Thủy điện xả lũ, Thừa Thiên – Huế lụt nặng
Thủy điện Hương Điền xả lũ sáng 27/3 với lưu lượng ban đầu 500 m3/s, sau đó tăng lên khiến nhiều vùng trũng ở huyện Quảng Điền (Thừa Thiên – Huế) ngập lụt giữa mùa khô.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió Đông trên cao kết hợp với không khí lạnh nên tỉnh Thừa Thiên – Huế có mưa rất to. Mưa tại chỗ kết hợp với mưa đầu nguồn lớn nên lưu lượng nước đến hồ thủy điện Hương Điền đo được từ 0h đến 5h sáng 27/3 đạt 728-1.735 m3/s. 6h sáng qua, thủy điện này bắt đầu xả lũ với lưu lượng 500 m3/s.
Mưa lũ khiến nhiều tuyến đường liên thôn nối các xã Quảng Thọ, Quảng An (huyện Quảng Điền) bị ngập sâu. Ảnh: Đắc Đức.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, trước khi nhà máy thủy điện Hương Điền xả lũ khoảng một giờ đã báo với lãnh đạo tỉnh. Chính quyền đã lập tức thông báo đến các địa phương. Tuy nhiên, khi xã thông báo đến người dân thì có sự chậm trễ, dẫn đến việc người dân không kịp chủ động chống lũ.
Việc xả lũ lớn về vùng hạ du khiến nhiều tuyến đường ở các xã Quảng Phước, Quảng An, thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền) bị ngập từ 0,3 đến 0,5 m. Một số đoạn đường liên thôn ở xã Quảng An, Quảng Thọ bị ngập sâu khiến phương tiện giao thông gặp khó khăn khi di chuyển.
Ông Hoàng Vọng, Phó phòng Nông nghiệp huyện Quảng Điền, cho biết đến chiều 27/3, toàn huyện có trên 500 ha lúa; 26 ha lạc; 5,5 ha sắn; 8 ha rau màu và 6,5 ha mặt nước nuôi cá nước ngọt bị ngập, chủ yếu ở các xã Quảng An, Quảng Thành, Quảng Thọ và Quảng Phú. “Thiệt hại toàn huyện lên đến hàng chục tỷ đồng”, ông Vọng nói.
Mưa lũ khiến nhà cửa cùng hàng trăm héc ta hoa màu của người dân các xã thuộc huyện Quảng Điền bị ngập lụt, hư hại. Ảnh: Đắc Đức
Phòng Giáo dục huyện Quảng Điền và thị xã Hương Trà đã ra thông báo nghỉ học trong ngày 27 và 28/3 nếu lũ tiếp tục lên.
Video đang HOT
Mưa lớn cũng làm nhiều vùng thấp trũng ở các xã Lộc An, Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Trì (huyện Phú Lộc) bị ngập cục bộ. Từ sáng sớm 27/3, mực nước trên quốc lộ 1A qua xã Lộc Trì dâng cao 0,3-0,4 m khiến việc đi lại gặp khó khăn.
Đợt mưa lũ bất thường nhất từ năm 1976 đến nay
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, do ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió Đông trên cao kết hợp với không khí lạnh nên ở khu vực các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ 3 ngày qua (25-27/3) đã có mưa to.
Tính đến 1h sáng nay, một số nơi có mưa lớn như Hương Khê (Hà Tĩnh) 106 mm, A Lưới (Thừa Thiên Huế) 270 mm, Trà My (Quảng Nam) 384 mm, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 487 mm. Các sông Quảng Nam, Quảng Ngãi xuất hiện một đợt lũ với biên độ dao động vùng thượng lưu 4-7,5 m, vùng hạ lưu sông từ 2-4 m.
Hôm nay, khu vực các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to. Dự báo mực nước trên các sông có khả năng trên báo động 1, riêng sông Vệ lên mức báo động 2. Người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức (Quảng Nam); Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà (Quảng Ngãi).
“Đây là trận mưa lũ bất thường, mực nước đỉnh lũ hiện tại đã ở mức cao nhất so với cùng thời kỳ, tính từ năm 1976 đến nay”, cơ quan khí tượng trung ương nhận định.
Đắc Đức
Theo VNE
Vỡ đập ở Quảng Ninh: Có phần lỗi của công tác xả lũ?
Chỉ sau một đêm mưa lớn, đập thủy lợi Đầm Hà Động đã bị tràn, vỡ cục bộ. Hậu quả 4 thôn bị cô lập trong lũ. Người dân cho rằng do công tác xả lũ chưa đảm bảo nên mới dẫn đến sự cố.
Thiệt hại ngay đầu mùa mưa
Tính đến thời điểm này, thiệt hại cụ thể do sự cố vỡ đập, tràn lũ do trận mưa lớn vừa qua tại đập thủy lợi Đầm Hà vẫn chưa có con số cuối cùng.
