Thượng viện Pháp nhất trí tăng tuổi nghỉ hưu lên 64
Ngày 8/3, với 201 phiếu thuận và 115 phiếu chống, Thượng viện Pháp đã thông qua kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm, lên 64 tuổi, trong bối cảnh chính phủ tiến hành cải cách quy mô lớn hệ thống lương hưu.
Một phiên họp của Thượng viện Pháp. Ảnh tư liệu: Reuters
Theo kế hoạch, trong ngày 9/3, Thượng viện Pháp sẽ tiếp tục thảo luận về một điều khoản sửa đổi gây tranh cãi trong dự luật này. Hạn chót để cơ quan này hoàn thiện dự luật là cuối ngày 12/3.
Kế hoạch cải cách chế độ hưu trí đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi tại Pháp. Làn sóng biểu tình mới phản đối cải cách đã diễn ra trên quy mô lớn tại Pháp từ ngày 7/3, khiến giao thông đường sắt, hàng không, hoạt động vận chuyển nhiên liệu bị gián đoạn, trong khi các cảng biển quan trọng cũng bị phong tỏa. Nhiều nghiệp đoàn lao động đã kêu gọi Tổng thống Emmanuel Macron đảo ngược kế hoạch cải cách chính sách hưu trí mà ông đang theo đuổi.
Tổng thống Macron đã đưa vấn đề cải cách chính sách hưu trí vào trọng tâm chương trình nghị sự, với lập luận rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu (từ 62 lên 64) và siết chặt các yêu cầu đối với người lao động để được hưởng lương hưu đầy đủ là điều cần thiết để giữ cho hệ thống lương hưu không bị thâm hụt.
Tuy nhiên, các nghiệp đoàn cho rằng các biện pháp đề xuất không công bằng đối với người lao động trình độ thấp làm các công việc nặng nhọc và bắt đầu đi làm sớm. Theo một cuộc khảo sát do tổ chức thăm dò dư luận Elabe công bố ngày 6/3, gần 2/3 số người được hỏi ủng hộ các hoạt động phản đối cải cách trên.
Tại hầu hết các nước láng giềng châu Âu của Pháp, tuổi nghỉ hưu của người lao động hiện là 65 tuổi trở lên.
Video đang HOT
Bất bình tuổi nghỉ hưu, các công đoàn đe dọa 'đóng cửa' nền kinh tế Pháp
Đường sá bị phong tỏa, các nhà máy lọc dầu bị gián đoạn, máy bay và tàu hỏa ngừng hoạt động - các công đoàn đang đe dọa đóng cửa nền kinh tế Pháp trong chiến dịch đáp trả cứng rắn nhất đối với kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của Tổng thống Emmanuel Macron.
Người biểu tình tuần hành ở Paris phản đối kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí của chính phủ. Ảnh: EPA
Hơn 1,2 triệu người biểu tình đã tuần hành ở Pháp ngày 7/3 khi công nhân đường sắt và nhân viên nhà máy lọc dầu bắt đầu đình công và các tổ chức công đoàn đẩy mạnh chiến dịch ngăn chặn kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu lên 64 của Chính phủ Pháp.
Đây là lần thứ sáu kể từ đầu năm, các tổ chức công đoàn kêu gọi tổ chức đình công và biểu tình trên toàn quốc. Nhiều cuộc biểu tình phản đối thu hút đám đông lớn hơn so với những cuộc biểu tình trước đó được tổ chức kể từ giữa tháng 1, bao gồm cả ở Marseille, một trong những thành phố lớn nhất của Pháp.
Anh Fabrice Michaud, thuộc chi nhánh công nhân đường sắt của công đoàn CGT, cho biết: "Ý tưởng là đưa nước Pháp vào tình trạng bế tắc".
Các công đoàn đường sắt kêu gọi đình công luân phiên, không có kết thúc, có thể ảnh hưởng đến tất cả các chuyến tàu hỏa quốc gia cũng như các tuyến quốc tế bao gồm cả Eurostar. Nhân viên thu gom rác và tài xế xe tải đã tham gia hành động.
Vào giữa trưa 7/3, khoảng 39% công nhân tại công ty điều hành đường sắt nhà nước SNCF đã đình công - con số cao nhất kể từ cuộc đình công đầu tiên phản đối những thay đổi về lương hưu vào ngày 19/1.
Xe buýt đô thị và tàu điện ngầm ở các thành phố lớn bị ảnh hưởng. 30% các chuyến bay bị hủy vào ngày 7 và 8/3 khi các kiểm soát viên không lưu đình công. Khoảng 24% công nhân khu vực công ngừng làm việc và nhiều trường học đóng cửa khi giáo viên tổ chức đình công. Một số sinh viên, bao gồm cả tại Đại học Rennes 2 ở Brittany, bắt đầu phong tỏa các khoa vào tối 6/3.
