Thường Tín có 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai
Sáng 30.3, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín (Hà Nội) đã báo cáo về 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (gây bệnh Covid-19) trên địa bàn huyện. Trường hợp này là vợ một nhân viên nhà ăn của Bệnh viện Bạch Mai.
Hình ảnh Bộ Tư lệnh Hóa học chuẩn bị tẩy độc Bệnh viện Bạch Mai Ảnh Trần Cường
Cụ thể, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội sáng nay, 30.3, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín dẫn thông tin của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết vào 0 giờ 45 phút cùng ngày, đã có 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là chị H.T.L (34 tuổi, nhân viên y tế của trường học).
Nhận diện 5 nhóm lây lan virus corona trong ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai
Chị L. là 1 trong 75 trường hợp những người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, đã được huyện rà soát, lấy mẫu xét nghiệm.
Ngày 18.3, chị L. có tiếp xúc với chồng là anh T.H.T (36 tuổi, quê Hà Nam, là nhân viên bếp ăn tại Bệnh viện Bạch Mai, đang cách ly tại Bệnh viện Hà Nam).
Từ khi tiếp xúc với chồng (ngày 22.3) đến nay, chị T. đã tiếp xúc với 29 trường hợp ở trong và ngoài xã: 23 trường hợp ở xã Hồng Vân, 1 ở xã Tự Nhiên, 3 ở xã Vân Tảo và 1 ở xã Ninh Sở.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, hiện tại huyện này đã lập 7 chốt ngăn không cho người dân qua lại khu vực nhà chị T. Những người thân trong gia đình đã được đưa đi cách ly. Cơ quan chức năng huyện cũng đang tập trung tiêu trùng, khử độc các khu vực liên quan và rà soát các trường hợp tiếp xúc gần.
Huyện cũng đã chỉ đạo các lực lượng tập trung chuẩn bị tốt về phương án cách ly các thôn, xóm và cả phương án cách ly diện rộng hơn.
Việt Nam có 203 bệnh nhân nhiễm virus corona, thêm 7 nhân viên công ty Trường Sinh
Bệnh nhân 185 ở Hoài Đức đã tiếp xúc gần với ít nhất 83 người
Cũng tại cuộc họp này, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã báo cáo về trường hợp bệnh nhân số 185 nhiễm Covid-19 ở xã Đông La.
Đây cũng là bệnh nhân vừa được Bộ Y tế điều chỉnh thông tin sáng nay. Trước đó, thông báo ca bệnh chiều 29.3 của Bộ Y tế nhầm anh H. là người điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai, thực ra anh H. vào chăm anh rể đang điều trị tại bệnh viện này.
Theo đó, các ngày 15 – 16.3 và 18 – 19.3, bệnh nhân vào chăm anh rể điều trị tại Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai. Trong khoảng thời gian này, bệnh nhân có qua căng tin của bệnh viên mua nước, ăn mua đồ ăn.
Sau khi trở về từ Bệnh viện Bạch Mai, do không có biểu hiện gì, nên anh H. đi làm bình thường, tiếp xúc nhiều nơi, nhiều chỗ. Anh H. làm xưởng sản xuất nhôm kính, lắp đặt điện nước, nên còn chỉ đạo thợ đi lắp đặt.
Ngày 24.3, khi có biểu hiện bệnh, anh H. đã đi khám 3 nơi, từ trung tâm y tế, phòng khám tư, phòng khám của Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, đến mua thuốc ở một cửa hàng thuốc. Do đó, khi huyện điều tra diện F1 của bệnh nhân này thì có rất nhiều.
Từ ngày 15.3, anh H. được xác định “đi đi, về về”, đến ngày 24.3, có biểu hiện ho, sốt thì huyện yêu cầu lấy mẫu.
