Thưởng thức những đặc sản “danh bất hư truyền” ở Thái Bình
Không cuốn hút du khách bằng thiên nhiên hùng vĩ, rợn ngợp, Thái Bình cũng chẳng có những địa danh khiến tín đồ du lịch phải “phát cuồng”.
Thế nhưng, mảnh đất này khiến người ta phải lưu luyến vì vẻ hiền hòa, thân thiện và nhiều món ăn ngon không cưỡng nổi.
Bánh cáy là thức bánh được làm từ đôi bàn tay khéo léo của người dân làng Nguyễn (xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng). Xưa kia, đây là sản vật của người Thái Bình để tiến vua. Nét độc đáo của bánh cáy làng Nguyễn chính là sự kết hợp các nguyên liệu từ hoa màu trong đời sống, tạo nên một thứ bánh dẻo, thơm và có hương vị đặc trưng.
Loại bánh này ngoài Thái Bình không thấy nơi nào có.
Nguyên liệu làm bánh thì nhiều nhưng nhất định không thể thiếu gạo nếp, gấc, quả dành dành, lạc, vừng, cà rốt, gừng, vỏ quýt,… Sau một loạt các khâu phức tạp, bánh cáy thành phẩm có hình dạng khá mộc mạc với lớp vừng dày ở ngoài, điểm xuyết trong bột nếp là những màu vàng, cam, trắng.
Thưởng thức bánh cáy bằng cách cắt thành từng miếng mỏng, pha ấm trà thơm rồi ngồi nhâm nhi cùng gia đình, bạn sẽ cảm nhận hết cái ngon và độc đáo của món quý tiến vua.
Nổi tiếng bởi sự đơn giản, không cần nhiều nguyên liệu chế biến nhưng vẫn tạo hương vị riêng, canh cá Quỳnh Côi được xem là niềm tự hào của người Thái Bình. Gọi canh cá nhưng đây lại là món ăn như bún, phở chứ không phải món kèm cơm.
Món ăn nhìn tưởng đơn giản nhưng thực chất đòi hỏi sự khéo léo của đầu bếp.
Cá được làm sạch, lóc xương, thái miếng dày vừa ăn, ướp ngấm gia vị rồi đem nướng chín tới. Tiếp đến, đầu bếp phải đem cá đi chiên cho đến khi vàng ruộm. Phần cá gần vây được băm nhuyễn với hành khô, tiêu, ớt rồi nặn thành viên đem chiên vàng giòn. Thêm nữa, đầu, xương sống cá không bỏ đi mà đem ninh làm nước dùng.
Những ngày giá lạnh, thật khó lòng cưỡng nổi khi ngửi thấy mùi bát canh cá Quỳnh Côi. Giữa bao thức quà cao sang, hương vị giản dị mà thân thuộc này vẫn làm ấm lòng người quê lẫn khách nơi xa.
Video đang HOT
Nhệch là tên một loại cá có hình dáng tương tự như lươn. Ở khâu sơ chế, người ta dùng tro để làm sạch nhớt trên mình nó rồi mới làm thành món ăn như kho, nấu canh chua, om… Trong đó, nổi tiếng nhất ở Thái Bình phải kể đến món gỏi nhệch.
Cá được cắt lát mỏng, trộn thính, phần da cũng cắt thành miếng chiên giòn. Còn xương cá được giã nhuyễn, nấu thành chẻo – thứ nước chấm có cái tên đặc biệt. Chẻo nấu xong cần pha với gừng, tỏi, ớt, hạt tiêu, sả băm nhỏ.
Gỏi nhệch ăn kèm rau chanh, lá sung, rau húng, tía tô. Cầm lá sung gắp vào miếng gỏi, cho thêm tí da, cuốn lại chặt tay rồi chấm vào chẻo là đủ thấy món ăn hấp dẫn đến độ nào. Vị bùi bùi của lá sung cùng với vị ngọt của thịt cá, vị béo béo của da, mùi thơm lừng từ thính… Tất cả quyện đậm đà với chẻo cay nồng khiến gỏi nhệch ngày càng được ưa chuộng.
Bún bung thường có dọc mùng, mọc, chân giò… từ lâu là món ăn phổ biến ở một vài tỉnh phía Bắc. Nhưng bún bung Thái Bình đặc biệt ở chỗ nó không ăn kèm dọc mùng mà thay bằng hoa chuối.
Đây là một trong những món ăn nổi tiếng và được nhiều người Thái Bình ưa thích.
Cùng với canh cá và bún cá, bún bung (bún hoa chuối) là món ăn rất được ưa thích của người Thái Bình. Vị chát của hoa chuối, béo ngậy của thịt, vị thơm của lá xương sông sẽ khiến bạn nhớ mãi.
Ổi Bo
Nhắc đến Thái Bình, chúng ta không thể quên một loại trái cây vô cùng hấp dẫn mang tên ổi Bo. Với hương vị ngon, ngọt, giòn, mát, chua dịu nhẹ, loại ổi này luôn được ưa chuộng và làm hài lòng du khách gần xa.
