Thưởng Tết giáo viên, khéo co thì ấm
Nghề giáo không có tháng lương thứ 13, lại không có khoản nào chi cho thưởng Tết. Chính vì vậy, để lo Tết cho giáo viên, nhiều trường đã phải “giật gấu vá vai” để có khoản kết dư lo cho thầy cô.
Năm nay, cô Trần Thu Hương – giáo viên tiểu học tại Tp Việt Trì (Phú Thọ) rất vui vì nhận được tiền thưởng Tết 1.000.000 đồng. Cô Hương cho biết, hơn 10 năm trong nghề, đây là năm đầu tiên cô nhận được thưởng Tết. Số tiền tuy nhỏ nhưng đó là niềm động viên rất lớn cho giáo viên sau một năm công tác.
“Người ta cứ nói là giáo viên đã có nghỉ hè hưởng lương rồi không cần thưởng Tết, nhưng thực tế, trong hè, giáo viên làm gì được nghỉ trọn vẹn đâu. Tết đến, người này, người kia ai cũng hỏi thưởng Tết, mình không có thưởng cũng chạnh lòng” – cô Hương nói.
Nhiều nơi giáo viên không c ó thưởng Tết. Ảnh minh hoạ IT
Cô Hương cũng tiết lộ, trong khoản chi phí thường xuyên Nhà nước cấp cho các trường học không có khoản nào dành cho thưởng Tết. Chính vì vậy để có số tiền nhỏ thưởng Tết cho giáo viên các trường phải tiết kiệm từ nguồn chi thường xuyên, đến hết năm tài chính có thể dôi dư ra một ít làm nguồn thưởng cho giáo viên.
Video đang HOT
Cụ thể, ngay từ đầu năm Công đoàn trường đã phải phát động phong trào tiết kiệm trong toàn trường: “Tiết kiệm từ khoản điện, nước, văn phòng phẩm, liên hoan, đi công tác… Ngoài ra, trường cũng tổ chức một số hoạt động dạy năng khiếu, cho thuê căng tin, những khoản này đều được góp vào quỹ thưởng Tết dành cho giáo viên” – cô Hương chia sẻ.
Tại các trường tư thục, vì kinh phí tự thu, tự chi nên năm nào dù ít, dù nhiều các trường đều dành một khoản cho giáo viên. Cô Lưu Thị Hoa – Hiệu trưởng trường mầm non Ban Mai Xanh (Đông Anh – Hà Nội) cho biết: “Không cần biết trong năm thu nhập của trường cao hay thấp, lỗ hay lãi, cứ Tết đến là phải có một khoản nho nhỏ để thưởng Tết cho các cô. Trường có 8 cô giáo, 2 cô nuôi. Hàng năm số tiền thưởng Tết từ 800.000 – 1.500.000 đồng cùng một túi quà Tết” – cô Hoa chia sẻ.
Cũng theo cô Hoa, có năm, lượng học sinh giảm sút, tổng kết lại bị lỗ, cô phải vay tiền để thưởng Tết cho giáo viên chút ít để động viên các cô: “Trường tư tuyển được giáo viên giỏi rất khó, giữ được giáo viên càng khó hơn. Chính vì vậy, giáo viên của trường ngoài việc được đóng bảo hiểm như trường công, thì hợp đồng lao động cũng ghi rõ các khoản khen, thưởng ngày Lễ, Tết đầy đủ để giữ chân các cô” – cô Hoa nói.
Tương tự, tại Tp Hồ Chí Minh, nhiều trường cũng đã làm tốt việc tiết kiệm chi thường xuyên để thưởng Tết cho thầy cô. Từ cuối tháng 11, Công đoàn giáo dục Tp Hồ Chí Minh đã vận động các công đoàn cơ sở và các tổ chức xã hội chăm lo Tết cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là giáo viên vùng sâu, vùng xa.
Theo đó, 1000 suất quà Tết trị giá 600.000 đồng/ suất đã đến tay các thầy cô vùng khó. Thậm chí, công đoàn giáo dục quận 5 còn dành hơn 100 suất quà cho các bảo mẫu, nhân viên cấp dưỡng, bảo vệ… có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Theo Danviet
Tranh cãi: Giáo viên có cần có thưởng Tết?
