Thường vụ Quốc hội bàn về nợ công: “Có người trả nợ, sẽ dễ làm ẩu”
“ Nợ công tăng nhanh là thực tế khách quan. Chúng ta khả năng thì có hạn, nhu cầu chi tiêu lớn, nhưng quyết chi tiêu theo nhu cầu trong khi tăng trưởng kinh tế thì thấp” – Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói như vậy khi giải trình về vấn đề nợ công tăng cao.
“Nợ công tăng nhanh là đúng rồi!”
Ngày 20.3, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), nhiều thành viên đã đặt câu hỏi nợ công tăng nhanh là do luật hạn chế hay do tổ chức thực hiện, thông lệ quốc tế về vấn đề này thế nào?
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: Nợ công tăng nhanh trước hết là do chúng ta. Giai đoạn 2011 – 2015, tăng trưởng kinh tế của chúng ta đặt ra theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI là 7,5%. Sau đó tình hình suy giảm kinh tế thế giới, chúng ta mới điều chỉnh lại mức tăng trưởng từ 6,5 đến 7%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định nợ công của Việt Nam tăng nhanh trước hết do điều hành. Ảnh: T.L
“Nhưng thực tế cả nhiệm kỳ chúng ta chỉ thực hiện đạt được 5,9%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế là như vậy, trong khi đảm bảo các yêu cầu khác như an sinh xã hội, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ theo Nghị quyết của T.Ư và Quốc hội, do đó trong thời gian dài bội chi của ta rất cao” – Bộ trưởng Dũng cho biết.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm, việc giải ngân vốn ODA cũng tăng nhanh, và bội chi lên đến 5,6 -5,7%, là quá cao. “Theo Luật Ngân sách cũ, ngoài khoản bội chi này, chúng ta còn phát hành thêm trái phiếu chính phủ 330.000 tỷ đồng, cho nên tổng vay của cả giai đoạn là 1,4 triệu tỷ đồng. Như vậy nợ công tăng nhanh là đúng rồi” – Bộ trưởng Dũng nói.
Người đứng đầu ngành tài chính cho biết thêm, trong điều hành, rõ ràng sự phối hợp giữa các cấp, đặc biệt là các ngành chưa ăn ý. “Chúng tôi trình phương án điều hành thống nhất tập trung, đã được Thủ tướng ủng hộ. Nhưng khi ra Chính phủ bỏ phiếu thì không thông qua nên phải theo cơ chế điều hành tập thể” – Bộ trưởng Dũng cho biết.
Video đang HOT
Lo ngại đưa nợ doanh nghiệp vào nợ công
“Nếu mở rộng đối tượng thì tạo suy nghĩ có Chính phủ lo cho rồi thì làm bừa, làm ẩu, không khéo làm loạn nền kinh tế.” Ông Võ Trọng Việt
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Đào Quang Thu nói thêm: Vừa qua nợ công tăng nhanh chủ yếu do điều hành và sử dụng nợ công. Sử dụng nợ công liên quan đến đầu tư kém hiệu quả. “Để giải quyết vấn đề không phải ở luật này mà chủ yếu ở Luật Đầu tư công và một phần ở Luật Xây dựng. Đầu tư của chúng ta vượt quá khả năng của nền kinh tế” – Thứ trưởng Thu cho hay.
Một trong những vấn đề được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý là quy định về phạm vi điều chỉnh mà dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Dự thảo luật quy định về phạm vi nợ công theo hướng giữ nguyên quy định của luật hiện hành. Theo đó, nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đặt vấn đề: Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có phải khu vực công không? Nếu xếp Ngân hàng Nhà nước, DNNN vào khu vực công thì nợ của những tổ chức đó dù có bảo lãnh hay không Nhà nước cũng phải có trách nhiệm. “Khi những anh này bị phá sản thì tài sản của Nhà nước bị mất. Vì trách nhiệm và uy tín của Nhà nước thì Nhà nước cũng phải ra bảo lãnh và trả nợ. Ví dụ trường hợp Vinashin, Vinalines, nếu họ phá sản, khoản nợ để lại Chính phủ phải trả” – ông Bình bày tỏ.
