Thủy điện Việt Nam đi “ngược chiều” thế giới
Vì tránh gia tăng thêm chi phí, các nhà đầu tư đã cố tình bỏ quên thiết kế âu tàu cho các dự án thủy điện.
Khi thiết kế thủy điện Hòa Bình, các chuyên gia Liên Xô đã đặt vấn đề làm âu tàu, nhưng sau đó Việt Nam bỏ qua hạng mục này – Ảnh: Ngọc Thắng
Trên thế giới, âu tàu là giải pháp tối ưu tại những chỗ có độ dốc dòng chảy lớn bị ngăn lại bởi các đập thủy điện. Theo TS Bùi Trung Dung, Cục phó Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), các đập thủy điện trên thế giới đều thiết kế thêm bộ phận âu tàu tại hông bên trái hoặc bên phải của đập để tàu thuyền vẫn có thể đi lại. Thủy điện lớn nhất thế giới tính đến thời điểm này là đập Tam Hiệp (Trung Quốc) cũng thiết kế một âu tàu 5 cấp.
Âu tàu là khoảng không gian trên sông, biển hoặc kênh đào với hai bên là vách ngăn, hai đầu là các cửa để tàu thuyền có thể ra vào trong đó và nổi lên hoặc hạ xuống theo các mức nước khác nhau. Sau khi tàu thuyền đi vào qua một cửa, cửa đó được đóng lại. Một lượng nước thích hợp được bơm vào để mực nước bên trong tương đương với bên ngoài. Khi mực nước đã cân bằng, cửa thứ hai được mở và tàu đi ra. Một trong những âu tàu nổi tiếng thế giới là âu tàu ở Panama và tàu đi qua kênh đào này theo phương pháp nói trên. Thuật ngữ này còn gọi là “lock”.
Nhưng ở Việt Nam, bộ phận quan trọng này lại bị cố tình bỏ quên. Nói cố tình là bởi, cách đây 30 năm khi làm thủy điện Hòa Bình, các chuyên gia Liên Xô đã đặt vấn đề thiết kế âu tàu, nhưng, theo TS Dung, để tiết kiệm chi phí nên Việt Nam đã bỏ qua hạng mục này. Sau đó, các thủy điện đều cố tình “lãng quên” âu tàu trong thiết kế.
Video đang HOT
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Giáp, bộ môn Cảng – đường thủy ĐH Xây dựng, Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc với mật độ lớn vào bậc nhất thế giới (2-4 km/km2), với 40.900 km sông kênh có thể khai thác cho giao thông thủy nội địa. Trong khi các thủy điện lớn đều nằm dọc theo các tuyến sông lớn như sông Đà, sông Chảy, sông Gấm, sông Cả, sông Chu, sông Mã, sông Ba, sông Đồng Nai… có tiềm năng rất lớn để khai thác giao thông thủy trong tương lai. “Rõ ràng đắp đập làm thủy điện, cột nước được tăng, song lại không có âu qua đập đã tạo ra nghịch cảnh trớ trêu, cắt đứt giao thông thủy xuyên suốt trên dòng sông, khiến nhiều tỉnh miền núi mãi không có một mạng lưới giao thông thủy”, TS Giáp nhìn nhận.
Còn theo TS Bùi Trung Dung, hơn 6.000 đập lớn nhỏ trên cả nước, đều không có âu tàu để khai thác vận tải đường thủy và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. “Gần đây nhất là Nhà máy thủy điện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) chỉ sử dụng cột nước cao 7 m để phát điện. Các tổ máy phát điện nằm ngay tại lòng sông đã cắt đứt một dòng sông. Điều đáng ngạc nhiên là vận tải đường sông và nguồn lợi thủy sản ở đây là nguồn sống duy nhất của những người dân rất nghèo, vậy mà lãnh đạo địa phương vẫn không hề hay biết? Các cơ quan nhà nước khi đánh giá tác động môi trường cũng không biết? Thiệt hại này chắc chắn sẽ không nằm trong phương án đền bù của các cấp chính quyền”, ông Dung nêu vấn đề.
