“Thủy quái” Vàm Nao cùng giai thoại cá sấu 5 chân thành tinh
Miền Tây có hàng ngàn con sông, rạch, trong đó có những dòng sông rất lớn như sông Tiền, sông Hậu, Mê Kông, Vàm Cỏ… Nhưng, có một con sông chỉ dài chưa đến 7km, lại rất nổi tiếng. Ở con sông ấy có hầu hết những loài cá “khủng” đã trở thành huyền thoại như cá hô, cá nược, cá đuối, cá tra dầu, cá bông lau…
Đó là sông Vàm Nao ở An Giang.
Giai thoại cá sấu 5 chân thành tinh
Theo chân ngư dân trẻ Hồng Sơn, chúng tôi tìm đến nhà lão ngư Hai Lý, ở xóm chài Bình Thủy, huyện Phú Tân, An Giang. Năm nay đã ngót 80 tuổi, gần trọn đời gắn bó với dòng Vàm Nao, lão ngư Hai Lý kể: “Sông Vàm Nao có nhiều chỗ sâu đến mấy sợi dây thừng, tức khoảng 30m, nhiều đoạn nước xoáy, đủ sức nhấn chìm một chiếc ghe lớn. Dòng nước chảy xiết, đáy sông sâu với nhiều hang hốc nên Vàm Nao đã kéo theo các loài cá “khủng”, nặng hàng trăm ký từ sông Mê Kông tìm về trú ẩn như cá hô, cá tra dầu, cá vồ cờ, cá nược, cá đuối, cá đao, cá mập, cá sấu”.
Con cá tra dầu “khủng” ngư dân bắt được trên sông Vàm Nao
Lão ngư Hai Lý kể tiếp: “Ông bà tôi kể, gọi sông là Vàm Nao vì khi mùa lũ qua, ngã ba sông này nhìn nước chảy như thác cuộn, ghe tàu nào cũng khiếp, sợ bị lật nên nao lòng, thối chí, bởi thế mới có câu “Đố ai ve được con đò Vàm Nao”. Thời nhà Nguyễn, thấy tên gọi nghe buồn quá nên đã đổi tên sông là Thuận Giang, nhưng dù gọi thế nào nó vẫn mãi là sông tử thần. Những năm lũ lớn, ghe tàu qua ngã ba sông Vàm Nao hay bị sóng lưỡi búa đánh chìm, cứ cách vài ngày lại nghe văng vẳng tiếng khóc, kêu cứu”.
Con cá đuối “khủng” bắt được trên sông Vàm Nao
Nói một hồi, ông Hai Lý nhỏ giọng, nét mặt tỏ vẻ nghiêm trọng: “Vàm Nao là con sông linh nhất miền Tây, có “ông” muôn đời trầm mình, trấn yểm đáy sông. Những người ăn ở ác, chạy ghe qua đây, “ông” chỉ cần ngoác cái miệng ra là nước xoáy mạnh, thuyền ghe lớn cỡ nào cũng chìm”.
Tôi ngạc nhiên: “Ông là ai chú?”, ông Hai Lý tiếp tục nhỏ giọng: “Đó là con cá sấu 5 chân thành tinh, không bao giờ chết, do một người tên là Đình Tây ở vùng Thất Sơn nuôi. Sau đó “ông” thoát ra ngoài, bơi đến vùng sông Vàm Nao. Thân hình “ông” lớn đến mức nằm lấp hết cả đáy sông. Người ta không dám gọi thẳng tên ông mà gọi là ông Năm Chèo. Hồi còn nhỏ xíu, mỗi khi chú làm gì sai là ông bà nội lại “hù”: “Không ngoan là coi chừng “ông” Năm Chèo bắt đi đó”. Lúc đó, biết “ông” Năm Chèo là ai đâu. Lớn lên, mỗi lần có ghe chìm, người ta lại bảo, bị “ông” bắt vì ở ác”.
