Thuỷ điện miền Trung khát nước, nhiều nơi xấp xỉ mức nước chết
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), số liệu cập nhật đến thời điểm hiện tại, tổng lượng nước đang tích trong các hồ thủy điện đến nay chỉ còn 6,22 tỷ m3. Lượng nước hụt so với mức nước dâng bình thường là 29,37 tỷ m3, tương ứng sản lượng điện 12,49 tỷ kWh.
Như thông tin báo chí đã đăng tải, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện về việc tập trung ứng phó với nắng nóng kéo dài, hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ, trong đó nêu rõ: thời tiết diễn biến bất thường, tình trạng nắng nóng diện rộng xảy ra liên tiếp, kéo dài trong nhiều ngày, nhất là ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên. Đặc biệt, các đợt nắng nóng gay gắt xảy ra từ ngày 09 đến 12 tháng 6 và từ ngày 20 đến 23 tháng 6 năm 2019 với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37 – 40oC, một số nơi ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình nhiệt độ đo được cao nhất trong lịch sử. Tổng lượng mưa từ đầu vụ Hè Thu đến nay thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khá lớn, dung tích trữ ở nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện chỉ còn khoảng 20 – 60% dung tích thiết kế, thấp hơn so với trung bình nhiều năm, nhiều hồ chứa nhỏ đã cạn nước.
Cửa tràn TĐ Buôn Tua Srah
Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, thời gian tới, nắng nóng có thể còn tiếp tục xảy ra tại khu vực Trung Bộ, vùng núi phía Tây Trung Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt, lượng dòng chảy trên các sông tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, nhất là tại các tỉnh Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước diện rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Theo số liệu cập nhật đến thời điểm hiện tại, tổng lượng nước đang tích trong các hồ thủy điện đến nay chỉ còn 6,22 tỷ m3. Lượng nước hụt so với mức nước dâng bình thường là 29,37 tỷ m3, tương ứng sản lượng điện 12,49 tỷ kWh. So với cùng kỳ năm ngoái, tổng thể tích nước trong tất cả các hồ thủy điện thấp hơn 7,46 tỷ m3, tương ứng với sản lượng phát từ thủy điện thấp hơn cùng kỳ năm ngoái lên tới 3,38 tỷ kWh. Ở miền Bắc: Ngoại trừ hồ Bản Chát, Tuyên Quang có lưu lượng nước về đạt giá trị trung bình nhiều năm (TBNN), thì các hồ khác đều có nước về thấp. Đặc biệt lưu lượng nước về trên dòng sông Đà tiếp tục thấp, trong đó tính tới thời điểm hiện tại, lưu lượng nước về trung bình ngày của hồ Sơn La chỉ đạt ~ 2100 m3/s, thấp hơn nhiều so với giá trị TBNN (~ 3800 m3/s).
Mặc dù theo quy luật hàng năm, thời điểm này là giữa mùa lũ chính vụ nhưng đến thời điểm hiện tại nhiều hồ đã về gần đến mực nước chết, khả năng khai thác cả về phát điện và xả nước phục vụ dân sinh đều rất hạn chế: như các hồ Trung Sơn; Sông Bung 2; Sông Bung 4; Sông Tranh 2; Vĩnh Sơn B; Sông Ba Hạ; Kanak; Buôn Tua Srah; Đồng Nai 3; Thác Mơ; Hàm Thuận; Đại Ninh; Bắc Hà; Sông Côn 2A; Bản vẽ; Chi Khê; Hủa Na; Cửa Đạt; Hương Sơn; A Lưới; Hương Điền; Đồng Nai 2.