Theo báo cáo sơ bộ của UBND huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh) thì thiệt hại về vật chất và những ảnh hưởng đến đời sống dân sinh là không nhỏ. Cụ thể tại phần thân đập chính của đập thủy lợi Đầm Hà Động, do nước lũ tràn qua mặt đập từ 1-1,5m nên phần taluy, thân đập bị bào mòn, sạt vỡ nhiều điểm. Bên cạnh đó phía 2 đầu đập, lũ đã cắt đứt một đoạn đường dẫn lên đập chính khoảng 20m. Ước tính, lũ đã cuốn mất khoảng 300m3 đất đá của thân đập gây hư hỏng nặng. Theo ghi nhận bước đầu có nhiều vị trí trên thân đập bị lũ khoét sâu tới 5-7m. Ở phần thân đập phụ, lũ cắt đứt một đoạn dài chừng 50m.
Vỡ đập khiến lũ bao vây nhiều khu dân cư
Từ những "tổn thương" đó, đập thủy lợi Đầm Hà đã nhanh chóng đổ lũ về hạ lưu khiến cho 4 xã với nhiều thôn bị nhấn chìm trong biển nước, cô lập hoàn toàn. Theo đó, ngay trong buổi sáng ngày 30/10, hàng trăm hộ đã phải sơ tán khẩn cấp. Điều nay đã được các cơ quan chức năng hỗ trợ kịp thời nên không có thiệt hại về người do tràn lũ. Tuy nhiên thiệt hại về tài sản thì không nhỏ.
Dòng nước lũ tràn ra từ hồ thủy lợi Đầm Hà khiến nhiều diện tích hoa màu và nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại
Sự cố vỡ đập Đầm Hà đã làm một nhà cấp 4 của dân bị sập đổ; 300ha diện tích hoa màu, trong đó chủ yếu là lúa mùa sắp cho thu hoạch và trên 25ha rau vụ đông ở các xã Quảng Tân, Tân Bình, Đầm Hà, Quảng An bị ngập lũ. Chưa kể 25ha ao đầm nuôi tôm và thủy sản bị ngập hoàn toàn gây thất thoát tài sản của ngư dân và 200m kè bờ sông Đầm Hà bị hư hại.
Theo ghi nhận của PV thì trong dòng lũ cuộn cuộn đổ xuống, nước lũ tràn ra cả QL 18 và vây luôn cả trung tâm Y tế huyện khiến tầng 1 bị ngập nặng dẫn đến một số tài sản và trang thiết bị y tế (máy X-quang, siêu âm...) bị hư hỏng.
Vì sao mới mưa đã vỡ đập?
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: hiện vẫn đang tập trung khắc phục các hậu quả sau khi xảy ra sự cố tại đập thủy lợi Đầm Hà. Sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh xuống chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường. Công tác khắc phục, vá đập, gia cố tạm thời các vị trị bị lũ tàn phá được ưu tiên thực hiện. Vùng thân đập bị lũ xói đã được đắp đất mới, vá bằng hoàn tất trong chiều hôm qua. Những thiệt hại về tài sản của dân đang được địa phương thống kê để có những động viên kịp thời. Tuy nhiên nguyên nhân dẫn đến vỡ đập là do mưa lũ quá lớn hay vì một nguyên nhân nào khác từ khâu quy trình quản lí, kỹ thuật thì vẫn chưa được kết luận.
Thân đập bị vỡ sâu, người dân cho rằng công tác xả lũ chậm
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, người dân địa phương tỏ ra bất bình trước sự cố tràn, vỡ đập vừa qua. Người dân ở đây cho biết, đây không phải là lần đầu xảy ra mưa lớn như vậy. Trận mưa vừa qua chưa thể gọi là quá lớn để gây ra vỡ đập .Nhiều người dân tỏ ra hoài nghi về quy trình xả lũ sai, hoặc xả lũ không kịp thời.
Tại thời điểm xảy ra lũ vượt bờ kè đập thì có một trong 3 cửa xả lũ đã bị hỏng do áp lực nước lũ quá lớ nhưng nếu xả kịp thời trước đó có thể không xảy ra sự cố tại đập Đầm Hà Động này.
Ông Nguyễn Văn Thủy - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đầm Hà - cho biết, dung tích của đập này ở mức 15 triệu mét khối. Riêng trận lũ vừa qua đã khiến mực nước trong đập dâng lên 20 triệu mét khối. Trong khi một cửa xả bị hỏng cộng với áp lực nước lũ lớn thì việc vỡ đập là hậu quả dễ gặp. Nếu xả lũ kịp thì hạn chế được thiệt hại so với thực tế đã xảy ra.
Người dân huyện Đầm Hà, nơi vừa trải qua sự cố vỡ đập vẫn chưa yên tâm khi trước mắt họ là những cơm mưa lớn vào mùa. Với một thân đập nhiều thương tích, với quy trình xả lũ chưa "khiến dân an lòng" thì họ vẫn còn sống trong phập phồng lo sợ lũ về.
Thu Hằng
Theo Dantri
Chủ tịch UBND tỉnh điều hành xả lũ: Địa phương có gặp khó? Bộ máy giúp việc cho Chủ tịch UBND tỉnh cần bổ sung các chuyên gia, kỹ sư thuỷ lợi, thuỷ điện chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản. Mùa mưa đã đến. Đây là năm đầu tiên thực hiện Quyết định 909 của Thủ tướng Chính phủ "về quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu...