Thương lắm, bụi ơi!
“Mùng một, mùng hai là Tết phai. Mùng ba, mùng bốn Tết tàn” – Nguyễn Ngọc Tư.
Tôi không biết có đúng hay không và có lẽ cũng do tôi chưa đủ lớn để trải nghiệm tất cả những vui buồn của cuộc đời, nhưng với tôi Tết thật sự chỉ đơn giản là những ngày cuối năm đượm mùi của bụi bám trên những đồ vật thân quen, bụi kí ức.
Vào dạo này, vừa hết kì nghỉ Tết Nguyên đán, quay trở lại lao đầu vào việc học tôi lại nhớ về những ngày hăm bảy, hăm tám… những ngày trước Tết. Có lẽ, con người ta hay tiếc nuối, thích hoài niệm về những điều đã qua.
Dọn nhà đón Tết. Ảnh: IT.
Tết của tôi mở đầu là mấy việc vặt, lau chùi quét dọn tối cả mặt mũi. Chỉ nghĩ thôi mà tôi đã sợ. Lũ bụi quỷ quái ấy không biết từ đâu ra mà sẵn sàng hiện diện ở mọi nơi, bàn, ghế, tủ, xó bếp, trong nhà kho… Tết đến là mẹ tôi lại lấy tất cả ra, lau, rửa, phủi bụi sạch sẽ từng món đồ dù là nhỏ nhất. Như cái tủ chén là một ví dụ, nhà tôi chỉ có bốn người nên dùng rất ít chén dĩa, còn lại chỉ để nguyên trong tủ quanh năm. Tết đến, tất cả từ chén, muỗng, đũa, thau, nồi dù có dùng hay không cũng được rửa sạch sẽ và tươm tất đón năm mới. Còn vô số những ngóc ngách ở khắp nhà cũng buộc phải sạch, gọn gàng và mới mẻ.
Gia đình tôi tin vào những tín ngưỡng, văn hóa truyền thống Việt Nam. Trong những ngày đầu năm, mọi thứ đều đầy đủ, tươi mới sẽ hứa hẹn một năm ấm no, sung túc. Vậy đó mà năm nào Tết về tôi cũng lại đối mặt với kẻ thù mang tên “bụi”.
Nếu đã gọi là “kẻ thù”, bụi đáng ghét như vậy thì sao tôi còn nhớ thương? Bởi lẽ, bụi mang màu xưa cũ của kí ức, những điều đã qua. Cuối năm, khi sắp xếp những vật đã cũ, gói ghém cho xong việc của năm cũ tôi ngạc nhiên nhận ra tâm hồn mình khi đó thật mới mẻ, như trẻ lại, có lúc như trưởng thành hơn. Thật lạ nhỉ? Ngẫm lại, mỗi lần dọn nhà đón Tết, có bao lần tôi bất chợt thốt lên tên đứa bạn cũ khi quét bụi mấy cuốn album ảnh ngày bé, có khi tôi lại đem đi khoe với mẹ hình của tôi, của mẹ và gia đình mình khi xưa… Tôi xem ảnh của những cái Tết ấu thơ rồi bùi ngùi xúc động, tôi và mấy anh chị em giờ đã lớn, cha mẹ và cô chú thì thêm tuổi, ông bà lưng đã còm xuống nhiều, và có những người thân tôi không còn gặp được nữa.
Dọn nhà kho, tôi bắt gặp tờ báo cũ có ảnh mẹ bế tôi thi “Bé khỏe, bé ngoan” lúc chưa đầy một tuổi, tờ báo thiếu nhi mà lần đầu tên tôi được in lên đó. Túi quần áo cũ của tôi khi bé vẫn được mẹ giữ gìn cẩn thận qua bao năm tháng, lấy ra nhìn, ngắm nghía rồi hai mẹ con tôi cùng cười. Những cánh cửa tủ chén, tủ quần áo, tủ lạnh thì lấp đầy bằng những hình dán đủ màu sắc, đủ kích cỡ mà tôi và đứa em gái đã tinh nghịch sáng tạo nên suốt những ngày tháng thơ ấu…
Video đang HOT
Ảnh: IT.
