Thương mại thế giới: Tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2009
Thương mại thế giới đang có tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính. Dữ liệu này nhấn mạnh sự mong manh của sự phục hồi kinh tế toàn cầu và sự biến động của kỷ nguyên “ toàn cầu hóa”.
6 tháng đầu năm nay, thương mại toàn cầu tăng trưởng 0,7%, theo số liệu tổng hợp của World Trade Monitor. Con số này làm nổi bật vấn đề mà nhiều nhà kinh tế quan tâm: sau nhiều thập kỷ tăng trưởng gấp đôi so với tốc độ của nền kinh tế toàn cầu, thương mại thế giới đã chậm lại trong những năm gần đây, khiến một số người lo ngại về sự kết thúc của kỷ nguyên “toàn cầu hóa” với động lực là sự nổi lên của Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác.
Các nhà phân tích tại Capital Economics cho biết, suy giảm thương mại toàn cầu có nguyên nhân lớn từ “hoạt động mờ nhạt của các nền kinh tế mới nổi”. “Tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ rằng đây là một dấu hiệu sớm của một cuộc suy thoái lan rộng trong nền kinh tế toàn cầu”, Capital Economics đã viết trong một lưu ý cho khách hàng.
Ngoài ra, đà đi xuống của thương mại thế giới cũng do các biến động tiền tệ gây ra. Trong khi đồng euro yếu giúp kim ngạch xuất khẩu khu vực đồng euro tăng dần về số lượng, thì đồng USD mạnh tiếp tục cản trở xuất khẩu của Mỹ. Cuộc chiến tiền tệ khiến tỷ giá các đồng nội tệ tại các thị trường mới nổi giảm đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho thương mại thế giới, không giúp tăng xuất khẩu mà ngược lại làm nhập khẩu giảm sút.
Năm nay, Tổ chức Thương mại Thế giới dự kiến tăng trưởng thương mại chỉ đạt 2,8% so với dự kiến 3,1%. Tuy nhiên, các dữ liệu mới nhất, phát hành tuần trước, đưa ra dự báo còn khắc nghiệt hơn. Đó là nếu xu hướng trong 9 tháng đầu năm nay tiếp tục, thì 2015 sẽ là năm tồi tệ nhất của nền thương mại toàn cầu kể từ năm 2009.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, giá trị của xuất khẩu và nhập khẩu nước này giảm trong tháng 10 so với cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó, ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc cho biết, xuất khẩu đã giảm 6,9% trong tháng 10, trong khi nhập khẩu giảm 18,8%.
Ví dụ của Trung Quốc cho thấy sự suy giảm trong thương mại năm nay đã khiến nhiều chính phủ bất ngờ. Chẳng hạn, Bắc Kinh đặt ra mục tiêu tăng trưởng thương mại 6% cho năm 2015 vào đầu năm nay. Nhưng tổng thương mại của nước này hiện đã giảm hơn 8% trong 10 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ một năm trước đó.
Video đang HOT
Kinh tế toàn cầu đang có sự dịch chuyển về cơ cấu. Ví dụ, Trung Quốc đang nỗ lực chuyển từ một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu sang nền kinh tế được hỗ trợ bởi nhu cầu tiêu thụ nội địa; Mỹ có xu hướng trở thành nước xuất khẩu ròng năng lượng. Điều này có nghĩa là thương mại toàn cầu sẽ còn chậm lại.
Nhưng một số nhà kinh tế vẫn lạc quan về con đường phía trước, đặc biệt là về dài hạn. Trong một báo cáo công bố mới đây, HSBC và Oxford Economics dự báo kim ngạch xuất khẩu toàn cầu tăng gấp 4 lần, đạt 68,5 ngàn tỷ USD năm 2050 nhờ vào “giai đoạn thứ ba của toàn cầu hóa”.
Trong đó, thương mại nội vùng chính là động lực giúp châu Á tăng thị phần xuất khẩu của khu vực từ mức 17% hiện tại lên 27% vào năm 2050. Mức tăng mạnh này cũng đánh dấu làn sóng toàn cầu hóa thứ ba với yếu tố thúc đẩy chính là công nghệ mới và sự hội nhập kinh tế đang ngày càng tăng.
Theo Doanh nhân Sài Gòn
Agribank tiếp tục dành ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn
Hoạt động tín dụng những tháng cuối năm của Agribank đang trên đà tăng tốc với quyết tâm về đích đúng kế hoạch đề ra, thể hiện sự khởi sắc trong bức tranh tín dụng năm 2015 của ngành Ngân hàng. Phó Tổng Giám đốc Agribank (PTGĐ) - bà Nguyễn Thị Phượng đã chia sẻ với PV báo ĐS&PL một số ý kiến về lĩnh vực kinh doanh trọng điểm này.
PV: Bà có thể cho biết, tính đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng của Agribank đã đạt được bao nhiêu %? Agribank có phải xin nới thêm room tín dụng để tăng trưởng? Dự tính đến hết năm 2015, mức tăng trưởng tín dụng của Agribank sẽ đạt bao nhiêu %?
Bà Nguyễn Thị Phượng: Đến ngày 23/11/2015, tổng dư nợ tín dụng của Agribank đã tăng trưởng 12,1% so với cuối năm 2014. Theo kế hoạch, trong năm 2015, Agribank tập trung chuyển đổi cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng và điều hành tăng trưởng dư nợ phù hợp với cân đối vốn. Dự kiến đến cuối năm 2015, tăng trưởng tín dụng của Agribank sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra (11-13%).
