Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nói về tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu nói về thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp và ý tưởng dựng tượng đài tưởng niệm.
Trở về sau lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nhà tang lễ quốc gia, Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu – nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ với độc giả về cảm xúc chân thành của ông đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tướng Hiệu nói: Cho đến lúc này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đi vẫn để lại trong tôi nỗi đau rất lớn. Vẫn biết rằng cuộc đời mỗi người đều là “sinh hữu hạn, tử vô kỳ” nhưng sự ra đi của Đại tướng là nỗi đau vô hạn với nhân dân Việt Nam, quân đội Việt Nam.
Khi nhận được tin Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội Võ Nguyên Giáp đã ra đi, dù biết trước điều này sẽ đến, nhưng tôi vẫn xúc động đến sững sờ.
Đại tướng là Tổng Tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng là người Anh Cả của Quân đội ta, một nhân vật lớn của thời đại.
Tướng Nguyễn Huy Hiệu đến thăm và chúc Tết gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp
- Thưa Viện sĩ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, theo ông, di sản lớn nhất mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại cho đời sau là gì?
Không những là một thiên tài quân sự Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nhà văn hóa; một kiến trúc sư quân đội với nghệ thuật quân sự tài ba, thao lược; một nhân cách lớn và là anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Nhưng có lẽ di sản lớn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại cho đời sau chính là thiên tài quân sự của ông. Trong đó là những phẩm chất, đạo đức nhân cách và sự trung thành tuyệt đối của Đại tướng dành cho tổ quốc và nhân dân.
- Là người có nhiều năm gắn bó cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nếu được chọn một điều khiến Viện sĩ, Thượng tướng tâm đắc nhất về Đại tướng, ông sẽ chọn điều gì?
Trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ và có nhiều cơ hội gần gũi Đại tướng, trong tâm trí tôi và nhiều người được vinh dự chiến đấu, công tác cùng Đại tướng, &’anh Văn’ là con người đôn hậu, dễ gần và luôn quan tâm đến đời sống của anh em chiến sĩ.
Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu
Thế nhưng, khi đối mặt với kẻ thù, chỉ huy những trận đánh giải phóng non sông đất nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại thể hiện được bản lĩnh và sự cương trực của mình.
Tôi còn nhớ một kỷ niệm vô cùng xúc động vào năm 1975, khi tôi đang làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoan 320B, Quân đoàn 1, từ Tam Điệp hành quân thần tốc vào Đông Hà làm dự bị cho chiến dịch giải phóng Huế và Đà Nẵng.
Sau đó hành quân qua đèo Ăng-Bun trên đường Trường Sơn vào tập kết ở Đồng Xoài, đông Nam bộ chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam thì nhận được bức điện của Đại tướng qua đài 15 woat: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng phút, từng giờ. Xốc tới miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng!”.
Sau khi nghe xong mệnh lệnh của Đại tướng, tôi và các chiến sĩ khi đó như được tiếp thêm ý chí để hăng hái tiến ra tiền tuyến. Lúc đó là vào mùa khô hanh, thời tiết vô cùng khó chịu nhưng khí thế của người lính vẫn hừng hực cùng đoàn quân trùng trùng điệp điệp xông ra mặt trận.
Sau khi đất nước đã thống nhất một dải, chiến tranh đã lùi xa, tôi vẫn thường xuyên đến thăm nhà Đại tướng.
Trong những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy, tôi vẫn được người anh Cả của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam nắm tay, chân tình dặn dò phải thường xuyên quan tâm đến đời sống của anh em cấp dưới, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao.
- Giáo sư sử học Lê Văn Lan từng nói với VTC News về việc nên phong hàm Nguyên soái cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ý kiến của Thượng tướng về vấn đề này thế nào?
Video đang HOT
Trước hết, cần phải nói rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người Đại tướng của nhân dân Việt Nam, của quân đội Việt Nam. Lúc sinh thời, Đại tướng thường nói: “Vị tướng vĩ đại nhất của Việt Nam chính là nhân dân Việt Nam”.
Đại tướng cũng nói về việc ông là vị tướng của hòa bình, không phải vị tướng của chiến tranh. Hơn ai hết, Đại tướng hiểu rõ dân tộc Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình bởi Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh, hy sinh xương máu của hàng triệu người để giành được Độc lập, Tự do, Thống nhất Tổ quốc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là anh Văn kính yêu, là người thầy, người bạn của từng chiến sĩ
Trong lòng những người lính từng trải qua khói lửa chiến tranh như chúng tôi, và trong lòng các thế hệ chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là anh Văn kính yêu, là người thầy, người bạn của từng chiến sĩ.
