Thượng viện Mỹ công bố nội dung dự thảo nghị quyết về xung đột biển Đông
Ngày 20-5-2014, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã báo cáo Thượng viện Mỹ về việc sửa đổi, bổ sung nội dung của Dự thảo Nghị quyết “Tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với tự do hàng hải và việc sử dụng hợp pháp các vùng biển và vùng trời ở châu Á – Thái Bình Dương, giải quyết ngoại giao hòa bình các tranh chấp và đòi hỏi lãnh thổ ở khu vực” (mã số: S.Res.412).
Nội dung Dự thảo Nghị quyết S.RES.412 có đề cập đến sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu bảo vệ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh hành động của Trung Quốc là mưu toan đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981) và các lực lượng hỗ trợ ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Tàu không số của Trung Quốc mở vòi rồng công suất lớn, bám sát tàu Kiểm ngư Việt Nam
Dự thảo Nghị quyết này do Thượng nghị sỹ Robert Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ giới thiệu với sự đồng bảo trợ của 3 Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ (Patrick Leahy, Benjamin Cardin, Dianne Feinstein) và 3 Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa (John McCain, Marco Rubio, James Risch).
Dưới đây là trích dẫn một số điểm trong Dự thảo Nghị quyết:
Nghị quyết S.RES.412
NGHỊ QUYẾT
Tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Hoa Kỳ đối với tự do hàng hải và việc sử dụng luật pháp quốc tế với các vùng biển và vùng trời ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và đối với việc giải quyết ngoại giao hòa bình các tranh chấp và tuyên bố nổi bật về hàng hải và lãnh thổ.
Xét rằng các vùng biển tại châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm vùng biển và vùng trời phía trên cá khu vực đó, là rất quan trọng cho sự thịnh vượng, ổn định và an ninh của khu vực, bao gồm thương mại toàn cầu; Xét rằng Hoa Kỳ ủng hộ nghĩa vụ của tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Quốc tìm cách giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình;
Xét rằng tự do hàng hải và việc sử dụng hợp pháp vùng biển và vùng trời trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương được thể hiện trong luật pháp quốc tế, không phải thứ do quốc gia này ban cho quốc gia khác;
Xét rằng ngày 23-11-2013, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đơn phương và không tham vấn trước với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia khác tại châu Á – Thái Bình Dương, tuyên bố một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, đồng thời thông báo rằng tất cả các máy bay vào vùng ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố, ngay cả khi họ không có ý định vào không phận lãnh thổ Trung Quốc, sẽ phải thông báo kế hoạch bay, duy trì liên lạc qua vô tuyến, và tuân theo các chỉ dẫn từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc hoặc sẽ đối mặt với “các biện pháp phòng vệ khẩn cấp”;
Xét rằng “các quy tắc can dự” được tuyên bố bởi Trung Quốc, bao gồm “các biện pháp phòng vệ khẩn cấp”, là vi phạm khái niệm “sẽ liên quan đến sự an toàn hàng không dân dụng” theo Công ước Chicago về hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và do đó đi ngược lại với thực tế đã được chấp nhận;
Video đang HOT
Xét rằng Công ước Chicago về hàng không dân dụng quốc tế phân biệt giữa máy bay dân sự với máy bay nhà nước và quy định các nghĩa vụ cụ thể cho các nước thành viên, phù hợp với luật tập quán, để “kiềm chế khỏi việc phải sử dụng vũ khí chống lại máy bay dân sự trong hành trình bay và… trong trường hợp ngăn chặn, mạng sống của những người trên máy bay và sự an toàn của máy bay phải không bị gây nguy hiểm”; Xét rằng Chính phủ Hoa Kỳ bày tỏ sự quan ngại sâu sắc với tuyên bố đơn phương, khiêu khích, nguy hiểm, và gây bất ổn của Trung Quốc về một khu vực như vậy, bao gồm khả năng hiểu nhầm và tính toán của máy bay đang hoạt động hợp pháp trong không phận quốc tế;
Xét rằng Chính phủ Nhật Bản bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tuyên bố của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về một khu vực như vậy, coi đây là một nỗ lực xâm phạm quá mức sự tự do của các chuyến bay trong không phận quốc tế và thay đổi hiện trạng có thể dẫn đến leo thang căng thẳng và có khả năng gây ra những hậu quả không chủ ý tại biển Hoa Đông;
Xét rằng Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã thúc đẩy các cuộc đàm phán đa phương về tranh chấp khu vực mà không giải quyết vấn đề chủ quyền, và trong năm 2002 đã cùng với Trung Quốc ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Nam Trung Hoa (DOC), cam kết tất cả các bên liên quan tranh chấp lãnh thổ “tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết tự do hàng hải và hàng không trên biển Nam Trung Hoa theo quy định của luật pháp quốc tế ” và “giải quyết tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp pháp lý bằng biện pháp hòa bình, mà không phải đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”;