PV: Những lĩnh vực nào thu hút tăng trưởng tín dụng của Agribank trong năm nay?
Bà Nguyễn Thị Phượng: Tín dụng Agribank tăng trưởng mạnh từ nửa cuối năm 2015, tập trung vào nhóm khách hàng hộ sản xuất và cá nhân; các lĩnh vực kinh tế thu hút tăng trưởng tín dụng mạnh là cho vay chăn nuôi, trồng trọt; cho vay đáp ứng nhu cầu đời sống; cho vay thu mua, chế biến xuất nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm...
Agribank tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, tập trung cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân; doanh nghiệp nhỏ và vừa; lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ và các lĩnh vực ưu tiên khác. Tính đến nay, dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank đã chiếm tỷ trọng 73% tổng dư nợ, đạt 487.453 tỷ đồng.
Bên cạnh cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã và đang triển khai có hiệu quả chương trình cho vay xây dựng nông thôn mới, cho vay hỗ trợ phát triển kinh tế 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, cho vay tái canh cà phê tại các chi nhánh khu vực Tây Nguyên, cho vay tạm trữ lúa gạo, cho vay phát triển thuỷ sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP...
Phó Tổng Giám đốc Agribank - bà Nguyễn Thị Phượng.
PV: Qua sự tăng trưởng tín dụng cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ nét của kinh tế, nhưng liệu lãi suất có biến động theo nhu cầu về vốn đang tăng cao? Và tỷ trọng giữa các kỳ hạn (vốn lưu động, trung và dài hạn) mà Agribank cho vay cụ thể là như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Phượng: Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN, ngay từ đầu năm 2015, Agribank đã triển khai các biện pháp để tăng cường huy động vốn đồng thời thực hiện nhiều biện pháp tiết giảm chi phí hoạt động nhằm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.
Nguồn vốn huy động của Agribank tăng trưởng ổn định, đến thời điểm hiện tại, tăng 11,3% so với đầu năm, lãi suất huy động bình quân giảm gần 0,5% so với 31/12/2014, lãi suất cho vay bình quân giảm 0,61% so với đầu năm. Cơ cấu tín dụng của Agribank cũng được duy trì hợp lý, dư nợ trung dài hạn chiếm trên 37,3%/tổng dư nợ tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu đầu tư phát triển của khách hàng.
PV: Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là thế mạnh của Agribank, bà con nông dân cũng rất mong muốn có thể được vay với thời hạn dài hơn (trung và dài hạn). Vậy, Agribank có ưu tiên nguồn vốn này để các hộ nông dân, chủ trang trại vay được nguồn vốn với thời hạn dài và lãi suất thấp?
Bà Nguyễn Thị Phượng: Hiện tại, dư nợ cho vay trung, dài hạn của Agribank chiếm dưới 40% tổng dư nợ, do vậy, trong thời gian tới, Agribank tiếp tục giữ ổn định mặt bằng lãi suất, đồng thời tăng tỷ trọng cho vay trung, dài hạn để đáp ứng nhu cầu hợp lý cho nông nghiệp, nông thôn và các thành phần kinh tế.
PV: Như vậy, có thể thấy mặt bằng lãi suất cho vay của Agribank hết năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 có sự dịch chuyển gì không?
Bà Nguyễn Thị Phượng: Theo dự kiến, lãi suất cho vay của Agribank sẽ không có điều chỉnh tăng, thậm chí có thể điều chỉnh giảm tùy thuộc vào tình hình thị trường. Đồng thời, Agribank sẽ tiếp tục có những gói tín dụng để hỗ trợ, kích cầu đối với những lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Cụ thể, hiện nay, Agribank đang triển khai một gói cho vay ưu đãi với quy mô 30 ngàn tỷ, lãi suất cho vay tối đa 5,5%/năm. Chương trình được áp dụng với đối tượng khách hàng là doanh nghiệp đang có quan hệ tín dụng hoặc có nhu cầu vay vốn tại Agribank; trong đó, ưu tiên đối với khách hàng truyền thống và doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết.
PV:Theo bà, nếu so với mặt bằng chung thì mức lãi suất này của Agribank ở mức độ như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Phượng: Đây là mức lãi suất rất ưu đãi trong chính sách lãi suất của Agribank, nếu so với mặt bằng lãi suất trên thị trường ở thời điểm cuối năm mà thông thường lãi suất được kỳ vọng sẽ tăng cao thì chúng tôi tin rằng gói tín dụng này sẽ nhận được sự quan tâm và thu hút được nhiều khách hàng tham gia.
Xin cảm ơn PTGĐ!
Hoàng Anh
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Agribank tiếp tục ưu tiên cho lĩnh vực phục vụ sản xuất nông nghiệp Hoạt động tín dụng những tháng cuối năm của Agribank đang trên đà tăng tốc với quyết tâm về đích đúng kế hoạch đề ra, thể hiện sự khởi sắc trong bức tranh tín dụng năm 2015 của ngành Ngân hàng. Phó Tổng Giám đốc Agribank (PTGĐ) bà Nguyễn Thị Phượng đã chia sẻ: "Dự kiến đến cuối năm 2015, tăng trưởng tín...