"Thưởng Tết" luôn khiến các giáo viên ngậm ngùi. Nhưng cũng nhiều người cho rằng, các thầy cô đã có 3 tháng nghỉ hè có hưởng lương là đủ rồi.
Hỏi chuyện thưởng Tết, cô Vũ Thị Hà - giáo viên tiểu học ở Tuần Giáo (Điện Biên) gạt đi: "Gần 20 năm làm nghề có biết đến thưởng Tết là gì đâu mà nói". Cô Hà cho biết, giáo viên vùng cao chỉ mong đến tháng không bị chậm lương, ngày Tết được nghỉ đúng thời gian để về ăn Tết cũng gia đình là vui lắm rồi.
"Năm nào giáp Tết, các thầy cô trong điểm trường cũng phải vận động tìm mọi mối quan hệ quen biết dưới xuôi xem chỗ nào có thể xin cho học trò ít quần áo ấm, đôi ủng, ít gạo, cái bánh chưng... để học sinh ăn Tết. Còn thầy cô, có năm phải trích lương để lại cho người nào ở lại trực trường, lấy đâu ra thưởng" - cô Hà nói.
Khá khẩm hơn, thầy Nguyễn Văn Phúc - giáo viên tiểu học tại Bát Xát (Lào Cai) cho biết, Tết năm nào giáo viên trường thầy cũng được tặng 1 cân đường, 1 gói mì chính, ít bánh kẹo và 1 cặp bánh chưng. "Quà này thực ra cũng là trích từ tiền tiết kiệm của giáo viên cả. Tết về có chút quà cho vợ, cho con, thắp hương ông bà tổ tiên" - Thầy Phúc nói.
Thầy Phúc cũng cho biết, nhiều thầy cô giáo nhà ở xa Tết không có thưởng cũng chả dám về quê ăn Tết: "Có mấy ngày Tết, đi lại khó khăn, tiền lương 1 tháng không đủ về mua quà cáp, biếu xén nên các thầy cô, đặc biệt là các thầy cô giáo trẻ, chưa có gia đình, lương thấp toàn phải "nhịn Tết" để dành đến nghỉ hè rồi về quê một thể" - thầy Phúc chia sẻ.
Tuy không biết đến thưởng Tết, nhưng rất nhiều thầy cô lại cho rằng, điều đó là hoàn toàn bình thường và không nên kêu ca, than vãn.
Thầy Hoàng Văn Chương (Yên Định, Thanh Hóa) cho rằng, có sản xuất, kinh doanh, có sản phẩm, quy ra tiền mới có thưởng. Nghề giáo là một nghề đặc thù, sản phẩm là kiến thức cho học sinh - thứ không thể đo đếm được. "Hơn nữa, giáo viên đã có 3 tháng nghỉ hè được hưởng lương. Mỗi năm cũng có chút chế độ riêng của ngày 20.11, khai giảng năm học mới. Các ngành khác làm gì có những điều này. Thầy cô hãy coi đó là thưởng Tết, không nên than vãn" - Thầy Chương nói.
Tương tự, cô Nguyễn Việt Hòa - giáo viên tiểu học tại Cao Bằng cho biết, ngân sách ngành giáo dục chi cho các trường không có khoản nào dành cho thưởng Tết giáo viên cả. Các trường ở thành phố, miền xuôi có chút tiền thưởng cho giáo viên là nhờ vào tổ chức dạy thêm, học thêm, cho thuê địa điểm, được tài trợ, tiết kiệm điện nước... còn giáo viên vùng sâu, vùng xa thì làm gì có các khoản đó. "Không có thưởng Tết là điều rất bình thường của ngành giáo dục, có thưởng Tết mới là bất thường" - cô Hòa nói.
Dưới đây là những chia sẻ thày cô tâm sự về thưởng Tết trên mạng xã hội:
Theo Danviet
Tin vui gần Tết: Sắp chi trả tiền tỷ phụ cấp cho 22 trường mầm non Sau phản ánh của PV, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An vừa có quyết định giải quyết kinh phí phụ cấp cho 22 trường mầm non ở huyện Kỳ Sơn, có 86 giáo viên ký hợp đồng theo Thông tư liên tịch giữa các Bộ. Hôm nay, nguồn tin PV cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường vừa ký...