Mỗi lớp bụi bay đi là khi lòng rưng rưng thấy mình lâu nay vô tâm đến thế. Vậy mới hiểu tại sao mẹ vẫn miệt mài làm việc, vẫn thích dọn dẹp mỗi khi Tết về dù vất vả bao nhiêu, hiểu rằng mẹ đã giữ gìn, cất giữ những kỉ vật vô giá ấy như cách mẹ vun vén hạnh phúc gia đình. Chạm vào từng vật để lau chùi như chạm vào kỉ niệm, chạm vào những câu chuyện không đầu không đuôi nhưng khắc sâu vào tâm khảm tôi để khi nhớ về không khỏi chạnh lòng. Từng mảnh kí ức cũ vỡ vụn như những hạt bụi bé xíu vì đã lâu tôi không còn để tâm, bỗng dưng được ghép lại thành một bức tranh rực rỡ và đẹp lạ kì.
Tôi tự hỏi phải chăng cuộc sống hối hả nên con người ta ngày càng vô tâm với mọi thứ xung quanh? Những thứ tưởng như thân thuộc, hiện hữu mỗi ngày trong ngôi nhà nhỏ đã bị bỏ quên bởi những nỗi lo trong cuộc sống thường nhật. Để rồi trong những ngày kết lại một năm cũ, tôi lại bồi hồi tìm về những gì đã qua và sống lại trong kỉ niệm, biết yêu thương gia đình và trân trọng từng giây phút mình được sống. Tôi thấy mình như lớn lên với những nghĩ suy về cuộc đời qua từng hạt bụi nhỏ. Không biết từ khi nào, tôi đã trót yêu mùi bụi rồi!
Càng lớn tôi mới nhận ra ăn Tết không chỉ là những cuộc vui từ sớm đến khuya, những bữa ăn no nê, mấy món quà đắt giá mà Tết là khi ta nhận ra mình đã lớn, khi ta nhìn lại một chặng đời đã qua để tiếp tục hành trình phía trước và là lúc ta nhận ra những giá trị bình dị, giản đơn mà ta bỏ quên từ lâu lắm.
DIỆU THI
Theo thegioitiepthi.vn
Tết là để vui
Tết là để cùng con tìm về văn hóa truyền thống của dân tộc, hà cớ gì cho con thấy sự lo âu, mệt mỏi? Mà không chỉ có tết, tôi sẽ cùng con cảm nhận niềm vui trong cuộc đời một cách đơn giản nhất.
Đi làm về, tôi nghe con gái hơn hai tuổi của mình với cái giọng chưa tròn vành rõ chữ, hát líu lo "tết tết tết tết đến rồi". Thấy con được bà ngoại diện cho bộ áo dài, tung tăng chạy nhảy, chợt ngẩn người... tết của mình đã về trong câu hát của con.
Hai mươi mấy năm trước, khi tôi ở tuổi con, tết của tôi như bà tiên, ông bụt, như những gì huyền bí nhất mà tuổi thơ tôi có thể nghĩ đến và mong đợi.
Tết của tôi lúc ấy là tấm áo mới ba mẹ đi chợ huyện mua cho để con xúng xính mặc đầu năm. Hồi ấy, gia đình tôi nghèo lắm. Có năm, ba mẹ không đủ tiền mua cho tôi bộ quần áo mới. Ngày đầu năm, ba bế tôi trong nước mắt, còn tôi vẫn vô tư cười, hát véo von. Chỉ đến khi lớn lên, nghe kể lại, mới thấy xót xa, thương ba mẹ quá đỗi.
Ảnh minh hoạ
Tết là nồi bánh tét của ông bà ngoại, mấy đứa cháu quây quần thổi lửa rồi ngủ lăn quay. Sáng hôm sau đã thấy bánh chín, cùng nhau tìm những chiếc bánh tét tí hon mà ông bà, cậu mợ đã gói riêng cho cháu.
