Thương lắm áo dài ơi!
Cả thời con gái, tôi chưa từng được mẹ may cho chiếc áo dài nào, tôi chỉ có duy nhất chiếc áo dài bằng vải đũi màu trắng đục bà khâu cho.
Chiếc áo dài bằng đũi trắng ấy tôi nâng niu cả thời con gái, vì mỗi lần mặc nó vào, tôi lại có cảm giác lấp lánh xốn xang như mình là một cô công chúa nhỏ trong một miền cổ tích.
Tôi vẫn nhớ như in cảm giác của một chiều mùa thu, khi những tia nắng buổi chiều còn đung đưa trên vòm cây vông trước cổng, tôi đi học về, con Lu chồm lên tay tôi mừng rỡ, nó ríu rít dẫn tôi vào chỗ nhà ngang bà vẫn hay ngồi khâu vá. Bà bảo “Cháu mặc thử chiếc áo dài bà mới khâu, cháu bà sắp thành con gái rồi, cũng cần phải có một chiếc áo dài chứ”.
Tôi ướm thử, chất vải đũi hơi gai gai chạm vào da thịt tôi thật dễ chịu, chiếc áo hơi rộng so với vóc dáng bé nhỏ gầy gò chưa dạy thì của tôi. Nhưng trong mắt bà, tôi lại vụt trở thành nàng lọ lem với xiêm y lộng lẫy.
Bà thốt lên với đôi mắt sáng rực rỡ ” Chao ôi! cháu tôi đẹp quá”. Tôi vui mừng cởi chiếc thun buộc tóc ra cho tóc xổ xuống vai, buông dài phủ kín lưng chân sáo chạy ra cổng khoe với thằng bạn học. Nó trố mặt ngạc nhiên mà kêu lên như tôi là ai vậy ” Trời ơi, mày đẹp quá!”. Từ đó tôi mới biết mình mặc áo dài thật đẹp.
Video đang HOT
Không chỉ có tôi mới mặc áo dài đẹp, mà bất cứ ai khi khoác lên mình chiếc áo dài tôi đều thấy họ thật đẹp, đẹp một cách nền nã, dịu hiền. Tôi vẫn nhớ những hình ảnh bà tôi đi chùa, vào mỗi ngày rằm, mồng một, khi ấy bà thong thả vấn tóc, thong thả khoác chiếc áo dài màu nâu sòng lên người và chậm chãi cài từng khuy áo. Lớn lên tôi cũng được bà cho theo lên chùa, tôi mặc chiếc áo dài bằng vải đũi trắng bà khâu, tóc tôi đen nhánh buông dài, tay tôi xách cái giỏ cói trong đó có đựng đồ cúng lễ, hai bà cháu đi trên con đường làng trong ánh bình minh sớm xuyên qua những bụi cây là hình ảnh tôi lưu giữ mãi trong ký ức mình.
Lớn lên tôi đi học xa nhà, trong hành trang của tôi luôn có chiếc áo dài vải đũi màu trắng đục ấy, tôi nâng niu như báu vật của mình. Dù sau này tôi đã may biết bao nhiêu chiếc áo dài với đủ các sắc màu rực rỡ, thêu đủ các loại chim công phụng.
Chiếc áo dài luôn là niềm tự hào của biết bao người phụ nữ Việt Nam, nó không chỉ là quốc phục nó còn là đại diện cho sự nữ tính, dịu dàng và tôn lên sắc vóc vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Áo dài, chuyện của kí ức, chuyện của tương lai
Có lẽ, không có trang phục nào trên đất Việt kì diệu và đẹp đẽ như chiếc áo dài. Vẻ đẹp ấy gói trọn những câu chuyện của kí ức đẹp đẽ và còn tiếp nối đến tương lai.
Áo dài có từ bao giờ? Đó là một câu hỏi được nhiều người Việt đặt ra rất nhiều lần, dẫn đến nhiều quan niệm khác nhau. Có người bảo, áo dài chỉ mới có khoảng trăm năm nay, được thiết kế lại bởi những nhân vật thời Pháp thuộc, thời Mỹ đô hộ. Nhưng, đó chỉ là quan niệm sai lầm, bởi, đó là những thời điểm và quá trình mà áo dài được cải biên, cách tân cho hợp thời. Cũng có những dân tộc tự "nhận vơ" áo dài là của mình, đưa vào những bộ sưu tập hoành tráng để trình diễn, để rồi bị cộng đồng người Việt và bạn bè quốc tế lên tiếng phản ứng.
Thực chất, nếu nói về lần đầu xuất hiện, người ta cho rằng, áo dài đã có mặt từ thời Hai Bà Trưng, được hai bà mặc khi uy dũng cưỡi trên lưng voi ra trận đánh quân Đông Hán. Những hình ảnh trên mặt chiếc trống đồng Đông Sơn (700 TCN - 100) cho thấy hình người Việt cổ thời đó đã mặc trang phục với hai tà áo xẻ đôi. Loại trang phục này được nữ giới sử dụng phổ biến kéo dài từ năm 2000 trước công nguyên cho tới năm 200 sau công nguyên. Đây được cho là thời điểm khởi phát ra hình dạng đầu tiên của chiếc áo dài Việt Nam.
Đến những năm của thế kỉ 17-18, dưới thời Nguyễn, áo dài trở nên phổ biến, với tên gọi áo giao lĩnh. Áo giao lĩnh còn được gọi là áo đối lĩnh, được may rộng, xẻ hai bên hông, cổ tay rộng, thân dài chấm gót. Thân áo được may bằng 4 tấm vải kết hợp mặc cùng thắt lưng màu và váy đen. Đây là kiểu áo cổ chéo gần giống với áo tứ thân.
