Thường vụ Quốc hội hướng dẫn lấy phiếu tín nhiệm
Trong phiên họp kéo dài 3 ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự thảo hướng dẫn thi hành nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Sáng 11/12, Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 13. Theo nội dung phiên họp, dự thảo hướng dẫn thi hành nghị quyết lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm được bàn thảo vào chiều 12/12.
Theo nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, tại kỳ họp thứ 5 khai mạc vào tháng 5/2013, Quốc hội sẽ bắt đầu lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND phê chuẩn.
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (đứng) phát biểu tại buổi họp sáng 11/12. Ảnh:N.Hưng.
Các chức danh này gồm: Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng, các phó thủ tướng, bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước.
Nhiều nội dung cũng được bàn thảo tại phiên họp thứ 13, như cho ý kiến về dự thảo (lần 2) sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo; các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Video đang HOT
Tại phiên họp này, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối. Tờ trình về nội dung này sẽ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình bày, trách nhiệm thẩm tra được giao cho Ủy ban Kinh tế.
Sau khi thảo luận, Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thông qua nghị quyết về việc thực hiện thu, chi tiền lãi dầu khí nước chủ nhà được chia từ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro và các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí theo tờ trình của Chính phủ.
Theo VNE
Lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch nước, Thủ tướng từ năm tới
Thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm sáng nay (21/11), Quốc hội thống nhất khuôn lại phạm vi, chỉ tiến hành lấy phiếu, bỏ phiếu ở Quốc hội đối với các chức danh lãnh đạo cao nhất của nhà nước trong nhóm 49 người đề xuất trước đó.
Việc lấy phiếu tín nhiệm "khuôn lại" trong nhóm lãnh đạo cấp cao được đa số đại biểu tán thành (ảnh: Việt Hưng).
Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trước khi đưa ra biểu quyết do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ký nêu rõ, qua thảo luận tại tổ và tại Hội trường, nhiều vị đại biểu đề nghị thu gọn phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm, không tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ban của Hội đồng nhân dân.
Kết quả thăm dò ý kiến, chỉ có 46/379 vị đại biểu Quốc hội tán thành việc lấy phiếu tín nhiệm với phạm vi đối tượng cán bộ đến diện 380 người như thể hiện trong dự thảo Nghị quyết trước đó. Với 332/379 vị đại biểu đề nghị, phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội đã được thu gọn đáng kể.
Vì vậy, UB Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết theo hướng quy định cụ thể ngay phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Quốc hội đã thông qua nội dung này với gần 94% "phiếu thuận". Cụ thể, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, chủ nhiệm các UB của Quốc hội, các thành viên khác của UB thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.
HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch hội đồng nhân dân, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, uỷ viên thường trực hội đồng nhân dân, trưởng ban của hội đồng nhân dân; chủ tịch ủy ban nhân dân, phó chủ tịch ủy ban nhân dân, các thành viên khác của ủy ban nhân dân.
Việc lấy phiếu tín nhiệm được tổ chức định kỳ hàng năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ. Riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016, việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013.
Về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, UB thường vụ Quốc hội sẽ gửi báo cáo của người được lấy phiếu và báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm của UB TƯ Mặt trận Tổ quốc VN (nếu có) đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.
Chậm nhất là 10 ngày trước ngày Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội có thể gửi văn bản đến người được lấy phiếu tín nhiệm yêu cầu làm rõ hơn những nội dung thuộc căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm. Người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm trả lời bằng văn bản yêu cầu mà đại biểu đã nêu trước ngày lấy phiếu tín nhiệm.
Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp".
Nội dung này cũng nhận được 92,77% phiếu thuận của các đại biểu khi bấm nút biểu quyết.
Về vấn đề hệ quả đối với người bị đánh giá tín nhiệm thấp, Nghị quyết nêu rõ, người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức. Người có trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì UB thường vụ Quốc hội, thường trực HĐND trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.
Về quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến của mình trước Quốc hội. Phiếu tín nhiệm khi đó cũng chỉ thể hiện hai mức độ: "tín nhiệm", "không tín nhiệm".
Người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND bỏ phiếu "không tín nhiệm" thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với người không được Quốc hội, hội đồng nhân dân tín nhiệm.
Nội dung này có hơn 94% đại biểu tán thành, chỉ 5 đại biểu bỏ "phiếu chống" (tương đương 1%).
Cuối cùng, biểu quyết để thông qua toàn bộ nội dung Nghị quyết, Quốc hội cũng tán thành rất cao với 95,18% phiếu thuận, chỉ 3 đại biểu không tán thành (chiếm 0,6%).
Theo Dantri
Cử tri lo ngại lấy phiếu tín nhiệm chỉ là hình thức Ủng hộ việc Quốc hội thông qua nghị quyết bỏ phiếu tín nhiệm và luật phòng chống tham nhũng sửa đổi, tuy nhiên nhiều cử tri Hà Nội lo ngại việc triển khai sẽ không hiệu quả. Trong cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tại quận Hai Bà Trưng ngày 28/11, cử tri Phan Văn Bằng...