Thủy điện Thác Bà, những phút giây nín thở
Rủi ro an toàn hồ, đập với thủy điện Thác Bà lên cao những ngày qua, đến mức hơn 11.000 người dân ở Yên Bái phải sơ tán.
Nhưng bây giờ, nỗi lo ấy đã được giải tỏa.
“Thành phố Hà Nội, các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, nhất là Yên Bái chuẩn bị phương án xấu nhất có thể xảy ra với hồ Thác Bà”.
Đây là một đoạn ngắn trong Công điện số 92/CĐ-TTg mà trực tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính ký gửi Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố liên quan chiều tối ngày 10/9.
Trước đó chỉ vài tiếng, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đang đi thị sát tình hình ngập lụt ở các tỉnh phía Bắc, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã ký Công điện số 91/CĐ-TTg gửi riêng Bí thư, Chủ tịch UBND 3 tỉnh Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn đập thủy điện Thác Bà.
Tất cả bắt nguồn từ diễn biến rất nhanh từ thượng nguồn sông Chảy, con sông lớn nhất cấp nước cho thủy điện Thác Bà, công trình năng lượng quan trọng được Liên Xô cũ giúp Việt Nam xây dựng từ năm 1971.
Thác Bà 1971 đối mặt cơn bão số 3 lịch sử 2024
Thủy điện Thác Bà nằm trên địa phận tỉnh Yên Bái, cách Hà Nội 180km về phía Tây Bắc. Thời điểm được xây dựng là thủy điện lớn nhất cả nước, với lòng hồ có thể chứa 3,9 tỷ m3 nước.
Nguồn nước đổ vào hồ chủ yếu là sông Chảy, và một số sông ngòi nhỏ như ngòi Hanh, ngòi Cát…
Hồ thuỷ điện Thác Bà
Sông Chảy nhận nước từ rừng núi các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái. Nước hồ thì theo các tổ máy và cửa xả đập chính đổ xuống sông Chảy, theo dòng đi tiếp rồi hợp lưu với sông Lô ở địa phận huyện Đoan Hùng, Phú Thọ.
Từ đây, sông Lô xuôi xuống, cùng sông Đà từ vùng Tây Bắc hợp lưu vào sông Hồng đoạn ngã ba Bạch Hạc, Phú Thọ, cứ thế chảy về Hà Nội và các tỉnh đồng bằng trước khi đổ ra biển.
Vào thời ấy, các chuyên gia Liên Xô đã lấy lũ lịch sử từng có thể ghi nhận trên sông Chảy, lưu lượng hơn 4.000m3/s vào năm 1961, để thiết kế thủy điện Thác Bà. Theo đó, 3 cửa xả mặt cùng với các tổ máy được thiết kế với khả năng xả tối đa hơn 3.000m3/s.
Vậy nhưng bão số 3 đã gợi ý những yếu tố bất thường có tính lịch sử mới cho cả Bắc bộ rộng lớn, trong đó có Thác Bà nhỏ bé của Yên Bái.
Cơn bão có tên quốc tế YAGI trở thành siêu bão mạnh nhất 30 năm qua đi vào Biển Đông, và thậm chí là mạnh nhất trong 70 năm qua khi vượt qua đảo Hải Nam để rồi xuyên thẳng vào bờ biển Hải Phòng, Quảng Ninh, cắt qua Hải Dương, Hưng Yên rồi đánh vào Hà Nội, trước khi tan dần ở vùng Tây Bắc xa xôi.
Bão số 3 tan ngày 9/9 thì đồng thời các tỉnh Đông Bắc bộ phải đối mặt những trận mưa lớn, kéo dài kỷ lục. Rừng núi Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái đón một lượng mưa rất lớn, khiến nước đổ về hồ Thác Bà tăng liên tục.
Đến 9 giờ sáng 10/9, lưu lượng nước đổ về đạt mức lịch sử 5.600m3/s, cao hơn cả lũ lịch sử được sử dụng làm căn cứ thiết kế, và gần gấp đôi khả năng xả lũ của đập chính.
