Thưởng Tết giáo viên: Nơi có nơi không
Một số trường ở TPHCM mức thưởng Tết cho giáo viên có thể lên đến 15-20 triệu đồng. Trong khi đó, giáo viên nhiều tỉnh, thành khác hầu như không có khái niệm thưởng Tết
Dù TPHCM và UBND các quận, huyện chưa công bố mức hỗ trợ thưởng Tết cho giáo viên (GV) nhưng nhiều trường cho biết năm nay thưởng Tết cho GV giảm không đáng kể.
TPHCM: Có trường thưởng khá cao
Ông Trần Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Tạ Quang Bửu (quận 8), lạc quan: “Năm nay sẽ cố gắng bằng năm ngoái. Làm lãnh đạo chỉ cố gắng sao thưởng Tết cho GV không tăng được nhưng cũng không giảm, giảm thì buồn quá. Năm ngoái, Trường THPT Tạ Quang Bửu mỗi GV được thưởng từ 15-20 triệu đồng”. Để có khoản thưởng này, trường đã tiết kiệm chi tiêu, hơn nữa, GV của trường đa số là GV trẻ có hệ số lương thấp nên quỹ lương chi ít, vì vậy cũng có khoản dư. Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), số tiền thưởng Tết (lương tăng thêm) cộng các khoản phụ cấp thêm giờ cũng vào khoảng 20 triệu đồng/người.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 4 cho biết nhờ được tự chủ tài chính và thêm nguồn kinh phí cho thuê mặt bằng mở trung tâm ngoại ngữ nên cuối năm, mỗi GV được thưởng khoảng 8-10 triệu đồng. Tại quận 5, năm nay mức thưởng Tết cho GV dao động từ 1,5 – 3 triệu đồng, tăng hơn năm ngoái từ 200.000 – 500.000 đồng, nhiều trường mầm non có mức thưởng từ 6 – 15 triệu đồng, tuy số trường thưởng mức 15 triệu đồng không nhiều.
Một số nơi khó khăn nhất của TPHCM, mức thưởng Tết cũng không quá thấp. Tại Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ), ông Đặng Thái Bình, hiệu trưởng, cho biết: “Năm nay ngân sách chi cho các điểm lẻ tăng thêm (từ 20 triệu lên 100 triệu đồng) nên tiền thưởng Tết cho GV cũng tăng đáng kể, vào khoảng 3,5 triệu đồng/người, gấp đôi năm ngoái”.
Video đang HOT
ĐBSCL: Nhiều trường chưa biết “mùi” thưởng Tết
Theo ông Ngô Triều Mến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau, năm ngoái, GV trong tỉnh được hỗ trợ tiền Tết 300.000 đồng nhưng đây là khoản hỗ trợ cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong tỉnh. Năm nay, đến giờ này vẫn chưa có thông tin gì về khoản hỗ trợ Tết.
Với nhiều giáo viên vùng sâu, vùng xa ở ĐBSCL, thưởng Tết là chuyện xa vời. Ảnh: THỐT NỐT
Cô Trần Thanh Tâm, một giáo viên đang công tác tại Trường THPT Thanh Bình 1, huyện Thanh Bình – Đồng Tháp, vui vẻ cho biết: “Năm nay GV trường tôi sẽ ăn Tết “lớn” vì mỗi người nhận được khoảng 2 triệu đồng. Tuy không nhiều so với các trường bạn nhưng mọi người ai cũng vui”.
