Thủy phi cơ – công cụ phục vụ Trung Quốc chiếm biển ở Biển Đông
Một thủy phi cơ đang được chế tạo của Trung Quốc có thể giúp Bắc Kinh thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông, các chuyên gia quân sự về Trung Quốc nhận định.
Mô hình một chiếc AG600 của Trung Quốc (Ảnh: indiandefensenews)
Giao Long AG600, hiện đang được Tổng công ty công nghiệp hàng không Trung Quốc (CAIGA) chế tạo, sẽ là thủy phi cơ lớn nhất của Trung Quốc. Công ty này không đưa ra bình luận gì sau tuyên bố hôm 17/3 rằng công ty đã hoàn thiện việc lắp ráp thân trước cho chiếc máy bay nguyên mẫu.
Theo các tờ quảng cáo tại Triển lãm hàng không 2014 ở Chu Hải, Giao Long AG600 sử dụng 4 động cơ phản lực WJ-6 và có tầm xa 5.500 km, cho phép hoạt động trong phạm vi rộng ở Biển Đông. Tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc hiện đang xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo trên một loạt bãi đá như Tư Nghĩa, Gạc Ma và Gaven.
Dù thiếu sự tiếp cận trực tiếp từ đất liền đối với các tuyên bố chủ quyền ngang nhiên của Bắc Kinh ở Biển Đông, AG600 được xem là một công cụ để củng cố việc kiểm soát khu vực gồm 750 đảo nhỏ, bãi đá và đảo san hô vòng tại quần đảo Trường Sa.
“Các thủy phi cơ như AG600 là công cụ hoàn hảo để tái cung ứng cho các đảo nhân đạo mới mà Trung Quốc đang xây dựng ở Biển Đông”, tờDefense News dẫn lời ông Richard Bitzinger, điều phối viên cho Chương trình cải tiến quân sự tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam của Singapore.
“Cùng lúc đó, các đảo này có thể là các căn cứ thích hợp cho các hoạt động của AG600 nhằm tham gia vào các cuộc tuần tra lãnh hải tại các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền”, ông Bitzinger nói thêm.
AG600 cũng sẽ trở thành đòn bẩy chính trị, ông Ching Chang, một nhà nghiên cứu tại Hội nghiên cứu chiến lược ROC của Đài Loan, nhận định.
“Các quốc gia cần sự quản lý hiệu quả để hỗ trợ các tuyên bố chủ quyền” và AG600 sẽ tăng cường khả năng của Trung Quốc trong hoạt động thực thi pháp luật, tuần tra đánh bắt và hoạt động chống đánh bắt trộm trên các bãi san hô, ngăn ngừa ô nhiễm, cứu hộ và tìm kiếm, vận chuyển cứu hộ y tế, khảo sát địa chất và địa chấn. Nói tóm lại là tất cả các hoạt động của chính phủ nhằm cho thấy sự quản lý hiệu quả của Trung Quốc ở Biển Đông.
Kiểu quản lý và cai quản này sẽ phục vụ lập luận của Trung Quốc rằng các hòn đảo có thể cư trú theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Video đang HOT
Các tài liệu quảng cáo của CAIGA cho thấy rằng AG600 có thể thực hiện 4 sứ mệnh: Tìm kiếm và cứu hộ, cứu hỏa, vận tải (lên tới 50 hành khách) và giám sát biển. Các máy bay này cũng có thể phục vụ quân đội Trung Quốc trong các sứ mệnh tình báo điện tử và tình báo tín hiệu, ông Sam Bateman, một cố vấn của Chương trình an ninh biển thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore, cho hay.
Tuy nhiên, ông Bateman không xem các máy bay là “kẻ thay đổi cuộc chơi” ở Biển Đông, dù chúng có thể phục vụ việc “cung ứng nhanh và củng cố các tiền đồn quân sự trên các đảo không có đường băng”.
Các tài liệu của CAIGA không nhắc tới việc sử dụng cho quân sự, nhưng lịch sử cho thấy rằng các thủy phi cơ có thị trường thương mại tương đối nhỏ. Các tài liệu quảng cáo của các thủy phi cơ cỡ lớn của Nhật Bản và Nga chứng tỏ thị trường cho các sứ mệnh cứu hỏa, tìm kiếm và cứu hộ khá nhỏ, Vasiliy Kashin, một chuyên gia quân sự Trung Quốc tại Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ tại Mátxcơva, nhận định.