Xét rằng ASEAN và Trung Quốc cam kết vào năm 2002 để phát triển một Bộ quy tắc ứng xử khi họ thông qua Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, nhưng việc đàm phán không thường xuyên và kết quả đạt được hạn chế;
Xét rằng Chính phủ Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về hành động đơn phương của bất kỳ bên nào nhằm thay đổi hiện trạng thông qua việc ép buộc, đe dọa, hoặc sử dụng lực lượng quân sự, bao gồm tiếp tục ngăn cấm việc tiếp cận bãi cạn Scarborough và việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gây sức ép đối với sự hiện diện lâu dài của Philippines tại bãi Cỏ Mây; hành động của bất kỳ quốc gia nào nhằm ngăn chặn quốc gia khác thực hiện quyền chủ quyền đối với các tài nguyên thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa bằng cách tuyên bố chủ quyền đối với những khu vực này không được ủng hộ trong luật pháp quốc tế; tuyên bố của đơn vị hành chính và quân sự ở khu vực tranh chấp tại Biển Đông; và việc áp dụng các quy định đánh bắt cá mới lên vùng tranh chấp, đã gây căng thẳng trong khu vực;
Xét rằng luật pháp quốc tế là rất quan trọng để bảo vệ quyền và tự do của tất cả các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và sự thiếu rõ ràng về luật pháp quốc tế của các bên tranh chấp có liên quan đến tuyên bố của họ về Biển Đông có thể tạo ra sự bất thường, mất an ninh, và bất ổn;
Xét rằng Chính phủ Hoa Kỳ phản đối việc đe dọa, ép buộc hoặc sử dụng vũ lực để khẳng định tuyên bố chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa;
Xét rằng tuyên bố ở biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế, và các tuyên bố không bắt nguồn từ cấu tạo địa chất là không có cơ sở;
Xét rằng ASEAN đã thống nhất Nguyên tắc sáu điểm về Biển Đông ngày 20-7-2012, theo đó các Ngoại trưởng ASEAN tái khẳng định “cam kết của các nước thành viên ASEAN” rằng:
1. Thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (2002).
2. Hướng dẫn việc Thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (2011).
3. Sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử khu vực ở biển Đông.
4 . Tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước năm 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
5 . Tất cả các bên tiếp tục tự kiềm chế và không sử dụng vũ lực.
6 . Giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước năm 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS);
Xét rằng ngày 1-5-2014, CNOOC, công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đã đặt giàn khoan bán chìm nước sâu Hải Dương-981, với sự bảo vệ của hơn 25 tàu Trung Quốc, tại Lô 143, cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý;
Xét rằng từ ngày 1 đến 9-5-2014, số lượng tàu Trung Quốc hộ tống Hải Dương 981 tăng lên hơn 80 chiếc, bao gồm 7 tàu quân sự, đã hung hãn tuần tra và hăm dọa các tàu bảo vệ bờ biển của Việt Nam vi phạm Quy định quốc tế về chống va chạm trên biển (COLREGS), cố ý đâm liên tiếp vào tàu của Việt Nam và sử dụng trực thăng, ca nô đe dọa, cản trở tàu chấp pháp của Việt Nam;
Xét rằng ngày 5-5-2014, các tàu thuộc Cơ quan Quản lý An toàn Hàng hải của Trung Quốc (MSAC) thiết lập một vùng bảo vệ với phạm vi 3 hải lý xung quanh giàn khoan Hải Dương-981, xem nhẹ an ninh hàng hải trong khu vực và vi phạm các nguyên tắc được quốc tế công nhận, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS);
Xét rằng các tuyên bố chủ quyền và các hoạt động hàng hải liên quan của Trung Quốc để hỗ trợ cho hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 bắt đầu từ ngày 1-5-2014, chưa được chứng thực theo luật quốc tế, bao gồm cả UNCLOS, là mưu toan đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, và cho thấy dấu hiệu vi phạm Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) năm 2002…
Theo VOV
Khi nào Nhà Trắng trả lời kiến nghị thư trừng phạt Trung Quốc?
Thu được hơn 134.000 chữ ký chỉ trong nửa tháng, kiến nghị Mỹ trừng phạt Trung Quốc là một trong những thỉnh nguyện thư gây chú ý nhất gửi đến Nhà Trắng.
Không chỉ là nơi lắng nghe ý kiến của người dân, We the People cũng phần nào chứng minh được hiệu quả truyền thông của mình với dư luận và các chính phủ.
Với con số hơn 134.000 chữ ký tính tới ngày 30/5, kiến nghị kêu gọi Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ cao thứ 5 trong tổng số các kiến nghị gửi tới chính phủ Mỹ.
Kiến nghị này xuất hiện trên trang web We the People của Nhà Trắng vào ngày 13/5, sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Ngay sau đó, nó đã nhận được sự hưởng ứng không chỉ từ Việt Nam, mà còn từ nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Kiến nghị này không chỉ là một phương pháp truyền thông tới thế giới những gì thực sự đang diễn ra tại biển Đông, mà còn chứng tỏ rằng, người dân nước này và nhiều quốc gia khác trên thế giới sẵn sàng lên tiếng ủng hộ chính nghĩa, ủng hộ Việt Nam trước những động thái hung hăng, gây hấn của Trung Quốc.