Dân tộc Việt Nam, quân đội Việt Nam tự hào về Đại tướng Võ Nguyên Giáp – huyền thoại quân sự được cả thế giới tiến bộ công nhận. Cho đến nay và mãi mãi sau này, Đại tướng vẫn là Tổng tư lệnh tối cao của quân đội nhân dân Việt Nam.
Chức tước, danh vọng không phải điều Đại tướng quan tâm. Điều ông quan tâm là đất nước Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc 5 châu như lời Bác Hồ dạy.
Lúc sinh thời, Đại tướng còn nói rằng: Thế giới từng biết đến Việt Nam là một đất nước anh hùng, đánh bại hai đế quốc to. Nhưng giờ là thời bình, Việt Nam cần chứng tỏ cho thế giới thấy rằng chúng ta cũng là những anh hùng trong làm kinh tế, làm khoa học.
Tôi cho rằng, mỗi người Việt Nam kính yêu Đại tướng cũng là yêu mến hòa bình. Nói cách khác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị Đại tướng của hòa bình, của nhân dân Việt Nam.
- Thưa ông, vậy còn ý tưởng về việc dựng tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp như tượng đài các danh tướng Việt Nam gồm Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Võ Nguyên Giáp?
Đó là điều rất nên làm. Nhân dịp kỷ niệm 103 năm ngày sinh Đại tướng, Hội quán di sản Việt Nam gồm những nhà tri thức Việt Nam cùng Ban tư vấn gồm 5 người: Giáo sư anh hùng lao động Vũ Khiêu, Giáo sư nhà sử học Phan Huy Lê, nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà sử học Lê Văn Lan, Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu từng có hội thảo tại Bảo tàng quân sự Việt Nam về các danh tướng Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
Chúng tôi từng có dự định triển lãm hàng loạt ảnh, phim và các tác phẩm điêu khắc về Đại tướng. Đau buồn thay, là khi dự định đang đi vào thực hiện thì Đại tướng đã ra đi.
Tôi nhớ từng có ý kiến cho rằng nên dựng tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo hình ảnh ông giơ tay ra lệnh tấn công trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ.
Ý kiến cá nhân tôi thấy rằng đó là ý tưởng tốt. Tuy nhiên, hình tượng của các nhà làm phim, còn các nhà điêu khắc nên ngôn ngữ điêu khắc để biểu đạt hình ảnh của một vị Đại tướng vĩ đại trong lòng nhân dân Việt Nam và tấm vóc của Người.
- Ý của ông là Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là một tượng đài bất tử trong lòng người Việt Nam và bạn bè thế giới?
Tôi thấy việc cả triệu người dân khắp mọi miền Tổ quốc nghẹn ngào xếp hàng để vào viếng tại nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, số 30 phố Hoàng Diệu những ngày qua đã minh chứng cho việc Đại tướng đã là tượng đài trong lòng người Việt.
Báo chí thế giới cũng gọi ông là huyền thoại quân sự, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy nghệ thuật quân sự Việt Nam đến mức xuất sắc.
Tổng thống Venezuela Hugo Chavez (trái) tặng thanh gươm cho Đại tướng Võ Nguyên giáp như một món quà gửi tới vị tướng huyền thoại của Việt Nam ngày 1/8/2006 tại Hà Nội – Ảnh: AP
Tôi cũng rất cảm động trước hình ảnh U19 Việt Nam sau khi hàng loạt chiến thắng xuất sắc ở vòng loại đã trở về dâng chiến công lên Đại tướng.
Bên cạnh đó là hình ảnh hàng vạn bạn trẻ rơi lệ tiếc thương khi vào viếng Đại tướng và đọc tin tức về Đại tướng trên các phương tiện truyền thông những ngày qua.
Điều đó cho thấy, không chỉ với những lớp người đã từng trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thần thánh của dân tộc mà ngay với thế hệ trẻ ngày nay, Đại tướng chính là một tượng đài bất tử.
Bia đá, tượng vàng rồi cũng mòn đi, cũng chịu sự tàn phá của thời gian. Lịch sử sẽ xóa mờ bia đá, xóa mờ tượng đài. Thế nhưng hình ảnh anh Văn, người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam sẽ vĩnh viễn trường tồn trong tâm thức từng người dân Việt Nam.
- Là người có nhiều năm công tác cạnh Đại tướng, ông có thể độc giả biết cụ thể hơn về chiến lược quân sự của Đại tướng?
Chỉ những người trực tiếp công tác với Đại tướng mới biết rằng ông đau đáu, trăn trở thế nào trước mỗi trận đánh dù lớn dù nhỏ của quân đội ta.
Đại tướng nắm rõ tình hình quân ta, quân địch, thế mạnh và điểm yếu của từng thời điểm để đưa ra những quyết sách chiến lược, chiến thuật sao cho thắng lợi là lớn nhất mà hy sinh là nhỏ nhất.
