Thủy điện có nghe lời Bộ trưởng Công thương?
An toàn thủy điện phải được coi trọng và lợi ích của người dân vùng hạ du phải được đặt lên hàng đầu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã khẳng định như vậy tại Hội nghị giữa kỳ đánh giá tình hình triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện.
Theo VOV, Bộ trưởng thừa nhận, vai trò điều hành các dự án thủy điện nhiều khi khác nhau, nhiều nơi còn chú trọng khâu phát điện, coi thường chỉ tiêu an toàn và tính mạng của người dân
“Giữa lợi ích phát điện với việc cấp nước tại các dự án thủy điện phải được cân đối hài hòa. Trong đó, an toàn thủy điện phải được coi trọng và lợi ích của người dân vùng hạ du phải được đặt lên hàng đầu, việc phát điện phải đặt sau lợi ích của người dân vùng hạ du”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.
“Sống chung với lũ” là khái niệm mà người dân đang phải hàng ngày nhớ như in
Mặc dù mong muốn và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công thương là như vậy nhưng trên thực tế thủy điện vẫn đang đi ngược lại điều này và tình trạng ngăn nước vào mùa cạn, xả nước mùa lũ vẫn xảy ra.
Cách đây đúng tròn một tháng, khi Bộ Công Thương làm việc với UBND tỉnh Phú Yên sau khi kiểm tra việc quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành thủy điện trên lưu vực sông Ba, Chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Krông H’năng đã nói rằng: “Buộc hồ chúng tôi phải xả xuống dưới mực nước thiết kế 2,5 m để đón lũ nhưng nếu dự báo sai, lũ không về thì sao, nước đâu để bù lại? Nếu làm vậy, mỗi năm chúng tôi sẽ thiệt hại trên 30 tỉ đồng.Lo cho hạ du mà chúng tôi thiệt hại thì nhà nước phải bù cho chúng tôi chứ?”, ông Tuấn đòi hỏi.
Và sau đó ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Đề nghị Cục Điều tiết điện lực xem lại, nếu theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba gây thiệt hại cho thủy điện thì lên phương án đền bù lại bằng giá điện”.
Đề nghị của thủy điện cũng được Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Bộ Công Thương, nhìn nhận: “Thực hiện đúng quy trình này sẽ ảnh hưởng đến các nhà máy. Cần bảo đảm cho hạ du nhưng phải bảo đảm lợi ích các nhà máy thủy điện”.
Tiếp đến ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn nói thẳng: không thể có phương án cắt lũ trên sông Ba! “Chúng ta không kỳ vọng gì thủy điện sẽ cắt được lũ cho hạ du. Không bao giờ cắt được! Sẽ còn lũ tiếp diễn. Chúng ta phải chấp nhận sống chung với lũ”.
Video đang HOT
Những phát biểu này khiến dư luận chỉ thấy rằng không ai lên tiếng bảo vệ quyền lợi của dân mà mới chỉ thấy cơ quan quản lý nhà nước bênh cho thủy điện. Và đó không phải lần đầu tiên
Thực tế này từng được chứng minh nhiều lần và có lẽ câu chuyện được nhắc tới nhiều là vụ Đà Nẵng từng dọa kiện Bộ Tài nguyên và Môi trường khi xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa sông Vu Gia – Thu Bồn có nguy cơ khiến người dân hạ du bị thiếu nước vào mùa cạn.
Theo ông Huỳnh Vạn Thằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng, cái chính là Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy trình để rồi biến một nơi rất ít khi bị thiếu nước hay hạn hán (trước kia có thiếu nước cũng chỉ từ 3-7 ngày vào mùa khô) bây giờ đẩy họ vào tình thế suốt 8 tháng mùa khô bị thiếu nước.
Không riêng gì quy trình vận hành liên hồ mùa cạn, mà với mùa lũ ông Thắng cũng nói rõ là quy trình xây dựng luôn có lợi cho thủy điện.
Minh chứng cho nhận định này, ông Thắng nhắc lại một điểm mà trong quy trình vận hành liên hồ chứa mùa lũ có thực hiện đúng thì người dân hạ du cũng “hứng đủ” lũ.
Đó là quy trình vận hành hồ chứa mùa lũ quy định dự báo xả lũ trong 24h thế nhưng ông Thắng cho rằng chỉ là ép vào chứ không thể thực hiện được vì quá vô lý. Lý do là vì nó chỉ được thực hiện được ở hồ thủy điện lớn như sông Đà, Sơn La vì khả năng dự báo có thể kéo dài được 24h thì dự báo hoàn toàn chính xác.