Do nước chảy xiết nên bên bờ sông Vàm Nao thường xảy ra những trận lở kinh hoàng. Mỗi lúc như vậy, người ta lại đồn rằng do “ông” cựa mình, quẫy đuôi. Còn nguyên nhân khiến dòng chảy xiết là do ông Năm Chèo… thở mạnh tạo ra, ngã ba Vàm Nao dữ tợn bởi nằm ngay cửa họng ông Năm Chèo. Cũng có người cho rằng nhìn bản đồ sông Vàm Nao có hình thù như cá sấu. Cũng có chuyện kể rằng có nhóm thợ săn sấu từ miệt U Minh ỷ tài lên Vàm Nao bắt Năm Chèo lấy tiếng nhưng rốt cuộc kẻ mất mạng, người chạy trối chết… Cũng có người cho rằng đó chỉ là những câu chuyện dân gian đồn thổi nhưng ghe thương hồ hay ngư dân mỗi khi đi ngang Vàm Nao, đều phải thắp hương khấn vái kính cẩn.
Video đang HOT
Con cá cây vàng
Cách đây 2 – 3 chục năm, ngư dân ở làng chài Bình Thuỷ có nhiều triệu phú nhờ nghề săn bắt cá hô, loài cá “tiến vua”. Lão ngư Sáu Viên, 74 tuổi, ở xóm chài này là một trong số đó. Ông là một trong những ngư dân giữ “kỷ lục” về số lượng cá hô bắt được với hơn 50 con, trong đó nhiều nặng trên 1 tạ. Ông đã bỏ nghề săn cá hô nhưng ký ức về loài cá khủng này vẫn đầy ắp.
Đã lâu những tấm lưới cá hô này không ướt nước sông Vàm Nam
Ông Sáu Viên bảo, Vàm Nao ngoài cá mập, cá sấu, còn một loài cá khác hung tợn không kém, đó là cá bông gấm. Loài cá có sắc bông vằn vện như con báo gấm, nhìn rất đẹp, to như súc gỗ dài khoảng 2m. Cá bông gấm đi săn mồi thành bầy ngót chục con. Trâu bò bơi qua sông bị cá cắn lôi xuống sông. Còn người bơi hay tắm sông hoặc bị đắm tàu xuồng thì chúng lao tới xâu xé. Hồi đó, do bị cá ăn thịt hoài nên người ta đi tìm thầy trị, sau được một ông thầy ở miệt Kiên Giang chỉ cách dùng trái bí đao già luộc chung với dây thuốc cá rồi liệng xuống sông. Ruột bí đao giữ nhiệt lâu, cá sấu, cá mập nuốt phải, vừa bỏng ruột, vừa ngấm độc, chết. Cá bông gấm bu lại xâu xé xác cá cũng bị trúng độc chết theo.
“Riêng cá hô, mặc dù rất to, có khi nặng cả ngót 2 tạ, nhưng lại rất hiền, chỉ ăn rong rêu, tép cá. Đặc biệt là chúng rất mạnh. Một cú quẫy đuôi có thể làm nước chảy xoắn lại ào ào. Vì thế, các loài cá dữ chẳng con nào lại gần chúng được. Cá hô lạ lắm. Thấy nó lội đó nhưng không phải ngư dân nào quăng chài, bủa lưới là bắt được. Bởi thế, phải có cái duyên, và phải tuân theo “luật” riêng của ngư dân. Một trong những tục đó là người nào mới vào nghề, con cá hô đầu tiên bắt được dù lớn hay nhỏ phải khao cả xóm”, ông Sáu kể.
Ông Sáu cho biết, thời hoàng kim của nghề săn cá hô, chỉ riêng việc đầu tư lưới đã hết mấy cây vàng. Không phải ngư dân nào cũng có bạc sắm lưới cá hô được. Ông nói tiếp: “Nhưng nếu là tay sát cá thì chỉ cần một mùa bắt được 2 con là dư sức huề vốn. Một con cá bán xong mua được mấy cây vàng, một mùa bắt được vài con cá coi như có bạc triệu xài rủng rỉnh năm này qua năm kia. Còn nếu xui không bắt được con nào thì nợ chồng nợ, phải bán lưới trả nợ. Mà chuyện này lại hay xảy ra trên đất cù lao này. Lắm ngư dân thấy bắt cá hô tưởng dễ nên vay tiền, hỏi mượn vàng cây mua lưới. Tới ngày thả lưới, ruột gan héo hon khi lưới bên dính cá hô khổng lồ, còn lưới mình nhẹ tênh”.
