Thương vụ ‘đắng’ đầu tư vào OceanBank
Các đối tác chiến lược mất hàng trăm tỷ đồng đầu tư do hàng loạt sai phạm trong quản lý của lãnh đạo OceanBank.
Hôm nay, ngày thứ 6 xét xử sơ thẩm sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương – OceanBank, TAND Hà Nội tập trung thẩm vấn các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về góp vốn đầu tư, nhận lãi suất ngoài hợp đồng…
Theo tài liệu công bố, đến ngày 31/3/2014, OceanBank có vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng với hơn 1.100 cổ đông. 4 cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ là Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm 20%; Công ty CP Tập đoàn đại dương (OGC) chiếm 20%, Công ty TNHH VNT chiếm 20% và Công ty CP Đầu tư và xây dựng Sông Đà chiếm 6,65%. Riêng ông Hà Văn Thắm chủ tịch HĐQT OceanBank đã sử dụng những công ty và cá nhân có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp để nắm giữ gần 63% cổ phần.
OceanBank nợ xấu gần 15.000 tỷ đồng, trước thuế lỗ hơn 10.000 tỷ đồng, âm vốn 249% vốn chủ sở hữu. Ngày 6/5/2015, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại OceanBank với giá 0 đồng và đổi tên thành Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Đại Dương.
Đại diện PVEP tại phiên tòa hôm nay.
Là nơi xảy ra vi phạm của vụ án, đại diện OceanBank đề nghị kê biên tài sản của hàng loạt cá nhân có liên quan để đảm bảo thi hành án, tạm giữ toàn bộ tài sản đảm bảo, cầm cố của bên thứ 3. Trong số này có 250 tỷ đồng của ông Trần Văn Bình tại Công ty Trung Dung…
Về quyền lợi cổ đông, đại diện OceanBank cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại 0 đồng và đổi tên thành Ngân hàng thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương, chủ sở hữu cũ sẽ không còn quyền lợi nào. Cạnh đó, tư cách cổ đông cũ, cùng toàn bộ số cổ phần đã được chuyển sang chủ sở hữu Nhà nước, và bán với giá 0 đồng. Tuy nhiên, những người giao dịch với OceanBank trước đó vẫn được đảm bảo mọi nghĩa vụ và do Ngân hàng Nhà nước lo.
Trước phần trả lời trên của đại diện OceanBank, chủ tọa thẩm vấn đại diện của PVN về khoản đầu tư 800 tỷ đồng của tập đoàn này và nhận câu trả lời rằng: “Ngân hàng Nhà nước đơn phương mua lại OceanBank với giá 0 đồng nên không có trách nhiệm gì phán xét”. Việc đầu tư vốn vào OceanBank, PVN làm đúng các quy định của pháp luật
Video đang HOT
Đại diện Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí – PVEP, cho hay đơn vị có gửi tại OceanBank nhiều khoản, trong đó nhiều tới 200 tỷ đồng, còn “vừa vừa là vài tỷ”. Trả lời về nhận lãi ngoài hợp đồng, vị đại diện khẳng định, từ năm 2011 đến khi vụ án bị khởi tố, đơn vị “không nhận bất cứ đồng nào”.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Trà My (cán bộ OceanBank) trước đó trả lời chủ tọa cho hay đã 4 lần gặp trực tiếp ông Hùng – người của đơn vị này – để chuyển hơn 11 tỷ đồng. “Lúc đó bị cáo đang mang bầu, việc đưa tiền chỉ khoảng 30 giây nên chắc anh Hùng không nhớ”, bà Trà My nói.
Ngoài ra, Công ty CP đầu tư và xây dựng Sông Đà cũng mất trắng hàng trăm tỷ đồng khi góp vốn vào OceanBank. Bởi toàn bộ cổ phần của các đại gia trên đã được Ngân hàng Nhà nước mua với giá 0 đồng và hiện do cơ quan này quản lý.
Phiên tòa chiều nay tiếp tục với sự tham gia thẩm vấn của VKS và các luật sư.
Việt Dũng
Theo VNE
Ông Hà Văn Thắm bị tố đe dọa để thâu tóm TrustBank
Nhóm cổ đông lớn của Ngân hàng Đại Tín khai rằng cựu chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm đã gửi thư "vạch" các sai phạm với mục đích đe dọa để Đại Tín bán cổ phần và ép vay 500 tỷ đồng.
Hôm nay, TAND Hà Nội tiếp tục thẩm vấn bị cáo Hà Văn Thắm (cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương - OceanBank) về việc mua lại ngân hàng Đại Tín - TrustBank và khoản cho vay 500 tỷ đồng khiến OceanBank thiệt hại nặng nề.
