Thủy điện giữ nước, hạ du khát: Làm sai lệnh Thủ tướng
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk My thừa nhận Thủy điện ĐăkMy 4 đã ăn gian, không xả nước đúng quy trình
Theo dự báo, đầu mùa khô năm nay, mực nước các hồ thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn đều thấp hơn mực nước dâng tối thiểu được quy định trong quy trình vận hành liên hồ chứa. Đặc biệt, đối với Thủy điện A Vương từ cuối năm 2015, thiếu hơn 18 m nước so với mực nước dâng bình thường.
Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia đã phải tách Thủy điện A Vương ra khỏi thị trường bán điện để tích nước từ ngày 8.12.2015.
Tuy nhiên đến thời điểm này, Thủy điện A Vương vẫn còn thiếu cả trăm triệu m3 nước. Lưu lượng dòng chảy trung bình về các hồ thủy điện Sông Tranh 2, Sông Bung 4, Đắk Mi 4 cũng suy giảm nghiêm trọng.
Trong khi nguồn nước khan hiếm thì Thủy điện Đăk My 4 chỉ biết lo cho lợi ích của mình mà không trả nước về hạ du đúng Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn khiến hạ du thiếu nước.
Thân đập Thủy điện Đăk My 4.
Như VOV đã nhiều lần phản ánh, Nhà máy thủy điện ĐăkMi4 được thiết kế chuyển toàn bộ nước từ sông ĐăkMi qua sông Thu Bồn để tối ưu hóa lợi ích phát điện mà không trả nước về sông Vu Gia đúng với dòng chảy tự nhiên. Từ đây làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của hơn 1,7 triệu dân vùng hạ du sông Vu Gia, đặc biệt là nước sinh hoạt cho gần 1 triệu dân thành phố Đà Nẵng.
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt, xâm nhập mặn… ngày càng nghiêm trọng, nhất là trong mùa khô.
Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thành phố Đà Nẵng cho biết: từ đầu năm đến nay tất cả các sông của Đà Nẵng đều bị nhiễm mặn: “Đến nay đã có 24 ngày nhiễm mặn. Làm ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt và ảnh hưởng đến gần 800 ha đất nông nghiệp của thành phố Đà Nẵng. Qua kiểm tra quy trình vận hành chúng tôi thấy một số thủy điện trên thượng nguồn chưa vận hành theo đúng quy trình vận hành. Trong đó đặc biệt là thủy điện Đăk My 4 một số tháng vừa qua, lượng nước xả về qua cống xả sau về phía sông Vu Gia, về phía Đà Nẵng chưa đáp ứng được theo quy trình”.
Video đang HOT
Ông Đinh Hữu Tấn – TGĐ Công ty Thủy điện Đăk My thừa nhận có ăn gian khi xả nước về hạ du.
Những năm trước đây, chính quyền thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam nhiều lần phản đối, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ giải quyết tình trạng này.
Tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Theo đó, yêu cầu Thủy điện Đăk My 4 phải vận hành xả nước về hạ lưu sông Vu Gia. Quy trình này cũng quy định cụ thể, khi mực nước tại trạm Thủy văn Ái Nghĩa ở mức bao nhiêu thì thủy điện Đăk My4 phải xả nước với lưu lượng tương ứng. Tuy nhiên, Thủy điện Đăk My 4 đã vi phạm quy trình này khiến thành phố Đà Nẵng ở hạ du sông Vu Gia liên tục nhiễm mặn.
Ông Đinh Hữu Tấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk My thừa nhận Thủy điện ĐăkMy 4 đã ăn gian, không xả nước đúng quy trình. Bởi theo ông Tấn, xả nước trả lại sông Vu Gia đồng nghĩa với nhà máy xả nước ra biển mà không lấy được tiền!!!. Ông Đinh Hữu Tấn cho biết, Nhà máy Thủy điện Đăk My 4 xả nước theo mực nước tại trạm Thủy văn Ái Nghĩa mà mực nước ở đó lên xuống bất thường, nên Đà Nẵng phải thông cảm là việc trả nước về cho thành phố rất khó khăn.
Ông Đinh Hữu Tấn cho biết, khi Thủy điện A Vương và Sông Bung 4 dừng chạy máy thì Đăk My 4 vẫn phải trả nên phải cân đối ở mức độ tương đối: “Chúng tôi tuân thủ hàng ngày nhưng rõ ràng là có ăn gian một tý. Ví dụ như là đáng lý xả 5m3/s thì chỉ xả 3m3/s hay như là đáng lý xả 8 thì chúng tôi chỉ xả 5. Bởi vì A Vương với Sông Bung mà không chạy máy thì rõ ràng chúng tôi phải dốc hết nước về cho Ái Nghĩa. Thế cho nên rõ ràng đối với nhánh Vu Gia về Đà Nẵng thì phải thông cảm một phần cho chúng tôi. Bởi vì chúng tôi xả là xả nước ra là nước ra biển, không lấy được tiền”.
Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn quy định lấy mực nước ở Ái Nghĩa lúc 7 giờ làm chuẩn, nếu mực nước ở trạm Thủy văn Ái Nghĩa mà nhỏ hơn 2,67m thì Thủy điện Đăk My 4 phải xả nước liên tục với lưu lượng 25m3/s; từ 2,67m đến hơn 2,80m thì xả ít hơn. Ông Hoàng Xuân Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các Nhà máy Thủy điện tuân thủ nghiêm Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành: “Anh bảo anh khó, không khó gì cả, dao động đấy nhưng 7 giờ sáng thì có một giá trị. Và anh cứ vận hành đúng như thế.
Đối với Đăk My, quan điểm đầu tiên và tính toán ở đây là ưu tiên xả nước về sông Vu Gia cho Đà Nẵng là chính, chứ có quy định phải xả về sông Thu Bồn bao nhiêu đâu?. Sông Thu Bồn thì thủy điện Sông Tranh lãnh trách nhiệm chính. Đăk My 4 căn cứ tình hình lượng nước còn lại để chủ động tính toán xả về sông Thu Bồn, còn với sông Vu Gia thì phải theo quy tắc. Quy định xả 3 mà xả 2,99 thì còn châm chước, chứ chỉ xả 2,1 thì không được”.
Ông HOàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công thương.
Với tỉnh Quảng Nam, nhu cầu chủ yếu là phục vụ tưới tiêu. Vì thế, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị, từ ngày 15/4 đến 15/5, các hồ thủy điện chỉ phát điện vừa phải, không có sự chênh lệch lớn để đảm bảo nước tưới cho hạ du trong mùa cao điểm nắng hạn: “Từ những năm 1975- 1976, hiện tượng nhiễm mặn đã có rồi nhưng từ khi có thủy điện thì tần suất và thời gian nhiều hơn.
“Thời điểm này, tôi đề nghị 2 nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 và Đăk My 4 có kế hoạch phối hợp xả nước qua phát điện để khống chế mực nước tại trạm thủy văn Giao Thủy không nhỏ hơn cao trình 1 mét để đảm bảo không có tình trạng nhiễm mặn”.
Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương yêu cầu các bên liên quan cần tuân thủ nghiêm Quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm đảm bảo nước cho sinh hoạt, sản xuất vùng hạ du.
Tuy nhiên, Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn do Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành có lẽ đã bộc lộ một số điểm bất hợp lý, cần xem xét điều chỉnh phù hợp với thực tiễn và tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay./.
Thanh Hà
Theo_VOV
"Lật tẩy" các thủy điện né lắp đặt camera giám sát xả nước
Thủ tướng đã có quy định các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn phải lắp đặt camera giám sát việc xả nước về hạ du, nhưng tại cuộc họp ngày 3/3 do Bộ Công thương chủ trì ở Đà Nẵng đã hé lộ một số thủy điện đang tìm cách tránh né!
Như tin đã đưa, ngày 3/3, tại Đà Nẵng, đoàn công tác liên Bộ Công thương, TN-MT, NN-PTNT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)... do Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo địa phương cùng các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và các nhà máy thủy điện trên địa bàn để bàn phương hướng đảm bảo cung cấp nước cho hạ du trong mùa khô 2016 kết hợp với vận hành hiệu quả các hồ thủy điện.
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) Hoàng Văn Bẩy: "Cái camera chỉ khoảng 5 - 6 triệu, các hộ gia đình còn có thể đầu tư thì tại sao các nhà máy thủy điện lại không đầu tư được để đảm bảo công khai minh bạch thông tin?" (Ảnh: HC)
Tại đây, ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TP Đà Nẵng cho hay, hiện nhiều nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn vẫn chưa lắp đặt camera và truyền tín hiệu hình ảnh về UBND và Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam cũng như Ban chỉ đạo TƯ về PCTT, Bộ TN-MT, EVN, Cục Quản lý tài nguyên nước và Cục Điều tiết điện lực theo quy định để giám sát lượng nước xả về hạ du.
