Thưởng Tết: Kẻ chắc có, người lo… không
Chỉ còn hai tháng nữa là đến Tết Quý Tỵ. Theo số liệu công bố, mức thưởng Tết năm nay tại TPHCM cao nhất là 217 triệu đồng và thấp nhất là 2,3 triệu đồng. Dù thấp hơn năm ngoái nhưng so với tình hình chung của các doanh nghiệp phía Bắc, thưởng Tết vậy vẫn là cao.
Công nhân Cty May Sông Hồng ( Nam Định) hy vọng thưởng Tết sẽ như năm ngoái?.
TPHCM: Thưởng tháng lương thứ 13
Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX – KCN) TPHCM (HEPZA) ngày 12/12 cho biết, có 98 doanh nghiệp (DN) đã báo cáo lương thưởng tết năm 2013.
Kết quả, mức thưởng tết cao nhất của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài là Công ty Unilever với 217,3 triệu đồng, xếp thứ hai thuộc về Công ty Siamp với 83,9 triệu đồng.
Mức thưởng của DN trong nước cao nhất là 60 triệu đồng thuộc về Cty Nam Phương, cao thứ hai là 55.300.000 đồng là Cty Quạt VN.
Theo báo cáo của Hepza, mức thưởng bình quân Tết 2013 theo ngành nghề với ngành may mặc – da giày là 3,4 triệu đồng điện – điện tử 5 triệu đồng thực phẩm 2,5 triệu đồng cơ khí 3,55 triệu đồng.
Đa số người lao động trong các DN thuộc KCX – KCN đều được thưởng tết 2013, trung bình là một tháng lương cơ bản.
Thời gian phát thưởng tết cho người lao động được các DN thực hiện trong khoảng thời gian từ 25/1 đến 7/2/2013.
Nhiều doanh nghiệp ngoài KCN-KCX trên địa bàn TP.HCM cũng đã chuẩn bị phương án thưởng Tết 2013 cho người lao động.
Ông Củ Phát Nghiệp- Chủ tịch Công đoàn Cty Pou Yuen Việt Nam cho biết công ty này sẽ dành 600 tỉ đồng thưởng Tết Qúy Tỵ cho gần 75.000 CN và sẽ chuyển vào thẻ ATM vào ngày 6 và 7/2/2013.
Theo đó, công nhân làm việc một năm trở lên được thưởng ít nhất một tháng lương. Công ty còn chuẩn bị khoảng 300 tỉ đồng để trả lương tháng 1/2013 cho công nhân vào ngày 5/2/2013.
Công đoàn Cty CP May Sài Gòn 3 cho biết, mức thưởng Tết 2013 bình quân cho người lao động là 2,3 tháng lương, tương đương khoảng 10 triệu đồng/người, tăng khoảng 10-15 % so với năm ngoái.
Video đang HOT
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM, nhiều doanh nghiệp trong ngành này trong năm 2012 có hoạt động sản xuất kinh doanh tốt đều có mức thưởng tương đối khá, ví dụ Cty Garmex Sài Gòn, tương đương khoảng 10 triệu đồng/người. Nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng cố gắng duy trì tháng lương 13 cho người lao động.
Phía Bắc: Thấp thỏm chờ
Tháng 12 được coi là tháng tâm điểm của ngành than vì mọi kế hoạch kinh doanh của năm sẽ đổ dồn hết vào tháng này. Tại các mỏ than, cánh thợ lò vẫn chăm chỉ làm việc. Hỏi về việc liệu năm nay có được thưởng Tết hay không, nhiều thợ lò lắc đầu không biết.
“Bọn em vẫn làm theo ca, kíp. Nghe nói xuất khẩu than gặp khó nên chúng em cũng phải làm việc cầm chừng. Còn việc được thưởng Tết hay không, chưa thấy lãnh đạo Cty thông báo” – một thợ lò của Cty than Khe Chàm cho biết.
