Thủy điện Việt Nam đi “ngược chiều” thế giới – Kỳ 2: Hai không
Nhiều dự án thủy điện không có đủ các quy chuẩn cần thiết trong khi cơ quan quản lý không kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Thủy điện Sông Tranh 2 không có cửa xả đáy – Ảnh: Hoàng Sơn
Theo kết quả thanh tra các hồ, đập thủy điện vừa và nhỏ mới đây của Thanh tra Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT), hầu hết không có công trình bảo đảm dòng chảy tối thiểu, một số công trình không thiết kế cống xả đáy, nên khi sự cố xảy ra đã không thể xả nước theo yêu cầu. Tại tỉnh Quảng Nam – điểm nóng thủy điện – hầu hết các đập đã và đang được xây dựng trên vùng đầu nguồn đều không có cửa xả đáy sâu. Với công trình Đăk Mi 4, chỉ khi chính quyền Đà Nẵng và các huyện phía hạ lưu tỉnh Quảng Nam phản đối kịch liệt, chủ đầu tư mới bổ sung thêm cửa xả đáy để trả lại dòng chảy tối thiểu về lại dòng Vu Gia.
Việc không thiết kế cửa xả đáy là sai, ảnh hưởng rất lớn đến an toàn đập
GS-TS Vũ Trọng Hồng
Trước đó, trả lời báo chí trong một cuộc họp tại Bộ Công thương, ông Cao Anh Dũng, Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, cho rằng việc có hay không cửa xả đáy là do thiết kế của thủy điện. Ở Việt Nam hiện có mấy trăm thủy điện nhưng chỉ có các thủy điện lớn có cửa xả đáy là Hòa Bình và Sơn La. Cũng theo ông Dũng, việc thêm cửa xả đáy vào hồ thủy điện thì “thêm một chi tiết càng thêm nguy cơ mất an toàn. Đập thủy điện cố gắng giảm thiểu các thiết bị bên trong thân đập và càng giảm bao nhiêu thì càng an toàn bấy nhiêu”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, theo GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, vì lợi nhuận nên nhiều chủ đầu tư, tư vấn thiết kế đã không thiết kế cửa xả đáy, để “bắt” nước phải về qua đập thủy điện. “Trên nguyên tắc tất cả các đập thủy điện lớn, nhỏ đều phải thiết kế cửa xả đáy, để khi có nguy cấp thì xả đáy cứu đập. Hoặc thông thường vài năm cũng phải xả một lần để xả bớt cát trong lòng hồ. Việc không thiết kế cửa xả đáy là sai, ảnh hưởng rất lớn đến an toàn đập”, ông Hồng nói. Dẫn ra ví dụ thủy điện Sông Tranh 2, ông Hồng cho rằng vì không có cửa xả đáy nên phía trên thượng lưu của thân đập luôn tồn tại một khối lượng nước rất lớn, tạo ra nguy hiểm cho thân đập.
Việc chủ đầu tư và tư vấn thiết kế cố tình “quên” cửa xả đáy không khó hiểu. Ngoài việc tiết giảm chi phí xây dựng, không có cửa xả đáy còn giúp dung tích hồ chứa tăng lên. Đơn cử như Sông Tranh 2, nếu có cửa xả đáy thì dung tích hồ chứa chỉ còn 250 triệu m3 nước, nhưng không có cửa xả đáy thì dung tích đến 450 triệu m3 nước. Theo TS Đào Trọng Tứ, việc không có cửa xả đáy là khiếm khuyết trong thiết kế. Trong trường hợp lũ lớn vượt quá cường suất thiết kế, sẽ phải mở xả trên (qua tuốc bin) và cả xả đáy, nếu không thì dưới hạ du sẽ phải gánh đủ.
Không đảm bảo công tác giám sát
Nhiều đập bị thấm
Theo báo cáo được Bộ Xây dựng trình lên Chính phủ vào tháng 11, trong số 35 công trình thủy điện (độ cao từ 50 m trở lên) có tới 7/13 đập khi bắt đầu tích nước đã phát hiện dòng thấm mạnh qua khe nhiệt, như thủy điện Bản Vẽ, Sê San 4, Đồng Nai 4, Sông Tranh 2… Một số đập cũng xuất hiện vết nứt như Bản Vẽ, Bản Chát, Hàm Thuận hay sạt trượt mái bờ hai vai đập và cửa nhận nước như Bản Vẽ, Bản Chát, Hủa Na… Theo Bộ Xây dựng, chủ đầu tư các công trình này đã tiến hành xử lý thấm và nứt.
Các quy định về an toàn đập hiện nay đều đang giao phó hoàn toàn cho chủ đầu tư. Theo thông tư quy định về việc quản lý an toàn đập thủy điện được Bộ Công thương ban hành tháng 10.2010, việc nghiệm thu để đưa công trình vào khai thác sử dụng đập do chủ đầu tư quyết định, trừ các đập lớn do Hội đồng nghiệm thu nhà nước thực hiện.