Tại An Giang, UBND tỉnh này vừa chỉ đạo cơ quan chức năng chi trả lương tháng 1 và tháng 2-2013 cho CBCCVC cơ quan hành chính sự nghiệp. Ngoài ra, CBCCVC còn được hỗ trợ 600.000 đồng/người để ăn Tết. Tuy nhiên tại Kiên Giang, GV không có thưởng Tết. Thầy Nguyễn Hoàng Khởi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Danh Coi, huyện An Minh, cho biết nhiều năm qua, GV công tác ở vùng đặc biệt khó khăn này chưa biết đến “mùi” thưởng Tết. Các trường chỉ tặng cho GV một vài chai nước mắm, bịch bột ngọt…
Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định: Không có quy định thưởng Tết
Theo ông Trần Đức Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định, từ trước tới nay chưa bao giờ ngân sách có mục thưởng Tết cho ngành giáo dục, do vậy việc này các trường tự lo. Ông Nguyễn Tấn Thắng, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, cho biết năm nay, GV không có tiền thưởng Tết do ngân sách của tỉnh thâm hụt. Các năm trước, tùy theo tình hình tài chính, UBND tỉnh thưởng cho mỗi GV từ 100.000 – 200.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Nam Giang, nói: “Năm nào cũng thế, GV công tác ở miền núi Tết đến hầu như chẳng có gì. Bà con dân bản thương thì cho ít quà thôi”. Còn theo ông Nguyễn Trường Sinh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My, nếu các trường tiết kiệm chi phí thì khoản thưởng cho GV cũng chỉ là vài gói mứt, bánh kẹo chứ làm gì có tiền thưởng Tết.
Ông Trần Ngọc Tựu, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, thông tin toàn tỉnh hiện có 16.000 GV, nếu thưởng 200.000 đồng/GV thì phải mất hơn 3,2 tỉ đồng nên rất khó có để thưởng Tết bởi không thể lo nổi khoản tiền này.
Theo người lao động
Báo ANTĐ cần đột phá mới, nâng tầm ảnh hưởng
Đại tá Nguyễn Đức Chung, Bí thư Đảng ủy - Giám đốc CATP Hà Nội hôm qua 9-1 đánh giá cao kết quả trên 9 mặt công tác lớn mà Báo ANTĐ đã đạt được, đồng thời nêu ra 7 "nhóm" việc cần thực hiện năm 2013 và hướng phát triển những năm tới của Báo ANTĐ.
Giải bóng đá học sinh THPT do Báo An ninh Thủ đô tổ chức hàng năm
có tác dụng rất lớn trong công tác giáo dục toàn diện cho thiếu niên
Thành quả trên 9 mặt công tác lớn
"Năm 2012, Công an Hà Nội vinh dự được nhận cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ. Thành quả đó, niềm vui chung đó đạt được là nhờ nỗ lực cố gắng của lực lượng Công an Thủ đô, trong đó có sự góp phần không nhỏ của CBCS Báo An ninh Thủ đô"- Đại tá Nguyễn Đức Chung, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội mở đầu phát biểu của mình tại Hội nghị triển khai chương trình công tác năm 2013 của Báo ANTĐ. Người đứng đầu Công an Hà Nội bày tỏ tin tưởng "sẽ có đột phá mới" trên chặng đường phát triển sắp tới của tờ báo.
Nhìn lại năm 2012, Đại tá Nguyễn Đức Chung ghi nhận, biểu dương, chúc mừng và đánh giá cao Báo ANTĐ trên 9 mặt công tác lớn. Đồng chí Giám đốc CATP ghi nhận, với cả 3 loại hình báo in, báo điện tử và truyền hình, An ninh Thủ đô đã bám sát yêu cầu chính trị, truyền tải kịp thời đến bạn đọc những hoạt động liên quan đến ANCT-TTATXH Thủ đô và những sự kiện lớn của đất nước. Thông qua Báo ANTĐ, việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến nhân dân được đẩy mạnh, góp phần làm giảm đầu vào tội phạm. Tờ báo cũng có những đóng góp quan trọng, góp phần phản bác những luận điệu sai trái, thù địch. Báo in đứng vững về số lượng phát hành trong bối cảnh kinh tế, sức mua suy giảm đồng thời vẫn tiếp tục làm tốt công tác xã hội từ thiện.