Trao đổi với PV, ông Ngô Hoàng Ngân, Giám đốc Cty than Khe Chàm (thuộc Vinacomin) cho biết, trước tình trạng khó khăn chung của ngành than, Cty sẽ cố gắng để có thưởng Tết cho CBCNV.
Tuy nhiên, mức thưởng bao nhiêu, còn tuỳ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của tháng 12. Theo ông Ngân, nếu có thưởng thì thợ lò cũng là đối tượng được ưu tiên hàng đầu.
Ông Phạm Hoài Vũ, Phó Chánh văn phòng Cty TNHH một thành viên Than Uông Bí (thuộc Vinacomin) cũng cho biết, việc có tiền để thưởng Tết cho gần 8.200 CBCNV hay không đang là bài toán chưa có lời đáp.
“Năm nay, chúng tôi sẽ cố gắng thưởng Tết cho CBCNV, nhưng để đạt mức một tháng lương như năm trước (bình quân khoảng 3 triệu/người) chắc là không thể” – ông Vũ khẳng định.
Ông Bùi Viết Quang, Phó Giám đốc Cty cổ phần may Sông Hồng (NamĐịnh) cho biết. “Đến thời điểm này dù chưa hạch toán thu chi, nhưng ban lãnh đạo Cty vẫn quyết định thưởng Tết cho công nhân giống như năm ngoái, từ 1 đến 2 tháng lương với khoản tiền thưởng 9-10 triệu đồng/người”- Ông cho biết.
Theo ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Lao động chính sách tiền lương (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), Sở đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tổng hợp, báo cáo tiền lương và thưởng năm 2012. Tuy nhiên, số doanh nghiệp báo cáo không nhiều so với năm ngoái.
Ông Thanh cho biết, thực ra, nếu doanh nghiệp có báo cáo lên thì số lương – thưởng Tết năm 2012 chưa hẳn đã đúng với thực tế diễn ra tại doanh nghiệp.
“Hiện, chúng tôi đang cho thống kê số liệu lương, thưởng Tết năm 2012 nhưng nhìn chung so với năm ngoái, mức thưởng Tết năm nay rất thấp”- ông Thanh nói.
Theo đại diện Vụ Lao động Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), nếu đem so sánh số liệu tình hình lương thưởng Tết năm ngoái với năm nay, có mức chênh lệch khá lớn.
Nếu như năm ngoái, đến thời điểm này, tính riêng tại TP Hồ Chí Minh, có tới hơn 1.000 doanh nghiệp báo cáo tình hình lương thưởng Tết thì năm nay mới chỉ có gần 100 doanh nghiệp báo cáo.
“Năm ngoái, mức thưởng Tết cao nhất là 700 triệu đồng/người thuộc về một doanh nghiệp FDI. Năm nay, cũng là doanh nghiệp FDI nhưng mức cao nhất chỉ là 217 triệu đồng” – đại diện Vụ Lao động tiền lương nói.
Theo Dantri
"Vạ lây" vì vé tàu tết
Ngày 12/12, hàng ngàn khách mua vé tàu vào ngày thấp điểm (trước 20 tháng chạp) và mua vé đi trong ngày bỗng lâm vào cảnh chen chúc cả ngày mới mua được vé.
Nghịch lý này xuất hiện khi ngày 10/12, ga Sài Gòn gộp chung khách mua vé tàu tết đi trước ngày 31/1/2013 (20 tháng chạp) và khách mua vé đi trong ngày vào chung một chỗ dẫn đến quá tải lượng khách mua vé. Điều này đã tạo nên cảnh tréo ngoe là mua vé đi trước ngày 20 tháng chạp và vé đi trong ngày phải chầu chực lâu hơn cả mua vé tết.
Mỏi mòn chờ
9g50 sáng 12/12, chị Nguyễn Thùy Lan đến lấy số thứ tự để mua vé tàu về Nam Định vào ngày 16 tháng chạp, nhưng nhìn phiếu thứ tự chị đã choáng khi thấy con số 906. Trong khi khách hàng đang được phục vụ chỉ mới đến số 190. Hỏi nhân viên phục vụ lấy số thứ tự ước chừng bao lâu mới đến lượt, chị Lan chỉ nhận được cái nhún vai ái ngại: "Chắc tới tối!".