Tương lai gánh hậu quả
Dày đặc thủy điện trên sông
Theo một khảo sát, chỉ riêng sông Vu Gia – Thu Bồn có tới 10 bậc thang thủy điện lớn nhỏ sông Kôn, A Vương có 7 bậc thang thủy điện. Lưu vực sông Đồng Nai có khoảng 20 dự án thủy điện lớn và vừa, chưa tính các thủy điện nhỏ, siêu nhỏ do các địa phương tự duyệt quy hoạch như sông Đồng Nai có 9 thủy điện, sông La Ngà có 5 thủy điện và sông Bé có 6 thủy điện. Sông Ba cũng bị chia cắt bởi 7 công trình thủy điện cỡ vừa…
Dẫn lại câu chuyện nước Mỹ đã phải phá hủy một đập thủy điện, vì công trình này khiến giống cá hồi không đi ngược lên được, TS Bùi Trung Dung nhấn mạnh phát triển bền vững thủy điện không chỉ là việc quy hoạch, cắt giảm các dự án lấy nhiều đất rừng, gây tác động lớn đến môi trường, mà quan trọng hơn là các sai lầm nghiêm trọng trong vấn đề thông dòng chảy của các con sông cần được khắc phục ngay. Không thể để các chủ đầu tư vì sợ tốn tiền làm âu tàu mà người dân và đất nước phải gánh chịu hậu quả về lâu dài trong tương lai.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Giáp, đúng ra các thủy điện lớn bắt buộc phải làm âu tàu, nhưng việc này đã không được lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Bộ Xây dựng cũng như cơ quan tư vấn thiết kế quan tâm. Vì vậy, tất cả các thủy điện lớn, vừa xây dựng mới cần phải bổ sung thêm phần thiết kế và xây dựng âu tàu. Với các thủy điện đã xây dựng, việc khắc phục làm thêm âu tàu, có thể cải hoán thêm vào hông bên trái hoặc hông bên phải của đập thủy điện, chi phí làm cũng không cao so với chi phí làm đập, nhà máy. Ngoài ra, với 40.900 km đường sông tự nhiên, chưa được nối với nhau cũng cần phải có hệ thống âu tàu để lưu thông từ sông nọ sang sông kia.
Theo TNO
Thủy điện Đồng Nai 6, 6A vẫn ẩn chứa nhiều... nỗi sợ
Nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra nghi ngại về những tác động tiêu cực của dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A đối với môi trường cũng như hệ sinh thái Vườn quốc gia Cát Tiên.
Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A do Tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐLGL) làm chủ đầu tư, nằm trên địa bàn bàn 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Phước. Trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình Thủy điện Đồng Nai 6 đưa vào vận hành năm 2015 và Thủy điện Đồng Nai 6A đưa vào vận hành năm 2016. Tuy nhiên, hai dự án này đã trải qua hơn 6 năm chuẩn bị do còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Tại buổi họp Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá ĐTM dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A làm cơ sở cho việc phê duyệt dự án do Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức chiều 28/11, dù chủ đầu tư dự án đã bổ sung, làm rõ nhiều vấn đề trong bản ĐTM lần 3, nhưng các thành viên trong Hội đồng vẫn tỏ ra nghi ngại về những tác động tiêu cực của dự án đối với môi trường cũng như hệ sinh thái Vườn quốc gia Cát Tiên. Số phận dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A vẫn chưa được định đoạt.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung - chuyên gia ngành lâm nghiệp, thành viên Hội đồng - cho rằng, đây là báo cáo ĐTM chi tiết nhất từ trước đến nay của chủ đầu tư, tuy nhiên còn một số vấn đề chưa rõ ràng. Thứ nhất, đường dây tải điện tại sao không nằm trong dự án, nó ảnh hưởng đến rừng như thế nào? Thứ hai, hệ thống vận hành liên hồ chứa sẽ như thế nào bởi dòng sông này có 13 nhà máy thủy điện, hồ trên xả mà hồ dưới không xả thì rất dễ vỡ đập, tính chất cắt lũ không còn nữa. Thủy điện 6, 6A hiện nay nằm trong danh sách vận hành liên hồ chưa? Chủ đầu tư xử lý vấn đề này ra sao? Ông Lung cũng bày tỏ quan điểm: Dự án có nhiều mặt lợi về hiệu quả kinh tế như sử dụng rất ít đất rừng (137ha, trong khi diện tích Vườn quốc gia Cát Tiên là 70.000ha, tức chỉ chiếm 0,02%), khu vực Bàu Sấu cách vị trí xây nhà máy 25km nên không ảnh hưởng nhiều, không phải di dân tái định cư, diện tích hồ tương đối nhỏ nên tác động của hồ lớn với môi trường là không cao...