Mỗi khi đến thăm các nghĩa trang liệt sĩ, chúng tôi lại thấy những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt anh Văn, cái tên mà Bác đặt cho Đại tướng và các chiến sĩ quân đội Việt Nam đều gọi một cách tự hào, trìu mến.
Như tôi đã nói trong lời giới thiệu cuốn sách “Chiến thắng bằng mọi giá” do nhà sử học người Anh Ceci B.Curey viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Đại tướng là thiên tài quân sự, là người thấu hiểu nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm các chiến sĩ năm 1968
Chiến thắng bằng mọi giá ở đây không có nghĩa là hy sinh xương máu chiến sĩ một cách vô ích. Trong mọi trận đánh, mọi tình huống, Đại tướng và toàn Đảng, toàn quân ta đều tìm raphương án đánh địch sao cho ít thương vong nhất, mang đến thắng lợi lớn nhất.
Chúng ta đánh địch bằng mưu kế, thắng địch bằng thế thời.
Cần phải hiểu rằng,lịch sử Việt Nam dù có lúc thăng, lúc trầm, nhưng dân tộc Việt Nam chưa từng chịu khuất phục trước bất cứ thế lực nào.
Với riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông không chỉ được nhân dân ta, quân đội ta yêu kính, mà ngay cả các đối thủ cũng tôn trọng, ngưỡng mộ nghệ thuật chiến tranh nhân dân củaViệt Nam.
Dĩ nhiên, trong mỗi cuộc chiến, tổn thất là điều không tránh khỏi với bất cứ quốc gia nào, với bất cứ quân đội nào.
Nhưng như Bác Hồ đã nói: “Dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Nhưng dân tộc Việt Nam quyết không chịu cúi đầu làm nô lệ”. Từ thời xưa đến nay, người Việt Nam luôn quan niệm “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn. Lấy chí nhân thay cường bạo” như trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.
Hãy nhìn vào hàng vạn người thành kính, trang nghiêm, những giọt nước mắt của những người lính đã kinh qua bom đạn chiến tranh, những cảm xúc nghẹn ngào của hàng triệu người Việt Nam để thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người được tôn kính thế nào.
Trong bức điện mật ngày 7/4/1975 gửi các đoàn quân đang tiến về Sài Gòn, Đại tướng viết: …”Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa…”
Còn nhớ tháng 5/ 2004 tôi được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng phân công tháp tùng và cùng Đại tướng chủ trì khoa học về 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, có 150 đoàn khách quốc tế tới dự. Đại tướng nói bằng tiếng Pháp và tiếng Nga.
Các bài tham luận đều ca ngợi Đại tướng, ca ngợi Quân đội nhân dân Việt Nam, ca ngợi nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là bài học cho Việt Nam mà cho cả nhân loại, nhất là các nước độc lập dân tộc đứng lên tự giải phóng giành độc lập dân tộc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Kết thúc hội nghị, các đoàn vây quanh Đại tướng để chụp ảnh lưu niệm và nhiều người hô vang: Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp”. Khoảnh khắc ây đa khiến nhiều người phải rơi nươc măt vi hanh phuc.
- Thưa ông, những thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau cần làm gì để xứng đáng với Đại tướng, với xương máu của hàng vạn người đã ngã xuống vì Độc lập, Tự do của dân tộc?
Sức mạnh của dân tộc Việt Nam, lòng yêu nước của người Việt Nam là điều không thế lực nào can thiệp được. Như tôi đã nói, mỗi người dân Việt Nam yêu mến Đại tướng cũng chính là yêu mến hòa bình.
Những ngày qua, hàng triệu người ở Việt Nam và lãnh đạo, nhân dân nhiều nước đều tỏ lòng tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều này cho thấy, niềm tin vào Đảng, vào Nhà nước ta là điều không thế lực nào thay đổi được.
Lúc sinh thời, Đại tướng thường nhắc mỗi người lính chúng tôi và với mỗi người dân Việt Nam rằng chúng ta đang trong thời bình, mỗi người Việt Nam đều cần phải tích cực học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo để Việt Nam trở thành quốc gia anh hùng về kinh tế, về khoa học kỹ thuật.
Tôi nghĩ, mỗi người chúng ta đều có thể soi mình vào tấm gương chiến đấu, học tập của Đại tướng để lời căn dặn của Người trở thành hiện thực.
Phẩm chất đạo đức của một người chiến sĩ cách mạng, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân của Đại tướng là điều mỗi người chúng ta đều cần học hỏi.
Xin cảm ơn Thượng tướng!
Theo VTC
Cơ trưởng chở linh cữu Đại tướng kể về chuyến bay đặc biệt
Nhiều lần lái chuyên cơ nhưng cơ trưởng Vũ Tiến Thắng - người chỉ huy chuyên cơ ATR 72 số hiệu VN103 chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp - cho biết đây là chuyến bay rất đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử hàng không Việt Nam.