Nước trong hồ lên từng giờ với dự báo lúc ấy rất có thể sẽ sớm xảy ra một thảm họa, nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời. Các đoàn công tác của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương lập tức tới hiện trường, cùng chính quyền Yên Bái, các địa phương liên quan, và Công ty CP Thủy điện Thác Bà đánh giá tình hình.
Cuộc họp đột xuất của Thủ tướng và cuộc sơ tán chưa từng có
Trưa 10/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đang đi thị sát tình hình lũ lụt và công tác ứng phó tại tỉnh Bắc Giang, đã dừng lại để họp trực tuyến với điểm cầu Trụ sở Chính phủ, và các điểm cầu Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội.
Một trong những nội dung Thủ tướng nghe báo cáo là tình hình nghiêm trọng của thủy điện Thác Bà. Từ đó, những quyết định quan trọng ban đầu đã được đưa ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đang thị sát lũ lụt tại tỉnh Bắc Giang sáng 10/9 sau đó họp trực tuyến với điểm cầu Yên Bái và các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Nhật Bắc
Tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn ký công điện triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn đập thủy điện Thác Bà.
Các giải pháp kỹ thuật cũng được triển khai, trong đó chọn đập phụ số 4 của Thác Bà làm điểm lên phương án phá đập, chủ động giảm mực nước trong hồ khi có lệnh.
Ngoài ra, từ sáng cùng ngày, đã có dự lệnh về khả năng di dời khẩn cấp người và tài sản vùng có khả năng ngập do chủ động phá đập. Hệ thống chính trị cơ sở các huyện, thôn, xã liên quan của Yên Bái, thậm chí cả vùng Phú Thọ lân cận ngay lập tức vào cuộc thông báo cho người dân chuẩn bị.
Các tính toán cho thấy 3.186 hộ với hơn 11.279 nhân khẩu dân ở khu vực của 24 thôn, tổ dân phố thuộc các xã Vĩnh Kiên, Yên Bình, Hán Đà, Đại Minh, thị trấn Thác Bà của huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cần được di chuyển sang các khu vực cao và an toàn.
Sau kết luận phiên họp buổi trưa của Thủ tướng, từ 13 giờ chiều, lực lượng các cấp đã bắt đầu triển khai việc sơ tán.
Tinh thần vẫn là “bốn tại chỗ”: Vận động bà con đến ở nhà người thân, quen nằm ngoài vùng ảnh hưởng. Sau đó mới đến tập trung tại các trụ sở chính quyền, trường học, trạm xá. Thiếu nữa mới lán trại.
Bà con chấp hành rất tốt. Người còn của còn. Mỗi người với giấy tờ cá nhân mang theo đến nơi sơ tán, còn lại tài sản, nhà cửa bỏ đấy, trong sự yên tâm của tình cảm, trách nhiệm đồng bào và sự trông coi của lực lượng công an, quân đội.
Đến 17 giờ, mọi việc hoàn tất. Yên Bái đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất…
Những phút giây nghẹt thở
Thác Bà là hồ nhân tạo nằm giữa các dãy núi, đồi nhấp nhô. Để xây dựng công trình này, khoảng giữa khe, sông, suối khi xưa đã được chặn lại bằng các đập đất, trở thành các đập phụ cao 62m. Còn đập chính nằm chắn ngang sông Chảy, ở thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình.
Theo thiết kế, đây là hồ đa mục tiêu, cả phòng chống lũ, thủy lợi tưới tiêu, và sản xuất điện năng.
Vào mùa mưa bão, nhất là khi bắt đầu có tin về bão số 3, hồ Thác Bà đã được vận hành tối đa để giảm mực nước xuống sâu, thấp hơn cả mực nước dâng bình thường, sẵn sàng đón lũ.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của bão số 3, thời tiết cực đoan đã xuất hiện. Thậm chí mở hết 3 cửa xả lũ vẫn không kịp với lượng nước trên nguồn đổ về. Từ mực nước rất thấp đón lũ, hồ thủy điện này đầy lên nhanh chóng, bằng rồi vượt mực nước bình thường, và tiến nhanh lên mực nước 59,6m. Đây là mốc chuyển trạng thái sang khẩn cấp theo quy chế vận hành.
