Thường vụ Quốc hội xem xét quy định hôn nhân đồng giới
Phiên họp tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về hàng loạt luật, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật hôn nhân gia đình.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình sẽ được Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, đại diện cơ quan soạn thảo, trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 10/9.
Theo dự thảo đang được lấy ý kiến, điều kiện kết hôn đưa ra phương án bãi bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người đồng giới. Quy định về giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, về cơ bản cũng giống như giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.
Kết quả thăm dò dư luận trên website Dự thảo online của Quốc hội với chỉ 2,8% phản đối hôn nhân đồng tính. Ảnh chụp màn hình ngày 7/9.
Đa số các cuộc thăm dò dư luận cho đến nay đều thu được kết quả nghiêng về ủng hộ quy định về quyền kết hôn của người cùng đồng giới. Trong phiên họp của Chính phủ giữa tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhận định, hôn nhân đồng giới là một thực tế xã hội, vấn đề của toàn cầu, không thể “né tránh”, và cần đưa vào luật Hôn nhân, gia đình sửa đổi để thảo luận, cân nhắc cặn kẽ.
Bắt đầu từ 9/9 và kéo dài trong hai tuần, chương trình làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ yếu dành cho công tác xem xét, cho ý kiến về các dự án luật. Trong đó, nhiều dự án luật lần đầu được cho ý kiến như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam; Luật công an nhân dân (sửa đổi)…
Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và HĐND các cấp; tiếp tục cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật đất đai (sửa đổi) và dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ, từ quy định “cấm” trong pháp Luật Hôn nhân, gia đình hiện hành đến “không thừa nhận” trong dự thảo sửa đổi là cả bước tiến về nhận thức. Hiện, cả thế giới chỉ có 11 quốc gia chính thức thừa nhận hôn nhân đồng tính và đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi.
Video đang HOT
Nguyễn Hưng
Theo VNE
Chính sách "trên trời": Trách nhiệm Bộ trưởng Tư pháp?
Nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng Tư pháp trước những chính sách xa rời thực tế cuộc sống được ban hành trong thời gian gần đây.
Sáng nay (20/8), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội về các nội dung: Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ; thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm tra việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành thời gian từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến ngày 31/7/2013.
Phiên chất vấn diễn ra trong khuôn khổ phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Luật chờ nghị định, nghị định chờ...thông tư
Nhiều đại biểu là ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia chất vấn Bộ trưởng Tư pháp về vấn đề tiến độ và chất lượng các văn bản pháp luật được ban hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng chất lượng nhiều văn bản pháp luật còn yếu, việc xây dựng chương trình luật, pháp lệnh dễ dãi. Một trong số các nguyên nhân là trách nhiệm chủ quan của các thành viên Chính phủ, vậy có khắc phục được tình trạng này không?
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề, có nhiều văn bản pháp luật được ban hành, Bộ biết là bất hợp lý, thiếu khả thi nhưng vẫn để tiếp tục tiến hành thực hiện.
Hơn nữa, khi các văn bản trái pháp luật được ban hành sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội, có nhiều văn bản sai, Bộ phát hiện nhưng chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở phê bình, góp ý, mà không đề nghị có biện pháp xử lý ở mức cao hơn. "Phải chăng Bộ chưa làm hết trách nhiệm, có phần nể nang? Trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này?", ông Hiển chất vấn.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề cập tới vấn đề luật đi vào cuộc sống thực tiễn. Một là, các chính sách pháp luật ghi trong văn bản luật chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, xa vời. Thứ hai, chính sách pháp luật có thể đáp ứng nhu cầu thực tiễn nhưng quá trình thực thi lại chưa đáp ứng được.
Đại biểu Trương Thị Mai cho rằng, các chính sách pháp luật của ta hiện nay đều án binh bất động, trên thực tế, không một văn bản nào có hiệu lực đúng ngày quy định mà còn chờ những văn bản dưới luật. Ví dụ như pháp lệnh về người có công, người cao tuổi, chế độ cho phụ nữ thai sản... Đại biểu Mai đặt câu hỏi: "Cơ chế nào để đưa những chính sách rõ ràng, cụ thể đi vào cuộc sống được?"