Trong khi đó, Thượng tướng Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho rằng: Nếu mở rộng thêm đối tượng như nợ của DNNN vào nợ công thì rất nguy hiểm. “Nếu mở rộng đối tượng thì tạo suy nghĩ có Chính phủ lo cho rồi thì làm bừa, làm ẩu, không khéo làm loạn nền kinh tế. Cái gì cũng có hai mặt, nhưng theo tôi, khoanh rõ phạm vi với 3 đối tượng như dự thảo là phù hợp” – Tướng Việt nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu quan điểm, cần tính đến xử lý hậu quả khi không đưa nợ của DNNN vào nợ công, vì đây là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối nên các khoản nợ này về bản chất Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm.
Theo Danviet
Không cho phép dùng tiền ngân sách "cứu" doanh nghiệp Nhà nước
Với tỷ lệ 86,64% phiếu tán thành, sáng nay (9/11) Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, trong đó nêu rõ "không sử dụng ngân sách Nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại Nhà nước".
Quang cảnh hội trường Quốc hội (ảnh: Quochoi.vn)
Ngân sách không được dùng để tái cơ cấu DNNN và xử lý nợ xấu
Sáng nay (9/11), với 86,64% phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm (trong đó có nội dung mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020).
Theo đó, định hướng trong 5 năm từ 2016 đến 2020, hoạt động thu ngân sách Nhà nước (NSNN) sẽ hạn chế tối đa việc đề ra các chính sách làm giảm thu ngân sách, khai thác tốt nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp...
Trong khi đó, trong hoạt động chi sẽ điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công tăng bình quân khoảng 7%/năm; căn cứ tình hình thực tế, mức điều chỉnh cụ thể sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định trong dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm.
Về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, nội dung Nghị quyết nêu, giai đoạn này sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để chống thất thu, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, chống thất thoát, lãng phí trong chi ngân sách Nhà nước, đặc biệt là trong chi đầu tư xây dựng cơ bản.
Đồng thời, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý, thu, chi ngân sách Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và đơn vị trong việc quản lý ngân sách Nhà nước.
Cùng với việc nghiên cứu việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu, quản lý vốn Nhà nước, giai đoạn 2016-2020 cũng thực hiện rà soát cơ chế quản lý tài chính đối với một số doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước đảm bảo theo đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các Luật về thuế.
Đáng chú ý, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ "không sử dụng ngân sách Nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại Nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế". Các khoản vay mới chỉ thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động lên quy mô nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn.
Dành tối đa 2 triệu tỷ đồng trong 5 năm cho đầu tư phát triển
Mục tiêu đặt ra cho giai đoạn đến 2020 là phấn đấu tổng thu NSNN cả giai đoạn 2016-2020 khoảng 6,86 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 1,65 lần so với giai đoạn 2011-2015; bảo đảm tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước không thấp hơn 23,5%GDP. Trong đó thuế, phí, lệ phí khoảng 21%GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 84-85% tổng thu NSNN.
Đồng thời, từng bước cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tích cực. Tổng chi NSNN cả giai đoạn 2016 - 2020 khoảng trên 8 triệu tỷ đồng, trong đó, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25-26% tổng chi ngân sách Nhà nước (tối đa 2 triệu tỷ đồng trong 5 năm); giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi ngân sách Nhà nước. Ưu tiên đảm bảo chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia.
Nghị quyết cũng đặt mục tiêu đưa tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương không quá 3,7% GDP và bội chi ngân sách địa phương không quá 0,2% GDP. Phấn đấu giảm mạnh bội chi ngân sách nhà nước để đến năm 2020 không quá 3,5% GDP, nhằm thực hiện cân đối NSNN tích cực, bảo đảm nợ công trong giới hạn cho phép.
Đáng chú ý, Nghị quyết nêu rõ, nợ công hàng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia dưới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% so với tổng thu NSNN hàng năm.
Bích Diệp
Theo Dantri
Các "siêu dự án" lãng phí, thất thoát: Không thể cứ "bắn chỉ thiên" mãi Đặt vấn đề trong bối cảnh nguồn lực ngân sách hạn hẹp, khó khăn nhưng vẫn còn tình trạng nhiều dự án nghìn tỷ, hoạt động không hiệu quả rồi "đắp chiếu", bỏ hoang, đại biểu Quốc hội cho rằng, phải nêu được đích danh dự án, quy được trách nhiệm cụ thể cho các cá nhân chứ không thể chỉ nêu chung...