Công nhân nhà máy lọc dầu và năng lượng cũng tham gia đình công. Công đoàn CGT cho biết việc cung cấp nhiên liệu từ các nhà máy lọc dầu trên khắp nước Pháp đã bị chặn từ sáng thứ Ba, điều này có thể khiến các trạm xăng cạn kiệt nếu các cuộc biểu tình tiếp tục.
Một phụ nữ đi ngang qua các áp phích ghi "Không nghỉ hưu ở tuổi 64" ở Saint Pee sur Nivelle, tây nam nước Pháp ngày 6/3/2023. Ảnh: AP
"Chính phủ phải tính đến sự kháng cự này khi có quá nhiều người xuống đường, khi chính phủ gặp quá nhiều khó khăn trong việc giải thích và thông qua cải cách của họ", ông Laurent Berger, người đứng đầu liên minh CFDT ôn hòa, cho biết tại một cuộc biểu tình ở Paris.
Những hành động phản kháng đầu tiên đã bắt đầu từ ngày 6/3, khi những người lái xe tải chặn các trục đường cao tốc chính và giao nhau ở một số vùng bằng hành động đi chậm, tiếng Pháp gọi là "Escargot" (nghĩa là "ốc sên"). Vào tối hôm đó, các công đoàn bắt đầu thực hiện kế hoạch đình công không giới hạn đối với dịch vụ đường sắt quốc gia.
Chính phủ Pháp đối mặt với sự gián đoạn lớn nhất vào ngày 7/3, khi các cuộc đình công xảy ra trên nhiều lĩnh vực và các cuộc biểu tình được lên kế hoạch tại các thành phố trên khắp nước Pháp để phản đối dự luật hưu trí. Cải cách - theo đó sẽ nâng tuổi hưởng lương hưu chính thức từ 62 lên 64 và yêu cầu 43 năm làm việc để hưởng lương hưu đầy đủ - hiện đang được tranh luận tại quốc hội.
"Sẽ có tác động rất mạnh" từ các cuộc đình công, Bộ trưởng Giao thông vận tải Clement Beaune cho biết trên đài truyền hình khu vực France-3 hôm 5/3. "Tôi biết rằng đối với nhiều người, đó sẽ là một vấn đề thực sự đau đầu."
Bộ trưởng Lao động Olivier Dussopt, phát biểu trên đài truyền hình FranceInfo hôm 6/3, cho biết "bày tỏ sự bất đồng là chính đáng, nhưng không được dẫn đến việc phong tỏa đất nước, điều này sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế của chúng ta".
Dự luật lương hưu gây tranh cãi là trọng tâm chính sách trong nhiệm kỳ của Tổng thống Macron và những nỗ lực của ông nhằm giữ cho nền kinh tế Pháp có tính cạnh tranh toàn cầu. Chính phủ ôn hòa, thân thiện với doanh nghiệp nói rằng cần phải giữ cho hệ thống lương hưu có khả năng thanh toán khi dân số già đi và tỷ lệ sinh giảm.
Trong khi đó, những người phản đối, mà các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy bao gồm đa số cử tri Pháp, nói rằng những thay đổi này đe dọa các quyền của người Pháp. Họ cho rằng, thay vì nâng tuổi nghỉ hưu, các công ty và những người giàu có nên đóng góp nhiều hơn để duy trì hệ thống hưu trí.
Một người cao tuổi đi qua mảng tường có dòng chữ "Bạn có muốn làm việc đến chết không? Hãy phản kháng - Tổng đình công vào 7/3", ở Strasbourg, miền đông Pháp ngày 5/3/2023. Ảnh: AP
Dự thảo luật đã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi nhất trong nhiều năm qua tại quốc hội Pháp.
Văn bản này hiện đang được thảo luận tại Thượng viện do phe bảo thủ lãnh đạo. Dự luật dự kiến sẽ được bỏ phiếu vào cuối tuần tại thượng viện của quốc hội, nơi Đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ bỏ phiếu cùng với các đồng minh trung dung của Tổng thống Macron để ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu.
Một cuộc thăm dò ý kiến của Ifop thực hiện cho tờ báo Le Journal du Dimanche cho thấy chỉ có 32% người Pháp ủng hộ những thay đổi về chế độ nghỉ hưu của Tổng thống Macron. Một cuộc thăm dò của Elabe cho thấy 56% người dân Pháp ủng hộ các cuộc đình công và 59% ủng hộ lời kêu gọi đưa đất nước vào tình trạng bế tắc.
Tổng thống Pháp công du 4 nước Trung Phi Trong nỗ lực nhằm củng cố tầm ảnh hưởng của Pháp tại Trung Phi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bắt đầu chuyến công du tới 4 nước trong khu vực. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/TTXVN Ngày 1/3, nhà lãnh đạo Pháp đã tới thủ đô Libreville của Gabon và sau đó lần lượt đến các nước Angola, CH Congo và...