"Kinh tế năm 2012 khó khăn, việc tiếp tục duy trì nhịp độ nhiều hoạt động chính sách xã hội, xây nhà tình nghĩa, từ thiện ở các vùng sâu, vùng xa và đến với Công an Vientiane (nước bạn Lào) là một thành quả không phải báo nào, cơ quan nào cũng làm được như Báo ANTĐ"- đồng chí Giám đốc ghi nhận. Bên cạnh công tác xã hội tình nghĩa, Báo tổ chức thành công 2 giải bóng đá: một giải dành cho lứa tuổi học sinh THPT toàn thành phố, một giải dành cho các cựu cầu thủ kỷ niệm 40 năm "Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", có hiệu ứng xã hội tốt. Báo ANTĐ cũng làm tốt công tác xây dựng lực lượng, gắn liền hoạt động của đơn vị với các phong trào thi đua, xứng đáng là Đơn vị Quyết thắng.
Những gợi ý "sát sườn"
Đánh giá cao vai trò quan trọng cũng như những đóng góp của tập thể CBCS Báo ANTĐ đối với thành công chung trong năm công tác 2012 của CATP Hà Nội, Đại tá Nguyễn Đức Chung nêu ra 7 vấn đề với Ban Biên tập Báo ANTĐ. Chú trọng số 1 là chất lượng đội ngũ CBCS có trình độ, được đào tạo bài bản, xây dựng đội ngũ phóng viên - biên tập viên có phẩm chất chính trị, sắc bén về ngòi bút, vững vàng về pháp luật. Đồng chí Giám đốc CATP cho biết sẽ tháo gỡ khó khăn về biên chế cho Báo ANTĐ ngay trong năm 2013, mặt khác đồng chí yêu cầu Ban Biên tập Báo ANTĐ xây dựng lộ trình, chiến lược về công tác cán bộ.
Theo đồng chí, đội ngũ phóng viên - biên tập viên cần có cái nhìn tổng quát trước tất cả mọi vấn đề, nhưng lại chuyên sâu và phải là chuyên gia trong lĩnh vực mình được phân công theo dõi để có thể tham mưu cho Ban Biên tập, làm cho chuyên mục trên báo ngày càng tươi mới, hấp dẫn hơn. "Các chuyên mục trên báo giấy, báo điện tử và cả báo hình đều phải gây được thiện cảm với nhân dân". Đồng chí Giám đốc nêu kỳ vọng và hình dung: "Bạn đọc là khách hàng, tờ báo phải nhân được lượng khách hàng lên, đáp ứng được nhiều tầng lớp khách hàng, là cầu nối, đáp ứng nhu cầu của nhiều tầng lớp nhân dân". Ở góc độ người đọc, người xem những sản phẩm truyền thông, Giám đốc cho rằng: "Bạn đọc có ý kiến. Vậy ý kiến có được đưa lên mặt báo hay không? Người dân thấy được lên báo, nên mua báo. Phải quan tâm đến những vấn đề thiết thân, bức xúc như vấn đề an toàn thực phẩm, môi trường, chuyện con cái học hành, v.v..."
Với cả 3 loại hình báo chí truyền thông đa phương tiện, Giám đốc CATP đồng thời nêu ra nhiều gợi mở không giới hạn. Đối với Truyền hình An ninh ATV của Báo ANTĐ nên tăng thời lượng phát sóng, hướng tới phát sóng và truyền hình trực tiếp, phản ảnh trực tiếp các sự kiện đến người dân. Đối với xu hướng báo giấy giảm số lượng- báo điện tử phát triển, Báo ANTĐ cần nghiên cứu quy trình duyệt bài - biên tập điện tử, đáp ứng tốt nhất nhu cầu cập nhật thông tin liên tục của bạn đọc. Đại tá Nguyễn Đức Chung yêu cầu không ngừng cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ để tiết kiệm cả về thời gian và chi phí. Đồng chí Giám đốc khẳng định, Báo ANTĐ cần duy trì những thành quả đã xây dựng được để tiếp tục tiến những bước vững chắc và ngày càng lớn mạnh hơn. Tờ báo phải là phương tiện truyền thông giúp nhân dân thấy được một cách rõ nét nhất những hoạt động thường xuyên của các lực lượng CATP, từ đó thấu hiểu, đồng tình và giúp đỡ lực lượng công an hoàn thành nhiệm vụ.
