“Thủy hải sản đánh bắt được từ 20 hải lý trở ra an toàn”
“Các loại thủy hải sản đánh bắt từ 20 hải lý trở ra được xác định là vùng an toàn hải sản đảm bảo chất lượng, còn vùng dưới 20 hải lý cần căn cứ vào quan trắc và dự báo ngư trường của Viện Nghiên cứu hải sản và căn cứ vào thực tiễn từng địa phương”.
Thứ trưởng Bộ NNTNT, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám đã cho biết như trên khi trao đổi với Dân Việt chiều 2.5, xung quanh khuyến cáo của Bộ NNPTNT về việc xác định vùng đánh bắt cá an toàn hiện nay.
Các loại thủy hải sản đánh bắt từ 20 hải lý trở ra được xác định là vùng an toàn hải sản đảm bảo chất lượng.
Đến thời điểm này, Bộ NNPTNT đã đưa ra khuyến cáo gì nhằm sớm khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất cho các tỉnh ven biển miền Trung nơi xảy ra tình trạng cá biển chết hàng loạt, thưa ông?
- Để sớm khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất, khai thác thủy sản, góp phần ổn định đời sống ngư dân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm, quyết liệt ý kiến chỉ đạo, kết luận của Thủ tướng, đặc biệt là các nhiệm vụ được nêu trong Thông báo kết luận số 68/TB-VPCP, ngày 29.4 của Thủ tướng. Bộ NNPTNT cùng Bộ Công Thương chủ trì chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến hải sản thu mua thủy hải sản đánh bắt xa bờ bảo đảm chất lượng cho ngư dân.
Vậy theo Bộ NNPTNT, thủy hải sản ở các vùng này có những tiêu chí xác định như thế nào để được xác định là an toàn, chất lượng?
- Các thủy hải sản đánh bắt từ 20 hải lý trở ra được xác định là vùng an toàn hải sản đảm bảo chất lượng, còn vùng dưới 20 hải lý cần căn cứ vào quan trắc và dự báo ngư trường của Viện Nghiên cứu hải sản và căn cứ vào thực tiễn từng địa phương, các tỉnh chỉ đạo việc khai thác, những sản phẩm khai thác được trong vùng này phải có giám sát về chất lượng. Nếu không đảm bảo chất lượng, cần hướng dẫn ngư dân quy trình tiêu hủy cá, đồng thời hỗ trợ ngư dân theo đúng chính sách nhằm đảm bảo đời sống cho ngư dân.
Thứ trưởng Bộ NNTNT, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám.
Video đang HOT
Cơ quan nào sẽ thực hiện việc giám sát chất lượng thủy hải sản khai thác gần bờ, thưa ông?
- Hai Bộ NNPTNT và Y tế chỉ đạo vấn đề này, cụ thể Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Bộ NNPTNT) sẽ hướng dẫn các Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản địa phương cùng với các lực lượng của Sở Y tế địa phương sẽ kiểm tra giám sát chất lượng hải sản.
Còn đối với các vùng nuôi trồng thủy sản, đến nay đã có đánh giá về chất lượng như thế nào, cũng như công tác giám sát ra sao, thưa ông?
- Trước mắt, cần tạm dừng việc nuôi trồng thủy sản, căn cứ vào tình hình quan trắc, các cơ quan nuôi trồng từ trung ương đến địa phương sẽ có hướng dẫn cụ thể tới các địa phương, hướng dẫn người nuôi lấy nước an toàn. Hiện nay khi chưa thả nuôi được, các chủ đầm hải sản có thể ươm hải sản 1 đến 1,5 tháng, sau thời gian đó thả nuôi vẫn không ảnh hưởng đến thời vụ.
Tất cả các vấn đề nuôi trồng cần căn cứ vào tình hình quan trắc ở các địa phương, đồng thời phải làm theo hướng dẫn của cơ quan nuôi trồng ở trung ương, địa phương, người dân không tự ý thả nuôi khi chưa có ý kiến của các cơ quan này. Cụ thể chi tiết về vấn đề này, trong chiều 2.5, Bộ sẽ có văn bản để gửi các địa phương, để các địa phương nắm bắt được tình hình nhằm hướng dẫn chính xác tới các ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản.
Xin cảm ơn ông!
Theo_Dân việt
5h sáng mai, Đà Nẵng bán cá sạch tại các chợ
Ngày mai (2.5), tại các chợ ở các quận, huyện trên địa bàn Đà Nẵng sẽ có điểm bán cá sạch do Chi cục Thuỷ Sản - thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn làm đầu mối.
Trước tình trạng cá của ngư dân Đà Nẵng đánh bắt được không có đầu ra, mặc dù trong dịp nghỉ lễ nhưng sáng 1.5, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức họp các Sở, ban ngành tìm hướng xử lý, hỗ trợ ngư dân. Cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chủ trì.
Bàn giải pháp kiểm soát chặt nguồn cá
Ngư dân Đà Nẵng đang gặp khó vì cá về không biết bán cho ai. (Trong ảnh: Tàu thuyền ngư dân về bán cá tại Âu thuyền Thọ Quang - Ảnh: Nam Cường)
Báo cáo tại cuộc họp, ông Huỳnh Văn Phương - Trưởng ban quản lý Âu Thuyền Thọ Quang cho biết, trước đây, khi chưa có thông tin cá chết, hàng ngày có 1600 lượt xe thu mua cá chở đến các chợ lẻ. Những ngày có thông tin cá chết thì chỉ có 100-150 chiếc xe đến mua, còn bắt đầu từ ngày 27.4, khi có cá chết tại Đà Nẵng thì không có người mua. Hiện sản lượng tồn dư tại cảng cá là hơn 10 tấn.
