Thương vong vì ăn thịt cóc, chuyên gia chống độc khuyến cáo
Theo chuyên gia chống độc, các bộ phận như da, trứng, gan, mật của cóc chứa chất độc bufotoxin cực kỳ nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu ăn phải.
Tử vong vì ăn thịt cóc
Gần đây, một số người thương vong vì ăn thịt cóc và bị ngộ độc. Mới nhất, ngày 19/11, cháu Y.T.N. (11 tuổi, trú xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) tự làm thịt cóc, nấu lên rồi cho em gái (5 tuổi) cùng ăn.
Sau khi ăn, 2 anh em N. bị ngộ độc, biểu hiện khó thở, tím tái và được người thân phát hiện, đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, N. tử vong, em gái của N ngộ độc nặng.
Theo chuyên gia chống độc, TS. Nguyễn Lương Kỷ – Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Khánh Hòa, nhiều trường hợp ngộ độc nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, tử vong do việc sử dụng thịt cóc làm thực phẩm. Dù thịt cóc được biết đến là nguồn dinh dưỡng tốt, nhưng nếu không chế biến đúng cách, các bộ phận chứa độc tố của cóc có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể, các bộ phận như: da, trứng, gan, mật của cóc có chứa chất độc bufotoxin cực kỳ nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu ăn phải.
Người dân không ăn trứng, gan, mật của cóc để tránh bị ngộ độc.
Video đang HOT
Chuyên gia chống độc khuyến cáo
“Để tránh ngộ độc thịt cóc và các hậu quả đau lòng, người dân không tự chế biến thịt cóc tại nhà vì việc sơ chế đòi hỏi kỹ thuật cao. Hãy ưu tiên các thực phẩm an toàn và dễ chế biến hơn để bảo vệ sức khỏe. Tuyệt đối tránh ăn gan, mật, da, trứng hoặc bất kỳ phần nào của cóc mà không được xác định là an toàn. Nếu không chắc chắn về an toàn thực phẩm, không nên mạo hiểm sử dụng thịt cóc.
Nếu đã ăn thịt cóc mà có các biểu hiện: nôn mửa, co giật, khó thở, hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.
Sức khỏe và tính mạng của mỗi người là vô giá. Đừng vì những thông tin không chính xác về tác dụng của thịt cóc mà mạo hiểm”, TS. Nguyễn Lương Kỷ khuyến cáo.
Ngộ độc do ăn thịt cóc và khuyến cáo từ chuyên gia
Dù đã có nhiều thông tin cảnh báo về nguy cơ ngộ độc thịt cóc gây tử vong nhưng ở một số địa phương, người dân vẫn sử dụng cóc làm món ăn.
Mới đây nhất tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu (Nghệ An) vừa xảy vụ ngộ độc trứng cóc khiến người bố tử vong, người con đang điều trị tích cực.
1. Ăn thịt cóc vì bổ dưỡng?
Cóc là động vật lưỡng cư, thuộc họ Bufonidae có nhiều loài khác nhau, cư trú ở khắp nơi trên thế giới. Thịt cóc rất giàu dinh dưỡng, cao hơn thịt bò, thịt lợn (53,37% protid, 12,66% lipid, rất ít glucid), đặc biệt có nhiều acid amin cần thiết và nhiều nguyên tố vi lượng như mangan, kẽm...
Trong dân gian vẫn cho rằng thịt cóc rất giàu dinh dưỡng và ăn thịt cóc tốt cho trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, chậm lớn. Một số người dùng thịt cóc để làm thực phẩm bổ dưỡng cho người cao tuổi; hỗ trợ, tăng cường dinh dưỡng sau ốm dậy; hỗ trợ điều trị trẻ em suy dinh dưỡng, chán ăn, chậm lớn, còi xương, cam tích, lở ngứa... Thịt cóc được chế biến dưới dạng ruốc, bột hoặc thịt tươi dùng để nấu cháo, làm chả cóc...
Thịt cóc có nhiều chất dinh dưỡng nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc rất cao.
Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, dù có những lợi ích về sức khỏe nhưng thịt cóc cũng có những nguy cơ rất lớn đe dọa đến sức khỏe và tính mạng. Một trong những nguy cơ đó là ngộ độc do ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố (do nhựa cóc, gan, mật bị nát dính trên thịt cóc) và có trường hợp do ăn gan, trứng cóc.
