Thương người ở lại…
Tôi ra trường rồi vội vàng đi làm kiếm tiền để bố mẹ đỡ phần mình. Lương tháng đầu trầy trật được hơn 2 triệu, người đầu tiên tôi nghĩ đến là ông. Ông nội.
Ông nhận lấy 200 ngàn của tôi rồi bảo: “Ông giữ cho mày thôi, lần sau về ông đưa cho mà đi”. Lần khác tôi về, tôi không còn tiền đi xe, ông đi vay cho tôi 200 ngàn, nhưng ông vẫn nói đấy là ông giữ cho tôi. Ông vẫn hay nói dối tôi như thế, chỉ để cho tôi an lòng. Tôi bật khóc: Thương ông và giận tôi.
Lần nào tôi về, ông cũng ra tận ngõ đón tôi và cười. Ông gắp thức ăn cho tôi, rót nước chè cho tôi uống, bật quạt và mắc màn cho tôi ngủ. Nhưng cái đứa hay cãi lại ông nhất cũng chính là tôi.
Tính tôi thích những cái gì rõ ràng. Ông lại hay bóng gió. Tôi đi học xa nhà, ông gọi lên bảo: “Cháu ơi cháu đừng làm khổ ông nữa, ở nhà người ta đồn ầm lên kia kìa”. Tôi về hỏi mọi người mới biết, có người đồn tôi yêu đương một anh chàng cùng dòng họ. Tìm hiểu mãi mới hay đó là câu chuyện của một cô gái trùng tên tôi trong làng.
Năm tôi lên 5, mẹ đưa chúng tôi vào nam với bố. Tôi học hết lớp 8, em tôi học hết lớp 6 thì bố gửi chúng tôi ra Bắc ở với ông. Suốt gần chục năm ấy, ông cũng vào Nam ra Bắc đến trên dưới chục lần. Ngày ấy cả nhà chúng tôi, cả ông nữa là 5 người cũng còn khó khăn lắm. Bữa sáng cả nhà chỉ ăn cơm trắng, rưới chung một bát nước mắm dầm quả trứng gà. Tôi nhớ có lần, ông bảo: “Mày nấu thêm tí gạo chứ bữa nào ông ăn cũng đói”.
Lúc còn học lớp 5, lớp 6, tôi với cậu em ngủ cùng ông. Nửa đêm, ông sờ đũng quần tôi thấy ướt, ông xót xa: “Khổ thân cháu tôi. Ông yếu thận, cháu tôi nó cũng không tha”.
Video đang HOT
Ngày tôi học cấp 2, đi học về chẳng giúp ông cơm nước còn lăn ra ngủ. Ông không quát giận còn bật quạt, xoay về phía đầu giường cho tôi mát cổ. Vì ông biết tính tôi, ngủ mà không có quạt thốc thẳng vào mặt là không ngủ được.
Ngày còn học đại học, mỗi lần tôi về cũng đều phải ngủ vì say xe. Ông vẫn bật quạt và xoay về phía đầu cho tôi ngủ. Tôi nghiêng người vào phía bức tường gạch để dòng nước mắt lăn nghiêng.
Chiều nắng, ông ra vườn hái nhãn cho chị em tôi, thấy em mang điện thoại ra chụp, ông bảo: “À thế đợi ông vào nhà thay cái áo rồi hãy chụp”. Ông mặc áo bộ đội mới được người ta tặng rồi bắc ghế với chùm nhãn trên cao tạo dáng. Hai đứa tôi lăn ra cười, ông cũng cười theo, tiếng cười ba ông cháu vang một góc vườn chiều ngọt nắng.
Ông già rồi nhưng giọng nói vẫn còn trẻ và vang lắm. Ông bảo hồi còn quân ngũ ông làm chỉ huy. Năm 1983 ông được phong cấp úy. Được 3, 4 tháng, thương vợ con nheo nhóc ở nhà, ông xin nghỉ mất sức. Ngày bà nội mất, mặt ông méo xệch bên bậu cửa không nỡ cho người ta khiêng bà đi. Ngày ấy ông cũng mới chỉ 54. Bà con cô bác thương ông một mình, làm mai cho ông một bà giáo về hưu, nhưng ông từ chối. Ông bảo mình già yếu rồi, lấy người ta về lại làm khổ người ta. Lắm lúc vui ông cũng đùa: “Tao mà lấy bà nữa thì chúng mày làm gì có tí đồng lương của tao”.
Ông ở vậy đến giờ. Năm ông 76, ông tiễn cụ ông về chín suối. Hai năm sau, cụ bà cũng đi theo cụ ông. Năm nay ông cũng gần 80 rồi, phải chăng cái tuổi gần đất xa trời làm cho người ta hay cả nghĩ. Lắm lúc hai ông cháu đang ngồi với nhau, ông buột miệng một câu: “Lần sau cháu về chắc ông chết rồi. Ông lắm bệnh lắm, giờ mà đi khám thì không có tiền. Ở nhà đợi chết thôi”. Tôi nén tiếng thở dài rồi ra vội bể lau nước mắt. Tôi không dám nghĩ đến ngày sẽ mất ông.
Tôi lại phải tạm biệt ông lên Hà Nội xa xôi để mưu sinh. Ông dậy từ 3 giờ sáng vì sợ sáng hôm sau tôi ngủ quên mà lỡ mất chuyến xe sớm đầu huyện. Ông xới cho tôi bát xôi lạc nóng, giục tôi ăn kẻo muộn. Ông tiễn tôi ra đến tận cổng làng rồi lại cười chào tôi. Tôi cứ sợ, lần ấy là lần cuối…
Theo VNE
"Em đừng ép con..."
Thêm một bữa như bao bữa "đàn áp" khác, em cứ liên tục dọa nạt, hấm hứ bắt con ăn một bát cháo đầy, để rồi con oạc ra, nhà cửa bẩn thỉu, ầm ĩ tiếng khóc gào lẫn tiếng quát. Nhìn bát cháo ấy anh còn phải trợn mắt, thấy căng thẳng nữa là...
Ông nội được hôm đến chơi thấy thế mắt như ngấn nước bảo: "Có bắt tao ăn tao cũng khóc".
Anh nhăn nhó góp ý thì em vùng vằng: "Em không muốn lần nào về quê mọi người cũng nhòm ngó, rồi mắng thẳng mặt là lười, vụng không biết chăm con, nuôi con còi".
Em sợ dạ dày con bé lại, mất phản xạ thích ăn nên phải bắt, lý lẽ ấy của em anh không phục, anh nghĩ chính việc nhồi ăn phản khoa học của em mới khiến con sợ hãi đến mức nhìn bát cháo là hoảng. Ăn là bản năng sống, có cái bản năng để tồn tại mà trẻ còn không có thì sau nó có thể làm nổi cái gì.
Trẻ ăn hấp thụ được hay không còn là do cơ địa, có phải béo mập là tốt đâu, con mình không hề bị suy dinh dưỡng, lại nhanh nhẹn, ít ốm vặt anh thấy thế là được, muốn cầu toàn hơn cũng khó. Cơ thể con sẽ tự biết được lượng thức ăn cần tiếp nhận... Em kiên quyết không tin cái "lý thuyết suông" ấy của anh.
Hôm vô tình đọc câu chế: "Trẻ em như búp trên cành/ Bị ăn bị học bị hành muốn điên" anh đọc mà vừa cười vừa buồn. Em biết không, dạo này mấy chị phòng anh có con đang học tiểu học suốt ngày thấy hỏi cách giảm cân cho cả con trai lẫn con gái. Hậu quả của những ngày các chị ấy chạy đua rồi bày cho nhau cách để ép con ăn cho mập mạp, dễ thương. Giờ có đứa chả biết ăn gì mà bụng cứ vươn ra dài hơn mặt, lúc nào cũng no kênh lên mới yên tâm đến trường.
Có đứa cho về hè với ông bà chỉ một tháng cho ăn uống thả phanh lên những hai cân, nhìn nó ục ịch, không chạy được, đi bộ một tí là thở dốc, cả ngày chả học hành được gì chỉ nghĩ đến ăn, anh nghe còn thấy hốt hơn.
Anh thấy em đã quá chú ý đến việc người khác nghĩ gì, nếu thế thì mệt thân lắm, cần phải biết chắt lọc thông tin, mà em cũng rút kinh nghiệm, đừng khuyên ai trừ khi người ta hỏi mình.
Con mình thế nào mình biết, rồi em sẽ thấy còn nhiều việc "lực bất tòng tâm" nữa cơ, làm sao mình ăn hộ hay hấp thụ hộ con được, con là một cơ thể, một con người hoàn toàn độc lập cơ mà. Nó vác được hai mươi cân thì để nó tự vác ngần ấy thôi, việc gì cứ nghe người khác khoe con nhà người ta vác được những ba mươi cân mà về bắt con mình è cổ ra làm điều tương tự.
Nhìn rộng xa hơn, việc này còn liên quan đến tương lai học hành của con nữa. Theo anh mình không nên ép con học, chỉ đưa con vào khuôn khổ, kỷ luật tạo thành thói quen học hành, không lang thang chơi bời, còn việc tiếp thu được kiến thức lại là việc của con. Chúng ta không học hộ con được và cũng chẳng thể nào nhồi nhét hoặc đứng bên cạnh cầm roi bắt nó đọc "Rắn là một loài bò...". Anh cho rằng việc làm đó là thụ động và kém hiệu quả.
Anh tin hai vợ chồng sẽ cùng nhau tạo được cho con một bữa ăn vui vẻ, đa dạng, con có quyền chọn lựa món mình thích, cũng như ta sẽ gắng trao cho con một môi trường học đường lành mạnh, để con được thoải mái tiếp nhận các thông tin kiến thức, để thực sự yêu thích bài vở và tự lựa chọn được con đường học vấn còn dài và xa.
Theo VNE
Cuối cùng em là người ở lại Khi em hôi hân và muôn quay vê thì anh đã chẳng còn đứng ở ngã ba đường đợi chờ em nữa. Ngày hôm qua hai đứa mình chia tay, em quay bước ra đi sau khi đã buông môt lời chào tạm biêt, còn anh chỉ đứng đó, lặng thinh và khẽ thở dài. Ngày hôm qua em đã bỏ rơi anh,...