"Đề nghị Bộ TN-MT, Bộ Công thương chỉ đạo các nhà máy thủy điện sớm lắp đặt hệ thống giám sát tự động, trực tuyến việc vận hành xả nước của các hồ chứa theo quy định để chúng tôi giám sát. Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2016 đến nay, Nhà máy nước Cầu Đỏ đã có 24 ngày bị nhiễm mặn, gây ảnh hưởng việc cấp nước sinh hoạt cho Đà Nẵng cũng như sản xuất của gần 800ha đất nông nghiệp của TP. Trong khi đó, qua kiểm tra thì lượng nước xả về cống xả sâu phía sông Vu Gia để trả nước cho TP Đà Nẵng của một số nhà máy thủy điện ở thượng nguồn, đặc biệt là ĐăkMi 4, chưa đúng theo quy trình vận hành liên hồ chứa!" - ông Hoàng Thanh Hòa nói.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) Hoàng Văn Bẩy, lắp đặt camera giám sát việc xả nước đã được Thủ tướng quy định rõ cho các nhà máy thủy điện nhằm đảm bảo tính công khai minh bạch thông tin trong mùa hạn lẫn mùa lũ. Vì vậy, ông yêu cầu các nhà máy thủy điện chưa lắp camera giám sát xả nước thì tiến hành ngay việc lắp đặt trong vòng 1 tuần.
Ông Hoàng Văn Bẩy nhấn mạnh, các nhà máy thủy điện phải công khai minh bạch thông tin cho rõ ràng để địa phương giám sát là anh làm đúng hay làm sai. Quản lý việc này thuộc ngành Công thương nên ông đề nghị phải thực hiện đúng trách nhiệm đã được Thủ tướng giao, ra thời hạn cho các thủy điện nào đến thời điểm này mà chưa lắp đặt camera giám sát xả nước, nếu quá thời hạn mà không thực hiện thì xử lý theo quy định tại Nghị định 42/CP.
"Nhà máy thủy điện nào không thực hiện đúng quy định thì khi thanh tra sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định pháp luật. Phải thống nhất với nhau quan điểm như vậy. Nhưng camera có đắt đâu nhỉ? Tôi nhớ là cái camera chỉ khoảng 5 - 6 triệu, các hộ gia đình còn có thể đầu tư thì tại sao các nhà máy thủy điện lại không đầu tư được để đảm bảo công khai minh bạch thông tin?" - ông Hoàng Văn Bẩy đặt vấn đề.
Theo "điểm danh" của Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đối với 4 hồ chứa thủy điện chính trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn thì đến thời điểm này A Vương và Sông Tranh lắp đặt camera giám sát việc xả nước về hạ du. Thủy điện Sông Bung thì đang đấu thầu. "Còn ĐăkMi 4 thì chưa làm hả?" - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng hỏi ông Đinh Hữu Tấn, Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện ĐăkMi, chủ đầu tư nhà máy thủy điện ĐăkMi 4.
"Lắp rồi anh, nhưng chỉ mới làm trên đập thôi!" - ông Đinh Hữu Tấn trả lời khiến một số đại biểu dự họp không khỏi bật cười. Bởi quy định lắp đặt camera là để giám sát việc xả nước về hạ du qua cống xả sâu. Đằng này ông Đinh Hữu Tấn tuyên bố thủy điện ĐăkMi 4 đã "lắp rồi" nhưng lắp ở trên đập thì có ý nghĩa gì? Ở đây, quy định của Thủ tướng Chính phủ là lắp camera giám sát việc xả nước chứ đâu phải lắp đặt camera... bảo vệ?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu ngay trong tháng 3, nhà máy thủy điện nào chưa lắp đặt camera giám sát việc xả nước thì phải tiến hành lắp đặt ngay. "Cái này đã được quy định trong Quyết định 1537/TTg ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn rồi. Nếu nhà máy thủy điện nào không thực hiện thì phải chịu trách nhiệm. Cái camera này không đáng bao nhiêu tiền cả, nên có thể chỉ định luôn cho nhanh chứ đâu cần phải đấu thầu, thủ tục này, thủ tục kia cho phức tạp!" - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói.
Theo Infonet
Theo_Hà Nội Mới
Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng: Phải đảm bảo an toàn cho hạ du Việc vận hành các hồ thủy điện phải đảm bảo an toàn cho công trình và đảm bảo an toàn chống lũ cho hạ du vào mùa lũ, đảm bảo an toàn cho cả công trình và an sinh phía hạ du trong mùa cạn. Đó là những yêu cầu đặt ra đối với Quy trinh vân hanh liên hô chưa trên lưu...