Thủy điện xả lũ: Đại biểu đề nghị Bộ Công an vào cuộc
“Nhân dịp này, phải giao trách nhiệm cụ thể cho Bộ Công an và các cơ quan tư pháp, cùng với các cơ quan hữu quan đi kiểm tra xác định trách nhiệm hành vi, hậu quả theo trình tự tố tụng, chứ không phải nói để đấy” – đại biểu Đỗ Văn Đương nói về việc thủy điện xả lũ.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương
Những ngày này, vấn đề thủy điện xả lũ và tình cảnh khốn khổ của nhân dân vùng lũ tiếp tục là nỗi bức xúc của các đại biểu Quốc hội. Bên hành lang phiên họp sáng 19/11, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) đã trao đổi với báo chí về vấn đề nóng bỏng này.
- Ông nhận định như thế nào về việc các công trình thủy điện xả lũ sai quy trình gây thiệt hại cho người dân vừa qua? Theo ông, cần phải xử lý như thế nào?
Do họ sợ mất tiền nên đến khi lũ cao rồi thì bắt đầu mới xả. Đấy là việc hết sức nguy hiểm cho nhân dân vùng dưới. Đặc biệt nhất là xả không thông báo trước cho người dân, mà xả vào ban đêm thì càng đặc biệt nguy hiểm. Đây là hành vi hết sức nguy hiểm, có thể lợi nhuận cho cá nhân, lợi ích của các anh là 1-2 tỷ đồng, nhưng gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt còn liên quan đến nhà cửa, tính mạng, vật nuôi, cây trồng hàng bao năm người dân gây dựng, sinh sống. Tự dưng có một nhóm người gây thiệt hại cho đa số như thế thì không thể chấp nhận được.
Theo tôi, ở đây ít nhất là hành vi cố ý làm trái pháp luật. Vì động cơ vụ lợi, hoặc thiếu trách nhiệm, coi thường tính mạng tài sản của nhân dân. Phải điều tra kỹ, nếu đúng như thế thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong Luật không thiếu gì tội, phải xử lý nghiêm, và bồi thường toàn bộ thiệt hại. Nếu cần thiết thì đóng hẳn đập thủy điện lại, không cho chạy thủy điện nữa, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Phải như thế mới được chứ nói mà không làm thì nhân dân khổ lắm.
- Trong Luật đã có tội danh, vậy tại sao đến nay vẫn chưa xử lý, thưa ông?
Hậu quả có rồi, giờ phải chứng minh lỗi, và cụ thể là ai? ở đâu? tỉnh nào? địa phương nào? Ai chịu trách nhiệm… thì phải đưa ra.
- Với những sự việc như vừa rồi, theo ông đã có thể khởi tố hình sự chưa?
Phải điều tra kỹ xem hành vi, lỗi đến đâu, thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái, vì động cơ, vụ lợi thế nào? đã có quy trình chưa? Trước khi mưa bão lũ đến đã xả lũ chưa? Bây giờ làm trái quy định pháp luật, gây thiệt hại thì đương nhiên phải truy tố trách nhiệm hình sự, không phải bàn gì cả.
Video đang HOT
- Câu chuyện mưa bão lũ và xả lũ xảy ra đã nhiều năm, vậy có phải là khâu giám sát quá có vấn đề, thưa ông?
Theo tôi, giờ phải giao trách nhiệm cụ thể cho Bộ Công an và các cơ quan tư pháp cùng với các cơ quan hữu quan đi làm luôn. Nhân dịp này đi kiểm tra xác định trách nhiệm hành vi, hậu quả theo trình tự tố tụng, chứ không phải nói để đấy.
- Hiện nay các nhà máy thủy điện đều cho rằng họ làm đã làm đúng quy trình, vậy thì xử lý như thế nào?
Cái đó cơ quan điều tra đủ sức để chứng minh. Về mặt điều tra, có đầy đủ chứng cứ thì không thể cãi được.Chưa có cưỡng chế gì, chưa có một quy trình cụ thể, kết luận người ta không đúng quy trình cũng võ đoán. Cho nên phải có điều tra, nhưng cái có thể nhìn thấy ngay chính là hậu quả xảy ra rồi, thời điểm xả lũ đúng vào lúc đang mưa lớn, chứ không phải xả trước đó. Hậu quả thiệt hại có rồi, quy trình xả có rồi, vậy căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật, đó là thời điểm xả lũ, và căn cứ vào thiệt hại, ai chỉ đạo điều hành…. Thế là ra chứ có gì đâu. Cãi cái gì?
- Nếu thực hiện theo đúng quy trình nhưng quy trình sai gây hậu quả nghiêm trọng thì người ra quy trình có bị xử lý hình sự không, thưa ông?
Đương nhiên người xử lý quy trình sai phải bị trách nhiệm gián tiếp. Quy trình đã có, nhưng chưa cụ thể. Phải quy định rõ là trước khi nghe dự báo thời tiết, trong vòng 1-2 ngày, mà có bão, mưa, áp thấp thì lập tức phải xả lũ để tăng dung tích hồ chứa lên, bảo đảm khi lũ về không còn tình trạng xả như hiện nay, dẫn đến tình trạng lũ chồng lũ.