Mức nước hồ TĐ Sông Tranh 2 đã thấp hơn mức nước chết
Hiện nay, nhiều hồ thủy điện của các đơn vị thuộc EVN trên khắp toàn quốc có mực nước thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, cụ thể: hồ Lai Châu: thấp hơn 15,92m; hồ Bản Chát: thấp hơn 13,29m; hồ Sơn La: thấp hơn 18,89m; hồ Hoà Bình: thấp hơn 10,5m; hồ Bản Vẽ: thấp hơn 7,41m; hồ Trung Sơn: thấp hơn 2,11m; hồ Quảng Trị: thấp hơn 9,32m; hồ Sông Bung 2: thấp hơn 2,94m; hồ Vĩnh Sơn A: thấp hơn 2,11m; Vĩnh Sơn B: thấp hơn 4,34m; hồ Pleikrông: thấp hơn 5,42m; hồ Ialy: thấp hơn 9,32m; hồ Sê San 4: thấp hơn 3,46m; hồ Kanak: thấp hơn 6,87m; hồ Buôn Tua Srah: thấp hơn 4,29m; hồ Sông Tranh 2: thấp hơn 9,32m; hồ Thác Mơ: thấp hơn 5,81m; hồ Hàm Thuận: thấp hơn 7,24m … Bên cạnh đó, các hồ thủy điện của các đơn vị ngoài EVN cũng trong tình trạng tương tự, ví dụ như: hồ Hủa Na: thấp hơn 3,21m; hồ Cửa Đạt: thấp hơn 3,95m; hồ Nậm Chiến 1: thấp hơn 6,7m; hồ Hương Sơn: thấp hơn 5,46m; hồ Sông Tranh 3: thấp hơn 103,57m; hồ Đăk Mi 3: thấp hơn 3m; hồ Đăk Mi 4A: thấp hơn 2m; hồ Đam Bri: thấp hơn 5,28m.
Video đang HOT
Trong tình trạng hạn hán, hết sức khó khăn về nguồn nước, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu cấp bách nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị và người dân để thay đổi, nhận thức, chủ động sử dụng tiết kiệm điện, nước, ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước có thể thường xuyên xảy ra.
Căn cứ nội dung Công điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ nghiêm túc thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc chủ động bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; tăng cường sử dụng các nguồn điện, ưu tiên dành nước của các hồ chứa thủy điện phục vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; bảo đảm cung cấp điện cho các trạm bơm phục vụ phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; phối hợp với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền ý thức sử dụng tiết kiệm điện, đặc biệt là trong các tháng mùa khô.
Việt Hà
Theo Petro times
Miền Trung "gồng mình" với nắng nóng- Kỳ I: Sản xuất, sinh hoạt đều xáo trộn
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino, nền nhiệt của cả nước có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm.
Riêng tại miền Trung, trong tháng 6 và đầu tháng 7 nắng nóng kéo dài liên tục với cường độ nắng gay gắt, xảy ra trên diện rộng với mức nhiệt trung bình 34 - 36 độ C gây nhiều khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất của người dân, nắng nóng cũng là nguyên nhân chính của hàng loạt vụ cháy rừng diễn ra trong 1 tháng trở lại đây.
Nắng nóng kéo dài gây ra hàng chục vụ cháy rừng tại miền Trung
Xáo trộn đời sống sinh hoạt, thường trực "nỗi lo" cháy rừng
Nền nhiệt duy trì trung bình từ 34 - 36 độ, đời sống sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Chị Lê Thị Giao Thủy (34 tuổi, quê Thừa Thiên Huế, công nhân làm việc tại KCN Hòa Khánh, Đà Nẵng) cho biết, vợ chồng chị và 1 con gái nhỏ ở trong một phòng trọ chưa đến 12 m2, lợp tôn. Thời tiết nắng nóng nên sau một ngày đi làm vất vả về phòng trọ nhưng quá nóng, gia đình chị lại lục đục kéo nhau ra ngoài. "Tối nào cũng phải 9, 10 giờ đêm mới về phòng trọ. Vậy mà vẫn còn nóng, 3 người nằm 3 góc bật 3 cái quạt hết công suất mà cả đêm vẫn nóng không ngủ được. Mình người lớn còn chịu được, con nít không ngủ được thấy tội quá", chị Thủy nói và cho biết thêm, cũng do nắng nóng, các thiết bị điện của gia định chị hoạt động hết công suất, tiền điện cũng theo đó mà tăng đột biến.
Trẻ em, người già là đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất của thời tiết cực đoan. Theo thống kê của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, trong mỗi đợt cao điểm nắng nóng, số lượng trẻ em đến khám và nhập viện tăng đột biến, đến 20 - 40%. Trong đó, phần nhiều là trẻ em dưới 5 tuổi, với bệnh lí chủ yếu là viêm đường hô hấp và tiêu hóa. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở các tỉnh thành khác của khu vực miền Trung.
Nắng nóng kéo dài còn gây ra nguy cơ cháy rừng cao. Chỉ tính riêng trong 1 tháng trở lại đây, cả khu vực miền Trung đã xảy ra gần 50 vụ cháy rừng lớn nhỏ, gồm rừng tư nhân trồng và rừng tự nhiên, nguyên nhân đều xuất phát do nắng nóng, thời tiết hanh khô.
