Thượng viện Mỹ gây khó cho Tổng thống Obama về vấn đề Cuba
Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell tuyên bố Quốc hội Mỹ sẽ ngăn cản một số nỗ lực của Tổng thống Barack Obama trong quan hệ với Cuba, từ đề cử đại sứ đến việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế, theo Reuters ngày 13.7.
Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell tuyên bố Quốc hội Mỹ sẽ ngăn cản một số nỗ lực của Tổng thống Barack Obama trong quan hệ với Cuba – Ảnh: Reuters
Trả lời phỏng vấn chương trình truyền hình Fox News Sunday ngày 12.7, lãnh đạo phe đa số tại thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell cho biết thượng viện sẽ không chấp thuận bất cứ ai mà Tổng thống Barack Obama tiến cử làm đại sứ Mỹ tại Cuba.
Bên cạnh đó, ông McConnell còn khẳng định chính quyền Tổng thống Obama sẽ rất khó khăn để dỡ bỏ những lệnh trừng phạt do Quốc hội Mỹ áp đặt nhằm vào Cuba. Ông McConnell nói thêm rằng chính sách này của chính quyền Obama chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối từ phía quốc hội.
Ông McConnell là một trong những người thường xuyên phản đối và chỉ trích các chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama, trong đó có các chính sách đối với Cuba.
Trong khi đó, ông Obama đang thúc đẩy các bước đi bình thường hóa quan hệ với Cuba kể từ khi hai nước khép lại hơn nửa thế kỷ thù địch. Hai nước đã nhất trí mở đại sứ quán ở thủ đô mỗi nước, và Tổng thống Obama đang nỗ lực để có thể dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đối với Cuba.
Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, khi đảng Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát cả thượng viện và hạ viện, các dự định của tổng thống Obama chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong những vấn đề trước nay đảng Cộng hòa không đồng thuận với ông.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
John McCain: Cựu binh Mỹ có nhiều duyên nợ với Việt Nam
Từ một tù binh trong cuộc chiến tranh Việt Nam, phi công hải quân Mỹ John McCain đã trở thành một trong những người thúc đẩy mạnh mẽ nhất bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Trong chính giới Mỹ, ông cũng là người có nhiều duyên nợ với quốc gia cách Mỹ nửa vòng Trái đất.
Video đang HOT
Tù binh năm xưa nay đã là một Thượng nghị sĩ kỳ cựu ở Mỹ và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù trước đây (Ảnh: LA)
Món nợ quá khứ
Tháng 10/1967, khi đang ném bom trên bầu trời Hà Nội, phi cơ A-4E Skyhawk do Thiếu tá phi công hải quân Mỹ John McCain điều khiển bị bắn rơi. Ông bị bắt sau khi bung dù rơi xuống hồ Trúc Bạch và trở thành tù binh chiến tranh trong khoảng 5 năm rưỡi sau đó.
McCain được thả vào tháng 5/1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết.
Sau khi trở về Mỹ, John McCain vẫn tiếp tục phục vụ trong quân ngũ nhưng suy nghĩ và quan điểm về chiến tranh của ông đã thực sự thay đổi.
Trên thực tế, sự thay đổi đó đã được chính McCain chia sẻ một cách chân thực ngay trên giường bệnh khi đang điều trị vết thương sau lần ném bom thúc thủ Hà Nội. Trong cuộc trò chuyện với một nhà văn nổi tiếng khi ấy, phi công McCain - con trai Đô đốc hải quân Chỉ huy Hạm đội VI đeo lon tướng 4 sao - đau đáu nỗi niềm chỉ mong chiến tranh Việt Nam mau kết thúc. Ông cho biết đó là lần cất cánh thứ 23 trong sự nghiệp quân ngũ của mình ở Việt Nam và là sứ mệnh đầu tiên ở Hà Nội.
Sau khi giải ngũ khỏi hải quân năm 1981, McCain tham gia chính trường. Ông được bầu vào Hạ viện một năm sau đó và được bầu vào Thượng viện năm 1986. Ông từng hai lần tranh cử Tổng thống vào các năm 2000 và 2008 nhưng đều thất bại. Hiện ông giữ vị trí Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.
Trong suốt thời gian tham gia chính trường, ông McCain đã khéo léo sử dụng hết số "vốn liếng chiến tranh" của mình để thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Không quá khi nói rằng "Việt Nam đã trở thành những trang đầy chữ trong nhật ký chính trị của McCain".
Ở góc độ quan hệ giữa hai chính phủ, sau khi trở thành một chính trị gia kỳ cựu, McCain luôn tìm cách thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Ông là một trong hai nhân vật năng nổ nhất (cùng với Thượng nghị sĩ John Kerry, nay là Ngoại trưởng Mỹ) hối thúc và vận động các chính quyền Mỹ khi đó bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
McCain khẳng định cần bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, một phần vì "đã đến lúc hàn gắn... đó là một cách để kết thúc chiến tranh, đến lúc nhìn về phía trước", một phần vì đó là điều nên làm vì lợi ích quốc gia của Mỹ. McCain đã sớm nhận thấy chính "mảnh đất hình chữ S" mà khi xưa ông từng nhiều lần lái máy bay cường kích ném bom là một đối trọng đáng giá của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho tiến trình này, ông hối thúc hai bên khởi động các vấn đề nhân đạo như rà phá vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, hỗ trợ những người bị khuyết tật do hậu quả chiến tranh, tẩy độc tại các khu vực bị nhiễm dioxin và thực thi pháp luật...
McCain cũng liên tục thực hiện các chuyến thăm trở lại Việt Nam với lần trở lại đầu tiên vào năm 1985. Trong chuyến thăm này, ông đã tới Đài tưởng niệm được dựng lên ở nơi mà cách đó đúng 18 năm, ông đã được kéo lên từ Hồ Trúc Bạch. Quãng thời gian McCain trở lại Việt Nam nhiều nhất là khi ông làm thành viên Ủy ban Thượng viện đặc trách về vấn đề tù binh và mất tích giai đoạn 1991-1993, một cơ quan có vai trò quan trọng trong việc cải thiện quan hệ giữa hai quốc gia.
Cũng nhờ những nỗ lực và sự vận động hết mình của McCain, cùng với sự ủng hộ của Thượng nghị sỹ John Kerry trong Ủy ban và Tổng thống Bill Clinton (người có tầm nhìn chiến lược về Việt Nam), cả hai chính đảng chi phối chính trường Mỹ (Dân chủ và Cộng hòa) đều đã dần ủng hộ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Kết quả năm 1994, Thượng viện Mỹ thông qua giải pháp do John Kerry và John McCain bảo trợ, kêu gọi chấm dứt cấm vận kinh tế chống Việt Nam, dọn đường cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước một năm sau đó.
Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước, Thượng nghị sĩ McCain nhấn mạnh: "Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất, nhiều hứa hẹn nhất của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương". Theo ông, "quan hệ hai nước không dừng lại ở chỗ bình thường hóa mà đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc" và "sẽ còn tiến xa hơn nữa".
Nhận định đó đến nay vẫn hoàn toàn phù hợp, vì hầu hết các thành viên của cả hai chính đảng tại Mỹ luôn dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho mối bang giao Việt Nam - Mỹ để tiếp tục thúc đẩy hai nước tăng cường quan hệ trong tương lai.
Mối lương duyên hiện tại
Song song với việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain cũng luôn dành nhiều tâm sức cho cộng đồng người Việt tại Mỹ. Sự gần gũi của ông với cộng đồng này vượt trên cả quan hệ thông thường giữa chính khách và cử tri.
Ông đã thực sự trở thành "cầu nối" giữa họ với chính quyền sở tại, cũng như với chính phủ Việt Nam trong những năm đầu đầy khó khăn (do có nhiều người xa quê nhưng chưa hiểu đúng về tổ quốc mình ở bên kia nửa vòng Trái đất).
Cộng đồng người Việt tại Mỹ có khoảng 2 triệu người, chiếm gần một nửa trong tổng số hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài và là cộng đồng người Việt lớn nhất bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trải qua 40 năm định cư trên nước Mỹ, tuy quan điểm còn có điểm khác biệt, nhưng đại bộ phận bà con luôn gắn bó, hướng về quê hương, đất nước và có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của đất nước, là cầu nối cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Rất nhiều trí thức người Việt tâm huyết, trăn trở với các vấn đề của đất nước và muốn đóng góp tri thức cho đất nước.
Không chỉ thế, ông McCain còn luôn đồng hành cùng cộng đồng người Việt tại Mỹ trong những thời điểm quan trọng. Điển hình là việc ông đã bất ngờ có mặt vào giờ chót tham gia cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan nước sâu Hải Dương-981 trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam giữa năm ngoái.
Trong thông điệp gửi đến tất cả những người Việt Nam trên thế giới nhân hoạt động này, ông McCain đã bày tỏ ủng hộ cuộc đấu tranh tự vệ đầy chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và nhân dân Philippines trước hành động gây hấn của Trung Quốc, dùng sức mạnh nước lớn để đòi hỏi chủ quyền một cách phi lý chiếm hầu hết Biển Đông, không tôn trọng luật pháp quốc tế, gây căng thẳng, đe dọa sự ổn định trong khu vực.