Cả hai nhà sản xuất máy bay trên đều là hệ quả của Chiến tranh Lạnh, ông Kashin nói. Nhưng Trung Quốc đã tạo ra một thiết kế mới và thiết lập dây chuyền sản xuất mới cho một loại máy bay có lịch sử thị trường thương mại rất u ám.
“Do chương trình không thể biện minh bởi nhu cầu dân sự, sự giải thích có lý là chương trình có tầm quan trọng về mặt quân sự”, ông Kashin nói.
AG600 không phải là chiếc thủy phi cơ đầu tiên được CAIGA phát triển. Tại Triển lãm hàng không năm 2014, công ty này đã trưng bày các mô hình của thủy phi cơ H660 và H631 có tải trọng và tầm xa tương đương. Cũng đã có một mô hình cho chiếc thủy phi cwo H680 Sea Eagle.
CAIGO còn chế tạo 2 thủy phi cơ chở khách hạng nhẹ, 208B và HO300, đều có tầm xa từ 1.000-1.500 km.
An Bình
Theo Dantri
Nội bộ Trung Quốc tranh cãi để giành quyền lợi
Giới quân sự cho rằng, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ là một trong những chủ đề chính được thảo luận khi lưỡng hội nước này (Chính hiệp và Quốc hội) khai mạc từ 3/3.
Dự kiến, Trung Quốc sẽ tăng ngân sách quốc phòng 2015 từ 10-15%. Năm 2014, Bắc Kinh công bố ngân sách quốc phòng 129 tỉ USD, nhưng phương Tây cho rằng, thực chi của Trung Quốc lớn hơn khoảng 9% con số kể trên. Gần 1 tháng trước (12/2), tờ Tokyo Shimbun đăng bài "Trung Quốc đứng đầu châu Á về lượng chi tiêu quốc phòng" bởi trong 2 năm 2013 và 2014, trong tỷ lệ tăng chi tiêu quốc phòng của châu Á (tính cả châu Đại Dương), có tới 63,4% đến từ Trung Quốc. Tiếp đến là Ấn Độ (14,2%), Nhật Bản (5,7%), Hàn Quốc (4,2%). Theo thống kê, tổng chi tiêu quốc phòng của châu Á năm 2014 khoảng 344 tỉ USD, tăng 27% so với năm 2010. Riêng tỷ trọng của Trung Quốc trong chi tiêu quốc phòng ở châu Á tăng từ 28% năm 2010 lên 38% năm 2014.
"Nước ấm nấu ếch"
Ngày 26/2, trang mạng sina.com của Trung Quốc dẫn báo chí Mỹ dự đoán, năm 2015, chi tiêu quân sự của Trung Quốc ít nhất sẽ tăng 10%, đạt khoảng 145 tỉ USD. Trung Quốc cũng đang bí mật phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Đường Type 096 thế hệ mới có thể trang bị 24 tên lửa đạn đạo tầm bắn hơn 11.000km. Dự kiến đến trước năm 2020, Hải quân Trung Quốc ít nhất sẽ sở hữu 6 tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo Type 094 và 4 tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo Type 096, mang theo 80 quả tên lửa xuyên lục địa.
Hải quân Trung Quốc trong một cuộc tập trận
Cùng ngày 26/2, tờ Free Beacon đưa tin, Bắc Kinh đã từ chối yêu cầu của Washington về việc dừng các hoạt động xây dựng cải tạo bất hợp pháp trên một số bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngày 26/2, giới truyền thông Trung Quốc đưa tin, Bắc Kinh đang cải tạo đất đai và xây cất trên diện rộng tại khu vực có tranh chấp ở Biển Đông và đây là sự thừa nhận hiếm thấy của Bắc Kinh. Theo tờ Quân giải phóng, Trung Quốc đã cải tạo đất trên bãi đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và binh sĩ đã tiến hành các cuộc diễn tập từ tháng 2/2015. Tối 26/2, Đài RFI cho biết, Trung Quốc đang tiếp tục thực hiện ý đồ khống chế Biển Đông và thiết lập chuỗi đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, làm căn cứ đồn trú binh lính nhằm kiểm soát toàn bộ khu vực này.