Đến 20 giờ ngày 27.3, CDC Hà Nội đã thông báo anh H. dương tính với SARS-CoV-2 và huyện triển khai ngay trong đêm việc điều tra dịch tễ, gọi điện đề nghị anh H. cung cấp lịch trình và “anh H. hợp tác tốt, nêu tất cả các nơi đi, đến, gặp gỡ”, theo lãnh đạo huyện Hoài Đức.
Ngay trong đêm, huyện đã điều tra được 83 trường hợp F1 và yêu cầu tự cách ly tại nhà. Sau đó, các trường hợp F1 đã được chuyển cách ly tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Bệnh viện Sơn Tây, Bệnh viện Hà Đông.
Đã xác định được 198 trường hợp F2 và yêu cầu cách ly tại nhà. “Chỉ có 1 bệnh nhân như vậy thôi mà diện tiếp xúc đông như thế. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục điều tra, xác định, thông báo trên loa nhằm tìm triệt để F1. Nếu chờ công bố đã chậm mất 2 hôm và có thể đối tượng F1 nâng lên gấp đôi”, lãnh đạo huyện Hoài Đức nói, và cho biết ngõ nhà anh H. ở đã được phong tỏa, phun khử khuẩn.
Chống dịch sai sẽ phải trả giá bằng mạng sống chứ không phải kinh tế
Chủ tịch UBND TP Hà Nội lưu ý, dịch Covid-19 nếu không dự báo đúng, sai đường, sai phương pháp thì phải trả giá bằng sinh mạng của người dân chứ không phải kinh tế.
Kết luận tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP sáng nay, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, chúng ta đang bước vào giai đoạn vô cùng nguy hiểm. Dịch bệnh đã lan truyền rộng hơn trên địa bàn TP, có nguy cơ lây nhiễm chéo trên các tỉnh, thành phố.
Dịch bệnh ở BV Bạch Mai đã lây lan ra 20 quận huyện của Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Có một số trường hợp F3 đã trở thành F0. Song theo Chủ tịch Hà Nội, chúng ta hoàn toàn có thể khoanh vùng dịch nếu mỗi cá nhân, gia đình đều có ý thức tự giác.
Liên quan đến thông tin có người nhiễm Covid-19 tự khỏi bệnh, ông Chung cho biết, với thông tin ông nắm được từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) các nước, câu chuyện tự khỏi là rất khó khăn.
Chủ tịch TP Hà Nội: Hà Nội sẽ hỗ trợ BV Bạch Mai xét nghiệm lại với hơn 7.000 nhân viên y tế
Theo ông, cần tuyên truyền thông tin rõ đến người dân bởi cứ nghĩ sẽ tự khỏi thì người dân chủ quan. "Thấy mình không có dấu hiệu gì, không thèm đi xét nghiệm nhưng thực ra trong người đã ủ bệnh rồi", ông Chung lưu ý.
Chủ tịch Hà Nội bày tỏ, diễn biến dịch bệnh Covid-19 hiện nay nằm ngoài những điều chúng ta đã nghĩ, đã học từ trước đến nay, vì vậy phải có cái nhìn thực tế hơn, nhận rõ được diễn biến, những nguy cơ và dự báo chắc chắn, chính xác về các nguy cơ sẽ diễn ra.
"Nếu không dự báo đúng tình hình sẽ dẫn đến sai đường, sai phương pháp. Mà sai phương pháp trong phòng chống dịch bệnh là chúng ta sẽ phải trả giá bằng sinh mạng của người dân, mà không khéo của chính người thân chúng ta chứ không phải ai cả", ông Chung nói.
Ông Chung nhấn mạnh, nếu không quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh, chúng ta phải trả giá bằng mạng sống chứ không phải là kinh tế.
Hành động dứt khoát, tránh lừng khừng
Với các trường hợp tử vong ở BV Bạch Mai không liên quan đến dịch bệnh Covid-19, trong giai đoạn này, người dân họ sẽ nghi ngờ là có liệu có phải thế không? Vì vậy, theo ông Chung cần phải công khai, tránh tin đồn thất thiệt, gây hoang mang cho người dân.