Vận hành thủy điện đang là vấn đề nóng tại nhiều địa phương. (Ảnh minh họa)
TS Đào Trọng Tứ (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) lại bày tỏ băn khoăn về tính pháp lý và tác động môi trường của dự án. Ông Tứ nhấn mạnh, hiện vẫn chưa phân tích việc thuỷ điện Đồng Nai 6, 6A có phù hợp với các quy định pháp lý hiện hành không. Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch sẽ có văn bản góp ý riêng về khía cạnh Luật Di sản, bởi Vườn quốc gia Cát Tiên đang trong quá trình được UNESCO xem xét công nhận làDi sản thiên nhiên thế giới.
Ở góc nhìn khác, TSTô Văn Trường - chuyên gia tài nguyên nước và môi trường, thành viên Hội đồng vấn đề của dự án Đồng Nai 6, 6A - cho rằng cần xem xét việc mất vĩnh viễn diện tích rừng và suy giảm đa dạng sinh học Vườn quốc gia Cát Tiên. Theo báo cáo, đối với Đồng Nai 6A, nếu lựa chọn phương án mực nước dâng 175m, diện tích khu bảo vệ nghiêm ngặt bị ngập là 25 ha. Đối với Đồng Nai 6, nếu lựa chọn phương án mực nước dâng 224m thì diện tích chiếm đất vĩnh viễn là hơn 170ha, trong đó có hơn 77ha thuộc rừng Quốc gia Nam Cát Tiên.
Tuy nhiên, trong báo cáo chưa tính đến diện tích đất dùng cho tuyến truyền tải điện, bao gồm cả hành lang an toàn, như vậy diện tích đất và rừng bị mất cũng sẽ không nhỏ. Căn cứ theo Luật Đa dạng sinh học, cả 2 dự án đều vi phạm vào khu bảo tồn thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên. Toàn bộ quá trình từ giai đoạn chuẩn bị, xây dựng và vận hành đều gây tác động vĩnh viễn đến việc mất tổng số gần 300 ha đất rừng. Cũng theo đánh giá của báo cáo thì khu vực này là một trong những khu vực hiếm hoi ở Đông Nam Bộ có tínhđa dạng sinh học cao, tồn tại nhiều loại động thực vật có tính bản địa, có giá trị kinh tếvà cần được bảo tồn vì có nguy cơ tuyệt chủng, thuộc những loài nằm trong sách đỏ Việt Nam.
Theo ông Trường, báo cáo đề cập đến rất nhiều loại rủi ro và sự cố nhưng lại chưa nói tới những rủi ro hoặc lỗi kỹ thuật trong các khâu thiết kế, thi công. Báo cáo cũng cho rằng, trong trường hợp rủi ro, vỡ đồng thời 2 đập Đồng Nai 6, 6A thì mức độ, diện tích ngập ở phía hạ lưu được tính toán tương đương với trường hợp lũ năm 2000 và 2006. Như vậy chủ đầu tư phải có cam kết xây dựng kế hoạch ứng phó trong trường hợp sự cố xảy ra.
Ông Mai Thanh Dung - Cục trưởng Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) - khẳng định, Hội đồng thẩm định mới chỉ họp kỹ thuật, chưa quyết định có phê duyệt ĐTM của dự án hay không. Chủ đầu tư phải tiếp tục hoàn thiện báo cáo, làm rõ các vấn đề mà các thành viên Hội đồng thắc mắc về các lỗ hổng trong báo cáo tác động môi trường. Ông Dung cũng khẳng định, việc có phê duyệt ĐTM hay không cần phải cân nhắc kỹ bởi đây là bài toán đánh đổi giữa hiệu quả kinh tế với tổn thất tài nguyên thiên nhiên và các giá trị di sản văn hóa do dự án nằm trong Vườn quốc gia Cát Tiên.
Trước đó, ngày 20/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã gửi công văn kiến nghị tới Thủ tướng, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát về cơ sở pháp lý, đồng thời tiến hành xem xét đánh giá tác động tới môi trường xã hội trước khi dự án được triển khai trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội.
Theo Dantri
Tái định cư ở các dự án thuỷ điện: Sai lầm chồng sai lầm Ở địa phương có cả trăm dự án thuỷ điện bậc thang lớn nhỏ như Quảng Nam, không chỉ hàng vạn dân vùng dự án, mà cả triệu đồng bào vùng hạ du cũng bị tác động lớn vì lũ lụt, hạn hán, động đất, nguy cơ vỡ đập... Hiện trạng hạ tầng ở khu TĐC thủy điện A Vương khiến đời sống...