Cũng trong ngày 26/2, tờ The Post and Courier bình luận, Trung Quốc đang tranh thủ Nga - Mỹ bị cuốn vào "chảo lửa Ukraine" để thực hiện âm mưu bành trướng ở châu Á. Học giả Ian Storey đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho biết, hoạt động tích tụ quân sự của Trung Quốc ở Trường Sa đã vạch trần sự dối trá của Bắc Kinh và chính sách của Trung Nam Hải về cơ bản không có gì thay đổi. Còn theo học giả Carl Thayer, đã quá muộn để Mỹ thực hiện một sự khác biệt trong khu vực bởi Trung Quốc sẽ không dừng hoạt động biến đá thành đảo. Trong khi đó, ông Navin Rajagobal, cựu Phó giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore kêu gọi, cần đề cao việc tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông.
Ngày 25/2, tờ Đa Chiều bình luận, hoạt động biến đá thành đảo mà Trung Quốc đang tiến hành cho thấy, Bắc Kinh đang áp dụng thủ đoạn "nước ấm nấu ếch" để tranh thủ thời gian bố trí chiến lược ở Biển Đông, sau đó thôn tính toàn bộ quần đảo Trường Sa. "Nước ấm nấu ếch" là chuyện ngụ ngôn dân gian Trung Quốc - nếu ếch bị cho vào nồi nước sôi, nó sẽ lập tức nhảy ra theo phản xạ tự nhiên, nhưng cho vào nồi nước lạnh rồi đun lên, nó sẽ chết từ từ.
Xu hướng mới?
Ngày 26/2, tờ Thơi bao Hoan Câu đặt câu hỏi, liệu Nhật Bản có thể tác chiến với Trung Quốc trong tình hình không có sự chi viện của Mỹ? Và chuyên gia quân sự Nhật Bản Inoue Kazuhiko đã trả lời câu hỏi này trên Tạp chí SAPIO số ra tháng 3/2015. Theo đó, cho dù Mỹ không tham chiến khi Trung - Nhật xung đột ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, thực lực của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản cũng là mối quan ngại thực sự của Bắc Kinh. Theo chuyên gia Inoue Kazuhiko, hải quân Trung Quốc chưa sở hữu tàu chiến phòng không có tính năng như tàu Aegis Atago của Nhật Bản. Ngoài ra, Tokyo còn sở hữu tàu sân bay, tàu chiến kiểu tấn công như Izumo (tàu sân bay trực thăng).
Máy bay trinh sát P-8A Poseidon còn được gọi là sát thủ săn tàu ngầm
Hạ tuần tháng 2/2015, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược (CSIS) tại Washington cho rằng, Trung Quốc đã "thay đổi đáng kể kích thước và cấu trúc của các đặc điểm đất đai tự nhiên" ở Biển Đông. Theo CSIS, từ 2014, Trung Quốc bắt đầu cải tạo quy mô lớn tại bãi đá Gaven và xây dựng một đảo nhân tạo mới rộng hơn 7ha tại đây. Trong một bài đăng trên tờ Le Figaro, tác giả Jean Licourt đã coi việc đảo hóa của Trung Quốc là nhằm xác định sự chiếm đóng tại Biển Đông. Còn theo Radio Monaco, Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch mở rộng một đồn lũy trên bãi đá Chữ thập, nằm giữa Philippines và Việt Nam với quy mô ngày càng lớn.
Sau khi tờ Jane's Defense công bố những bức ảnh mới về hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa (từ hôm 15/2), giới chuyên môn đã chỉ rõ ý đồ bành trướng của Bắc Kinh. Theo chuyên gia Carl Thayer đến từ Học viện Quốc phòng Australia, đảo nhân tạo (bãi đá Tư Nghĩa, Gạc Ma, Ga Ven, Chữ Thập, Châu Viên, Én Đất) tại Biển Đông không những là kho tiếp liệu cho chiến hạm Trung Quốc, mà còn là nơi cung cấp hậu cần và điểm dừng cho tàu đánh cá, tàu cảnh sát biển Trung Quốc. Việc tạo ra đảo nhân tạo giống như xây dựng "tàu sân bay không thể đánh chìm", tạo điều kiện giúp Trung Quốc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Ngày 27/2, khi phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã ngụy biện cho các hành động cải tạo trái phép ở Biển Đông. Ông Hồng Lỗi không những cho rằng, Bắc Kinh đã hành động "kiềm chế và có trách nhiệm" tại khu vực này, mà còn phản đối tuyên bố hôm 26/2 của Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper và coi đó là sự can thiệp của Mỹ.
Ai là "Ngư ông đắc lợi"?