Thưởng thức một miếng ổi bo mà nhớ cả đời.
Ổi Bo có kích thước khá nhỏ, chỉ chừng cỡ nắm tay nhưng hương vị dường như chứa đựng bao tinh túy của đất trời. Dù giống ổi Bo được trồng ở khá nhiều nơi, nhưng không đâu có hương vị đặc biệt như ở Thái Bình.
Đáng tiếc rằng ổi Bo cho năng suất và hiệu quả kinh tế không cao nên diện tích trồng đã bị thu hẹp đi nhiều. Khách muốn tận hưởng vị ổi đúng “chuẩn” cũng khó dù đứng ngay trên quê gốc của giống cây đặc sản.
Bánh nghệ
Chưa ở miền quê nào có loại bánh nghệ vàng ruộm, thơm bùi và dân dã như ở Thái Bình. Bánh được làm từ gạo tẻ chứ không phải là gạo nếp nên ăn nhiều không sợ bị nóng. Thêm nữa, việc kết hợp với nghệ làm cho bánh có giá trị dinh dưỡng và mùi vị rất riêng.
Màu sắc bánh nghệ cũng gợi nên sự hấp dẫn.
Được thưởng thức những chiếc bánh nghệ khi còn nóng, nhất là trong tiết trời lạnh thì không gì thích bằng. Nếu để nguột, bánh sẽ khô và kém thơm hơn.
Theo Dân trí
Bánh cáy làng Nguyễn
Năm ngoái, cơ quan Bộ Ngoại giao đến thăm nhà tôi vào dịp tết.
Chủ rót ra những chén chè xanh "đặc cắm tăm", mời cùng những thanh bánh cáy đẹp lạ mắt. Vậy mà khách tấm tắc khen ngon rồi thú thực: "Thấy thi vị hơn rượu ngoại, kẹo lai", và hẹn hò sang năm nhờ đặt mua bánh cáy.
Bánh cáy là đặc sản của làng Nguyên Xá - tên nôm là làng Nguyễn, cách thị xã Thái Bình hơn 10km. Những công đoạn làm bánh thật là kỹ càng.
Gạo nếp ướp cùng gấc, nước rành rành, nước lá cơm nếp rồi thổi thành ba chõ xôi có ba màu xanh, đỏ, vàng.
Giã xôi thành bánh dày. Phơi bánh cho se se mặt, đem thái thành những thanh nhỏ, cỡ to dài khoảng 6 que tăm, để khi cho vào mỡ rán, chúng nở ra, to bằng đầu đũa là vừa.
Ngoài ra còn bỏng nẻ, lạc vừng rang, mỡ lợn. Nếp rang bỏng nẻ phải là nếp cái hoa vàng. Rang không quá tay để hạt bỏng không nở tung tóe. Rồi còn phải sàng sảy cho đến lúc không còn mảnh trấu, mày.
Vừng phải là loại đã đãi qua nước, loại những hạt lép nhỏ, rồi xát vỏ đem rang.
Lửa rang vừng, chỉ cần liu riu, để vừng được chín om. Trông thì trắng, nhưng mùi vừng rang thơm lựng. Lạc cũng kén củ đều.
Trước khi rang, còn phải luộc lên rồi phơi khô để tránh khét. Mỡ lợn chọn phần mông, ướp từng tảng trong đường, hàng nửa tháng. Rồi mới mang thái hạt lựu, đem xào lên cho miếng mỡ trong vắt và rắn lại.
Tất cả nguyên liệu được chuẩn bị sẵn sàng, bên chảo đường. Đường kính (xưa kia các cụ dùng mật, loại đầu lò) pha một phần mạch nha, đun nhỏ lửa, sao cho khi đường sôi, lấy đũa sên lên, đường chảy thành một dòng dẻo mềm có thể đông mềm trong nước lạnh, là được.
Bánh đổ vào khuôn. Lòng khuôn đã rắc vừng để tạo ra lớp bọc ngoài đẹp mắt và hấp dẫn. Mỗi khuôn bánh là một khối chữ nhật, dài 1 thước ta bằng 40cm, và mỗi cạnh vuông 6cm.
Bánh nguội được gói giấy hồng điều, có nhãn mác làng quê, nơi sản xuất.
Theo Nguoidothi
Những món ăn đặc sản "nhìn thì ghê nhưng ăn là mê" ở Ninh Bình Gỏi nhệch, trứng kiến, nhộng ong là những món ăn ở Ninh Bình khiến thực khách vô cùng thích thú, bởi cách ăn độc đáo và hương vị đặc biệt. Gỏi nhệch Kim Sơn Gỏi nhệch là một trong những đặc sản ẩm thực nổi tiếng của Ninh Bình khiến bao du khách phải say lòng, ăn một lần nhớ mãi không quên....