Thượng tướng Lê Quý Vương: Đánh bạc trên mạng diễn ra công khai
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, các đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng Internet diễn ra công khai, dưới nhiều hình thức.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ thời gian tới của Ban chỉ đạo 138 (Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống tội phạm của Chính phủ) chiều nay, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, tội phạm sử dụng công nghệ cao xảy ra nhiều với các thủ đoạn.
Cụ thể như tình trạng làm quen qua mạng, tạo lòng tin rồi lừa đảo. Hay tình trạng sử dụng cuộc gọi trên Internet giả danh các cơ quan pháp luật gọi điện đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của chúng để chiếm đoạt.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương
“Đáng báo động là tình trạng lắp đặt thiết bị tại các máy ATM để trộm cắp thông tin, làm thẻ giả để rút tiền gây thiệt hại nghiêm trọng. Các đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng Internet diễn ra công khai, dưới nhiều hình thức”, Thượng tướng Lê Quý Vương nói.
Ông cũng cho hay, thời gian qua, các vụ giết người, giết người cướp tài sản tuy giảm về số vụ nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ với tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
Hoạt động của các băng nhóm tội phạm hình sự sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để giết người, đe dọa giết người, cố ý gây thương tích, cướp, cưỡng đoạt tài sản chủ yếu liên quan đến hoạt động bảo kê, tín dụng đen, cầm đồ, siết nợ, đòi nợ thuê.
Thượng tướng Lê Quý Vương cảnh báo việc tái diễn vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng. Trong lĩnh vực đất đai, nổi lên hành vi một số DNNN được giao đất để thực hiện các dự án nhưng đã chuyển nhượng trái phép cho DN tư nhân gây thất thoát tài sản của nhà nước.
Thứ trưởng cũng lưu ý việc thu hồi, đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng để trục lợi; hành vi lừa đảo tại các dự án chưa có chủ đầu tư; tình trạng cấp phép dự án tràn lan nhưng nhiều dự án “treo”…
Video đang HOT
Theo Thượng tướng Vương, thời gian tới sẽ triển khai các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; kịp thời phát hiện và đấu tranh, triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, sử dụng vũ khí nóng, tội phạm kinh tế, ma túy, môi trường, công nghệ cao.
Đồng thời nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án, đặc biệt là tổ chức xét xử án điểm, xét xử lưu động nhằm răn đe tội phạm và tuyên truyền đến quần chúng nhân dân.
Thu Hằng
Theo VNN
Thượng tướng Lê Quý Vương: TP.HCM nên nghiên cứu thành lập lực lượng 141
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an, TP HCM nên nghiên cứu thành lập mô hình 141 và cũng không nên để các "hiệp sĩ" hoạt động đơn độc mà phải gắn kết với lực lượng cảnh sát trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Trước những vấn đề phức tạp liên quan đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP HCM, chiều 29/5, Thượng tướng Lê Qúy Vương - Thứ trưởng Bộ Công an đã có những trao đổi về vấn đề liên quan đến mô hình 141 và mô hình "hiệp sĩ" đường phố.
Lực lượng 141 hoạt động rất hiệu quả
- Vừa qua trên địa bàn TP HCM xảy ra nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến an ninh trật tự, trong đó có việc hai hiệp sĩ bị đâm tử vong và mới đây là vụ nhóm cướp dùng dao đâm 3 người truy đuổi. Trước những vấn đề này, xin ông cho biết, TP HCM có nên thành lập lực lượng cảnh sát 141 như Hà Nội hay không?
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, TP HCM nên nghiên cứu áp dụng mô hình 141
- TP HCM nên áp dụng, bởi mô hình này đã được đúc kết tại Hà Nội rồi. Thời điểm đó, khi xảy ra những vấn đề phức tạp liên quan đến hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông gặp các đối tượng chống đối thì Hà Nội thí điểm thành lập lực lượng 141 (theo quyết định 141 của Giám đốc CATP). Lực lượng này gồm cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động và kết hợp với đặc nhiệm để giải quyết các vấn đề nóng có thể xảy ra xung đột của cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự.
Hiệu quả của mô hình 141 rất tốt, Bộ Công an và TP Hà Nội cũng đã tổng kết. Từ hoạt động của lực lượng 141 đã giải quyết rất nhiều vụ chống người thi hành công vụ, đồng thời cũng phát hiện ra rất nhiều tội phạm. Qua đó cho thấy mô hình lực lượng cảnh sát 141 của Hà Nội hoạt động rất tốt.