Xung quanh chị Lan, hàng trăm hành khách đang dở mếu dở cười vì không hình dung nổi tại sao mua vé đi trước tết mà lại vất vả hơn cả vé tết. Cầm số phiếu 550, chị Hoàng Thùy Dung (sinh viên Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) cho biết lấy phiếu từ 8g30 nhưng ngồi đợi đến hơn 14g vẫn chưa đến lượt.
Không chỉ khách mua vé về tết, khách mua vé đi liền và trong các ngày kế cận cũng bị "vạ lây". Ông Hoàng Trọng Thắng, một khách hàng mua vé cho mẹ về Quảng Nam vào ngày 15/12, đến từ 6g30 lấy được phiếu số 310 nhưng đến 12g vẫn phải xếp hàng vì chưa đến lượt. Càng về trưa và đầu giờ chiều, lượng khách đi tàu trong ngày càng đông khiến khách hàng càng nóng ruột. Đến 16g15, số phiếu phát ra đã đến 1.844 nhưng số lượt người được mua vé chỉ mới 447, nghĩa là còn đến gần 1.400 lượt đang chờ. Nhiều người cầm phiếu xong quá nản đã bực tức vứt vào sọt rác hoặc xé bỏ vì không biết bao giờ mới mua được vé.
Nhiều người tập trung tại lầu 1 ga Sài Gòn mua vé đi ngay trong ngày 12/12 Ảnh: Viễn Sự
Để giảm ùn ứ tại điểm bán vé đi liền và vé tết vào ngày thấp điểm, nhân viên ga Sài Gòn chuyển một số khách mua vé đi trong ngày lên khu bán vé qua điện thoại để mua vé. Tuy nhiên, việc hướng dẫn này lại theo kiểu may rủi, chỉ cho từng nhóm khách 5-10 người vì điểm bán vé qua điện thoại không thể giải quyết được nhiều. Số khách còn lại được trấn an ngồi đợi đến sát giờ tàu chạy sẽ có hướng dẫn thêm.
Bán vé qua mạng: tốc độ chậm lại
Hôm qua, tốc độ bán vé cho những người đăng ký qua mạng chậm hẳn so với hai ngày đầu. Hai ngày trước, khách hàng chỉ chờ tối đa khoảng ba giờ thì hôm qua nhiều khách đã chờ đến 6-7 giờ mới mua được vé. Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm 15g ngày 11/12 đã tiếp nhận 664 lượt khách lấy số thứ tự tại ga và 356 khách lấy số thứ tự qua mạng. Nhưng 15g ngày 12/12 thì con số tương ứng chỉ mới là 428 và 261, ít hơn gần 300 lượt. Trong ngày thứ ba bán vé tàu tết qua mạng, tình hình nghẽn mạng vẫn tiếp tục. Tại điểm truy cập Internet miễn phí có rất đông khách hàng chờ đăng ký nhưng ít người đăng ký thành công vì mạng chậm hoặc không tìm được chỗ.
Đại diện ga Sài Gòn cho biết tính đến thời điểm 15g ngày 12/12, số chỗ từ Sài Gòn đi các ga khu vực miền Trung như Tuy Hòa, Diêu Trì, Quy Nhơn, Quảng Ngãi các ngày cao điểm đã hết do nhu cầu quá lớn, hơn nữa số chỗ được dành ưu tiên cho bán vé đường dài, đi suốt.
Việc đặt chỗ bán vé qua website được thực hiện từ ngày 10 đến 19/12/2012. Từ ngày 20/12, số chỗ còn lại sẽ được đưa về các ga bán vé phục vụ hành khách. Đến 15g ngày 12/12, có 16.738 phiếu đặt chỗ đã đặt 41.525 chỗ. Có 4.601 phiếu đặt chỗ đã thanh toán với 11.149 vé.
"Lực bất tòng tâm"
Đó là sự thừa nhận của ông Đinh Văn Sang - phó tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn - khi trao đổi với PV.