Đập phụ số 4 dài khoảng 50m ở khu vực xã Hán Đà được lựa chọn. Cùng với đó, việc di dời dân được triển khai trước một bước và hoàn tất. Nếu tình hình mưa lũ thượng nguồn không cải thiện, nước trong hồ lên mức 61m, thì sáng 11/9, việc không muốn nhất sẽ phải tiến hành…
Cả tối và đêm 10/9, cả Yên Bái nín thở.
Trên mạng xã hội, những người quan tâm và có hiểu biết về tình huống này đều thấp thỏm.
Theo dữ liệu quan trắc của thủy điện Thác Bà, vào thời điểm 17h chiều 10/9, mực nước thượng lưu đã lên tới 59,62m. Cùng thời điểm, lưu lượng nước đổ về dù giảm so với con số kỷ lục lúc 9h sáng, nhưng vẫn là tới 4.450m3/s. Tất cả các tổ máy đều hoạt động và mở toàn bộ 3 cửa xả, cũng chỉ xả được hơn 3.003m3/s.
Đến 23h đêm, nước về có giảm một chút, còn 4.115m3/s, song năng lực xả không tối đa có vậy, nên mực nước hồ tăng lên 59,78…
Nhưng cũng vào giờ đó, các thông tin quan trắc khí tượng đầu nguồn trong hệ thống do Tổng cục Khí tượng thủy văn thuộc Bộ TNMT cho thấy mưa bắt đầu giảm mạnh.
Đến khoảng 11h sáng 11/9, lưu lượng nước đổ về hồ Thác Bà giảm còn 3.180 m3/s, tương đương với khả năng xả của đập chính. Trong cả đêm 10/9 cho đến trưa 11/9, nước hồ vẫn tăng, nhưng chậm lại, rồi dừng lại. Đến 13 giờ, lưu lượng nước về hồ còn 2.992m3/s đã thấp hơn lưu lượng xả cùng thời điểm, 3.005 m3/s. Mực nước hồ Thác Bà đã có thể giảm, dù còn chậm. Vậy là mốc quan trọng 61m có thể bảo vệ được…
Đồng chí Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo huyện Yên Bình kiểm tra lũ lụt. Tại đây, ông Tuấn nhấn mạnh việc rà soát chặt chẽ tất cả các hộ dân nằm trong vùng bị ngập do xả lũ thủy điện Thác Bà để kịp thời di dời đến nơi an toàn. Ảnh: Báo Yên Bái
Dự lệnh và động lệnh
Những ngày qua, khi tình hình căng thẳng, thành phố Yên Bái cùng các vùng thấp của tỉnh kẹp giữa hai dòng sông Hồng, sông Chảy chịu cảnh ngập sâu trước cơn lũ lịch sử.
Trước tình hình ấy, Bộ trưởng TN&MT Đỗ Đức Duy, vừa thôi nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái để nhận chức Bộ trưởng hôm cuối tháng 8, đã được Thủ tướng giao nhiệm vụ trở lại trực tiếp chỉ đạo phòng, chống lũ lụt, sạt lở đất hậu bão số 3.
Trở lại nơi đã gắn bó 7 năm, kể từ khi bất ngờ được điều động năm 2017, ông Duy cùng Chủ tịch UBND Yên Bái Trần Huy Tuấn đã phân công nhau người thì ở lại lo cho người dân các vùng ngập úng, người thì lên cắm ở Thác Bà, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Nhưng trời đất đã ủng hộ để dự lệnh trên bàn Thủ tướng Phạm Minh Chính không trở thành động lệnh.
Và trưa 11/9, ông Tuấn đã có thể rút khỏi Thác Bà để trở về trụ sở tỉnh, tiếp tục giải quyết hậu quả lũ lụt, ngập úng.
Còn ông Duy đã có thể yên tâm trở về trụ sở Bộ TNMT để tiếp tục tổ chức triển khai Luật Đất đai với cả loạt nghị định là khung pháp lý quan trọng đang kỳ vọng tạo động lực mới cho nền kinh tế, trong giai đoạn đất nước đã và đang bước vào chuyển giao thế hệ lãnh đạo khi Đại hội XIV đang đến rất gần.