Bị cáo Hà Văn Thắm bị áp giải tại tòa. Ảnh: Giang Huy
Cáo buộc của cơ quan công tố thể hiện, năm 2012, vì muốn thâu tóm TrustBank, ông Thắm gặp bà Hứa Thị Phấn (cổ đông lớn của ngân hàng này) đề nghị chuyển giao. Sau đó, nhóm bà Phấn ký hợp đồng kinh tế với ông Thắm để bán lại hơn 84% cổ phần của TrustBank song phải cam kết thực hiện một số nội dung trong hợp đồng. Tuy nhiên, ông Thắm không thực hiện.
Có mặt tại tòa, đại diện ủy quyền của nhóm bà Hứa Thị Phấn cho hay, để có quyết định giao toàn bộ hơn 84% cổ phần "nhanh gọn, khó hiểu" là do bị cáo Thắm đã đe dọa Đại Tín. Việc này có một số thư điện tử được lưu giữ làm bằng chứng. Vì lo sợ, bà Phấn huy động cổ phần trong con cháu giao cho ông Thắm.
Các điều khoản kinh tế trong hợp đồng rất lâu không thấy ông Thắm có động thái gì. Khi nhóm bà Phấn có ý kiến, ông Thắm mới đưa một số người của OceanBank vào tiếp quản. Song nhóm này cũng không giúp TrustBank giảm được tình hình nợ xấu.
"Lúc đó, có nhiều đối tác muốn mua nên bà Phấn có xin lại các cổ phần", đại diện nhóm bà Phấn trình bày. Sau đó, ông Thắm giới thiệu ông Phạm Công Danh (chủ tịch tập đoàn Thiên Thanh) mua lại TrustBank và cũng là người giao số cổ phần cho ông Danh.
Trước việc tố cáo trên, ông Thắm trình bày, sau khi tìm hiểu thực trạng, đánh giá sai phạm của bà Phấn trong quản lý Đại Tín, bằng kinh nghiệm bị cáo nói: "Bản thân cô không làm được, cô nên chuyển nhượng". Cựu chủ tịch HĐQT cho rằng đó không phải là "những lời lẽ ép buộc".
Ông Phạm Công Danh bị đưa tới tòa với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Ảnh: Giang Huy
Về việc ông Thắm khai yêu cầu trước khi ký kết Đại Tín phải phong tỏa khoản 500 tỷ đồng, đại diện Ngân hàng Xây dựng (đổi tên từ Đại Tín sau khi vào tay ông Phạm Công Danh) cho rằng chỉ nhận được bản photocopy từ năm 2014, đến nay chưa có biên bản chính. Đại Tín không nhận bất cứ một khoản tiền nào chuyển vào.
Ông Phạm Công Danh (mang án 30 năm tù trong vụ việc khác) được triệu tập đến tòa cũng cho hay không biết khoản tiền 500 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản của mình. Thời điểm tiếp quản Đại Tín, nhà băng này nợ xấu tới 95% nên phải tìm cách giải quyết. "Nếu không có 500 tỷ đồng từ OceanBank, tôi không thể điều hành được Đại Tín", ông Danh nói.
Có mặt với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, ông Trần Văn Bình, người ký hợp đồng vay 500 tỷ đồng giữa Công ty Trung Dung với OceanBank cho biết chỉ là lái xe trong tập đoàn Thiên Thanh. Khi được ông Danh nhờ đứng tên trong hợp đồng mà không biết để làm gì, "chỉ biết đưa thì tôi ký và không đọc hồ sơ".
Cựu tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: Giang Huy
Cũng trong hôm nay, HĐXX thẩm vấn với các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thắng (cháu của ông Sơn), Hà Văn Thắm, Phạm Hoàng Giang về hành vi liên quan lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cáo buộc cho thấy, khi đương chức tổng giám đốc OceanBank, ông Sơn có bàn bạc với Thắm về việc chi ngoài lãi suất khoản "chăm sóc" với những khách hàng thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam - PVN. Thông qua công ty BSC của ông Thắm, nhiều khách hàng muốn vay tiền tại OceanBank đã phải đóng thêm các khoản phí. Ông Sơn đã nhận gần 70 tỷ đồng từ ông Thắm, các nhân viên OceanBank và Công ty BSC chuyển.
Trước vành móng ngựa, ông Thắm đồng tình với cáo buộc. Ông Sơn không thừa nhận.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục làm việc.
Việt Dũng
Theo VNE
Ông Hà Văn Thắm gây áp lực, ép cấp dưới chi tiền lãi 'quá tay' Do sếp lớn tuyên bố "anh chị nào không huy động được tiền, không làm được việc thì đứng ra một bên", các giám đốc chi nhánh OceanBank tích cực thực hiện chủ trương chi tiền ngoài lãi suất để giữ chân khách hàng. Ngày 3/3, tiếp tục thẩm vấn sai phạm về cố ý làm trái quy định của Nhà nước về...