Còn thủy điện miền Trung lại nằm ngay trên thượng nguồn, sông lại gấp nên không thể dự báo trong 24h được. Khi lũ lớn đến thì hạ hồ nước tạo dung tích để lũ đến cắt bớt đỉnh lũ. Nhưng như trận bão hồi tháng 11/2013 thì chỉ có 6 tiếng đồng hồ đã gây lũ. Nhưng thực ra sau 2 tiếng đồng hồ đỉnh lũ đã xuất hiện.
“Như vậy thì không ai thực hiện được theo như quy trình. Khi đó người ta chỉ biết đỉnh lũ đến là thủy điện xả lũ để đón đỉnh lũ nhưng cũng không kịp vì chỉ sau 2 tiếng đỉnh lũ đã về, kết hợp với cả lũ nhân tạo từ thủy điện xả ra. Như vậy thì không có cách gì để gọi là thủy điện tham gia cắt lũ mà là xả lũ chồng lũ thì đúng hơn”, ông Thắng nêu.
Còn nhớ, khi cơn bão số 15 hồi tháng 11/2013 xảy ra gây lũ đến bất ngờ. Thiệt hại của người dân là có thật, song phía chủ đầu tư thủy điện Đăk Mi 4 vẫn cho rằng họ làm đúng quy trình.
Chính vì thực tế đó, khi Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng yêu cầu thủy điện phải đảm bảo an toàn, loại ích cho hạ du dù sao cũng khiến cho người dân được an ủi thêm phần nào sau những diễn biến liên quan đến thủy điện thời gian qua.
Phương Nguyên
Theo_Báo Đất Việt
Có Chỉ thị 11, sẽ không còn mập mờ giá điện?
Với Chỉ thị 11, Bộ Công thương sẽ công khai tất cả chi phí đầu vào cũng như cách tính giá điện bán ra để người dân giám sát - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 11/5.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng
Điện, giá điện và khả năng cung ứng điện luôn là một vấn đề nóng, nhất là mỗi khi mùa hè và mùa khô lại tới. Đại diện của Bộ Công Thương trong một cuộc họp báo định kỳ gần đây đã thừa nhận, để người dân còn thắc mắc băn khoăn về sự minh bạch của giá điện, giá xăng dầu là một thiếu sót của cơ quan quản lý.
Trong chuyên mục Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 11/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã giải thích những thông tin liên quan đến vấn đề minh bạch giá điện.
- Một người dân có gửi thư về chương trình hỏi: "Trước đây, nghe báo chí nói nhiều nhưng tôi thực sự cũng không hiểu cái gọi là "thị trường phát điện cạnh tranh" là như thế nào. Thị trường của mấy công ty bán điện cạnh tranh với nhau bán cho EVN thì có liên quan gì đến những người dân như chúng tôi? Chúng tôi đang phải mua điện với một mức giá quy định khá cao, làm sao mà người dân biết được giá điện EVN mua như nào để biết rằng giá điện mình phải mua là có hợp lý không?"
Vận hành theo nguyên tắc cạnh tranh có nghĩa là các nhà máy điện phải phấn đấu để làm sao giảm được chi phí trong sản xuất, qua đó sẽ được ưu tiên tham gia cung cấp điện. Hiện nay, chi phí đó chiếm khoảng 70% giá điện bán cho người tiêu dùng. Có nghĩa là, nếu giá điện bán cho EVN càng thấp thì người tiêu dùng càng được hưởng lợi từ giá thấp đó.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua việc công bố công khai những nội dung liên quan đến giá điện cũng như tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện nói chung vẫn còn một số những bất cập, hạn chế. Chính vì vậy người tiêu dùng có nhu cầu cần phải được nắm rất rõ những chi phí, những yếu tố liên quan đến giá thành điện và đây chính là một trong những nguyên nhân và lý do vừa qua Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 11 ngày 22/4/2014 về công khai minh bạch giá điện.
- Việc ra một chỉ thị riêng về minh bạch hoạt động kinh doanh thị trường điện và xăng dầu là một động thái mạnh mẽ của Bộ Công Thương trước nhu cầu của người dân về việc này. Nhưng một thính giả khác biết về Chỉ thị 11 cho biết: "Cảm thấy băn khoăn không biết một người dân như tôi có được quyền lợi gì từ một chỉ thị như vậy"?