Ông cũng nhấn mạnh: "Tôi đề xuất với Ban giám đốc BV rằng tất cả các xét nghiệm mà BV thực hiện với nhân viên y tế công bố vào ngày 19 đến 24/3 không có giá trị. Phải xét nghiệm lại, phải tính từ sau ngày 28/3 vì những ngày trước đó, dù âm tính nhưng vẫn đi lại, tiếp xúc.
Nếu không làm thì ngay chính họ cũng có tâm lý lung lay. Hà Nội sẽ hỗ trợ BV để hoàn thành sớm nhất việc xét nghiệm lại với hơn 7.000 nhân viên y tế".
Chủ tịch UBND TP đề nghị các đơn vị phải hành động nhanh chóng và dứt khoát, tránh tình trạng lừng khừng. Không cho phép thời gian để bàn, không có thời gian để bàn. Ví dụ thấy người có yếu tố tiếp xúc với người bệnh, hay người liên quan đến ổ dịch tại BV Bạch Mai phải nghĩ ngay con đường lây đến mình, thì phải dứt khoát đưa đi cách ly.
Lập khu xét nghiệm nhanh cho kết quả sau 10 phút
Trong các nhiệm vụ cần làm ngay, ông Nguyễn Đức Chung đề nghị CDC Hà Nội phải khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm ngay tất cả các trường hợp có liên quan đến BV Bạch Mai, tổ chức hướng dẫn ngay cho tất cả các trạm y tế và BV về việc xét nghiệm nhanh.
CDC Hà Nội đã tiếp nhận 5.000 test nhanh từ Bộ Y tế trong tối qua."Test này sẽ có kết quả trong 10 phút và thông qua việc lấy mẫu máu. Nếu ai đó dương tính với virus SARS-CoV2 là chính xác, đây là test mà Hàn Quốc đã làm", ông Chung đánh giá.
Ông cũng yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng 10 tổ công tác có cả sự tham gia của Công an TP và Bộ Tư lệnh Thủ đô để lấy mẫu test nhanh tại một số quận, huyện, các khu tập trung đông người. Trước mắt trong chiều nay sẽ triển khai luôn các phường xung quanh BV Bạch Mai.
Các y bác sĩ ở BV dã chiến trong BV Bạch Mai
Ông Chung cho biết, đã nhờ một nhóm chuyên gia người Việt ở Seoul (Hàn Quốc) và ở New York (Mỹ) thiết kế, trong chiều nay sẽ cung cấp cho Hà Nội 10 trạm theo tiêu chuẩn của y tế thế giới WHO. Mỗi trạm này diện tích là 3x3m, có điện, wifi để làm việc 24/24hh. Trước mắt Hà Nội sẽ thuê 10 trạm với giá từ 6 - 7 triệu đồng/tháng đặt ở các phường để phục vụ việc lấy mẫu xét nghiệm ngay.
Chủ tịch TP giao Công an TP sắp xếp và bố trí tăng cường cho Hà Nội 10 chiếc xe bán tải, kèm lái xe; CDC phải trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ theo đúng quy định phục vụ trạm di động lấy mẫu xét nghiệm...
Ông Chung cũng yêu cầu các cơ sở y tế không cho người thân vào thăm bệnh nhân tại các BV, chỉ cho phép 1 người nhà vào thăm và trông bệnh nhân nặng. Tất cả y tá, bác sĩ trên địa bàn TP cần được xét nghiệm, ưu tiên lực lượng tại các khoa truyền nhiễm. Các khoa dinh dưỡng cần tổ chức nấu ăn và kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm.
Hương Quỳnh - Trần Thường
TP.HCM: Không cho người thăm bệnh tại các bệnh viện từ ngày 30/3 Rút kinh nghiệm từ "ổ dịch" Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai, Sở Y tế TP.HCM đã khẩn cấp có những quy định cụ thể để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế đang tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19. Sở Y tế TP.HCM khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế...