Thượng tôn pháp luật nhân tố chính duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông
Chiều 7/11, Hội thảo Khoa học Quốc tế Biển Đông lần thứ 11 kết thúc tốt đẹp với sự đồng thuận cao giữa các đại biểu.
Trả lời phỏng vấn của VTC News, TS. Nguyễn Hùng Sơn, Quyền Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao – đơn vị đồng tổ chức Hội thảo Quốc tế lần thứ 11 về Biển Đông, khẳng định:
“ Kết quả quan trọng nhất của Hội thảo lần này chính là sự đồng thuận rất cao giữa các đại biểu về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc xây dựng một khu vực thượng tôn pháp luật, tôn trọng luật pháp quốc tế. Và điều đó sẽ là nhân tố chính giúp duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông, cũng như ở khu vực rộng lớn hơn“.
Quang cảnh Hội thảo Quốc tế lần thứ 11 về Biển Đông. (Ảnh: Minh Tuấn)
Video đang HOT
Hội thảo Quốc tế lần thứ 11 về Biển Đông với chủ đề “Hợp tác vì An ninh và Phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức đã kết thúc tốt đẹp sau 2 ngày làm việc tích cực (ngày 6-7/11).
Trải qua 6 phiên toàn thể, 6 phiên chuyên ngành, các đại biểu, bao gồm các quan chức cấp cao, các luật sư và chuyên gia uy tín quốc tế, đã đưa ra thảo luận nhiều vấn đề quan trọng đối với khu vực, như sự định hình của khu vực mà thế giới hay gọi là Ấn Độ- Thái Bình Dương, sự gắn kết giữa khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, về các vấn đề hệ trọng đối với biển và đại dương như bảo vệ môi trường biển, bảo tồn nghề cá, về các bài học mà các vùng biển khác nhau có thể chia sẻ như Biển Đông, vùng cực, Nam Thái Bình Dương, về các hiện tương mới như là nhiều nước đang sử dụng chiến thuật “vùng xám” trong việc thực thi yêu sách của mình.
Trong tất cả các cuộc thảo luận, các đại biểu đưa ra nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau. “ Có những quan điểm đạt được sự nhất trí chung, nhưng cũng có những quan điểm đang còn khác biệt. Cái chung ở đây là thống nhất được nhận thức, thống nhất việc áp dụng, triển khai luật pháp quốc tế vào việc củng cố môi trường khu vực. Cái khác biệt chỉ là cách làm như thế nào và một số khái niệm, định nghĩa cụ thể” – TS. Nguyễn Hùng Sơn kết luận.
Việc có sự tham dự của đông đảo các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cũng như các nhà ngoại giao đến từ các nước trong và ngoài khu vực chứng tỏ tầm quan trọng và ý nghĩa rộng rãi của việc tăng cường nhận thức vấn đề Biển Đông.
VĂN ĐỨC
Theo vtc.vn
Nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông
Tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11, các đại biểu đã trao đổi về lợi ích và quan tâm của các nước ngoài khu vực đối với Biển Đông, các vấn đề cụ thể như sự phát triển của "chiến thuật vùng xám", bảo vệ môi trường biển và nghề cá.
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11
Chiều ngày 7/11/2019, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực" do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS), và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) tổ chức đã kết thúc.
Sau hai ngày làm việc tích cực trong không khí cởi mở, hữu nghị, thẳng thắn và thực chất, đã có 47 bài phát biểu được trình bày cùng với hơn 250 lượt thảo luận, trao đổi sôi nổi. Các đại biểu đã thảo luận tình hình Biển Đông trong bối cảnh khu vực địa chính trị rộng lớn hơn gồm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Biển Hoa Đông, và hai vùng địa cực. Các đại biểu cũng trao đổi về lợi ích và quan tâm của các nước ngoài khu vực đối với Biển Đông, các vấn đề cụ thể như sự phát triển của "chiến thuật vùng xám", bảo vệ môi trường biển và nghề cá.