Chỉ thị 11 của Bộ Công Thương đã nêu rất rõ 3 nội dung chính, một là phải công khai những quy định về mặt pháp luật đối với vấn đề giá điện, giá xăng dầu. Thứ hai là công khai về chi phí của ngành điện cũng như các cơ sở sản xuất và kinh doanh xăng dầu, trong đó có cả những thông tin về tình hình tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh, kể cả về thu nhập của cán bộ công nhân viên ngành điện, ngành xăng dầu. Thứ ba, Chỉ thị cũng quy định những cơ quan, những thiết chế, phương tiện thực hiện việc công khai hóa, minh bạch hóa. Qua những thông tin như vậy, một mặt người dân biết được những quy định của pháp luật về vấn đề này, qua đó sẽ có điều kiện kiểm tra, giám sát xem ngành điện và ngành xăng dầu có thực hiện đúng các quy định pháp luật hay không. Qua việc công bố công khai cơ cấu về giá điện cũng như giá xăng dầu, người dân có quyền, được lựa chọn giá hợp lý đối với mình.
Thứ ba, với việc công khai này, người dân có khả năng tự xem xét, tự quyết định xem mình sử dụng như thế nào đối với điện, xăng dầu cho tiết kiệm và hiệu quả. Tôi nghĩ rằng đấy là những lợi ích mà Chỉ thị 11 này mang lại.
- Một người dân hỏi rằng: "Từ trước tới nay, người dân thấy việc tính toán giá điện rất phức tạp, rất khó hiểu. Chúng tôi muốn hỏi Bộ trưởng rằng, sau khi Chỉ thị 11 được Bộ Công Thương ban hành thì người dân chúng tôi có thể cùng tham gia giám sát giá điện của EVN được hay không? Và bằng cách nào?"
Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của người dân vừa hỏi. Với cơ chế công khai, minh bạch như thế này, thực ra một trong những mục tiêu của việc ban hành Chỉ thị 11 của Bộ Công Thương, đó là tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể giám sát được hoạt động của các đơn vị sản xuất, kinh doanh điện và xăng dầu cũng như kể cả giám sát hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý nhà nước.
Vừa qua chúng ta đã làm được một số việc, tuy nhiên do chúng ta làm chưa có hệ thống, chưa liên tục, và nhiều nội dung cũng chưa được công bố một cách công khai đầy đủ, vì thế việc ban hành Chỉ thị 11 nhằm khắc phục những khiếm khuyết, những bất cập trong việc công khai, minh bạch trước đây, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận một cách đầy đủ, khách quan tình hình sản xuất kinh doanh của ngành điện, của ngành xăng dầu và đặc biệt là biết được là vì họ sao phải mua điện, mua xăng dầu với giá đó.
Chỉ thị quy định rất rõ, việc thông tin được thực hiện định kỳ và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang web của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam...
- Hiện nay, chuẩn bị vào cao điểm mùa khô, nhu cầu dùng điện sẽ tăng cao. Trong khi có báo chí nói rằng khả năng cấp khí cho nhà máy Cà Mau ở phía Nam bị suy giảm. Bộ trưởng cho biết chúng ta có thiếu điện trong năm nay hay không và có nguy cơ bị cắt điện luân phiên trong mùa hè sắp tới hay không?
Có thể khẳng định rằng, chưa có lúc nào ngành Điện vận hành trong trạng thái tốt như thế này. Tốt có nghĩa là chúng ta có dự phòng. Bình quân hiện nay hệ số dự phòng khoảng 20% trên tổng nhu cầu điện. Như vậy có nghĩa rằng, trong tình hình bình thường, khi nhu cầu điện tăng bình quân chừng 10-11%, ngành Điện hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu, và điều này cũng đúng với năm 2014 và kể cả năm 2015.
Tuy nhiên, có dự phòng và dự phòng với tỷ lệ như vậy nhưng nếu chẳng may nó xảy ra một sự cố lớn thì cũng có thể có thời điểm việc cung cấp điện có khó khăn, nhưng nhìn chung có thể đảm bảo. Điều này ngành điện đã khẳng định nhiều lần và hôm nay, tôi xin khẳng định lại cam kết đó của ngành Điện với người tiêu dùng cả nước. Chúng tôi cũng mong rằng người dân sẽ tham gia một cách chủ động, đầy ý thức xây dựng vào việc giám sát, kiểm tra hoạt động của ngành điện, ngành xăng dầu cũng như các cơ quan nhà nước có liên quan trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng điện và xăng dầu.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo_VnMedia
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Không để xuất khẩu lậu khoáng sản Sáng nay 1/4, Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn trực tiếp đối với Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên chất vấn này. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn sáng 1/4 Thương lái nước ngoài không được trực tiếp thu mua nông sản...