Tương tự, Chi cục Thuỷ Sản cho biết, tổng số tàu khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ tại Đà Nẵng hiện có 396 chiếc, số còn trên biển là 250 chiếc. Trung bình sản lượng cá, hải sản các tàu về trung bình dao động từ 3-7 tấn tuỳ mùa vụ.
Đánh giá tình hình ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, từ khi thông tin cá ở Đà Nẵng chết, lượng tiêu thụ giảm đột ngột. Các tàu đánh bắt về thì đa số doanh nghiệp vẫn mua, nhưng mua giảm giá. Khó khăn hiện nay là "ách cá" tại các chợ. Bây giờ chúng ta cần xác định được cá đánh bắt ở vùng an toàn và thông tin rộng rãi cho người dân yên tâm. Trên cảng cá Thọ Quang hiện có gần 3.000 người hoạt động buôn bán, đánh bắt ảnh hưởng nghiêm trọng trước thông tin cá chết.
Kênh khó nhất hiện nay là cá hiện không về được các chợ, tiểu thương nghỉ bán, người dân tẩy chay. "Chúng ta cần làm thế nào để đưa cá về các chợ. Đề nghị các quận, huyện rà sát hết lại các chợ. Số lượng hàng ngày bao nhiêu, giảm bao nhiêu. Các sở, ban ngành liên tục thông tin, quan trắc vùng biển và công bố để người dân quan tâm. Đồng thời kiểm soát chặt nguồn cá từ các nơi tràn vào Đà Nẵng", ông Ban đề xuất phương án.
"Về các tàu cá đánh bắt, Sở sẽ đánh giá lại và hướng dẫn tàu đánh bắt tại vùng an toàn", ông Ban nói thêm.
Ông Nguyễn Đình Phúc- Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng bàn cách xử lý nguồn cung, nhưng nguồn cầu cũng không kém quan trọng. "Chúng ta cần tuyên truyền đến người dân, hiện các chợ Đà Nẵng từ đầu tuần lượng cá bán đã giảm rất nhiều", ông Phúc nói. Ông Phúc kiến nghị, cần làm việc tới tiểu thương, tiểu thương nào tiếp tục bán thì ta sẽ hỗ trợ. Đồng thời có một đầu mối cá rõ ràng, cho thấy cá về thành phố đã được kiểm tra từ đầu đến cuối, đảm bảo an toàn.
Thành phố làm đầu mối bán cá sạch
Đà Nẵng họp tìm hướng tháo gỡ khó khăn đầu ra cho cá. Ảnh: Kim Oanh
Trước thực trạng trên, tại cuộc hợp, Sở NN&PTNT cùng các quận, huyện trên địa bàn Đà Nẵng đã đề nghị thành lập một điểm bán cá sạch tại các chợ trên địa Đà Nẵng. Cá do thành phố bán sẽ được kiểm soát chặt từ vùng đánh bắt an toàn thông qua đầu mối là Chi cục Thuỷ Sản - thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn.
Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu đề nghị, trước hết cần có bằng chứng cá sạch ở đâu để người dân an tâm. Đồng thời cần hỗ trợ ngư dân, họ không đi đánh bắt thì cần có thu nhập sinh sống. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng đề nghị các sở, ban ngành, quận, huyện bắt tay vào thực hiện ngay sau cuộc họp.
Ông Dũng giao Sở NN&PTNT kiểm tra chặt chẽ các nguồn cung cấp cá, các tàu về, đến tại Đà Nẵng. Đối với những tàu, thuyền chuẩn bị rời bến, khẩn trương hoàn chỉnh quy trình, xác định toạ độ, xác định trữ lượng ngày trở về, đồng thời phối hợp với Bộ đội biên phòng xác định lượng tàu rời bến. Từ đó có hướng hỗ trợ ngư dân. Đồng thời nhanh chóng làm việc ngay với công ty thu mua, hỗ trợ thu mua cá của ngư dân tồn đọng tại cảng, tránh để tình trạng ép giá gây âu lo cho ngư dân.
Về hướng tiêu thụ cá, ông Dũng chỉ đạo, mỗi địa phương, chọn mỗi chợ một điểm bán cá sạch. Nguồn cá do Chi cục thuỷ sản làm đầu mối thông qua một doanh nghiệp thu mua hải sản tập trung thu mua cá đánh bắt của ngư dân khi tàu trở về.
"Đúng 5 giờ sáng mai tại các chợ trên địa bàn phải có điểm bán cá sạch cho người dân. Đồng thời công bố rộng rãi giá cả, chất lượng cá, tên người bán, thời gian bán, cho người dân biết được vị trí", ông Dũng chỉ đạo.
Ông Dũng cũng đề nghị Chi cục Quản lý thị trường, Ban quản lý chợ tăng cường công tác kiểm soát chặt nguồn hải sản, cũng như nguồn thực phẩm đến Đà Nẵng, phải có nguồn gốc rõ ràng, không có nguồn gốc, dứt khoát không cho vào chợ và xử phạt nghiêm.
"Thành phố sẽ thành lập Bộ chỉ huy tiền phương tại cảng cá Thọ Quang và giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Công thương, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Tài chính...làm đầu mối. Nếu có trục trặc thu mua, thiếu nguồn cung, trục trặc thừa cá sẽ do Bộ chỉ huy triển khai, xử lý. Tại các quận huyện cũng sẽ tổ chức một bộ phận quản lý để kịp thời hỗ trợ", ông Dũng nói.
Theo_Dân việt
Sau hiện tượng cá chết: Các doanh nghiệp du lịch cần bình tĩnh xử lý thông tin Ngày 29/4, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có công văn gửi các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn về việc đảm bảo an toàn các hoạt động du lịch trong...