Trình bày của các đại biểu cho thấy khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là một cấu trúc địa chiến lược đang định hình,kết nối chặt chẽ về lịch sử, tự nhiên và kinh tế - chính trị - xã hội. Trong bối cảnh mới, khu vực chia sẻ nhiều lợi ích chung về an ninh, kết nối, kinh tế thương mại, phát triển. Các đại biểu nhấn mạnh khu vực cần thượng tôn pháp luật, đề cao các giá trị tự do, rộng mở, không loại trừ ai, kết nối và hợp tác nhiều mặt, minh bạch và cân bằng. Hợp tác khu vực cần được thúc đẩy qua các kênh song phương, nhiều bên, đa phương đặc biệt là các cơ chế của ASEAN. Vai trò của các quốc gia tầm trung rất được quan tâm, kể cả các đóng góp của các quốc gia ngoài khu vực như EU. Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti nhấn mạnh sự quan tâm và vai trò của EU ở khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng; khẳng định EU không chỉ là đối tác thương mại và phát triển mà còn là đối tác an ninh trong khu vực. Trong vai trò đó, EU có giá trị "cân bằng ảnh hưởng", thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ, nhất là tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế, gồm cả UNCLOS 1982.
Các đại biểu nhận định các nước còn nhiều cơ hội hợp tác trên Biển Đông và các vùng biển rộng lớn hơn, song cũng bày tỏ lo ngại mâu thuẫn trên biển ngày càng có tính chiến lược và có khả năng mở rộng tới các vùng địa cực; trở thành khu vực tranh giành ảnh hưởng của nhiều nước lớn. Bàn về "chiến thuật vùng xám", các đại biểu cho rằng đây là chiến thuật thường được các nước lớn sử dụng nhằm mở rộng kiểm soát không gian biển, biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp, nhưng dưới ngưỡng chiến tranh để không gây ra xung đột quân sự. "Chiến thuật vùng xám" là hoạt động có chủ đích nhằm "lách luật" quốc tế để tránh bị lên án, không phải do luật quốc tế thiếu quy định hoặc quy định thiếu chặt chẽ như một số nước thường biện minh. Để hạn chế "chiến thuật vùng xám", một số ý kiến cho rằng cần có thêm quy định đối với các hoạt động trong 'vùng xám", song cũng nhiều ý kiến cho rằng cần nhất là nâng cao nhận thức, hiểu biết về luật pháp và nâng cao năng lực thực thi luật pháp của các nước bị ảnh hưởng.
Về chủ đề bảo vệ môi trường và nguồn cá, các diễn giả nhận định Biển Đông hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, khai thác quá mức và quản lý yếu kém. Tất cả các nước, đặc biệt các nước tiếp giáp có trách nhiệm hợp tác giải quyết các thách thức này vì ô nhiễm môi trường và cạn kiệt nguồn cá tác động đến hệ sinh thái biển, sinh kế của người dân ven biển và kinh tế của các nước. Nhiều biện pháp được đề xuất để bảo vệ môi trường và nguồn cá, trong đó có hoạt động hợp tác thu thập dữ liệu khoa học về biển và phối hợp chính sách quản lý nghề cá v.v... Tuy nhiên, có thể nhận thấy việc thiếu thiện chí trong tuân thủ pháp luật quốc tế, né tránh giải quyết tranh chấp một cách triệt để làm suy giảm lòng tin, qua đó hạn chế sự hợp tác của các bên liên quan.
Phát biểu trong Phiên bế mạc, PGS.TS. Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng trật tự khu vực dựa trên luật lệ, tầm quan trọng của UNCLOS 1982, vai trò của chủ nghĩa đa phương, trong đó có vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng. PGS.TS. Nguyễn Vũ Tùng kết luận các nước trong và ngoài khu vực cần chung tay để "trở thành một phần của giải pháp, chứ không phải một phần của vấn đề Biển Đông".
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 đã thành công tốt đẹp, thể hiện nỗ lực đóng góp của giới học giả trong và ngoài nước đối với việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông./.
Mạnh Hùng
Thẩm phán vụ kiện Biển Đông: Yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông đi ngược UNCLOS 1982 Ông Stanislaw Michal Pawlak nêu rõ, yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông đi quá giới hạn địa lý và các quyền trên biển, đi ngược UNCLOS 1982. Trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học Quốc tế Biển Đông lần thứ 11 tại Hà Nội, tại phiên thảo luận riêng về Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Thẩm...