"Tôi tin rằng năm 2013 Báo ANTĐ sẽ có những bước đột phá mới nâng cao chất lượng và tầm ảnh hưởng", người đứng đầu lực lượng Công an Thủ đô kết thúc bài phát biểu của mình bằng một lời động viên khích lệ rất có ý nghĩa với toàn thể CBCS Báo ANTĐ. Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Nguyễn Viêm Hoàng đã dành nhiều lời khen ngợi về những dấu ấn, thành quả đạt được trong năm 2012 của Báo ANTĐ.
Với tinh thần "cầu thị, hăng hái, có tư duy tốt, có trách nhiệm cao", Tổng Biên tập Báo ANTĐ Đào Lê Bình tin rằng từng CBCS Báo ANTĐ cũng như tập thể Cấp ủy - Ban Biên tập nhận thức được "sự sống còn" của yêu cầu đột phá, nâng tầm ảnh hưởng của tờ báo, vượt qua bối cảnh khó khăn chung phục vụ bạn đọc ngày càng tốt hơn. Bước sang năm 2013, Báo ANTĐ sẽ tiếp tục bám sát các phong trào thi đua lớn của CATP, giữ vững lượng phát hành, xứng đáng với danh hiệu Đơn vị Quyết thắng. Báo ANTĐ sẽ phục vụ tận tâm tận lực bằng những nhận thức đúng đắn nhất, góp nhiều tiếng nói chân thực - không tô hồng hay giáo điều - để nhân dân biết được về công tác công an trên từng trang báo. Tổng Biên tập Báo ANTĐ Đào Lê Bình cảm ơn "những gợi ý sát sườn" của đồng chí Giám đốc CATP và khẳng định tập thể CBCS Báo ANTĐ sẽ "chuyển hóa tích cực, có lộ trình" để hiện thực hóa những đột phá mới, nâng tầm ảnh hưởng của Báo ANTĐ với phương châm giản dị, phổ thông, gần gũi các tầng lớp nhân dân.
Công tác xã hội tình nghĩa là việc làm thường xuyên hơn 20 năm qua của Báo ANTĐ
(Trong ảnh: Báo ANTĐ cùng các nhà hảo tâm mang quà tới đồng bào vùng cao Quản Bạ, Hà Giang, tháng 12-2012)
Đến với đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa
Năm 2012, Báo ANTĐ vẫn tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp trong công tác xã hội từ thiện, đền ơn đáp nghĩa. Hàng loạt chương trình như xây nhà tình nghĩa cho các gia đình thuộc diện chính sách, xây nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu, giúp đỡ trẻ em nghèo vùng dân tộc, trẻ em bị khuyết tật... đã được tiến hành với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng.
Riêng trong tháng 12-2012 và tháng 1-2013, Báo ANTĐ đã phối hợp cùng nhà tài trợ tổ chức tặng hàng trăm suất quà cho học sinh nghèo ở huyện Quản Bạ, Hà Giang và Mường Lát, Thanh Hóa.
Dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán, Báo ANTĐ sẽ phối hợp với bạn đọc cũng như các nhà tài trợ tổ chức nhiều chương trình từ thiện như phối hợp với Tập đoàn Vingroup tặng 200 suất quà cho gia đình CBCS CATP có hoàn cảnh khó khăn và 100 suất quà cho các hộ nghèo ở xã Cổ Đô (huyện Ba Vì, Hà Nội) trao quà Tết cho các hộ nghèo ở xã Vầy Nưa (huyện Đà Bắc, Hòa Bình) tặng quà cho học sinh khuyết tật trên địa bàn Hà Nội và chương trình Tết cho đồng bào nghèo ở Lai Châu.
Theo ANTD
Hơn 5.500 tấm áo ấm giúp học trò vùng núi Mẫu Sơn bớt lạnh Cuối tuần vừa qua, hơn 5.500 tấm áo ấm và những suất học bổng do các bạn sinh viên Hà Nội quyên góp đã được chuyển tới các em học sinh và bà con xã Công Sơn (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) - vùng đất thường xuyên bị đóng băng trong mùa đông giá lạnh. Học sinh xã Công Sơn hân hoan...