trê, ếch, cá lóc thông thường, nếu không phải là động vật ngoại lai thì Việt Nam vẫn cho nhập khẩu. Các doanh nghiệp phải tiến hành kê khai và làm thủ tục với hải quan để được cơ quan thú y cấp giấy kiểm dịch nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Tuy nhiên, ông Thể cũng lo ngại các loại thực phẩm chưa được kiểm soát chất lượng sẽ đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. “Việc sử dụng thức ăn chăn nuôi tăng trọng để nuôi cá trê, cá lóc, ếch hoặc các loại động vật khác có khả năng gây đột biến gien. Khi sử dụng, người dân có thể mắc bệnh” – ông Thể khuyến cáo.
Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp) Việt Nam, cho biết đến nay, CITES Việt Nam chưa cấp phép nhập khẩu cá tầm thương phẩm cho bất kỳ doanh nghiệp hay cá nhân nào. Vì vậy, tất cả cá tầm Trung Quốc có mặt ở Việt Nam đều là cá tầm lậu.
“Cá tầm nhập lậu có thể được nuôi trong môi trường công nghiệp với nguồn thức ăn tăng trọng không bảo đảm chất lượng, khó truy suất nguồn gốc. Đây sẽ là nguy cơ mang mầm bệnh cho người tiêu dùng trong nước, thậm chí nó còn nguy hiểm hơn cả gà loại thải của Trung Quốc” – ông Tùng nói.
Doanh nghiệp trong nước “khóc” Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết dù rất cố gắng nhưng vẫn có một lượng không nhỏ cá tầm và các loài tôm, cá giống nhập lậu qua biên giới phía Bắc chưa được kiểm soát. Thực tế số lượng hàng nhập lậu còn lớn hơn nhiều so với số lượng đã bị cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý. Theo ông Trần Cao Mưu, Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp nuôi và kinh doanh cá nước lạnh đang hoạt động rất cầm chừng vì không chịu đựng nổi sự xâm lấn của cá tầm Trung Quốc. “Nếu cơ quan chức năng không ngăn chặn được nạn nhập lậu cá tầm sẽ khiến nghề nuôi cá nước lạnh trong nước bị triệt tiêu” – ông Mưu ngậm ngùi.
Theo Dantri
Cá Trung Quốc "ngậm" thuốc mê dày đặc chợ thủy sản
Theo nhận định của trinh sát Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, nhiều loại cá thương phẩm bày bán tại các chợ đầu mối thủy sản trên địa bàn Thủ đô có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Cá trê giống nhập "chui" từ Trung Quốc
Liên tục bắt cá lậu
Tính từ ngày 25/4 đến 1/5, Đội phòng chống tội phạm (PCTP) trong lĩnh vực Y tế - VSATTP (Đội 6) Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường CATP Hà Nội đã phát hiện, bắt quả tang 6 xe ô tô tải vận chuyển hàng tấn cá tầm, cá quả, cá trê, cá chình, cá trắm, ếch từ khu vực biên giới phía Bắc về Hà Nội và các tỉnh lân cận tiêu thụ. Xét hỏi chủ các lô hàng này, họ thừa nhận cá, ếch đều có nguồn gốc từ bên kia biên giới, được chở bằng thuyền qua sông Ka Long vào TP. Móng Cái, Quảng Ninh, vận chuyển về các tỉnh phía Bắc tiêu thụ.
Sau vụ bắt giữ 1,8 tấn cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc, định đưa vào chợ cá Yên Sở, quận Hoàng Mai đêm 29/4, trinh sát Đội 6 Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường cho biết, dân buôn "chui" cá từ Trung Quốc về Hà Nội đã điều chỉnh phương thức, thủ đoạn vận chuyển.
"Thay vì chở hàng trong đêm hướng thẳng về chợ cá, các đối tượng xoay sang tập kết hàng ở ngoại thành Hà Nội, chờ đến sáng mới chuyển vào nội thành, nhằm đánh lạc hướng sự theo dõi của cơ quan công an" - Trung tá Phạm Giang Sơn, Đội trưởng Đội 6 cho biết. Tiếp tục rà soát, khoanh vùng các đầu mối buôn cá Trung Quốc vào Việt Nam những ngày qua, trinh sát nhận thấy hàng vẫn dồn dập về Hà Nội.
