Thụy Điển sẽ trục xuất 80.000 người nhập cư
Bộ trưởng Nội vụ Thụy Điển cho hay nước này có kế hoạch trục xuất một lượng lớn người di cư đến trong năm ngoái và cả những chủ đơn xin tị nạn bị từ chối.
Một người di cư cầu nguyện khi đang trên đường tới Thụy Điển năm ngoái. Ảnh:AFP
“Chúng tôi đang thảo luận mức 60.000 người, nhưng con số có thể lên tới 80.000″, AFP dẫn lại lời ông Anders Ygeman nói với truyền thông Thụy Điển hôm qua.
Theo ông Ygeman, chính phủ đã yêu cầu cảnh sát và nhà chức trách liên quan tổ chức việc trục xuất. Việc trục xuất người di cư không được phê chuẩn đơn xin tị nạn đã bị chính phủ Thụy Điển trì hoãn vài năm qua.
Thụy Điển là một trong những nước thuộc EU tiếp nhận số lượng người di cư nhiều nhất so với dân số khoảng 9,8 triệu người. Riêng năm ngoái, nước này đã cho phép đến 160.000 người nhập cư vào lãnh thổ.
Video đang HOT
Tuy nhiên con số giảm mạnh từ khi Stockholm áp dụng hệ thống kiểm tra ảnh chứng minh thư tự động vào ngày 4/1.
Các quan chức Thụy Điển hôm 26/1 kêu gọi thắt chặt biện pháp kiểm tra an ninh tại các trung tâm tị nạn, sau khi xảy ra một vụ tấn công bằng dao tại trung tâm dành cho các thanh thiếu niên tị nạn không có người lớn đi kèm, khiến một nữ nhân viên thiệt mạng.
Nghi phạm là một nam thiếu niên xin tị nạn đang tạm trú tại một trung tâm ở Molndal, gần Gothenburg thuộc vùng duyên hải phía tây Thụy Điển.
Nạn nhân thiệt mạng là Alexandra Mezher, 22 tuổi, đến từ Lebanon. Nguyên nhân vụ án mạng chưa được làm rõ. Cái chết của cô này khiến nhiều người đặt câu hỏi về khả năng của Thụy Điển trong việc đảm bảo trật tự ở một số trung tâm tiếp nhận người nhập cư đang trong tình trạng quá tải.
Hầu hết người di cư đến từ những khu vực bất ổn ở Trung Đông như Syria, Iraq và Afghanistan. Dòng người vẫn tràn sang châu Âu bất chấp thời tiết giá lạnh của mùa đông.
Liên Hợp Quốc cho biết đến nay hơn 46.000 người đã tới Hy Lạp, trong đó 170 người thiệt mạng trên đường đi.
Tại nước láng giềng Đan Mạch, quốc hội đã thông qua dự luật gây tranh cãi cho phép nhà chức trách tịch thu tài sản có giá trị của người di cư, nhằm giảm lượng người tị nạn đến nước này.
Khánh Lynh
Theo VNE
Đức trục xuất người Ukraine không đủ tiêu chuẩn tị nạn
Hàng ngàn người tị nạn từ Ukraine phải đối mặt với nguy cơ bị Đức trục xuất, hãng tin Deutsche Welle (DW) ngày 19.1 cho biết.
Dòng người tị nạn trước một căn lều của cơ quan y tế và xã hội Berlin, Đức ngày 5.1.2016 - Ảnh: Reuters
Theo DW, từ ngày nổ ra các cuộc xung đột ở miền đông Ukraine đến nay đã có hơn 7.000 người Ukraine nộp đơn xin tị nạn chính trị tại Đức. Trong tuần qua, nhiều người trong số họ đã bị từ chối.
Trong năm 2014, người Ukraine nộp 2.703 đơn xin tị nạn và năm 2015, con số này vào khoảng 4.400. Chỉ có 5,3% số đơn được chấp nhận. Những người không được chấp nhận tị nạn thì phải rời khỏi Đức, đại diện Văn phòng Liên bang về di cư và người tị nạn của Đức cho biết.
Trong năm 2015 đã có gần 477.000 đơn xin tị nạn chính trị được nộp ở Đức.
Tuần trước, các chính trị gia thuộc đảng bảo thủ cầm quyền Liên minh Xã hội - Công giáo đã yêu cầu chính phủ thừa nhận Ukraine là "quốc gia không có bất ổn chính trị". Bởi theo hiến pháp Đức, "quốc gia không có bất ổn chính trị" bao gồm tất cả các nước EU và những nước khác mà thực tiễn thực thi pháp luật và tình hình chính trị nói chung an toàn, không có sự hiện diện của chính sách khủng bố, vi phạm quyền con người và đối xử vô nhân đạo.
Cơ chế tị nạn chỉ dành cho người dân của những quốc gia thi hành chính sách khủng bố hoặc bị đe dọa, xâm phạm bởi các tổ chức khủng bố. Trong năm qua, các nước vùng Tây Balkan cũng đã được thừa nhận là "không có bất ổn chính trị".
Nhìn chung, Chính phủ Đức nhất trí xúc tiến việc trục xuất những người tị nạn mà đơn yêu cầu đã bị từ chối.
Phạm Bá Thủy
Theo Thanhnien
Hành trình tìm giấc mơ đổi đời tại châu Âu của người di cư Dòng người nhập cư vẫn tiếp tục đổ tới "miền đất hứa" châu Âu, bất chấp việc một số quốc gia đã tuyên bố đóng cửa biên giới và thắt chặt các biện pháp kiểm tra an ninh. Các mũi tên mô phỏng các lộ trình mà người di cư từ Libya, Syria, Iraq... vượt qua để tới châu Âu (Đồ họa: euractiv)...