Trước đây, đã từng có trường hợp minh chứng cho hiệu ứng truyền thông của các kiến nghị đối với dư luận và tạo sức ép lên chính quyền, mà ở Trung Quốc chính là một ví dụ.
Vụ việc nữ sinh năm thứ 3 đại học Tsinghua, Zhu Ling, phải chịu cảnh tàn tật sau khi bị đầu độc cách đây 19 năm đã trở thành một đề tài "nóng" ở Trung Quốc vào năm 2013. Cư dân mạng nước này liên tục đưa ra các nhận định liệu thủ phạm của vụ việc, kẻ được cho là có mối liên hệ về chính trị với quan chức nước này, có bị trừng phạt hay không.
Bị kiểm duyệt khắt khe trong nước, người dân Trung Quốc đã viết một kiến nghị gửi tới Nhà Trắng, đề nghị xem xét vụ việc, và nó đã nhanh chóng nhận đủ 100.000 chữ ký ủng hộ. Mặc dù không có được bất cứ sự phản hồi nào từ phía chính phủ của Tổng thống Obama, song nó đã gây áp lực mạnh mẽ tới giới chức Trung Quốc. Cảnh sát Bắc Kinh đã buộc phải đưa ra lời giải thích sau nhiều tuần cố gắng lờ đi.
Ông Shen Dingli, giáo sư nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Fudan, nhận định: "Dư luận Trung Quốc đã tìm tới một trang web của nước ngoài để trút sự thất vọng của họ, và nó cho thấy sự mất uy tín của chính phủ Trung Quốc".
Tại Mỹ, năm 2012, kiến nghị về việc kiểm soát vũ khí, xuất hiện sau vụ xả súng kinh hoàng tại trường tiểu học Newtown ở Connecticut đã nhận được đủ số chữ ký ủng hộ trong thời gian nhanh kỷ lục tính tới thời điểm đó và buộc Tổng thống Mỹ Obama phải chính thức lên tiếng phản hồi. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất, Tổng thống Obama trực tiếp trả lời.
Sức ép từ phía dư luận cũng khiến Tổng thống Obama hối thúc Quốc hội Mỹ phê chuẩn đề xuất liên quan tới kiểm soát vũ khí, bao gồm cấm sử dụng súng trường tấn công hay kiểm tra lý lịch của người mua vũ khí.
Chính thức ra mắt từ ngày 22/9/2011, We the People, một trang web con trong website của Nhà Trắng, là nơi người dân Mỹ và tất cả các nước trên thế giới đệ trình kiến nghị, yêu cầu chính phủ Mỹ giải quyết một vấn đề nhất định.
Sáng kiến này đã được thế giới rất hưởng ứng, khiến Nhà Trắng phải 2 lần tăng yêu cầu về số chữ ký, từ con số 5.000 lên 25.000 và hiện giờ là 100.000, trong vòng 30 ngày.
Công dân của tất cả các nước, chỉ cần trên 13 tuổi có có tài khoản email, đều có thể viết hoặc ký tên cho các kiến nghị.
Sau khi đạt đủ số chữ ký cần thiết, Nhà Trắng sẽ yêu cầu triệu tập một cuộc họp với các uỷ ban chính sách lớn cùng các cơ quan liên quan ở Mỹ, nhằm tìm ra người thích hợp nhất để xem xét, trả lời kiến nghị. Trong lúc này, mọi người vẫn có thể tiếp tục kí tên.
Văn bản phản hồi chính thức từ Nhà Trắng cho mỗi kiến nghị sẽ được đăng tải trên trang web chính thức We the People cũng như được gửi tới email cá nhân của từng người đã ký tên.
Theo The Washington Post, vào thời điểm năm 2013, Nhà Trắng đã có phản hồi cho 87% kiến nghị, sau trung bình là 61 ngày kể từ khi nó đạt đủ số chữ ký cần thiết. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp các kiến nghị phải chờ đợi tới 240 ngày hoặc thậm chí là lâu hơn nữa.
Tạp chí Forbes từng nhận định, "chương trình này không hẳn là một thứ phù vân chính trị của chính quyền Obama, mà thực sự là cách thức tương tác tiêu chuẩn giữa chính quyền với người dân, và chính phủ đã có một bước tiến mạnh mẽ về sự cởi mở".
Theo Trí Thức Trẻ
GS Carlyle Thayer: Trung Quốc đang tìm cớ gây thiệt hại nặng cho Việt Nam "Trung Quốc sẽ không thảo luận các yêu sách chủ quyền lãnh thổ của họ. Quan điểm của Bắc Kinh những vấn đề này là không thể thay đổi. TQ đã tự đặt mình lên trên luật pháp quốc tế". Tình hình Biển Đông mới nhất Trung Quốc ngày càng có những hành động khiêu khích, hung hăng trên biển Đông, nhất là...