Ngoài lực lượng 141 ra, trên địa bàn còn có sự hoạt động của Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Thủ đô. Lực lượng này thường xuyên tuần tra, kiểm soát vào ban đêm (từ 21h đến 4h). Họ có thể tuần tra trên các tuyến đường lớn, thậm chí vào các khu dân cư. Lực lượng này bắt giữ được rất nhiều tội phạm trong quá trình chuẩn bị gây án hoặc đang đi gây án.
- Trước sự hiệu quả của lực lượng 141 hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội, được biết trong năm 2013, Bộ Công an cũng đã nhân rộng mô hình này vào TP HCM. Xin ông cho biết, quá trình hoạt động của lực lượng 141 trong TP HCM thế nào, hiệu quả ra sao?
- Vào năm 2013, trước tình hình phức tạp trên địa bàn TP HCM, Bộ Công an đã tăng cường lực lượng cảnh sát cơ động (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đóng quân tại TP HCM) cùng phối hợp giải xử lý các vấn đề liên quan. Lực lượng này hoạt động cũng rất hiệu quả tại TP HCM.
Hiện nay, Bộ Công an chỉ đạo Giám đốc Công an TP HCM đánh giá lại toàn diện tình hình tội phạm tại đây. Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu triển khai lực lượng cảnh sát cơ động của Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Công an TP HCM tuần tra, kiểm soát cùng các lực lượng. Đồng thời, TP HCM phải đánh giá lại các mô hình, các đội săn bắt cướp, đội đặc nhiệm hướng Nam, từ đó tổ chức lại các lực lượng này. Cùng đó, là việc báo cáo, đề xuất cấp ủy, chính quyền TP HCM về việc tổ chức lại lực lượng quần chúng tham gia phong trào quần chúng tự quản.
- Dù hoạt động hiệu quả nhưng lực lượng 141 chỉ hoạt động ở TP HCM trong một thời gian ngắn. Thành phố này có giải thích lý do tại sao họ không duy trì hoạt động của lực lượng 141 hay không, thưa ông?
- TP HCM cũng có các lực lượng phối hợp hoạt động như cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự, đội săn bắt cướp, đội đặc nhiệm hướng Nam, nhưng mô hình 141 thì chưa được tổ chức rành rọt, chưa tập trung.
Hoạt động nhiều năm, mô hình 141 vẫn phát huy hiệu quả ở Hà Nội. Trước tình hình an ninh trật tự phức tạp như hiện nay, theo ông TP HCM có nên thành lập ngay lực lượng 141 hay không?
-Theo tôi, TP HCM nên nghiên cứu mô hình 141 để ứng dụng. Tất nhiên, thành lập thế nào cho phù hợp với địa bàn. Bởi đây là mô hình rất hay, cách làm cần đa dạng.
Không để "hiệp sĩ" đơn độc
- Trước việc hai "hiệp sĩ" ở TP HCM bị đâm tử vong vừa qua, theo ông có nên tiếp tục duy trì mô hình này nữa hay không?
- Mô hình "hiệp sĩ" là kết quả của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Vấn đề quan trọng ở đây là phải tổ chức lại lực lượng này thế nào để họ hoạt động có tổ chức. Không nên để họ phát triển một cách tự phát mà không có định hướng, không có sự hỗ trợ.
- Nếu duy trì mô hình này, theo ông các "hiệp sĩ" nên hoạt động như thế nào để vừa bảo vệ được bản thân, cũng như đúng quy định của pháp luật?
- Tôi cũng đã trao đổi với lãnh đạo TP HCM, các mô hình tổ chức như "hiệp sĩ" cần phải gắn kết với lực lượng cảnh sát hình sự, gắn kết với lực lượng cảnh sát giao thông, gắn kết với công an phường. Khi có phức tạp về tình hình tội phạm hoặc nhận được tin báo tố giác tội phạm thì các "hiệp sĩ" phải gọi điện ngay cho lực lượng công an cùng hỗ trợ. Phải kết hợp như vậy giữ các lực lượng, chứ không nên để "hiệp sĩ" hoạt động đơn độc.
Xin cảm ơn ông!
Theo Quang Phong (Dân Trí)
Bắt đối tượng mang vũ khí nóng xông vào nhà, cướp tài sản Sáng nay tại TP.Hà Tĩnh xảy ra vụ cướp gây rúng động khi một đối tượng mang vũ khí nóng xông vào nhà khống chế 3 mẹ con cướp tài sản. Ngày 9.5, Công an TP.Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ cướp táo tợn nhưng đối tượng đã bị cảnh sát tiếp cận và tóm...