Các bộ phận của cóc có thể gây độc bao gồm da, trứng cóc, nhựa mủ cóc từ tuyến sau tai và tuyến trên da cóc. Những độc tố ở một số bộ phận cơ thể chúng như nhựa cóc, gan và trứng cóc khi ăn vào gây ngộ độc cấp tính, tỷ lệ tử vong rất cao. Nếu nhựa cóc bắn dính vào trực tiếp niêm mạc mắt xuất hiện bỏng rát, phù nề niêm mạc...
2. Biểu hiện ngộ độc khi ăn thịt cóc
Theo các chuyên gia, độc tố của cóc (nhựa cóc) chứa các glycosid tim nhóm bufadienolid và các alkaloid như bufagin, bufotoxin, các hợp chất sterol cholesterol, campesterol,... Các chất độc tập trung chủ yếu ở da, trứng và hai bên mang tai của cóc, khi ăn vào có thể gây nôn mửa, tiêu chảy, ảo giác, nặng hơn có thể gây ngừng tim và tử vong.
Trong nhựa cóc có nhiều chất độc gọi chung là bufotoxin (độc tố cóc), thành phần chính xác thay đổi tùy theo loại cóc. Trong bufotoxin gồm nhiều độc chất như: bufagin, bufotalin, bufotenine, bufothione, adrenalin, noradrenalin và serotonin. Tác động sinh học của độc tố tùy theo cấu trúc hóa học: bufagin tác động đến tim mạch như nhóm glycoside tim mạch; bufotenine gây ảo giác; serotonin gây hạ huyết áp...
Các bộ phận có độc của con cóc.
Thành phần độc tố thay đổi tùy theo loài cóc. Độc tố xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa gây ra ngộ độc cấp tính. Nếu ăn phải sẽ khiến tim đập nhanh, tăng huyết áp,... có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Độc tố cóc còn gây ảo giác, ảo tưởng hay rối loạn nhân cách.
Triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện từ 30 phút - 2 giờ sau khi ăn thịt cóc nhiễm độc. Người bị ngộ độc thường gặp các biểu hiện rối loạn tiêu hóa như đau bụng, nôn mửa, buồn nôn dữ dội.
Kèm theo đó là triệu chứng rối loạn tim mạch như lúc đầu huyết áp tăng cao, nhịp tim nhanh, có thể do bufotenine. Sau đó, cơn nhịp nhanh thất, rung thất, trụy mạch. Dấu hiệu thần kinh và tâm thần do độc tố bufotenine có thể gây ảo giác, ảo tưởng, rối loạn nhân cách. Với liều cao hơn có thể ức chế trung tâm hô hấp gây ngưng thở. Gây tổn thương thận, vô niệu, viêm ống thận cấp.
Ngộ độc do độc tố cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao nên cần phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu kịp thời ở những trung tâm y tế mới có hiệu quả. Nếu may mắn được cứu sống, bệnh nhân vẫn phải chịu các di chứng nặng nề như ảnh hưởng trên thần kinh, suy thận,...
3. Các khuyến cáo của chuyên gia
Theo BSCKII Phạm Ngọc Quy - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Nghệ An, để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do độc tố trong cóc, người dân nên thực hiện các khuyến cáo sau:
An toàn nhất là loại bỏ thịt cóc ra khỏi nguồn thực phẩm, không ăn thịt cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc.
Tuyệt đối không được vớt trứng cóc hoặc các sản phẩm nội tạng động vật (không rõ loại) ở các ao, hồ, sông ngòi,... về sử dụng làm thực phẩm.
Nếu phát hiện có dấu hiệu ngộ độc cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức phòng ngừa ngộ độc do các độc tố tự nhiên trong thực phẩm. Đặc biệt khuyến cáo người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các loài động vật, thực vật có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ quả lạ, côn trùng lạ, cóc, cá nóc,... để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc.
Chướng bụng, chủ quan không đi khám, cụ ông bất ngờ phát hiện có khối u gan Thấy chướng bụng khó tiêu, nghĩ bệnh tuổi già, cụ ông 70 tuổi ở Quảng Ninh không đi khám. Tới khi cơn đau dữ dội, quặn thắt tới mức không thể đi lại, cụ ông được đưa vào viện cấp cứu và phát hiện khối u gan lớn đã vỡ. Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng...