Thương mại điện tử xuyên biên giới thúc đẩy mở rộng thị trường tiềm năng
Những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử Việt Nam ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN
Sự đa dạng về mô hình hoạt động, về đối tượng tham gia, về quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa thương mại điện tử trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số của quốc gia.
Đưa hàng Việt ra thế giới
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số ( Bộ Công Thương), dù gặp những ảnh hưởng tiêu cực trong năm 2020 do dịch COVID-19 nhưng thương mại điện tử Việt Nam vẫn có những bước tăng tốc mạnh mẽ và trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam cho hay, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số.
Kết quả điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến năm 2020, Việt Nam có 49,3 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến (số liệu này năm 2016 mới chỉ ghi nhận 32,7 triệu người).
Bên cạnh đó, thương mại điện tử giúp người tiêu dùng thông qua internet để mua sắm tại các thị trường quốc tế và trở thành “người tiêu dùng toàn cầu”. Đồng thời, giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng hơn khi giới thiệu và giao sản phẩm của mình đến tay khách hàng quốc tế.
Ngoài ra, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, cọ sát thực tế để hoàn thiện sản phẩm của mình; nâng cao năng lực doanh nghiệp và giá trị chất lượng hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới.
Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, thương mại điện tử xuyên biên giới được phát triển trên nền tảng thương mại quốc tế truyền thống kết hợp với thương mại điện tử đang trở thành trào lưu của các quốc gia có nền tảng thương mại điện tử phát triển như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc … và lan rộng tới các quốc gia đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á như: Indonesia, Thái Lan, Việt Nam… Đơn cử, tốc độ ứng dụng và phát triển thương mại điện tử của Trung Quốc đã tăng theo cấp số nhân trong thập kỷ gần đây.
Thống kê từ Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), năm 2020 doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU đã đạt tới 146 tỷ Euro và chiếm khoảng 25,5% doanh số thương mại điện tử của cả châu Âu.
Theo số liệu Trung Quốc công bố, xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới trong năm 2020 của nước này đạt tổng cộng 1,69 nghìn tỷ NDT, tăng 31,1%. Tổng giao dịch xuất khẩu qua thương mại điện tử tăng hơn 40% lên 1,12 nghìn tỷ NDT, Trung Quốc nhập khẩu hàng hoá từ thị trường nước ngoài qua thương mại điện tử đạt 570 tỷ NDT, tăng trưởng 16,5%.
Video đang HOT
Tỷ trọng thương mại điện tử xuyên biên giới trung bình của khu vực so với toàn cầu tăng liên tục qua các năm, đạt giá trị trung bình 41,3%/năm và tốc độ tăng trở lại đạt trung bình 37,7%/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu (27,4%/năm trong giai đoạn 2016-2020).
Doanh thu thương mại điện tử giữa các công ty và người tiêu dùng (B2C) toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2,883 nghìn tỷ USD. Bên cạnh kênh xuất khẩu truyền thống, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh phân phối hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Mở ra tiềm năng lớn
Thương mại điện tử xuyên biên giới ở Việt Nam đối với doanh nghiệp xuất khẩu còn khá mới mẻ với nhiều quy trình, quy định phức tạp về mặt pháp lý, thủ tục và tài chính của nước xuất khẩu, nước nhập khẩu và các nền tảng thương mại điện tử quốc tế.
Doanh nghiệp làm thương mại điện tử xuyên biên giới cần phải được trang bị kỹ năng đầy đủ về thương mại quốc tế, hiểu biết về thị trường, đảm bảo sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như kỹ năng thương mại điện tử của nước sở tại.
Nhận thấy những tiềm năng của kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, ngay trong vụ vải thiều Bắc Giang năm nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã hợp tác với Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) và sàn thương mại điện tử Voso xuất khẩu thí điểm thành công vải thiều Bắc Giang sang thị trường châu Âu theo phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới trên nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam – Voso Global.
“Có thể coi đây là một bước đi đáng ghi nhận đối với ngành thương mại điện tử Việt Nam trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao sang thị trường nước ngoài có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu qua thương mại điện tử xuyên biên giới”. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá.
Phát huy những kết quả tích cực đó, tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài qua thương mại điện tử xuyên biên giới theo chủ trương chỉ đạo của Chính phủ, trong khuôn khổ chương trình hợp tác cấp Chính phủ về thương mại điện tử giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì phối hợp với các đối tác lớn trong và ngoài nước như sàn thương mại điện tử lớn và uy tín hàng đầu của Trung Quốc JD.com, Vinanutrifood, Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post), VP Bank, Visa … để tổ chức xây dựng “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com.
Đây sẽ là khu gian hàng Việt Nam đầu tiên nền tảng thương mại điện tử quốc tế với các sản phẩm Việt của các doanh nghiệp Việt được phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại thị trường nước nhập khẩu triển khai qua phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới.
Thông qua các kênh phân phối quy mô lớn có sự phối hợp, hỗ trợ trực tiếp từ đội ngũ của JD và các đối tác, hàng hoá do doanh nghiệp Việt sản xuất sẽ được phân phối qua kênh chính thức, uy tín này tại thị trường Trung Quốc.
Thương hiệu của doanh nghiệp tham gia các chương trình sẽ được hỗ trợ quảng bá ngay tại thị trường nước nhập khẩu, điều mà không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng có thể làm được. Điều quan trọng nữa là hoạt động này không chỉ thúc đẩy kênh bán hàng trực tuyến cho sản phẩm của doanh nghiệp mà còn gián tiếp giúp thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với các nhà nhập khẩu lớn ở nước sở tại.
Với vai trò là đơn vị tổ chức, hỗ trợ kết nối, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tập hợp, hướng dẫn các doanh nghiệp, các thương hiệu Việt tổ chức phân phối trên “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” theo đúng quy định của nền tảng thương mại điện tử, của luật pháp tại nước nhập khẩu. Đồng thời, tìm kiếm các nguồn lực từ các đối tác để quảng bá, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt phân phối thuận lợi trên nền tảng thương mại điện tử của JD, thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Do đó, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh nhanh nhất kết nối trực tiếp với khách hàng; hỗ trợ hữu hiệu cho kênh phân phối truyền thống khi thương hiệu doanh nghiệp được quảng bá trực tiếp tại thị trường nhập khẩu.
Phương thức này một mặt sẽ giúp giảm chi phí doanh nghiệp mặt khác giúp phân phối sản phẩm đến người dùng cuối, giúp phát triển và duy trì thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp tại thị trường nhập khẩu.
Ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chia sẻ, thương mại điện tử xuyên biên giới là một thách thức lớn, doanh nghiệp làm thương mại điện tử xuyên biên giới cần thời gian và quyết tâm.
Tuy nhiên, với sự chung tay hỗ trợ tích cực của các bộ ngành Trung ương, địa phương, hy vọng “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com sẽ tạo thêm một kênh phân phối cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, thúc đẩy giao thương hàng hoá, đưa những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới thị trường quốc tế thuận lợi và hiệu quả.
Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2021 sẽ diễn ra vào 3/12
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 2649/QĐ- BCT về việc tổ chức "Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2021" vào thứ sáu ngày 3/12/2021 trên phạm vi toàn quốc.
Các loại quảng cáo cho ngày Black Friday tại Trung tâm thương mại Aeon. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Theo Bộ Công Thương, tổ chức sự kiện trực tuyến hoàn toàn Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2021 phát huy lợi thế ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử, áp dụng các giải pháp giám sát và thúc đẩy hàng chính hãng, hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của các doanh nghiệp tham gia. Đồng thời đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt và các giải pháp, dịch vụ do doanh nghiệp, Start-up Việt phát triển nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong nước về hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam.
Ngày mua sắm trực tuyến 2021 cũng ứng dụng các giải pháp công nghệ số trên nền tảng Internet và mạng viễn thông thể thúc đẩy giao dịch trực tuyến, thương mại điện tử hiệu quả và đảm bảo an toàn an ninh thông tin. Trên cơ sở đó, phổ biến, nâng cao trải nghiệm của người dân, người tiêu dùng về những nền tảng công nghệ số được ứng dụng trong thương mại điện tử.
Mục tiêu Quyết định nêu rõ, từ năm 2021 trở đi, Việt Nam sẽ hướng đến nghiên cứu và kết hợp triển khai Ngày hội mua sắm trực tuyến của khu vực, thúc đẩy và bắt kịp cùng xu hướng phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới đang diễn ra mạnh mẽ trong khu vực.
Theo đó, thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng các giải pháp thanh toán điện tử, hướng đến phát triển giải pháp thanh toán đảm bảo trong thương mại điện tử là nền tảng để xây dựng niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến, tạo tiền đề cho việc tổng hợp, đề xuất với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động khuyến mại trong thời gian diễn ra chương trình.
Trong khuôn khổ ngày mua sắm trực tuyến 3/12/2021 còn diễn ra Tuần lễ mua sắm trực tuyến từ ngày 27/11/2021 đến ngày 5/12/2021 với hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại và mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là 100% (Theo quy định tại khoản 4 Điều 6 và khoản 2 Điều 7 Nghị định 81/2018/NĐ- CP ngày 22/5//2018 của Chính phủ).
Công dân, người tiêu dùng trên toàn quốc truy cập địa chỉ webiste: https://onlinefriday.vn và ứng dụng Online Friday trên các nền tảng di động để lấy thông tin về các chương trình khuyến mãi, giảm giá của các doanh nghiệp tham gia chương trình và mua sắm tại các website, ứng dụng của các doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
Để thực hiện Quyết định, Bộ Công Thương giao nhiệm vụ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan để thực hiện các hoạt động phát động, truyền thông cho chương trình tổ chức lễ phát động chương trình Tuần mua sắm trực tuyến và Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2021 diễn ra vào ngày 26/11/2021.
Chương trình trên các nền tảng số từ 27/11/2021 để cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về các sản phẩm khuyến mại có trong chương trình Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2021. Triển khai hình thức mã giảm giá chung MUASAMVIETNAM và MUASAMVN trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, báo cáo Lãnh đạo Bộ Công Thương.
Đồng thời xây dựng đảm bảo vận hành các hệ thống kỹ thuật phục vụ Chương trình. Tổ chức triển khai tiếp nhận, tổng hợp các chương trình, hoạt động khuyến mại của thương nhân để hỗ trợ đăng ký, thông báo các thủ tục hành chính liên quan.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại chủ động thông tin, hướng dẫn thương nhân thực hiện hoạt động khuyến mại; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận tiện cho thương nhân thực hiện thủ tục hành chính đăng ký hoạt động khuyến mại với Bộ Công Thương theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, Cục Xúc tiến thương mại cung cấp thông tin chương trình khuyến mại, phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan để chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm hoạt động khuyến mại theo quy định của pháp luật; phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để tổng hợp, đánh giá kết quả Chương trình.
Ngoài ra, các đơn vị khác thuộc Bộ Công Thương, Văn phòng Bộ phối hợp tuyên truyền, quảng bá về Chương trình tại trụ sở, website của Bộ Công Thương và trên các phương tiện truyền thông.
Đối với Vụ Thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát động chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước gắn với các hoạt động phát động, truyền thông cho Chương trình.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan, tiếp nhận thông tin của người tiêu dùng phan ảnh về hoạt động khuyến mại vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian diễn ra Chương trình để kịp thời xử lý theo quy định.
Tổng cục Quản lý thị trường, Cục quản lý thị trường chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và nắm bắt thông tin. Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để triển khai, thực hiện.
Đối với các Hiệp hội, ngành hàng có liên quan phối hợp với Bộ Công Thương thông tin, khuyến khích hội viên doanh nghiệp tham gia Chương trình.
Về phía các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình tại địa phương đảm bảo mục đích, thời gian thực hiện; chủ động thông tin, hướng dẫn thương nhân tham gia các hoạt động và Chương trình tại địa phương; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận tiện cho thương nhân thực hiện thủ tục hành chính và thực hiện hoạt động khuyến mại tại địa phương; tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình tại địa phương, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, thương nhân, tổ chức và cá nhân có liên quan chủ động tổ chức các hoạt động khuyến mại, phối hợp, tham gia các hoạt động của chương trình đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Bộ Công Thương khuyến cáo khi mua bánh trung thu rao bán trên mạng Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, trong bối cảnh Tết Trung thu đang đến rất gần và dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để kinh doanh sản phẩm bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, tiềm ẩn nguy cơ gây...