Thủy điện miền Trung, Tây Nguyên xả nước chống hạn
iện tất cả các nhà máy thủy điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên đều tham gia xả nước chống hạn, phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân vùng hạ du.
Mực nước tại các hồ thủy điện xuống rất thấp, trong khi lưu lượng nước về hồ đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Hồ thủy điện thiếu nước trầm trọng
Qua chuyến đi thực tế tại các hồ thủy điện miền Trung – Tây Nguyên, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ ghi nhận từ đầu năm đến nay, lưu lượng nước về các hồ đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Mực nước xuống thấp, tất cả các hồ đều trong tình trạng thiếu nước.
Nguyên nhân cơ bản được xác định là do mưa ít, thời tiết nắng nóng và khô hạn kéo dài trên diện rộng.
Tại tỉnh Lâm Đồng, lưu lượng nước bình quân về hồ Thủy điện Đại Ninh (huyện Đức Trọng) trong 3 tháng mùa khô 2015 vừa qua chỉ đạt 2,29 m3/s, thấp nhất trong lịch sử 8 năm vận hành của nhà máy. Mực nước hồ tính đến ngày 9/4 chỉ đạt 867,08 m, thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 5 m.
Mực nước tại các hồ chứa trong khu vực như Đơn Dương, Hàm Thuận cũng xuống rất thấp. Tính đến ngày 13/4 mực nước hồ chứa Đơn Dương đạt 1.031,3m, thấp hơn mực nước dâng bình thường gần 11 m; mực nước tại hồ chứa Hàm Thuận đạt 591,8m, thấp hơn thông thường gần 9 m.
Tại Quảng Nam, mực nước hồ thủy điện A Vương trong 3 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt 370,3m, thiếu hụt gần 10 m so với mực nước dâng bình thường và cùng kỳ năm 2014. Hồ thủy điện sông Bung 4 có mực nước đạt 217,38 m, tương ứng dung tích hữu ích 157 triệu m3, đạt khoảng 67,1% dung tích hữu ích theo thiết kế.
Ưu tiên cấp nước cho hạ du
Trên thực tế, nhiều công ty thủy điện của EVN được xây dựng tại Lâm Đồng như Đại Ninh, Đơn Dương, Đa Nhim… nhưng vùng hạ du của các hồ thủy điện này lại nằm ở nhiều huyện của tỉnh Bình Thuận như Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh và một phần của tỉnh Ninh Thuận. Đây là những địa phương đang xảy ra tình trạng khô hạn nhất cả nước.
Video đang HOT
Nhờ các hồ thủy điện xả nước, những trạm bơm như trạm Tà Pao, huyện Tánh Linh, Bình Thuận đã có nước để bơm vào hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất. Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Ông Trương Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, Bình Thuận cho biết, hằng năm các hồ thủy điện của EVN đã làm tốt công tác cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó góp phần tăng vụ, nâng cao năng suất cho người dân.
Năm 2015, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, nắng nóng khô hạn kéo dài nên xảy ra tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. “Trước tình hình này, chúng tôi cũng đã báo cáo với UBND tỉnh Bình Thuận, làm việc với các hồ thủy điện xây dựng phương án, điều tiết nguồn nước và thống nhất lịch xả nước qua phát điện nhằm chống hạn cho dân”, ông Thưởng cho biết.
Ông Võ Tăng Lý, Giám đốc Công ty Thủy điện Đại Ninh cho biết ngoài nhiệm vụ phát điện, thủy điện này còn có nhiệm vụ điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất cho khoảng 20.000 ha đất nông nghiệp chủ yếu trồng lúa và cây thanh long thuộc 2 huyện Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
“Mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn nước nhưng công ty đã liên tục điều tiết nước cho hạ du. Từ ngày 17/3, Đại Ninh đã bị đưa ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh nhằm đáp ứng nhu cầu xả nước liên tục, phục vụ công tác chống hạn của địa phương”, ông Lý nói.
Ông Lý chia sẻ, “khi ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh thì giá mua bán điện của nhà máy được tính theo hợp đồng nên doanh thu sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, các nhà máy thủy điện của EVN sẽ nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và “hy sinh lợi ích” để cung cấp nước phục sản xuất, sinh hoạt cho vùng hạ du”.
Ông Nguyễn Trọng Oánh, Tổng Giám đốc Công ty thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi cho biết: “Một công ty cổ phần thủy điện như chúng tôi thì phải thực hiện 3 nhiệm vụ chính gồm phát điện phục vụ phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng; điều tiết nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân vùng hạ du và đảm bảo công ty có lợi nhuận”.