Các vụ cháy rừng diễn ra liên tiếp đang là nỗi lo chung của cả nước khi liên tục đe doạ sự an toàn của hệ thống lưới điện, đặc biệt là đường dây 500 kV Bắc - Nam.
Đỉnh điểm là 2 vụ cháy lớn diễn ra vào ngày 28/6 tại thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Nhiều lúc đám cháy đã bao trùm lưới điện, đe dọa trực tiếp sự an toàn của đường dây 500 kV Bắc Nam.
Mới đây nhất là các đám cháy liên tiếp xảy ra trong ngày 20/7 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Vị trí các đám cháy này gần khu vực trụ điện đường dây 220 kV A Lưới - Huế và đường dây 500 Kv Đà Nẵng - Dốc Sỏi, gây lo ngại về việc vận hành an toàn các đường dây truyền tải điện quốc gia.
Vựa rau an toàn lớn nhất nhì Đà Nẵng xơ xác do nắng nóng và nhiễm mặn
Vựa rau "quay quắt" chờ mưa
Thời tiết khắc nghiệt đã khiến việc gieo trồng rau tại các tỉnh Nam Trung Bộ gặp rất nhiều khó khăn, năng suất thấp.
Tại TP. Đà Nẵng, nắng nóng khiến nhiều diện tích đất trồng rau bị bỏ hoang do không có nước tưới. Nhiều hộ dân trồng rau đa đầu tư khoan giếng để đủ nước phục vụ tưới tiêu nhưng năng suất rau vẫn rất thấp do nhiệt độ quá cao, cường độ nắng mạnh, kéo dài, đất quá nóng dẫn đến các loại rau màu không thể nảy mầm, phát triển.
Cá biệt, tại vùng rau La Hường (Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ) - một trong 2 vựa rau an toàn lớn nhất TP. Đà Nẵng tình hình sản xuất còn "trắc trở" hơn do nguồn nước tưới bị nhiễm mặn, nên dù có đủ nước tưới rau màu vẫn không phát triển được.
Ra vườn trong cái nắng gay gắt lúc giữa trưa, bà Phan Thị Trường (62 tuổi - hội viên HTX rau La Hường) vừa tưới rau, vừa lắc đầu và chia sẻ: Làm cái nghề này cả hai, ba mươi năm, chưa năm nào mà cực như vậy. Mọi năm nắng nửa tháng, một tháng rồi có vài trận mưa, năm nay cả mấy tháng đằng đẵng nắng không có giọt mưa. Gieo rau thì không lên, trồng rau thì chết. Nước không có tưới, phải khoan máy bơm, khoan xong bơm lại nhiễm mặn, rau chết dần.
Nguồn nước nhiễm mặn khiến rau chết dần (các vệt trắng là muối kết tinh khi tưới nguồn nước nhiễm mặn)
Chỉ vào mấy luống rau đang tưới, bà Trường tiếp lời: "Cực chẳng đã mới phải tưới rau giữa trưa, để đến chiều mực nước sông xuống thấp tưới không kịp. Cả vạt đất có trồng được cái gì đâu. Mấy luống rau lang này là cố giữ nó sống để lấy ngọn mai mốt mình có giống trồng lại, chứ nhìn vàng khè thế này bán buôn gì".
Tình trạng này cũng xảy ra tương tự tại tại vùng rau của huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Xâm nhập mặn tại sông Thu Bồn khiến nhiều cánh đồng rau ở khu vực này hoang tàn và khô nứt nẻ.
Ghi nhận tại các chợ trên địa bàn TP. Đà Nẵng, do nguồn cung từ các vựa rau trên địa bàn TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam giảm nên giá các loại rau xanh như cải các loại, rau dền, rau khoai lang, mùng tơi ....đều dao động ở mức giá 12.000 - 15.000 đồng/bó - mức khá cao so với mọi năm, các loại rau gia vị cũng rơi vào tình trạng khan hiếm tương tự.
Theo Congthuong
Vũ Lê
Hạn hán gay gắt ở các tỉnh Nam Trung Bộ Từ đầu vụ hè thu đến nay, các tỉnh khu vực NamTrung Bộ đang phải đối mặt với tình trạng nắng nóng kéo dài, hạn hán nghiêm trọng, nguồn nước bị suy giảm nhanh, hàng chục nghìn héc-ta lúa hè thu bị chết. Các địa phương trong khu vực đang phải gồng mình chống hạn, cứu lúa. Nhiều chân ruộng ở phường Điện...