Tết là những bao lì xì, là con heo đất được nâng niu, là hũ dưa món mẹ làm, là chiếc bánh ít nhân dừa, nhân đậu thơm lừng và vị ngọt còn đọng mãi trên đầu lưỡi. Tết của tôi còn là niềm háo hức đón mấy đứa em con cô chú ở xa về. Cùng ăn, cùng ngủ, cùng nức nở khóc mỗi khi hết tết, các em lại rời quê.
Rồi tôi lớn lên, lấy chồng, sinh con. Tết không còn huyền bí nữa mà đôi khi nặng trĩu những lo âu. Tết này mua gì cho hai bên nội ngoại? Tết này sửa soạn gì để cúng ông Công, ông Táo, tất niên? Tết này mua cho con, cho cháu cái gì? Tết này không biết chồng có trực ở đơn vị không hay được về nhà ăn tết? Bao nhiêu "cái gì", "làm thế nào" quấn lấy chân. Tuổi thơ xa dần, những ngây thơ xa dần, niềm vui ngày tết cũng xa dần. Không phải vì tết nay đã nhạt, mà vì vai trò của tôi giờ đã khác. Khi đã nhuốm những bộn bề lo âu, khó có thể cảm nhận trọn vẹn niềm vui. Nhiều khi tôi tự hỏi, không biết những ngày tôi còn bé, ba mẹ có lo âu như tôi lúc này, mỗi khi tết đến...
Hôm nay, nhìn con gái nhún nhảy trong bộ áo dài, hát vang khúc ca rộn ràng ngày tết với khuôn mặt bừng sáng, vô tư, tôi chợt thấy như tết ngày xưa của mình trở về trước mặt. Những nỗi lo cũng nhẹ tênh như bong bóng xà phòng.
Tôi tự nhủ sẽ dành thời gian cùng con gái gói bánh tét tí hon, để con được cùng mẹ nấu bánh và xách tòng teng như tôi ngày xưa. Tôi sẽ cùng con lau chùi bàn ghế, dọn nhà. Dù bàn tay bé bỏng chắc sẽ làm hỏng nhiều hơn làm được nhưng hai mẹ con sẽ có những giây phút vui vẻ bên nhau. Tôi sẽ bật những bản nhạc xuân và mời con cùng nhảy, để niềm vui của con bừng lên thêm trong mắt.
Tết là nồi bánh tét của ngoại... (Ảnh minh hoạ)
Tôi sẽ chuẩn bị những món quà nhỏ và rủ con đi thăm các bạn ở mái ấm trẻ em đường phố, để con biết chia sẻ. Tôi sẽ lì xì cho mình và con những cuốn sách hay về tết và cuộc sống.
Tôi sẽ dắt con đi chợ hoa để xem muôn hoa rực rỡ và cùng con cảm nhận sự nhộn nhịp của phố phường.
Nhiều người thường than thở rằng tết nhạt, tết mệt. Cũng phải thôi, bởi khi qua cánh cổng tuổi thơ, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thay đổi trong đời, gồm cả những cảm nhận về tết. Nhưng tôi tin, với những đứa trẻ, niềm vui tết của chúng vẫn như ta ngày xưa, hồn nhiên, vô lo. Trong dòng chảy hối hả và bộn bề của cuộc sống, tôi đã học được cách tối giản những nhu cầu và bằng lòng với hiện tại.
Tết là để đoàn viên, để nạp năng lượng cho năm mới, hà cớ phải đọa đày mình trong tầng tầng lớp lớp nhiêu khê? Tết là để cùng con tìm về văn hóa truyền thống của dân tộc, hà cớ gì cho con thấy sự lo âu, mệt mỏi? Mà không chỉ có tết, tôi sẽ cùng con cảm nhận niềm vui trong cuộc đời một cách đơn giản nhất.
Cao Hải Vân
Theo phunuonline.com.vn
Người hạnh phúc là người không có quá nhiều ham muốn Một người sáng suốt luôn có một âm thanh trong lòng tự nhắc nhở mình: "Càng có nhiều không đồng nghĩa với càng hạnh phúc. Hạnh phúc không phải nằm ở việc đã có được bao nhiêu mà nằm ở chỗ thấy đủ rồi!" Người Paris luôn được thế giới biết đến là có phong thái lịch sự, văn hóa ăn mặc, giao...