Hà Nội, Yên Bái cũng như các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc đến giờ đã khô ráo hơn. Theo dự kiến của lãnh đạo Yên Bái, theo dõi nốt đêm 11/9, nếu mọi việc tiếp tục tốt lên như thế, thì hơn 3.186 hộ với hơn 11.279 nhân khẩu có thể sớm trở về với ngôi nhà của mình ở 24 thôn, tổ dân phố của huyện Yên Bình.
Sau một vài ngày trải nghiệm cuộc sơ tán bất ngờ, họ sẽ trở lại cuộc sống bình thường, để rồi tất cả sẽ dần trở thành ký ức. Ký ức về những phút giây nín thở và để cảm nhận rõ hơn sự bé nhỏ của con người trước mẹ thiên nhiên, tháng 9/2024.
Thủ tướng chỉ đạo ứng phó lũ lớn trên sông Hồng - sông Thái Bình
Thủ tướng vừa có công điện gửi các bộ, ngành, địa phương miền Bắc yêu cầu tập trungứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ gửi các tỉnh, TP.Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng,Quảng Ninh.
Thủ tướng yêu cầu xử lý tập trung triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu. ẢNH: ĐÌNH TRƯỜNG
Công điện nêu rõ, những ngày qua, tại Bắc bộ đã liên tiếp xảy ra mưa rất lớn trên diện rộng, lũ một số nơi ở thượng nguồn đã vượt mức lũ lịch sử, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đã xảy ra ở nhiều địa phương gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Các hồ chứa đã được vận hành phù hợp góp phần cắt giảm lũ ở hạ du nhưng lũ trên nhiều các tuyến sông ở Bắc bộ vẫn lên mức báo động 2 đến báo động 3, một số nơi vượt báo động 3, gây ngập lụt nghiêm trọng vùng ven sông, đe dọa an toàn đối với đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Theo dự báo, lũ hạ du hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình còn tiếp tục lên, duy trì ở mức cao trong nhiều ngày. Trong bối cảnh nhiều năm qua hệ thống đê điều sông Hồng, sông Thái Bình không chịu tác động của lũ lớn, có thể xảy ra nguy cơ uy hiếp an toàn đê điều.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố không chủ quan, lơ là, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Tập trung rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo "phương châm bốn tại chỗ". Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhất là tại các trọng điểm xung yếu để kịp thời triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm đúng quy định của luật Đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các sự cố có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ.
Tiếp tục rà soát, triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân sinh sống tại các khu vực ngoài bãi sông (kể cả trong các tuyến đê bối có nguy cơ mất an toàn).
Kiên quyết không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm khi lũ lên cao (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT hướng dẫn các địa phương triển khai công tác phòng, chống lũ, hộ đê theo cấp báo động để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, trong đó phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt.
Đặc biệt, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo vận hành khoa học, phù hợp các hồ chứa nước trên lưu vực sông Hồng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
Nước lũ bủa vây bệnh viện ung thư ở Hà Nội, khổ càng thêm khổ
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực thực hiện nhiệm vụ hộ đê. Sẵn sàng triển khai lực lượng tại các vị trí trọng điểm xung yếu để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra...
Chiều 11.9, theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, mực nước lũ trên sông Hồng tại Hà Nội ở mức 11,22 m, dưới mức báo động 3. Dự báo trong vài giờ tới, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 2 và dưới báo động 3.
Xuất tiếp 200 tấn gạo hỗ trợ dân vùng lũ
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 200 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các Bộ Công an, Quốc phòng (mỗi Bộ 100 tấn gạo) để cứu trợ cho nhân dân các địa phương Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Ọuang, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn bị ảnh hưởng của cơn bão số 3. Đây là lần thứ 2 Chính phủ xuất gạo cứu trợ cho người dân chịu ảnh hưởng cơn bão số 3.
Thủ tướng: Nghiên cứu sử dụng 'đường không', bằng mọi cách tiếp tế cho dân Thủ tướng yêu cầu tỉnh Yên Bái phối hợp với quân đội, công an 'bằng mọi cách' tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân ở những nơi chia cắt, có thể sử dụng đường không, đường thủy, đường bộ. Trưa 10.9, sau khi thị sát trực tiếp tâm lũ tại Bắc Giang và thăm xã có 9.000 dân bị cô lập do...