"Tôi rất tự hào trước tinh thần yêu nước và đấu tranh của người Việt Nam khắp nơi... Người dân Hoa Kỳ sẽ luôn sát cánh với người dân Việt Nam ở Hoa Kỳ cũng như trên toàn thế giới chống lại sự bành trướng và thống trị của Trung Quốc", ông khẳng định.
Đánh giá về những đóng góp lớn của Thượng nghị sĩ McCain đối với quan hệ Việt Nam - Mỹ, trong cuộc gặp gỡ ở thủ đô Washington DC hôm 21/1 vừa qua, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh ông McCain luôn dành những tình cảm quý báu cho Việt Nam trong suốt nhiều năm qua và có nhiều đóng góp lớn cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Đại sứ bày tỏ mong muốn Thượng nghị sĩ McCain sẽ tiếp tục ủng hộ việc triển khai hiệu quả, thực chất quan hệ Đối tác toàn diện hai nước, vì lợi ích của mỗi bên và lợi chung của hòa bình, ổn định, thịnh vượng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đáp lại, Thượng nghị sĩ John McCain khẳng định ông luôn coi trọng quan hệ Việt - Mỹ và với ông, Việt Nam có vai trò, vị trí quan trọng tại khu vực. Ông cũng đã chia sẻ những kỷ niệm gắn bó với Việt Nam trong nhiều năm qua.
McCain cũng đánh giá cao những thành tựu xây dựng, phát triển đất nước và hợp tác đối ngoại của Việt Nam; đồng thời cam kết sẽ tích cực góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, tăng cường hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh, thúc đẩy xóa bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam.
Vị cựu binh năm xưa còn bày tỏ mong muốn sang thăm Việt Nam trong năm nay, nhân kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, mà ông chính là một trong những người góp phần quan trọng đặt nền móng.
Ký ức không bao giờ nhạt phai
Nhìn ngược lại thời gian, cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc được 40 năm, mối quan hệ Việt Nam - Mỹ cũng sắp bước qua tuổi 20 với sự nồng ấm tăng lên trong những năm gần đây. Nhưng với nhiều người, ký ức về cuộc chiến vẫn hiển hiện như vừa mới xảy ra. Thượng nghị sĩ John McCain là một trong số đó.
Đây chính là động lực mạnh mẽ đã thôi thúc ông luôn dành những tình cảm quý báu cho Việt Nam và không ngừng thúc đẩy quan quan hệ hợp tác giữa hai nước. Những nỗ lực đó sẽ càng được tăng cường trong năm nay, một dấu mốc quan trọng trong chiều dài quan hệ Việt - Mỹ vì vừa đánh dấu kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, vừa là cơ hội để hai nước tiếp tục đẩy mạnh quan hệ Đối tác toàn diện đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang xác lập trong chuyến thăm Mỹ tháng 7/2013.
Tất nhiên, dù quan hệ hai nước hiện đang đạt được nhiều tiến bộ mang tính đột phá song những trở ngại chưa phải đã hết, dư địa hợp tác vẫn còn nhiều. Vì thế, việc làm sâu sắc quan hệ Đối tác toàn diện sẽ là một chặng đường phía trước. Chặng đường đó dài hay ngắn phụ thuộc rất lớn vào ý chí của hai bên; cũng như sự đóng góp tích cực, hiệu quả và thiết thực của những người làm cầu nối như Thượng nghị sĩ John McCain và Ngoại trưởng John Kerry...
Mỹ hiện là đối tác kinh tế và thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 đạt trên 35 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hơn 28 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước đó. Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ bảy vào Việt Nam, với khoảng 700 dự án và tổng vốn gần 10,7 tỷ USD, chưa kể đầu tư của doanh nghiệp Mỹ qua nước thứ ba. Năm 2014, Mỹ đứng thứ 4 trong các nước có đông du khách tới Việt Nam với 443.000 lượt người. Hợp tác an ninh-quốc phòng tiếp tục được thúc đẩy. Hai bên đang triển khai gói hỗ trợ 18 triệu USD để giúp Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải, đồng thời hướng tới việc Mỹ sớm dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện.
Đức Vũ
Theo Dantri
Toàn cảnh chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 11/7 đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm đầu tiên tới Hoa Kỳ theo lời mời của chính quyền Tổng thống Barack Obama vào đúng dịp hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ. Cùng nhìn lại toàn cảnh chuyến thăm lịch sử này. Sau khi tới thủ đô Washington sáng ngày 6/7,...