* Thưa ông, nhiều hành khách than phiền việc mua vé qua mạng rất khó khăn, liệu ngành đường sắt có giải pháp kỹ thuật nào khác?
- Năm nay chúng tôi đã có nhiều cải tiến việc bán vé qua mạng, như những ngày qua đã loại trừ được khoảng 100.000 đăng ký qua mạng không thực tế và 20.000 đăng ký qua mạng có dấu hiệu đầu cơ. Thế nhưng trong ngày đầu (10/12), việc đặt mua vé có chậm và đến 17g cùng ngày việc đặt vé qua mạng mới thuận lợi. Có thể nói với số lượng 168.000 tài khoản đăng ký qua mạng, trong khi ngành đường sắt chỉ có 48.000 chỗ cho hành khách đi trong ngày cao điểm trước tết và 20.000 chỗ cho hành khách đặt vé khứ hồi sau tết, cho thấy cung vượt quá cầu.
Chúng tôi cũng mong muốn được phục vụ khách hàng tốt hơn nhưng lực bất tòng tâm.
* Vì sao người dân đã đặt vé qua mạng nhưng khi đến ga không lấy được vé? Ông có khuyến cáo gì để đăng ký mua vé trên mạng được nhanh hơn?
- Có thể nói với những hành khách không nắm đầy đủ thông tin hoặc trong quá trình thao tác đăng ký trên mạng không đúng, nên khi đến ga không có vé. Cụ thể là sau khi đặt vé trên mạng, hành khách đã không in phiếu hoặc quên mã số hoặc bấm lộn qua mục xóa nên mất hết thông tin đã đăng ký vé trên mạng.
Theo tôi, bà con đăng ký trên mạng khi chọn chỗ (ghế ngồi hoặc giường nằm) nên bấm vào mục tự động thay vì vào mục tự chọn. Bởi vì vào mục tự động sẽ cho ngay số chỗ và ngày đi cụ thể. Còn bấm vào mục tự chọn có khi ra cùng lúc 100 chỗ với nhiều ngày đi khác nhau.
Ngọc Ẩn ghi
Ga Đà Nẵng bán được 7 vé tàu tết qua mạng
Ngày 12-12, ga Đà Nẵng cho biết sau ba ngày tổ chức bán vé tàu tết, tại đây chỉ bán được 7 vé tàu qua mạng Internet cho hành khách đi các tỉnh phía Nam. Việc bán qua mạng được quá ít vé là do trang web bán vé chung liên tục quá tải khiến người mua không thể vào đặt chỗ.
Theo ga Đà Nẵng, một khó khăn cho việc bán vé là do năm nay số lượng vé được phân bổ đến 50% bán qua mạng (số còn lại bán trực tiếp tại ga) trong khi web liên tục bị nghẽn. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có trường hợp nào được bán qua hệ thống điện thoại. Theo ghi nhận, ngày 12-12 tại ga có hơn 200 lượt khách tới mua vé. Ba ngày qua, ga đã bán được khoảng 1.500 vé tàu tết. Lãnh đạo ga cho biết vé đi từ ga Đà Nẵng trước và sau tết hiện vẫn còn nhiều vé rải đều cho các ngày. Theo kế hoạch, mỗi ngày ga sẽ bán 350-370 vé. Để phục vụ nhu cầu đi lại dịp tết, từ ngày 27, 28 tháng chạp ga Đà Nẵng tăng cường hai chuyến tàu SE 24 Đà Nẵng - Hà Nội với khoảng 750 vé.
Theo 24h
Đặt vé tàu Tết: Loại bỏ 100.000 tài khoản ảo Để ngăn chặn đầu cơ vé và gây nghẽn mạng, Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn (KSG) đã loại bỏ hàng trăm ngàn tài khoản ảo và quản lý nhiều tài khoản có dấu hiệu đầu cơ. Chiều 12/12, Công ty KSG cho biết, đến 15 giờ ngày cùng ngày đã có 16.738 phiếu đặt chỗ thành công với...