Cá bông lau đuôi vàng, một trong những loài cá đặc sản của sông Vàm Nao
Ông Sáu kể, con cá hô to nhất ông săn được cách đây hơn 30 năm, nặng 170kg. “Lần đó, vợ chồng tôi kéo lưới, thấy mặt nước phun bong bóng lên như nồi nước sôi lớn, rộng một khoảnh cả chục mét. Kéo lưới không nhúc nhích, vợ chồng tôi xanh mặt, tưởng bị “ông” quở phạt gì, giữ lưới lại, nên vội vàng khấn vái. Sau đó tiếp tục kéo thì được, nhưng quá nặng, phải gọi thêm mấy ghe bạn đến kéo phụ. Bất ngờ từ dưới nước vọt lên con cá hô lớn cỡ chiếc xuồng. Tôi la lên cho người ta tới tiếp ứng… cả tiếng sau mới không chế được con cá khủng. Lần đó, sau khi bán cá, gửi quà cáp cho những người phụ mình, còn để dành được 2 cây vàng”, ông Sáu kể.
Theo chân ngư dân Hồng Sơn ra sông Vàm Nao khi xóm chài đã lên đèn, mặt nước yên ả, lặng như tờ. Ánh đèn từ những ngôi nhà bên bờ hắt xuống mặt nước lung linh. Ngọn gió quất vào mặt mát lạnh. Anh Sơn bảo: “Mùa này nước yên lắm. Nhưng người ta bảo, vì cá khủng hết rồi nên sông cũng bớt sóng lớn”.
Ngư dân Hồng Sơn và con cá mè Vinh mới câu được trên sông Vàm Nao.
Bây giờ, Vàm Nao đã vắng bóng nhiều loài cá khủng như bông gấm, cá nược, cá mập, cá sấu, riêng cá hô vẫn còn, lâu lâu mới có người may mắn bắt được. Những tay “sát thủ” cá hô một thời như Sáu Viên, Hai Lý, Năm Thứ, Tư Hung, Bảy Thạnh… đã gác lưới cá hô.
Lão ngư Sáu Viên bảo, đã theo nghề săn cá hô là phải sống với loài cá này, nó như một lời nguyền. Còn nếu chán nản vì bắt không được cá mà bán lưới cá hô, mua lại lưới cá khác thì sẽ không đánh bắt được con nào. Vì lời nguyền đeo đẳng ấy mà nhiều ngư dân nhìn thấy bạn trong nghề giàu lên với nghề bắt cá hô nhưng không dám theo con cá khổng lồ vì sợ vướng lời nguyền.
Theo Khương Hồng Thủy (Nông nghiệp Việt Nam)
Miền Tây sạt lở gần 600 km bờ sông
Mất cân bằng lượng bùn cát, thay đổi phân lưu sông Tiền - sông Hậu, nạn chặt phá rừng, khai thác cát sỏi trái phép... là nguyên nhân sạt lở ngày càng nghiêm trọng tại miền Tây.