Ngày 27/2, tờ The Guardian đưa tin, khi báo cáo trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper đã bày tỏ lo ngại về khả năng xảy ra xung đột giữa Trung Quốc với các nước láng giềng vì Bắc Kinh mở rộng các tiền đồn bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam (cải tạo đất để đảo hóa). Ông James Clapper coi những hành động kể trên là "hung hăng" nhằm thúc đẩy chủ quyền "cắt cổ". Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ còn gọi yêu sách "đường lưỡi bò" - đòi "chủ quyền" hơn 80% diện tích Biển Đông là yêu cầu "cắt cổ" và tin rằng, Trung Quốc vẫn đang trong quá trình xây dựng nên chưa rõ Bắc Kinh sẽ triển khai các loại vũ khí, lực lượng nào. Giám đốc Tình báo quốc gia James Clapper đã đưa ra những cảnh báo trên khi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện về các mối đe dọa toàn cầu hôm 26/2.
Máy bay do thám của Mỹ hoạt động trên khu vực tranh chấp ở Biển Đông
Cũng trong ngày 27/2, tờ Business Standard đã dẫn lời ông James Clapper cho biết, việc cải tạo phi pháp ở bãi đá Tư Nghĩa trong quần đảo Trường Sa đã chứng tỏ ý đồ củng cố, mở rộng yêu sách của Bắc Kinh với việc xây dựng các sân bay mới. Bởi 1 năm trước bãi đá Tư Nghĩa vẫn nằm dưới mặt nước, nhưng bây giờ đã có một sân bay trực thăng, cầu cảng để phục vụ tuần tra, do thám trong khu vực Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Theo ông James Clapper, chính các hành động thù địch của Trung Quốc là động cơ thúc đẩy các nước hữu quan phải hợp tác với nhau và đây là một điều tốt.
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ cho rằng, việc chiếm đóng và mở rộng bất hợp pháp của Trung Quốc tại bãi đá Ga Ven ở quần đảo Trường Sa có thể cho phép Bắc Kinh sử dụng các loại vũ khí, kể cả vũ khí phòng không và các lựa chọn khác. Bắc Kinh bắt đầu xây dựng đảo nhân tạo năm 2014 với kích thước hơn 18 mẫu Anh và đã xuất hiện tháp pháo phòng không tại bãi đá Ga Ven.
Trong khi đó, trang website Sputnik cũng vừa dẫn lại thông tin từ tờ HIS Jane's Denfence Weekly về việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trong khu vực tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và Bắc Kinh đang âm mưu thiết lập một mạng lưới hải quân và không quân tại số đảo này. Bởi các đảo nhân tạo được nối với nhau bằng những chiếc cầu dành cho máy bay trực thăng, sân bay, bến cảng và tất cả các cơ sở hạ tầng cần thiết để triển khai một đội quân tại đây. Khi trả lời phỏng vấn với Hãng CNN James Hardy, Tổng biên tập của HIS Jane's Defense Weekly tin rằng, Trung Quốc đang đẩy nhanh phát triển và thực hiện chương trình tạo ra một mạng lưới công sự tại trung tâm quần đảo Trường Sa. Và sự hiện diện của những căn cứ quân sự tại khu vực này sẽ tạo lợi thế cho Trung Quốc nếu xung đột xảy ra ở quần đảo Trường Sa.
Theo báo cáo của CSM, một công ty nghiên cứu truyền thông do Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) sở hữu, tổng thời lượng phát sóng chương trình liên quan đến quân sự ở Trung Quốc đã lên tới gần 40 tiếng đồng hồ/ngày. Và thời lượng phát sóng này đã tăng hơn thống kê của CSM thực hiện 2 năm trước tới 10 tiếng đồng hồ. Theo tờ New York Times, việc Trung Quốc đăng tải nhiều thông tin liên quan đến vấn đề quân sự, quốc phòng nhằm khuấy động tinh thần chủ nghĩa dân tộc để có thể đạt được mục đích chính trị ở trong nước. Hơn 10 năm trước (2003-2015) chỉ có một số ít chuyên gia quân sự được phép xuất hiện trên các chương trình truyền hình và tất cả những gì họ nói đều phải được nhà chức trách kiểm duyệt.
Theo Hồng Thất Công
PetroTimes
Sáng kiến hoà bình và an ninh cho Thái Bình Dương Diễn đàn Toàn cầu Boston (Boston Global Forum - BGF) đã công bố báo cáo về Sáng kiến hoà bình và an ninh cho khu vực Thái Bình Dương, nơi chứng kiến các hành động khiêu khích của Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Đông trong vài năm qua. Đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh: AP)...