Theo TS Bùi Trung Dung, Cục phó Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), về nguyên tắc, chủ đầu tư chịu trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra. Nếu không đủ năng lực, chủ đầu tư phải thuê các đơn vị tư vấn thiết kế và các tổ chức thẩm định độc lập. Nhưng để bớt chi phí, nhiều nhà đầu tư đã kiêm luôn cả ba chức năng là chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và giám sát (thông qua việc lập nên các công ty khác nhau). Nhưng trong thực tế, theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhiều chủ đầu tư tư nhân thậm chí không hề có kinh nghiệm làm thủy điện.
Trong khi đó, cơ quan quản lý giám sát gần nhất với các thủy điện nhỏ hiện nay theo phân cấp là các Sở Công thương lại chưa đủ năng lực, hoặc do bộ máy không đủ nhân lực để đảm nhận nhiệm vụ giám sát quản lý với an toàn các đập trên địa bàn. Dẫn lại câu chuyện vỡ đập Đăk Mek 3, ông Bùi Trung Dung cho rằng sai sót lớn nhất về mặt quản lý nhà nước là Sở Công thương đã thiếu theo sát kiểm tra tiến độ dự án, dẫn tới “bỏ lọt” con đập dài hơn 100 m đã được thi công rất ẩu.
Trả lời câu hỏi trong một tháng xảy ra hai sự cố công trình thủy điện tư nhân có cho thấy việc cấp phép thủy điện đang có vấn đề hay không, tại cuộc họp báo chiều 3.12, ông Lê Tuấn Phong, Tổng cục phó Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương), cho rằng việc lập quy hoạch thủy điện trên địa phương do UBND tỉnh gửi Bộ Công thương thỏa thuận, sau khi thống nhất thì địa phương phê duyệt với các công trình có công suất dưới 30 MW. Việc đánh giá tác động môi trường do các sở và UBND tỉnh thực hiện, trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư có tuân thủ không là trách nhiệm của UBND tỉnh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phân cấp cho địa phương được cấp phép và quản lý với dự án thủy điện nhỏ, trong khi nhiều địa phương lại thiếu thông tin, thiếu kinh nghiệm, nhân lực quản lý khiến chất lượng các dự án thủy điện đang bị thả nổi. Khi sự cố xảy ra, quả bóng “trách nhiệm” lại bị đá lòng vòng. Ông Trần Viết Ngãi cho rằng, cần sớm hạn chế tối đa và tiến tới chấm dứt không cho làm thủy điện nhỏ và vừa.
Theo TNO
Thủy điện Việt Nam đi "ngược chiều" thế giới
Vì tránh gia tăng thêm chi phí, các nhà đầu tư đã cố tình bỏ quên thiết kế âu tàu cho các dự án thủy điện.
Khi thiết kế thủy điện Hòa Bình, các chuyên gia Liên Xô đã đặt vấn đề làm âu tàu, nhưng sau đó Việt Nam bỏ qua hạng mục này - Ảnh: Ngọc Thắng
Cắt đứt giao thông thủy
Trên thế giới, âu tàu là giải pháp tối ưu tại những chỗ có độ dốc dòng chảy lớn bị ngăn lại bởi các đập thủy điện. Theo TS Bùi Trung Dung, Cục phó Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), các đập thủy điện trên thế giới đều thiết kế thêm bộ phận âu tàu tại hông bên trái hoặc bên phải của đập để tàu thuyền vẫn có thể đi lại. Thủy điện lớn nhất thế giới tính đến thời điểm này là đập Tam Hiệp (Trung Quốc) cũng thiết kế một âu tàu 5 cấp.
Âu tàu là khoảng không gian trên sông, biển hoặc kênh đào với hai bên là vách ngăn, hai đầu là các cửa để tàu thuyền có thể ra vào trong đó và nổi lên hoặc hạ xuống theo các mức nước khác nhau. Sau khi tàu thuyền đi vào qua một cửa, cửa đó được đóng lại. Một lượng nước thích hợp được bơm vào để mực nước bên trong tương đương với bên ngoài. Khi mực nước đã cân bằng, cửa thứ hai được mở và tàu đi ra. Một trong những âu tàu nổi tiếng thế giới là âu tàu ở Panama và tàu đi qua kênh đào này theo phương pháp nói trên. Thuật ngữ này còn gọi là "lock".