Hơn 20 năm làm phi công, từng lái cả máy bay quân sự và máy bay thương mại nhưng cơ trưởng Vũ Tiến Thắng cho biết chưa lần nào ông thực hiện nhiệm vụ trong tâm thế đặc biệt như chuyến bay VN103 chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp cất cánh từ sân bay quốc tế Nội Bài đến sân bay Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) lúc 10 giờ 26 phút ngày 13-10, sớm hơn 34 phút so với dự kiến.
Sinh năm 1957, Vũ Tiến Thắng xuất thân từ phi công quân đội. Trong thời gian học lái máy bay tại Trường Sĩ quan Không quân đóng tại tỉnh Khánh Hòa, ông từng vinh dự có mặt trong lễ đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm. Kết thúc khóa học, ông về làm việc tại Trung đoàn Không quân vận tải 919 Quân đội Nhân dân Việt Nam - Đoàn bay 919, sau này trở thành một đơn vị của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA).
Chuyên cơ đưa linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp về tỉnh Quảng Bình
Với nhiều năm kinh nghiệm, ông Vũ Tiến Thắng hiện là Đội trưởng Đội bay ATR 72, đồng thời là một trong số ít phi công trở thành giám sát viên bay của Cục Hàng không Việt Nam. "Trong đội bay chuyên cơ của VNA, nhiều lần tôi nhận nhiệm vụ lái chuyên cơ nhưng đây là chuyến chuyên cơ rất đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử hàng không Việt Nam. Vì vậy, tôi chưa bao giờ xúc động như khi chỉ huy chuyến bay này" - cơ trưởng Vũ Tiến Thắng chia sẻ.
Sau khi hạ cánh xuống sân bay Đồng Hới, cơ trưởng Vũ Tiến Thắng cho rằng ông rất tự hào vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao, đưa một con người vĩ đại về nơi an nghỉ cuối cùng đúng giờ và an toàn tuyệt đối. "Đây là vinh dự của Đoàn bay 919 Anh hùng nói riêng và của VNA nói chung" - ông Thắng nói.
Còn cơ trưởng lái chuyên cơ A321 chở Ban Tang lễ nhà nước trên chuyến bay mang số hiệu VN1911 cũng cùng họ với Đại tướng. Anh là Võ Tuấn Dũng, thuộc lớp phi công trẻ của VNA, sinh năm 1986 và chính thức vào nghề từ năm 2007. Đến năm 2011, Võ Tuấn Dũng trở thành cơ trưởng A321. Dũng là con trai của Trung tướng phi công Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Với truyền thống gia đình (vợ của Võ Tuấn Dũng cũng là phi công lái máy bay A321), được đơn vị điều động lái chuyên cơ phục vụ lễ tang Đại tướng, Dũng rất xúc động. "Đây là một vinh dự, niềm tự hào của cả gia đình và của thế hệ phi công 8X Việt Nam" - anh nói.
Để được giao nhiệm vụ lái 2 chuyên cơ chưa từng có trong lịch sử, 2 cơ trưởng Vũ Tiến Thắng, Võ Tuấn Dũng và 2 cơ phó cùng phi hành đoàn chính thức và dự bị trên chuyến bay đều phải đáp ứng đủ các điều kiện khắt khe. Đó là đạt trình độ chuyên môn, kỹ năng bay và khả năng thông thạo tiếng Anh từ mức 4 trở lên theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế; có tổng giờ bay tích lũy tối thiểu là 4.000 đối với lái chính và 2.000 đối với lái phụ; có tổng giờ bay tích lũy trên máy bay ATR 72 theo vị trí lái được phép tối thiểu là 300 và 500 đối với máy bay A321.
Trong quá trình bay, những phi công này chưa mắc sai phạm gây uy hiếp an toàn từ mức khiển trách trở lên trong 24 tháng trước khi thực hiện nhiệm vụ chuyến bay chuyên cơ.
Tương tự, tiếp viên được chọn phải có tổng thời gian tích lũy nghiệp vụ tiếp viên từ 700 giờ trở lên, tổng thời gian phục vụ chuyên cơ từ 100 giờ trở lên, lý lịch rõ ràng, không bị xử lý kỷ luật từ mức khiển trách trở lên trong 12 tháng tính đến thời điểm xét chọn để phục vụ bay chuyên cơ.
Theo Người Lao Động
Xôn xao ảnh cụ Rùa nổi tiễn biệt Đại tướng Cư dân mạng đang xôn xao về một bức ảnh được cho là chụp đúng khoảnh khắc cụ Rùa nổi lên tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 13/10/2013. Sáng nay, trên một số trang mạng giải trí đông người theo dõi, một bức ảnh chụp cụ Rùa tại Hồ Gươm ngoi đầu lên khỏi mặt nước, kèm với những thông tin...