Tỉnh An Giang muốn được hỗ trợ hơn 800 tỷ đồng để xây các khu dân cư phục vụ di dời 20.000 hộ dân ra khỏi những vùng sạt lở nguy hiểm. Ảnh: A.X
Chiều 15/5, tại An Giang, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các bộ ngành làm việc với một số tỉnh thành miền Tây bị sạt lở nghiêm trọng, bàn giải pháp phòng chống, đảm bảo tính mạng và tài sản người dân.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, miền Tây hiện có 406 đoạn sạt lở, với tổng chiều dài 891 km (cả bờ sông và bờ biển), đe doạ cuộc sống hàng nghìn hộ dân cùng nhiều công trình hạ tầng, kho bãi, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Trong đó, nhiều nơi sạt lở đặc biệt nguy hiểm như tại sông Vàm Nao (xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) khiến 108 hộ dân phải dời khẩn cấp. Sạt lở 600 m tại bờ sông Tiền (đoạn qua xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) uy hiếp hơn 100 nhà dân và Quốc lộ 30 nối trung tâm tỉnh này với khu vực biên giới Campuchia. Kè Gành Hào ở huyện Đông Hải (Bạc Liêu) bị xói lở hơn 800 m...
Nguyên nhân gây ra do mất cân bằng bùn cát, thay đổi tỷ lệ phân lưu sông Tiền - sông Hậu; chặt phá rừng, khai thác cát sỏi trái phép; nước biển dâng; lún sụp đất do khai thác nước ngầm...
Tỉnh An Giang hiện có 51 đoạn bờ sông cảnh báo sạt lở với tổng chiều dài hơn 162 km, ảnh hưởng 20.000 hộ dân. Trong đó, gần 5.400 hộ cần sớm di dời khỏi khu vực nguy hiểm. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh kiến nghị: "Chính phủ ưu tiên hỗ trợ 820 tỷ đồng đầu tư các cụm tuyến dân cư để di dời các hộ dân vào nơi an toàn".
Bộ Trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị Chính phủ sớm xem xét phê duyệt danh mục các dự án thuộc chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, hoặc cho phép triển khai trước dự án chống sạt lở sông Hậu.
Các bộ cùng địa phương thuộc lưu vực sông Tiền, sông Hậu khảo sát, đánh giá tổng thể và khoa học tất cả các nguyên nhân sạt lở. Từ đó xác định cụ thể những khu vực xung yếu, đề xuất các giải pháp.
Cù lao Long Phú Thuận nằm giữa sông Tiền, thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp nhiều năm qua là điểm nóng sạt lở. Ảnh: Cửu Long.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận tình trạng sạt lở bờ sông, biển đang xảy ra ở nhiều nơi đã ảnh hưởng đến nhiều người dân cũng như hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội.
"Trước mắt cần tập trung vào làm những công trình cấp bách, bảo vệ khu vực sạt lở, xây dựng các khu tái định cư ổn định chỗ ở cho người dân", ông nhấn mạnh và lưu ý tại những nơi có nguy cơ sạt lở cao phải được theo dõi chặt chẽ, sẵn sàng kế hoạch sơ tán nhanh nhất để đảm bảo tính mạng, tài sản, học hành của người dân.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu thường xuyên kiểm tra việc khai thác cát sỏi ven sông, ven biển; đặc biệt xử lý nghiêm tình trạng khai thác trái phép, không đúng quy hoạch. Các địa phương rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn, tái cơ cấu phát triển ngành gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chống sạt lở.
Các bộ, ngành chức năng tập trung lập quy hoạch bờ sông, bờ biển; điều tra, đánh giá, hằng năm về tổng lượng bùn cát đã về và tổng lượng khai thác ở miền Tây; đưa ra các giải pháp chống sạt lở đồng bộ...
Sáng cùng ngày, đoàn công tác đã đến khảo sát, thăm hỏi, tặng quà các hộ dân bị ảnh hưởng bởi vụ sạt lở bờ sông Vàm Nao tại xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang...
Cửu Long
Theo VNE
Cận cảnh những "quái ngư" khủng từng bị tóm gọn ở miền Tây "Quái ngư" là tên nhiều người gọi những con cá "khủng" như tra dầu, cá hô, cá đuối, cá chình, cá rồng từng bị các lão ngư lão luyện tóm gọn ở miền Tây. Mỗi con "quái ngư" nặng hàng chục, thậm chí hàng trăm kg đã mang lại thu nhập cao cho những người đánh bắt cá trên sông Tiền, sông Hậu......