Trả lời chất vấn các ĐB, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, cho biết, từ năm 2010, Bộ ban hành kế hoạch hàng năm thực hiện công tác kiểm tra từ Bộ cho đến Sở, phòng và tập trung kiểm tra sâu vào một số lĩnh vực mà người dân quan tâm, gây bức xúc.
Bộ trưởng Cường thừa nhận việc có một số trường hợp văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã được phát hiện, nhưng chưa được xử lý kịp thời, triệt để; chưa có giải pháp để đảm bảo sự đồng bộ, gắn kết công tác kiểm tra văn bản với công tác theo dõi thi hành pháp luật.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng bày tỏ, việc khắc phục hậu quả do thực hiện văn bản trái pháp luật gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; việc xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật mới chỉ dừng ở mức phê bình, nhắc nhở, kiểm điểm công chức khi thi hành công vụ; chưa có quy định cụ thể để thực hiện được các hình thức trách nhiệm nghiêm khắc hơn.
Có hay không "tham nhũng" chính sách?
Trong phiên chất vấn sáng nay, các ĐB cũng đặt vấn đề tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm khi ra văn bản quy phạm pháp luật.
ĐB Huỳnh Văn Thiếc (Cần Thơ) chất vấn: Là cơ quan tham mưu xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có đề xuất gì về việc dự thảo luật đưa ra kém chất lượng, chậm đi vào cuộc sống? Hiện còn nhiều khoảng trống kinh tế dẫn đến nhiều người làm giàu bất chính, Bộ đề xuất gì để lấp đầy khoảng trống này?
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Tư pháp, liệu có lợi ích nhóm, tham nhũng về chính sách trong việc ra văn bản quy phạm pháp luật không? Bởi nhiều văn bản có sự mâu thuẫn, thậm chí đá nhau có nguyên nhân từ các bộ chỉ bảo vệ quyền lợi của bộ mình.
Đồng quan điểm, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản pháp luật hiện nay tương đối nhiều. ĐB Hà chất vấn: Bộ trưởng có giải pháp gì để ngăn chặn lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản pháp luật sắp tới?
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời chất vấn sáng 20/8.
Trả lời chất vấn các ĐB, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa nhận, thực trạng có một số dự án luật trình chưa đúng tiến độ, còn hạn chế. Nguyên nhân chủ quan là do những dự án luật đi vào chuyên sâu nên rất khó. Bên cạnh đó, nhiều đề nghị sửa đổi bổ sung còn phải chờ tổng kết, đòi hỏi có thời gian...
Nguyên nhân khách quan do kinh tế - xã hội thời gian qua còn nhiều khó khăn, chúng ta phải tập trung cao cho việc đạt mục tiêu tổng quát, thời gian xây dựng thể chế có hạn chế nhất định.
Về vấn đề lợi ích nhóm, hay tham nhũng về chính sách mà các ĐB chất vấn, Bộ trưởng Tư pháp khẳng định quy trình xây dựng văn bản pháp luật rất chặt chẽ, qua nhiều khâu. Tuy nhiên cũng có thể có những vấn đề không phát hiện được. Ví dụ, Nghị định về kinh doanh vàng, xăng dầu, hay giá than, điện... chủ trương thì rất rõ để tiến tới cơ chế thị trường, nhưng gần đây chúng ta đang thực hiện kiềm chế lạm phát nên bước đi phải chặt chẽ.
Khẳng định không có chuyện tham nhũng như các đại biểu nêu, nhưng Bộ trưởng Cường cũng cho rằng, "có thể có những nghị định thiếu kiểm soát".
Theo Kiến thức
Nhiều 'tư lệnh' ngành tham gia trả lời chất vấn vào ngày mai Các buổi chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sớm hơn một ngày so với dự kiến. Nhiều bộ trưởng, trưởng ngành sẽ cùng tham gia với hai bộ trưởng Tư pháp và Tài nguyên Môi trường. Theo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 20/8,...