Sau nhiều biến cổ lịch sử, được cách tân bởi nhiều nhân vật có ảnh hưởng đến giới nữ, chiếc áo dài có được hình dạng như ngày hôm nay.
Một đoạn lịch sử về chiếc áo dài để thấy rằng, câu nói "áo dài gói trọn hồn dân tộc" là một sự ví von đẹp và đúng lắm. Chiếc áo dài xuất hiện từ ngàn năm trước, đi cùng lịch sử giữ nước và dựng nước, không chỉ là một trang phục "mặc cho đẹp". Chiếc áo ấy mang vẻ đẹp của văn hóa truyền thống người Việt, chứng kiến sự thay đổi của thế cuộc, của thời đại, được cải tiến qua các thời kì với sự thay đổi trong gu thẩm mỹ của phụ nữ Việt Nam.
Áo dài, ấy chính là câu chuyện đẹp của quá khứ cần gìn giữ, nâng niu và trân trọng. Đã có một đoạn thời gian cách đây chưa xa, vì mưu sinh, vì cơm áo và vì cả sự tiếp nhận ồ ạt văn hóa phương Tây và các nước, phụ nữ Việt "tạm thời" quên mất áo dài. Họ tìm đến những trang phục mới mẻ hơn, lạ mắt hơn, hiện đại hơn.
Nhưng rồi, như quy luật của vòng xoắn ốc, rời đi là để trở về, để yêu thương và trân trọng hơn, chiếc áo dài lại trở về với đời sống người Việt, sau những nỗ lực âm thầm hay mạnh mẽ của nhiều người, nhiều tổ chức. Những lễ hội áo dài ở các thành phố lớn. Những nghiên cứu hay ho về áo dài được công bố. Nhiều nhóm "Việt phục, cổ phong" ra đời trên mạng xã hội, "thổi" thêm tình yêu văn hóa Việt, yêu áo dài và trang phục dân tộc cổ vào lòng người. Các nhà thiết kế áo dài nghiên cứu ra nhiều hơn những thiết kế đẹp, những hoa văn và chất liệu độc đáo, góp phần "nâng tầm" áo dài Việt Nam, đưa trang phục Việt ra quốc tế.
Chiếc áo dài duyên dáng tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt.
Cứ thế, chiếc áo dài tan trong nhịp sống của người Việt. Những chiếc áo dài trắng rợp như cánh chim câu của nữ sinh trên đường đến trường. Áo dài duyên dáng mà nền nã mỗi sáng thứ hai công chức đến công sở. Áo dài rực rỡ sắc màu của những gia đình nhỏ, của những "hội bạn bè" cùng nhau làm bộ ảnh lưu dấu tháng ngày tươi đẹp. Áo dài tung bay đầy kiêu hãnh trên đấu trường nhan sắc quốc tế...
Phụ nữ Việt yêu chiếc áo dài, bởi trang phục ấy tôn vinh vẻ đẹp của họ. Vừa kín đáo, trang nhã, mà lại rất đỗi gợi cảm, chiếc áo dài thật khéo làm sao, khiến người phụ nữ bộc lộ được hết những đường nét cơ thể thiên phú. Dù cho là người phụ nữ yếu mềm hay mạnh mẽ, người làm việc văn phòng hay buôn bán, nội trợ, khi khoác lên người chiếc áo dài, người phụ nữ đều thấy mình trở nên đẹp hơn, duyên hơn, tràn trề nữ tính.
Đàn ông lại càng yêu thích chiếc áo dài, bởi nó khiến những người đàn bà trở thành "nàng thơ" trong mắt họ. Người đàn ông nào mà chẳng ngẩn ngơ trước một vóc dáng yêu kiều, trước những đường cong thấp thoáng, những duyên dáng ngọt ngào?
Phụ nữ thì cứ mặc áo dài, cứ làm nàng thơ. Và đàn ông thì sẽ làm thơ, viết nhạc ca tụng vẻ đẹp ấy. Như nhà thơ Nguyên Sa từng viết như thế này: "Có phải em mang trên áo bay/Hai phần gió thổi, một phần mây/Hay là em gói mây trong áo/Rồi thở cho làn áo trắng bay?".
Từ chiếc áo dài thuở mới thành hình được Hai Bà Trưng khoác oai phong trên lưng voi đánh trận, đến chiếc áo giao lĩnh đậm chất dân tộc được các tầng lớp mặc dưới thời Nguyễn, rồi đến những chiếc áo dài tà ngắn, tà dài của thời Pháp thuộc, thời Mỹ miền Nam trước năm 1975 và cho đến chiếc áo dài hoàn thiện, đẹp đẽ, phong phú về kiểu dáng, chất liệu và màu sắc hôm nay là một hành trình đầy thú vị. Hành trình ấy lưu giữ văn hóa cội nguồn Việt từ quá khứ ngàn năm, trải đến hiện tại đẹp đẽ, thơ mộng. Hành trình ấy sẽ còn được tiếp nối đến tương lai vô tận. Bởi, còn nước Việt, còn người Việt, áo dài sẽ vẫn còn.
Tiếp sức cho áo dài... "Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó"... Những ca từ rất hay trong ca khúc "Một thoáng quê hương" được nhạc sĩ Thanh Tùng và Từ Huy sáng tác bằng cảm xúc của những chiếc áo dài thướt tha xuống phố. Tự hào áo dài Việt Tà áo dài Việt Nam tồn tại bao...