Nhưng ở Việt Nam, bộ phận quan trọng này lại bị cố tình bỏ quên. Nói cố tình là bởi, cách đây 30 năm khi làm thủy điện Hòa Bình, các chuyên gia Liên Xô đã đặt vấn đề thiết kế âu tàu, nhưng, theo TS Dung, để tiết kiệm chi phí nên Việt Nam đã bỏ qua hạng mục này. Sau đó, các thủy điện đều cố tình "lãng quên" âu tàu trong thiết kế.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Giáp, bộ môn Cảng - đường thủy ĐH Xây dựng, Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc với mật độ lớn vào bậc nhất thế giới (2-4 km/km2), với 40.900 km sông kênh có thể khai thác cho giao thông thủy nội địa. Trong khi các thủy điện lớn đều nằm dọc theo các tuyến sông lớn như sông Đà, sông Chảy, sông Gấm, sông Cả, sông Chu, sông Mã, sông Ba, sông Đồng Nai... có tiềm năng rất lớn để khai thác giao thông thủy trong tương lai. "Rõ ràng đắp đập làm thủy điện, cột nước được tăng, song lại không có âu qua đập đã tạo ra nghịch cảnh trớ trêu, cắt đứt giao thông thủy xuyên suốt trên dòng sông, khiến nhiều tỉnh miền núi mãi không có một mạng lưới giao thông thủy", TS Giáp nhìn nhận.
Còn theo TS Bùi Trung Dung, hơn 6.000 đập lớn nhỏ trên cả nước, đều không có âu tàu để khai thác vận tải đường thủy và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. "Gần đây nhất là Nhà máy thủy điện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) chỉ sử dụng cột nước cao 7 m để phát điện. Các tổ máy phát điện nằm ngay tại lòng sông đã cắt đứt một dòng sông. Điều đáng ngạc nhiên là vận tải đường sông và nguồn lợi thủy sản ở đây là nguồn sống duy nhất của những người dân rất nghèo, vậy mà lãnh đạo địa phương vẫn không hề hay biết? Các cơ quan nhà nước khi đánh giá tác động môi trường cũng không biết? Thiệt hại này chắc chắn sẽ không nằm trong phương án đền bù của các cấp chính quyền", ông Dung nêu vấn đề.
Tương lai gánh hậu quả
Dày đặc thủy điện trên sông
Theo một khảo sát, chỉ riêng sông Vu Gia - Thu Bồn có tới 10 bậc thang thủy điện lớn nhỏ sông Kôn, A Vương có 7 bậc thang thủy điện. Lưu vực sông Đồng Nai có khoảng 20 dự án thủy điện lớn và vừa, chưa tính các thủy điện nhỏ, siêu nhỏ do các địa phương tự duyệt quy hoạch như sông Đồng Nai có 9 thủy điện, sông La Ngà có 5 thủy điện và sông Bé có 6 thủy điện. Sông Ba cũng bị chia cắt bởi 7 công trình thủy điện cỡ vừa...
Dẫn lại câu chuyện nước Mỹ đã phải phá hủy một đập thủy điện, vì công trình này khiến giống cá hồi không đi ngược lên được, TS Bùi Trung Dung nhấn mạnh phát triển bền vững thủy điện không chỉ là việc quy hoạch, cắt giảm các dự án lấy nhiều đất rừng, gây tác động lớn đến môi trường, mà quan trọng hơn là các sai lầm nghiêm trọng trong vấn đề thông dòng chảy của các con sông cần được khắc phục ngay. Không thể để các chủ đầu tư vì sợ tốn tiền làm âu tàu mà người dân và đất nước phải gánh chịu hậu quả về lâu dài trong tương lai.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Giáp, đúng ra các thủy điện lớn bắt buộc phải làm âu tàu, nhưng việc này đã không được lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Bộ Xây dựng cũng như cơ quan tư vấn thiết kế quan tâm. Vì vậy, tất cả các thủy điện lớn, vừa xây dựng mới cần phải bổ sung thêm phần thiết kế và xây dựng âu tàu. Với các thủy điện đã xây dựng, việc khắc phục làm thêm âu tàu, có thể cải hoán thêm vào hông bên trái hoặc hông bên phải của đập thủy điện, chi phí làm cũng không cao so với chi phí làm đập, nhà máy. Ngoài ra, với 40.900 km đường sông tự nhiên, chưa được nối với nhau cũng cần phải có hệ thống âu tàu để lưu thông từ sông nọ sang sông kia.
Theo TNO
Xe húc đổ đập thủy điện: Trong rủi có may Đập có thiết kế dài khoảng 80m, cao 20m, tường dày 1m với khối lượng khoảng 7000m3 bê tông nhưng lại dễ dàng vỡ vụn sau cú va của chiếc xe ben(?!) Câu chuyện đập thủy điện Đăk Mek 3 (Kon Tum) bị vỡ xảy ra sau hàng loạt sự cố của các thủy điện khác như Đăkrông (Quảng Trị), Sông Tranh 2...