- Theo ông, trách nhiệm ở đây là Bộ Nông nghiệp &PTNN hay Bộ Công thương?
Chắc chắn phải là Bộ Công thương. Còn Bộ Nông nghiệp & PTNT là gián tiếp có liên quan. Cho nên phải có sự phối hợp, Bộ chủ trì, Bộ chủ quản nào. Và trách nhiệm chính là ai, chứ nhập nhằng đánh tráo trách nhiệm giữa các Bộ là không được. Trước hết là phải giải quyết nỗi cơ cực của người dân, chấm dứt lợi ích nhỏ để bảo đảm lợi ích toàn cục.
- Xin cảm ơn ông.
Xuân Hưng
Theo_VnMedia
Xả lũ chết người: Phải truy trách nhiệm hình sự
Nhiều ĐB Quốc hội đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thủy điện xả lũ làm chết nhiều người.
Không ai chịu trách nhiệm
Tại phiên chất vấn của QH ngày 19/11, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) chia sẻ: "Hôm nay chúng ta ngồi đây, đồng bào miền Trung đang ngập chìm trong lũ. Dư luận cho rằng lũ chồng lũ do nguyên nhân từ xả nước không đúng quy định của các hồ chứa thủy điện. Vậy tôi hỏi Bộ trưởng Bộ Công thương chỗ này như thế nào?"
Ông Đỗ Văn Đương không thể có câu trả lời ngay, bởi Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đang đi công tác, không có mặt ở Quốc hội. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đang ở miền Trung, trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua.
ĐB Đỗ Văn Đương tiếp tục phát biểu, phải ra quy định, trước khi bão đến, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn phải xả hết nước đi, tăng dung tích hồ chứa lên.
"Chứ cứ giữ lại đấy để mà phát điện kiếm một vài tỷ đồng, nhưng khi xả lũ hạ lưu gây thiệt hại hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng và còn liên quan cả tính mạng người dân nữa...", ông Đương nói.
ĐB Đương đề nghị: "Nếu anh nào không làm, truy cứu trách nhiệm hình sự rất nặng về tội cố ý làm trái hoặc tội thiếu trách nhiệm hoặc tội gì đấy trong Bộ luật hình sự không thiếu. Chứ không thể vì lợi ích nhỏ mà hy sinh lợi ích lớn của nhân dân vùng hạ lưu như vậy".
"Tôi cho rằng không được, tôi đề nghị Chính phủ và Bộ Công thương có quy định rất chặt chẽ, bây giờ nói phải đi đôi với làm".
ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh). Ảnh: Người lao động
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đề nghị quy hoạch lại hệ thống thủy điện, thủy lợi, vì việc xả lũ vừa qua gây thiệt hại rất lớn cho người dân.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng, không thể chấp nhận được việc xả lũ mà chính quyền địa phương và người dân không biết. Và cho đến nay vẫn tranh luận giữa các cơ quan quản lý các hồ, đập và chính quyền địa phương có báo với nhau không, có thông tin cho nhân dân hay không?
"Phải điều tra để xử lý kỷ luật, thậm chí là trách nhiệm hình sự. Phải làm một vài vụ cho nghiêm, không thể để cho người dân bị chết và bị thương như thế. Tài sản thiệt hại vô cùng nhưng không có ai bị xử lý", Phó Chủ nhiệm nói.
Hỗ trợ dân tại các công trình thủy điện
Cũng tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu tình hình khó khăn trong đời sống của người dân tại các công trình thủy điện. Đó là vào mùa khô, cạn kiệt nguồn nước, mùa mưa thì lũ lụt như ở miền trung hiện nay. Đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo ở những vùng này rất cao.
Đại biểu Nguyễn Thái học cho biết, nghị quyết của Quốc hội giao cho Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho đồng bào nghèo tại các công trình thủy điện. Nghị quyết Quốc hội xác định trong năm 2013 chính sách này phải được ban hành nhưng đến nay vẫn chưa có.
Đại biểu chia sẻ: "Đáng buồn hơn, tại kỳ họp này khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng trách nhiệm này thuộc về Bộ Nông nghiệp và PTNT".
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thái Học, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Cao Đức Phát cho rằng, Bộ NN & PTNT phối hợp với Bộ Công thương khảo sát tình hình thực hiện di dân tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện.
Trên cơ sở khảo sát, đánh giá, Bộ đang chỉ đạo lập đề án chính sách và giải pháp ổn định cuộc sống người dân tái định cư, các công trình thủy lợi, thủy điện và dự kiến trong tháng 12/2013 sẽ nghiệm thu.
"Trên cơ sở đề án này chúng tôi sẽ trình Chính phủ đề án kèm theo chính sách để khắc phục khó khăn, tồn tại theo tinh thần nghị quyết Quốc hội. Đồng thời cũng trên cơ sở khảo sát này chúng tôi đang chỉ đạo dự thảo để khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách sửa đổi đối với công tác di dân tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện nói chung", Bộ trưởng cho hay.
Theo Khampha
Sau vụ ông Chấn bị oan sai: Sẽ giám sát hàng loạt vụ án "Không chỉ vụ án oan 10 năm của ông Chấn mà còn các vụ án oan sai khác cũng cần phải rút hồ sơ để giám sát". Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP HCM) - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trao đổi với báo chí về công...