“Tuy nhiên, trong thời điểm này, chúng tôi ưu tiên cho việc xả nước chống hạn cho vùng hạ du, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, ông Oánh khẳng định.
Theo đó, các hồ chứa đã thống nhất sẽ xả nước từ 1/4-31/5 với thời gian tối thiểu là 12h/ngày. Từ tháng 6 tới 31/8 sẽ vận hành điều tiết phù hợp với nhu cầu, tùy thuộc vào nguồn nước.
Để tận dụng hiệu quả, tránh lãng phí nguồn tài nguyên nước từ các hồ thủy điện, ông Oánh đề xuất các địa phương nên đầu tư thêm hệ thống hồ chứa, kênh mương, trạm bơm.
Toàn Thắng
Theo_Báo Chính Phủ
Ninh Thuận cạn kiệt nước, Chính phủ lo cứu đói
Trước dự báo hạn hán tại Ninh Thuận còn kéo dài tới 4 đến 5 tháng nữa, trong khi các hồ chứa nước cũng đã cạn kiệt và sản xuất nông nghiệp phải ngừng lại, Thủ tướng đã đích thân vào làm việc với tỉnh Ninh Thuận để tìm biện pháp xử lý...
Ngày 13/4/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn công tác của Chính phủ đã đi kiểm tra tình hình khô hạn, việc triển khai nhiệm vụ chống hạn tại tỉnh Ninh Thuận và làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.
Thủ tướng: Nhiệm vụ hàng đầu là cung cấp đủ gạo, đủ nước sinh hoạt cho bà con
Cạn kiệt nước, ngừng sản xuất nông nghiệp
Tại Ninh Thuận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác chống hạn ở huyện Bác Ái và huyện Ninh Hải. Tại thôn Đồng Dầy, xã Phước Trung, huyện Bác Ái, Thủ tướng đã chứng kiến những điểm cấp nước sinh hoạt cho nhân dân từ xe téc. Đây là một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do khô hạn và thiếu nước trong nhiều tuần qua và dự báo còn kéo dài tới 4 đến 5 tháng nữa. Các hồ chứa nước cũng đã cạn kiệt và sản xuất nông nghiệp phải ngừng lại. Tại trụ sở UBND xã Phước Trung, huyện Bác Ái, người dân cũng đã phản ánh những khó khăn về nước sinh hoạt và lương thực do mất mùa.
Nói chuyện với bà con nơi đây, người đứng đầu Chính phủ đã đã chia sẻ với những khó khăn của người dân đồng thời cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ gạo cho bà con, đảm bảo người dân không thiếu lương thực. Về lâu dài, Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng thêm các hồ chứa nước và hệ thống thủy lợi để đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và đời sống.
Thủ tướng cũng yêu cầu chính quyền các cấp phải đảm bảo người dân không được thiếu nước sinh hoạt và lương thực; phải cung cấp đủ gạo và đến tận tay người dân; hết sức chú ý phòng, chống dịch bệnh và có phương án đảm bảo nguồn nước và thức ăn cho đàn gia súc. "Đây là nhiệm vụ hàng đầu lúc này" Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Xuân Vĩnh cho biết do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino, từ vụ Hè Thu năm 2014 đến nay lượng mưa trên địa bàn tỉnh đạt thấp hơn mức trung bình nhiều năm qua và hầu như không có mưa. Dòng chảy trên các sông, suối đã cạn kiệt; tình hình hạn hán, thiếu nước đang xảy ra nghiêm trọng và hết sức ngay gắt.
Tính đến ngày 9/4/2015, tổng dung tích 20 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh hiện còn 20,37 triệu m3 trên tổng số 192,21 triệu m3 theo dung tích thiết kế (chiếm 10,6%). Dự báo thời gian tới tình hình thiếu nước sẽ rất nghiêm trọng, nhất là sự thiếu hụt nguồn nước để sản xuất, nước để sinh hoạt cho người dân và nước uống cho gia súc. Nếu trong tháng 4/2015 không có mưa thì đối tượng cần hỗ trợ cấp nước sinh hoạt tiếp tục tăng lên khoảng 4.229 hộ/16.636 khẩu; nếu đến tháng 9/2015 vẫn không có mưa thì đối tượng cần hỗ trợ lên đến 8.293 hộ/35.152 khẩu.
