Thượng viện Mỹ không trao quyền xúc tiến TPP cho Tổng thống Obama
Đường tới Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ trở nên bất lợi sau khi kết quả bỏ phiếu tại Thượng viện không đủ để quốc hội nước này trao quyền xúc tiến thương mại (TPA) cho Tổng thống Barack Obama.
Tổng thống Obama không được Thượng viện Mỹ trao quyền xúc tiến thương mại – Ảnh: Reuters
Thượng viện Mỹ ngày 12.5 đã đưa dự luật nhằm trao quyền đàm phán nhanh hay quyền xúc tiến thương mại (TPA) về tự do thương mại cho Tổng thống Barack Obama ra bỏ phiếu. Với kết quả 52 phiếu thuận và 41 phiếu chống, dự luật này đã không được thông qua do điều kiện phải có ít nhất 60 phiếu thuận, theo The Wall Street Journal (Mỹ).
Điều đáng nói là trong số 42 thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, chỉ có duy nhất thượng nghị sĩ Tom Carper ủng hộ dự luật này, 41 thượng nghị sĩ còn lại đều bỏ phiếu chống. Điều này khiến báo giới đặt ra thêm vấn đề về quan hệ giữa Tổng thống Obama và đảng Dân chủ của ông.
Nhiều nhà lập pháp đảng Dân chủ và giới công đoàn phản đối vì cho rằng TPP sẽ gây bất lợi cho người lao động và mang lại nhiều tác động về môi trường.
Đạt được TPP với 11 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương (gồm Canada, Úc, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Việt Nam, Singapore, Peru, New Zealand, Chile và Brunei) là một trong những mục tiêu mà ông Obama mong muốn thực hiện trong thời gian nhiệm kỳ làm tổng thống còn lại của mình. Tổng thống Mỹ đang cố gắng thúc đẩy quá trình đàm phán hiệp định này, trong đó có quyền đàm phán nhanh TPA.
Video đang HOT
Nếu được trao TPA, Tổng thống Obama sẽ có toàn quyền đàm phán và thỏa thuận các điều khoản của TPP, tiến tới hoàn tất văn bản của hiệp định này. Lúc đó, Quốc hội Mỹ chỉ có thẩm quyền phê chuẩn hoặc không phê chuẩn hiệp định TPP mà không có quyền sửa chữa, điều chỉnh các điều khoản đó.
Trong khi đó, nếu không có TPA, chính quyền Obama sẽ rất khó để hoàn tất việc mở rộng thỏa thuận thương mại với các đối tác TPP, theo Reuters.
Chính vì sự quan trọng của TPA, ngay sau khi kết quả bỏ phiếu của Thượng viện Mỹ gây bất lợi cho mình, Tổng thống Barack Obama đã có cuộc họp với 10 thượng nghị sĩ đảng Dân chủ để bàn về dự luật TPA nói trên.
The Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cho biết trong cuộc gặp, Tổng thống Obama đã khẳng định việc TPA được thông qua là một bước rất quan trọng để có thể hoàn thành TPP, thỏa thuận thương mại tiến bộ nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Mặc dù phiên bỏ phiếu ngày 12.5 đã gây bất lợi cho chính quyền của Tổng thống Obama, nhưng đây chưa phải là quyết định cuối cùng. Bởi lẽ không phải tất cả phiếu chống đều phản đối toàn bộ dự luật hay hiệp định thương mại. Một số thượng nghị sĩ đã đề xuất việc bỏ phiếu riêng về vấn đề kiểm soát tiền tệ, sau đó mở rộng thảo luận về TPA.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Obama bị thượng viện từ chối cấp quyền đàm phán nhanh TPP
Thượng viện Mỹ hôm qua bỏ phiếu với kết quả chưa đủ số phiếu đồng ý cần thiết để quốc hội nước này xem xét cấp quyền xúc tiến thương mại cho Tổng thống Barack Obama, giúp tăng tốc hoàn thành một thỏa thuận lớn với châu Á.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Reuters.
Cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện kết thúc với 52 phiếu thuận và 45 phiếu chống, thiếu 8 phiếu ủng hộ để có thể đưa dự luật cấp quyền xúc tiến thương mại (TPA), hay còn gọi là quyền đàm phán nhanh, cho tổng thống ra thảo luận chính thức, AFP đưa tin.
Dự luật sẽ cho phép Tổng thống Barack Obama đệ trình Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một hiệp định thương mại Mỹ - châu Âu để Quốc hội bỏ phiếu thông qua mà không thể thay đổi nội dung. Nhà Trắng cho biết họ cần TPA để sớm kết thúc đàm phán TPP với 11 quốc gia châu Á.
Kết quả bỏ phiếu hôm qua đưa ông Obama vào tình thế bất lợi. Tổng thống Obama có thể phải chấp nhận những quy định thực thi thương mại ông không mong muốn để hiệp định thương mại có thể được Thượng viện thông qua. Tuy nhiên, những quy định trên lại ảnh hưởng tới đàm phán TPP.
Chính trị gia đảng đối lập Cộng hòa ủng hộ cấp TPA cho Tổng thống Obama nhưng phe Dân chủ trong Thượng viện lại quay lưng với ông bởi họ tin phương thức này không thể bảo vệ người lao động Mỹ và trừng phạt nạn thao túng tiền tệ. Chỉ duy nhất Thượng nghị sĩ Dân chủ Tom Carper ủng hộ tổ chức thảo luận chính thức.
"Điều phe Dân chủ làm hôm nay là... bán đứng tổng thống của họ", Thượng nghị sĩ Dân chủ John Thune nói.
"Tôi bất ngờ khi họ làm điều đó với tổng thống, về một dự luận có tầm như vậy", Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Orrin Hatch nói. "Đó là dự luật quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của tổng thống".
Phe Dân chủ rút sự ủng hộ lại sau khi Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell từ chối áp dụng TPA với ba dự luật thương mại khác, trong đó có một dự luật nhằm trừng trị thao túng tiền tệ, hành động được nhiều người cho là một trở ngại trong bình đẳng thương mại.
"Chúng ta đều biết kinh tế toàn cầu là một vùng biển dữ. Phe Cộng hòa đang đề nghị chúng tôi thông qua một gói thương mại sẽ khiến người lao động Mỹ phải đi trên vùng biển đó bằng một con thuyền thủng", Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer nói.
Kết quả bỏ phiếu không xóa bỏ TPA nhưng sẽ trì hoãn nó. Thượng nghị sĩ McConnell nói ông muốn nêu vấn đề TPA một lần nữa, sau khi hai phe đạt được đồng thuận.
Như Tâm
Theo VNE
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật can thiệp thỏa thuận hạt nhân Iran Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép quốc hội nước này rà soát và xem xét mọi thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran, đặc biệt trong vấn đề dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Tehran, theo Reuters ngày 8.5. Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cho phép Quốc hội Mỹ rà soát thỏa...