21h ngày 1/5, Đội 6 phối hợp với Đội QLTT số 1 - Chi Cục QLTT Hà Nội "đón lõng" ở Quốc lộ 2 - đoạn qua xã Kim Anh, huyện Sóc Sơn, phát hiện xe ô tô tải BKS 14C-027.84, do lái xe Nguyễn Văn Học (SN 1973), ở Đông Triều, Quảng Ninh điều khiển, đang dừng đỗ ven đường, nghi vấn chở cá nhập lậu đã tiến hành kiểm tra.
Trên thùng xe, cảnh sát phát hiện gần 10.000 con cá trê giống (trọng lượng 208kg), được "nuôi" trong các thùng xốp. Số cá này đều được dân buôn bơm thuốc cho "ngất" suốt quãng đường vận chuyển. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng - anh Nguyễn Văn Thịnh (SN 1987), HKTT ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, khai nhận số cá trê giống trên có nguồn gốc từ Trung Quốc, được mua ở biên giới tỉnh Quảng Ninh với giá 90.000 đồng/kg.
22h cùng ngày, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra xe ô tô tải BKS 16L-0983, do lái xe Nguyễn Văn Đăng (SN 1980), trú tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng điều khiển, phát hiện trên xe chở 133 con cá quả (trọng lượng 149kg) và 360 con ếch (trọng lượng 72kg). Số hàng trên của Nguyễn Xuân Tư (SN 1982), trú ở quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng.
Chủ hàng khai nhận toàn bộ số cá, ếch có nguồn gốc từ Trung Quốc, được mua ở khu vực giáp biên, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Trên chiếc xe này, cảnh sát còn phát hiện, thu giữ 5.200 tuýp mù tạt Wasabi, 10 thùng bánh khoai môn nhãn hiệu Ying Sia. Mù tạt và khoai đều sản xuất tại Trung Quốc, nhập chui vào Việt Nam không có hóa đơn chứng từ. Đến trưa 2/5, lực lượng công an - QLTT đã tiến hành bàn giao toàn bộ số hàng hóa nói trên cho Công ty môi trường đô thị, tiến hành tiêu hủy theo quy định.
Chế tài yếu, khó chặn cá lậu
Có khoảng 10 đường dây buôn cá lậu từ Trung Quốc về Hà Nội đã lọt vào "tầm ngắm" của cơ quan công an. "Các xe cá tập kết, lấy hàng ở địa điểm nào, lộ trình di chuyển ra sao, sử dụng giấy tờ giả loại gì... đều được cơ quan công an theo dõi chặt, tiếp tục bắt giữ trong những ngày tới" - Trung tá Phạm Giang Sơn khẳng định. Theo cơ quan công an, mỗi đường dây cá lậu trung bình 1 tháng đi 10 chuyến. Cá từ bên kia biên giới chủ yếu "đổ" về chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai), trước khi phân phối đi các quận, huyện khác.
Không chỉ cá trưởng thành, những đường dây buôn cá trê, cá quả giống đang dần lộ diện. Theo cơ quan công an, dân buôn cá trê giống cho hay, loài cá này rất phàm ăn, lớn nhanh. Cá trê Trung Quốc nuôi 3 tháng trọng lượng có thể đạt 1,5kg; nuôi 1 năm trọng lượng khoảng 6-7kg. Cá trê "giống ngoại" được đánh giá ác hơn trê ta, mồi của chúng là các loại thủy sản nhỏ sống chung hồ. "Giống cá này có được xếp vào loài sinh vật ngoại lai như rùa tai đỏ, tôm hùm đỏ hay không, có tác động xấu đến ngành nông nghiệp, thủy sản trong nước hay không rất cần được các ngành chức năng nghiên cứu, kết luận, đưa ra giải pháp ngăn chặn" - một cán bộ Đội 6 kiến nghị.
Theo Trung tá Phạm Giang Sơn, cá nhân có hành vi vận chuyển cá nhập lậu sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính 2,5 triệu đồng, kèm hình thức tịch thu, tiêu hủy lô hàng. "Mức phạt trên quá nhẹ, không đủ sức răn đe, ngăn chặn các đường dây buôn lậu cá lãi suất cực lớn từ biên giới về Thủ đô" - chỉ huy Đội 6 nhận định.
Theo Dantri
Tiêu hủy gần 2 tấn cá tầm Trung Quốc nhập lậu Ngày 30.4, trung tá Phạm Giang Sơn, Đội trưởng Đội 6 thuộc Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) - Công an TP.Hà Nội, cho biết đơn vị này vừa kết hợp các đơn vị chức năng tiến hành tiêu hủy gần 2 tấn cá tầm có nguồn gốc Trung Quốc. Khoảng 1 giờ 30 phút ngày 29.4, các...