"Việc thiếu nước sẽ làm thiệt hại cây trồng, người dân phải ngừng sản xuất, gia súc thiếu nước uống, đất đai bị sa mạc hóa, đời sống nhân dân vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn, nguy cơ tái nghèo là rất cao; dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào" Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh báo cáo.
Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết, lúc này tỉnh xác định công tác chống hạn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và đang tập trung chỉ đạo triển khai thực các biện pháp cấp bách để bảo đảm phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân.
2000 tấn gạo cứu đói
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, lo lắng về tình hình khô hạn ở Ninh Thuận và các tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đã cử Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo. "Thay mặt Chính phủ, tôi hết sức chia sẻ với Đảng bộ, chính quyền, quân dân trong tỉnh về tình hình khô hạn đang gây khó khăn, thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống của nhân dân" Thủ tướng phát biểu.
Trước tình hình khô hạn còn kéo dài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chống hạn. Trước hết là không để thiếu nước sinh hoạt cho nhân dân. Hai là rà soát, nắm sát số hộ nghèo, khó khăn, thiếu lương thực để cung cấp đầy đủ, đến tận tay người dân. Ba là có kế hoạch về phòng, chống dịch bệnh. Bốn là có phương án bảo vệ sản xuất, giảm thấp nhất thiệt hại về sản xuất, nhất là cây trồng và đàn gia súc của người dân. Năm là tập trung phòng chống cháy rừng và cuối cùng là tính toán chuẩn bị cho vụ sản xuất tiếp theo với cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thời tiết.
"Làm sao ít thiệt hại nhất, làm sao cho đồng bào ít khó khăn nhất. Trung ương sẽ bảo đảm về lương thực. Trách nhiệm của tỉnh, huyện, xã là đưa đến đúng địa chỉ và không để người dân nào bị đói" Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu và cho biết Chính phủ, các Bộ sẽ tiếp tục có các hỗ trợ cần thiết để Ninh Thuận vượt qua khó khăn.
Theo đó, Chính phủ đồng ý về nguyên tắc hỗ trợ 2.000 tấn gạo cứu đói cho 66.130 khẩu/15.017 hộ. Hỗ trợ số kinh phí còn lại là 132 tỷ cho công tác chống hạn để thực hiện đấu nối, mở rộng hệ thống cấp nước, mở rộng cửa lấy nước, kênh dẫn nước; mua và vận chuyển nước sinh hoạt cho dân; nạo vét kênh mương, đào ao, giếng chống hạn. Hỗ trợ kinh phí đẩy nhanh thi công dự án hồ Tân Mỹ và triển khai đầu tư các dự án hồ đập giữ nước Sông Than, Kiền Kiền, Đa Mây trong giai đoạn 2015 2020.
Bên cạnh nhiệm vụ cấp bách trước mắt là chống hạn và lo đời sống cho nhân dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trong quá trình tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp, tỉnh, huyện, xã cần thảo luận kỹ lưỡng và đưa ra các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân thời gian tới trong điều kiện phải phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương cũng như bối cảnh phát triển sản xuất trong điều kiện hết sức khắc nghiệt về khí hậu, thời tiết của Ninh Thuận.
Thủ tướng dẫn chứng những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả ngay trong điều kiện nắng nóng, thiếu nước của Ninh Thuận như trồng táo, nho, ớt, chăn nuôi bò, dê, cừu, hay trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc, trồng bông, sản xuất tôm giống, sản xuất muối công nghiệp .v.v. và cho rằng chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, cơ cấu cây trồng vật nuôi là một yêu cầu thực tế và cũng là cách để Ninh Thuận nhanh chóng thoát nghèo, thậm chí làm giầu.
"Ninh Thuận không có cách nào khác là phải đi lên từ chính tiềm năng, lợi thế đất đai, khí hậu của mình. Cái gì cũng có hai mặt khó khăn và thuận lợi. Vấn đề là biến khó khăn, thách thức thành cơ hội. Chúng ta có thể làm giầu ngay trên mảnh đất khó khăn này." Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Mỹ Hạnh
Theo_VnMedia
Dồn sức chống "giặc"... hạn Ngay sau khi chủ trì Hội nghị tổng kết công tác xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ tại ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trở ra Nam Trung Bộ trực tiếp kiểm tra tình hình khô hạn tại một số địa phương ở Ninh Thuận; làm việc với tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa về các giải pháp chống hạn....